YujaWang
(Ảnh từ Instagram của Yuja Wang)

Lúc nhỏ, tôi hay nghe người lớn nói “Tri túc, đãi túc, hà thời túc. Tri nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn”, tôi nghĩ làm sao và khi nào thì mình biết đủ. Thật khó! Bởi tôi biết đã là người thì trong lòng luôn có tham, sân và si. Chính nó là những khó khăn và trở ngại mà chúng ta phải chiến đấu từng giờ trong cái thân xác nhỏ bé này!

Sau 30 năm miệt mài với cơm áo gạo tiền, vui buồn lẫn lộn. Ý nghĩ về hưu len lõi trong tôi nhiều tháng, nhiều ngày, đứt đoạn, lúc này, lúc khác. Tôi thấy không dễ quyết định chút nào. Nó có khi làm tôi hoang mang, lo lắng và ưu tư. Về hưu rồi làm gì cho hết giờ đây. Câu hỏi này theo tôi mãi.

Cho đến một ngày. Một ngày đầu tháng 10 cách đây một năm. Một buổi sáng trời thu như hôm nay đây, khi ông boss của tôi giao tôi nhiệm vụ mới; trong tíc tắc, một cảm giác “đủ” xâm chiếm lấy tôi. Đủ tiền để về hưu, đủ áp lực để không còn thấy hứng thú trong công việc nữa, đủ mạnh dạn để nói với ông chủ “Hôm nay là ngày cuối của tôi”. Một bất ngờ với ông làm ông sửng sốt, nhưng với tôi là khoảnh khắc tôi hiểu được hai chữ buông bỏ là gì. Tôi như bay bỗng, nhẹ tênh. Thật vậy, không dễ dàng để buông bỏ một công việc mà tôi đã mỗi ngày đi đi về về trong 30 năm ròng rã. Những ngày mưa tuyết ngập trời, tôi vẫn thức dậy thật sớm với lòng hăng hái. Những hôm trời lạnh âm 20 C, tôi vẫn hứng thú ra công trường trong cái lạnh thấu xương. Những hôm lái xe đến chỗ làm vừa đi và về mất đến 6 tiếng đồng hồ mà không thấy mệt mỏi. Vậy mà bỗng chốc tôi nói lời chia tay với công việc một cách nhẹ nhàng đến không ngờ! Cảm giác “đủ” thật diệu kỳ.

Khi chúng ta cảm thấy đủ, cảm giác nhẹ tênh như mây trời bềnh bồng trên không. Bởi cảm nhận “đủ” không phải dễ dàng mà có được. Đã một năm qua, từ ngày tôi nói lên được “hôm nay là ngày cuối của tôi”, cảm giác bay bổng này vẫn còn dư âm đâu đó trong tôi. Quyết định này thật là một thử thách vô cùng lớn trong cuộc đời tôi. Bởi không khéo là những tiếc nuối cả vật chất lẫn tinh thần.

Nhưng mà tôi luôn thấy mình may mắn! Cả đời may mắn, mỗi khi nhìn lại cuộc đời mình. Điều này không có nghiã là tôi đã không từng thất bại, không từng lầm lỡ, không từng phấn đấu đến rã rời. Dù thế, tôi lại đang muốn chia sẻ với các bạn về cái may mắn mà tôi đang sắp chạm vào.

May mắn mà tôi đã có, đó là cái may mắn tôi đã thoát chết trên đường đi tìm tự do và được đến định cư nơi này. Nơi cho tôi nhiều cơ hội để làm lại cuộc đời và nhiều cơ hội để trau dồi kiến thức. Chương trình học luôn có những môn học về nhân văn, về tâm lý học, âm nhạc, hội họa, nhảy đầm, thể thao và nhiều môn khác nữa, tạm gọi là văn khoa (liberal arts) dù là học để trở thành kỹ sư, bác sĩ hay luật sư…. Tuỳ theo ngành nghề mà mình lấy nhiều hay ít những môn học không thuộc về chuyên môn của mình. Họ tin rằng để hoàn thiện hơn trong ngành nghề học sinh cần có đủ hiểu biết về mọi mặt. Tôi tin vào cách giáo dục này. Nó cho tôi có một thế giới quan rộng lớn hơn.

May mắn mà tôi sắp chạm vào và đang muốn chia sẻ với các bạn, đó là tôi sẽ đi học trở lại ở tuổi 62. Học gì và làm thế nào tôi có thể trở lại học với số tiền hưu? Tôi xin gửi đến các bạn những gì tôi biết được sau khi tìm hiểu.

Các bạn ạ, không biết ở những tiểu bang khác thì sao, ở nơi tôi đang ở, khi bước qua tuổi 62, mọi công dân đều có quyền ghi danh đi học trở lại mà học phí rất rẻ phù hợp với túi tiền của người về hưu. Tôi có thể trở về trường cũ, làm học sinh cũ của trường U of M (University of Minnesota,) nơi tôi đã học cách đây 36 năm, dùng lại account cũ với số ID cũ. Ai chưa từng học ở đây thì nộp đơn xin ghi danh làm học sinh mới. Tiền học cho học sinh dưới 62 tuổi khoảng chừng trên dưới $ 500 US cho mỗi credit, tuỳ theo ngành nghề, tuỳ theo môn học. Còn trên 62 tuổi chỉ trả $ 10 US cho mỗi credit.

Học sinh có thể ghi danh học để có văn bằng hay chỉ học để trau dồi kiến thức, tuỳ theo sự lựạ chọn của mìmh. Dù thế cũng có những giới hạn của nó. Có nghiã là chúng tôi chỉ được ghi danh khi có chỗ vì những học sinh chính thức được ưu tiên ghi danh trước.

Trong khi đi tìm hiểu về chương trình dành cho người lớn tuổi đã bước qua tuổi 62, tôi thắc mắc vì sao chương trình này dành nhiều ưu tiên cho những ai về hưu mà ngày xưa làm trong nghành đường sắt. Thế là tôi tìm hiểu tiếp. Xin chia sẻ với các bạn chút hiểu biết của tôi.

Ngành đường sắt ở Mỹ bắt đầu vào những năm 1860 và đã từng là đỉnh cao của sự phát triển về giao thông ở thế kỷ 20. Với một chiều dài hơn 2000 miles từ tiểu bang Missouri đến California, khi đi bằng xe ngựa họ phải mất đến hơn 4 tháng, nhưng chỉ cần 6 ngày khi đi bằng xe lửa. Và ngành đường sắt có đến 1.8 triệu công nhân viên, đông hơn hẳn bất cứ ngành kỹ nghệ nào khác. Nhưng sau cuộc đại khủng hoảng kinh kế (Great Depression) của những năm 1930, nhà nước quyết định hình thành phúc lợi xã hội theo một hệ thống căn bản cho tất cả công nhân viên. Cũng trong thời gian này, ngành đường sắt yêu cầu một hệ thống phúc lợi đặc biệt dành riêng cho công nhân viên đường sắt. Tôi nghĩ đó là lý do họ có nhiều ưu tiên hơn. Cho đến ngày nay, ngành đường sắt vẫn còn đóng một vai trò rất quan trọng trong việc vận chuyển dù chúng ta đã có máy bay, xe hơi. Và hệ thống phúc lợi cho người dân từng bước được cải thiện cho đến ngày nay, một phúc lợi xã hội thật tuyệt vời mà tôi có may mắn được chạm vào.

Trong mỗi may mắn mà tôi có được, tôi luôn thắc mắc không biết bên Việt Nam, sau gần 40 năm tôi bỏ nước ra đi, chúng ta có thêm được những phúc lợi xã hội nào, chẳng hạn như chương trình dành cho người lớn tuổi như thế này không? Tôi mong là có, bởi nhiều khi lúc trẻ mình học chỉ nghĩ đến kiếm cơm, giờ mình học theo sở thích. Chẳng hạn mình có thể học vẽ, học nhạc, học nhảy, học thiết kế, hay học để hoàn thành hoài bảo mà mình ấp ủ nhưng lúc trẻ vì rất nhiều lý do mình không thể thực hiện được. Chẳng hạn như mình có thể học để trở thành thành luật sư, bác sĩ, kỹ sư, y tá, cô giáo, thầy giáo ect……hoặc học những môn học như lịch sử, tâm lý học, xã hội học, nhân văn học…..còn nhiều môn mà tôi không kể ra đây hết được để trau dồi kiến thức hay không muốn não bộ của mình ù lì.

Các bạn ạ, đối với tôi, về hưu rất thú vị, vì mình được làm những gì mình thích, không bị áp lực bởi công việc, bởi cơm áo gạo tiền. Dù thế, cũng nên có chút kế hoạch để không phải rơi vào trạng thái không biết làm gì cho hết ngày. Có khi lại buồn chán vì thấy mình không còn hữu ích nữa, rồi rơi vào trạng thái trầm cảm. Tôi lại nhớ đến bài hát “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui”của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Hãy chọn cho mình niềm vui nghen các bạn.

Thật vậy, tôi cảm thấy tôi bận rộn hơn lúc tôi còn đi làm nhiều lắm nhưng là những bận rộn ngọt ngào và êm đềm. Cảm nhận mà hiện giờ tôi đang có là mỗi sáng khi mở mắt ra, tôi có thể nằm ráng thêm cả tiếng, nhắm mắt lại, hít vào thở ra thật sâu mà không còn ba chân bốn cẳng, đôi khi không có giờ ăn sáng để lái xe đến hãng trong cái giá buốt đến cóng người khi mùa đông về trên xứ vạn hồ cực bắc của nước Mỹ.

Rảo bước trong khu vườn sau nhà vắng lặng vào buổi sáng trời thu, không gian tĩnh lặng, không khí trong lành, tôi chạnh lòng nghĩ đến quê nhà, dân tôi đang sống trong bầu không khí ô nhiễm, thực phẩm và nguồn nước độc hại và sau gần nữa thế kỷ, dân tôi vẫn đi tìm một đời sống khá hơn để rồi chết thê thảm, chết thật đau buồn mà đáng ra dân tôi phải được hưởng những phúc lợi, nhân quyền và bình đẳng của một con người. Ai là người chịu trách nhiệm cho cái chết của những em trong số 39 em đã chết vì cóng trong xe chở thưc phẩm? Cả hai tuần nay, cả thế giới hướng về em, đặc biệt là nước Anh. Họ không cùng máu mủ, họ không biết các em là ai, nhưng họ đã đến với các em với tất cả tấm lòng yêu thương nhân loại. Còn chúng ta là con dân Việt Nam, cùng giòng máu Lạc Hồng, chúng ta đã làm gì? Nhưng làm gì? Tôi không biết. Tôi biết là tôi chạnh lòng, mà thế thì chưa đủ, phải không?

Có quá kỳ cục khi tôi chia sẻ may mắn của tôi khi bao nhiêu người vẫn trốn chạy, trả bằng máu, nước mắt và ngay cả sự sống để đi tìm một đời sống tự do và tốt đẹp hơn? Tôi nhớ về ngày xưa, ngày mà tôi cũng bỏ nước ra đi, dù không biết chết sống như thế nào, trên con đường mà sau mấy mươi năm dân tôi vẫn tiếp tục đi, không bằng cách này thì bằng cách khác. Thật buồn quá phải không?

Hãy thắp lên những ngọn nến cầu nguyện cho những người đã không may mắn nằm xuống trên con đường đi tìm một đời sống mới.

Tuyết đầu mùa và gió tháng 11, lạnh, từng cơn đang rít xé lòng và tôi với nhiều suy nghĩ.

Nguyễn Kim Tiến
Một buổi sáng mùa thu 2019