Nhon

Chuyến đi cùng với các bạn trường Bồ Đề - Qui Nhơn , 21- 29 tháng 3 năm 2016 .
Lần này mình được anh Nguyễn Chi Luân con ông Bác Sáu cho đi chơi , cùng với mấy người bạn trường Bồ Đề - Qui Nhơn , rất vui !
Hành trình trải dài theo hướng . . . Bắc tiến ! Và không đi bằng Honda Wave Alpha 100cc như thường lệ mà là đi bằng . . . xe Ford 15 chỗ , rộng mênh mông !
Khởi hành từ Sài gòn , đi lên Đà Lạt rồi xuống Nha Trang , từ Đèo Cả quẹo xuống Vũng Rô , đến Tuy Hòa rồi ghé thăm quan Ghềnh Đá Dĩa và về Qui Nhơn . Ở Qui Nhơn được 3 đêm , sau đó tiếp tục đi phố cổ Hội An , ghé Ngũ Hành Sơn , lên đèo Hải Vân và đến xứ Huế mộng mơ .

" Đoàn Hành Hương " ghé Thánh Địa La Vang , không phải để xin gì cho riêng mình mà cầu mong nước Việt Nam chúng ta được quốc thái dân an , được " anh dũng oai hùng chen chân thế giới " !
Ghé qua trường Bồ Đề - Quảng Trị , di tích lịch sử , còn đầy những vết đạn của 81 ngày ghi dấu Thành Cổ Quảng Trị trong " Mùa Hè đỏ lửa " năm 1972 .

Sau Quảng Trị là cầu Hiền Lương tại vĩ tuyến 17 , lúc này có mưa lất phất làm cho buồn thêm nỗi đau đất nước bị ngoại bang chia cắt .
cơm Hến
Cơm hến

Đến Đồng Hới - Quảng Bình vẫn còn đủ thời giờ để thăm quan nhà thờ chánh tòa cạnh sông Nhật Lệ đã bị đổ nát vì máy bay Mỹ thả bom . Cũng bên bờ sông Nhật Lệ , cách nhà thờ phế tích vài trăm thước là tượng đài Mẹ Suốt . Ngay giữa thành phố Đồng Hới vẫn còn một phần của cổng thành ngày xưa từ thời kỳ các chúa Nguyễn .
Chi Luan
Chia tay với mấy ông bạn già , Quân hướng Tiêu Tương Ngã hướng Tần .

Ngày cuối là ngày dài nhứt vì phải đi từ Đồng Hới qua khỏi khu vực động Phong Nha , đi tiếp về hướng Bắc theo đường Hồ Chí Minh nhánh phía đông để lên đến ngả 3 khe Gát . Tại ngả 3 này có 2 đường Hồ Chí Minh , đường nhánh Trường Sơn đông đi gần đồng bằng và sẽ gặp quốc lộ 9 tại Cam Lộ - Quảng Trị , đường nhánh Trường Sơn tây đi giữa đại ngàn rừng Trường Sơn , gần biên giới Việt - Lào , đường hẹp , rất vắng , rất đẹp và dài 225km , gặp quốc lộ 9 tại thị xã Khe Sanh .

Điểm thăm quan cuối cùng là động Thiên Đường , nằm trong địa phận vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng .
Nhánh đường Hồ Chí Minh - Trường Sơn tây dài 225km và vô cùng đẹp , gắn với nhiều di tích lịch sử chống giặc của quân và dân ta . Hôm tụi mình đi trời sương mù dày đặc nhưng bác tài Duy đã cẩn thận lái xe để mọi người được thưởng thức cảnh đẹp trên đường , còn đưa 4 bạn trong đoàn đến phi trường Phú Bài - Huế lúc 20giờ , trước giờ bay 2 tiếng đồng hồ!

Về chuyến đi này đã có các bạn trong đoàn kể lại rồi nên mình không kể nữa , chỉ xin ghi lại những gì xảy ra . . . sau đó !
Buổi sáng cuối cùng , còn 6 anh em , cùng ăn sáng với nhau xong và chia tay . Xe gồm 5 người sẽ về Qui Nhơn , rồi Sài gòn , mình tình nguyện ở lại và . . . bơ vơ giữa xứ Huế mộng mơ !
Thôi thì : " Gặp thời thế thế thời phải thế " , mình thuê một xe đạp và đạp cọc cạch , tìm đường đi thăm cầu ngói Thanh Toàn .
Thanh toan 0
Cầu ngói Thanh Toàn , nên gọi là cầu Bà Trần Thị Đạo !

Cầu ngói Thanh Toàn cách cầu Trường Tiền trung tâm Huế chừng 7km , đi hơi lắc léo một tí nhưng hỏi đường thì ai cũng biết ! Cầu là một công trình kiến trúc đặc sắc , được xây năm 1776 , kết cấu bằng gỗ và mái ngói theo kiểu " thượng gia hạ kiều " , trên là nhà dưới là cầu và thực sự cầu rất rộng , hai bên có chỗ đủ rộng để nhiều người có thể ngồi nghỉ hoặc . . . nằm nghỉ !

Cầu được Bà Trần Thị Đạo , người làng Thanh Thủy Chánh , vợ của vị quan thủ phủ xứ Thuận Hóa lấy tiền riêng xây để dân chúng dùng . Cầu bắt qua con rạch chảy vào sông Như Ý cách cầu vài chục thước , gồm 7 gian , gian giữa là nơi thờ Bà . Nơi thờ Bà coi rất khiêm tốn so với công lao và đức độ , tấm lòng của Bà !
Lúc giữa trưa mà gió thổi trên cầu mát rượi , khách có thể " làm " một giấc ngủ " kê vàng " tạm quên những bon chen ưu phiền trên cõi trần và tục này !
Thanh toan 01
Cầu Bà Trần Thị Đạo,còn gọi là cầu ngói Thanh Toàn .

Trên cầu mình gặp mấy cháu học lớp 5 , đi học xuất buổi trưa , cố tình đi sớm một tí để . . . rong chơi ! Trai có gái có , cháu nào cũng xinh xắn liếng thoắng dễ thương làm mình nhớ lúc cũng học lớp 5 trường Mai Xuân Thưởng - Qui Nhơn , khi đó gọi là lớp nhứt , mới đó mà đã được 50 năm rồi !

Cạnh cầu là chợ làng , chụp hình cho lên facebook thì rất đẹp nhưng thực tế là dơ dáy nhếch nhác vô cùng không thể chấp nhận được vì cây cầu này được rất nhiều khách đến thăm quan và với tình trạng vệ sinh của ngôi chợ làng này thì vô tình người dân nơi đây cũng như là cơ quan tổ chức du lịch Huế đang phơi bày cho hàng ngàn du khách quốc tế được biết là chúng ta " ăn ở dơ dáy , ghê tởm , mất vệ sinh " đến cở nào !
Thanh toan 2
Cột mốc ghi trận lũ kỷ lục cuối năm 1999 , cầu ngói Thanh Toàn bị ngập quá nóc luôn

Gần cầu ngói Thanh Toàn , cũng nên gọi là cầu Bà Trần Thị Đạo để mọi người biết và nhớ đến tấm lòng tốt của một Bà vợ quan biết nghĩ đến dân , biết lo cho dân , là nhà trưng bày các dụng cụ để làm ruộng và đánh bắt cá .

Với những bạn quan tâm đến lịch sử của Việt Nam ta thì cũng nên đạp xe đi loanh quanh khoảng 1.500m nữa là đến Phủ thờ Quốc Uy Công Nguyễn Phúc Thuần , con thứ tư của Hiền Vương - Nguyễn Phúc Tần , 1620 - 1687 . Ông Tôn Thất Thuyết là cháu nhiều đời của giòng này và cũng có đền thờ trong khuôn viên của phủ này .
Phu quoc Uy Cong
Cổng phía trước Phủ Quốc Uy Công

Chung quanh nhân vật Tôn Thất Thuyết , 1835 - 1913 , có nhiều ý kiến trái ngược nhau nhưng trong trường hợp nào ông cũng được coi là người nắm phe chủ trương đánh giặc Pháp xâm lược , nhứt quyết không chịu nghe theo triều đình đang có chủ trương thỏa hiệp , chịu khuất phục Pháp để chấp nhận sống hèn !
Rất tiếc là " lực bất tòng tâm " , nhà Vua yêu nước Hàm Nghi bị tụi phản bội bắt giao cho giặc , nước Việt Nam bị Pháp đô hộ , Tôn Thất Thuyết sống lưu vong ở thành phố Long Châu , phía nam tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc , cách Lạng Sơn - Việt Nam khoảng 50km .
Ton That Thuyet
Tượng ông Tôn Thất Thuyết , đúc bằng đồng .

Thất vọng vì ôm chí lớn bảo vệ non sông mà non sông không giữ được , hối hận vì muốn bảo vệ vua mà vua bị bỏ lại giữa đường rồi bị bắt và bị đày đi Algerie nên dần dần ông bị loạn trí .

duong lang
Đường ven sông Như Ý .

Những năm cuối đời , ngày ngày ông ra bên sông Tả Giang múa gươm chém đá cho bớt bế tắc , bởi vậy người Tàu gọi ông là Trảm Thạch Công . Năm 1913 ông qua đời tại Long Châu - Quảng Tây - Trung Quốc .
Thăm cầu ngói Bà Trần Thị Đạo và viếng đền thờ ông Tôn Thất Thuyết xong , mình tà tà đạp xe xuyên qua những cánh đồng lúa đang trong vụ đông xuân , đi dọc theo sông Như ý và về đến . . . Huế ! Vẫn còn kịp để thưởng thức một tô cơm hến trước khi lên xe Bus giường nằm lúc 17g30 , ra Hà Nội trong lúc này đang có mưa phùn ướt át , ẩm thấp và lạnh lẽo !

Nguyễn Chí Hoài Nhơn