Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • DaiThinhDuong1200
  • CD4 1200
  • NhaGiuXe1200
  • hinhCu 1200

Du ký " Vạn lý độc hành " – Tôi với Trời bơ vơ , một mình một ngựa sắt Honda wave alpha 100cc lang thang khắp các nước Asean , từ Móng Cái – Đông Bắc Việt Nam đến đảo Phuket – Tây Nam Thái Lan , dự kiến dài hơn . . . 3 tháng và 10.000km ! Bài số 12 , từ Thác Bản Giốc qua Trùng Khánh , Trà Lĩnh , Nậm Nhụng đến Pắc Bó và về Cao Bằng – 165km đường đèo núi .
Bai12 1
Thác Bản Giốc-Thác bên trái là hoàn thời gian của ta , thác chính nằm bên phải được chia nửa nửa , phía bên trái của Việt Nam , phần còn lại của Tàu .
Từ giã Thác Bản Giốc với bụi nước mù mịt . Lúc ít nước thì đương nhiên là ít đẹp nhưng mấy hôm nay nhờ có mưa trước đó mấy ngày nên nước đổ về quá trời , thác nước đổ ầm ầm làm tung bụi nước ngút trời tạo thành một màng sương dày đặc nên chỉ thấy thác nước mờ mờ trong sương , lên hình thì lại càng mờ hơn nữa !

Chuyện biên giới và Thác Bản Giốc thì sau nhiều lần đến đây và theo nhiều tư liệu chính thức cũng như tham khảo sách vở , bản đồ từ nhiều nguồn khác nhau v . . . v . . . Cho đến thời điểm hiện nay , theo chủ quan của mình được hiểu như sau :

Sông Quây Sơn phát nguyên từ bên Trung Hoa , chảy vào nước ta gần cửa khẩu Pò Peo – huyện Trùng Khánh , dạo chơi trên nước Việt Nam chừng 35km và đến Thác Bản Giốc . Tại Thác Bản Giốc là bắt đầu biên giới giữa Ta và Tàu . Thác Bản Giốc rộng hơn 300m , phần có mấy thác phụ và một nữa thác chính phía nam thuộc về Việt Nam , nữa thác chính phía bắc thuộc về Trung Hoa , và sông Quây Sơn được dùng làm biên giới thiên nhiên giữa Ta và Tàu tiếp tục thêm gần 20km đến cửa khẩu Lý Vạn . Từ Lý Vạn – huyện Hạ Lang , sông Quây Sơn lại chảy trên đất Trung Hoa , sau 5km sẽ nhập vào sông Lô Suây của Tàu .
Ngược về thượng nguồn của Thác Bản Giốc , sông Quây Sơn chảy trên đất Việt Nam khoảng 35km nữa nên rời thác và khách sạn chừng vài cây số là mình đã đến cầu Cô Muông , qua bờ phía bắc của sông Quây Sơn để được có cảm giác là tại khu vực này con sông Quây Sơn chảy trên đất Việt !

Lúc đi mình theo tỉnh lộ 207 nhưng hôm nay sẽ đi tiếp theo hình vòng nên từ Thác Bản Giốc là bắt đầu vào tỉnh lộ 206 để đi Trùng Khánh . Qua khỏi cầu Cô Muông một tí , ta ghé thăm quan Động Ngườm Ngao .
Ngườm Ngao tiếng Tày là " động cọp " vì xưa kia có cọp sống trong hang này . Động được dân trong vùng phát hiện từ rất lâu , vết tích của một đoàn du lịch trước đây gần cả trăm năm vẫn còn lưu nơi này . Đó là đoàn 3 người gồm một đại úy người Pháp , cùng với tri phủ Trùng Khánh Hoàng Huy Giao và tổng đốc Vi Văn Định người Tày tỉnh Lạng Sơn . Tên của 3 người này được khắc trên vách đá ở cửa động vào năm 1921 .
Bai12 2
Dốc lên động Ngườm Ngao .
Tổng chiều dài động là 2.441m , trong đó có 960m đã được làm tốt để phục vụ khách đi lại cho dễ dàng . Quan cảnh trong động rất đa dạng : Có hình sư tử , hình khung cảnh đồng quê miền núi với ruộng đất như sóng lượn , nhũ đá khổng lồ như cột trụ chống trời nối từ nền hang lên đến đỉnh vòm hang , cao 20m . Rồi hình mẹ bồng con , hình bông sen ngược to vài mét vuông . Lòng động rộng mênh mông có thể chứa được vài ngàn người , có vô số những măng đá những nhũ đá với dáng như Phật Bà Quan Âm , cây bạc , cây vàng , giếng trời , ao tiên , đàn đá phát ra những âm thanh khác nhau v . . . v . . . Du khách như lạc vào thế giới thần thoại , nữa hư nữa thực , lung linh huyền ảo , được chiêm ngưỡng một vẻ đẹp lạ lùng nguyên sơ ít nơi có !
Bai12 4
Động Ngườm Ngao
Km 26 – thị trấn Trùng Khánh , nằm ở vùng cao và nổi tiếng với hạt dẻ đặc biệt thơm ngon , tuy nhiên phải đúng vào mùa mới có được ! Từ Trùng Khánh nếu đi tiếp tỉnh lộ 206 và quốc lộ 3 ta sẽ có đường tương đối tốt để về lại Cao Bằng nhưng hôm nay mình đã có chủ đề là " Du lịch về nguồn " , thăm Pắc Bó nên rẽ qua tỉnh lộ 211 – Trùng Khánh đi Trà Lĩnh 27km .

Đoạn đường này mình có dịp đi cách đây chừng 5 năm , đường lúc đó rất xấu và bây giờ . . . xấu hơn nữa ! Chắc vì đoạn 27km này ít có xe cộ lưu thông nên bị . . . bỏ quên , hoàn toàn không được ngó ngàng đến , không được sửa chữa gì cả ! Từ Trà Lĩnh quẹo về hướng bắc 5km là cửa khẩu Hùng Quốc để qua Tàu , còn đi thẳng thì sẽ qua tỉnh lộ 210 , thêm 55km sẽ đến Pắc Bó .

Đoạn đường từ Trà Lĩnh theo tỉnh lộ 210 phải vượt nhiều đèo dốc quanh co uốn lượn ngoằng ngoèo khúc khuỷu qua Tổng Cọt , Nậm Nhụng đến Pắc Bó , đường rất vắng vẻ , dân cư thưa thớt , có phong cảnh rất đẹp và đã được tu sửa tương đối tốt vì đây là đường để phục vụ du lịch , đi ngang qua đèo Mã Phục , hồ Thăng Hen và nhứt là dẫn đến khu di tích lịch sử Pắc Bó .
Bai12 5
thạch nhũ
Pắc Bó , tiếng Nùng theo nghĩa đen là " miệng nguồn " có hang Cốc Bó – có nghĩa là hang ở đầu nguồn . Đầu năm 1941 Nguyễn Ái Quốc , vài năm nữa sẽ được cả thế giới biết đến với tên Hồ Chí Minh , sau 30 năm ở ngoại quốc đã từ Trung Hoa về đây , đặt cơ sở bí mật , gầy dựng phong trào kháng chiến chống Pháp chống Nhật . Cũng tại nơi đây Việt Nam Độc Lập Đồng Minh , gọi tắt là Việt Minh được ra đời , trưởng thành trong khói lửa chiến tranh và đã đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi nước Việt Nam , giành độc lập chủ quyền cho dân tộc Ta .

Bạn nào sức khỏe tốt và nhứt là có đôi chân dẻo dai nên leo lên ngọn núi gần hang Cốc Bó . Trên lưng chừng núi có cột mốc biên giới số 108 , được khắc vào cột mốc bằng bia đá này là chữ Pháp và chữ . . . Tàu , không có một chữ Việt nào ! Là người Việt Nam ta sẽ thấy bị xúc phạm nếu biết rằng số phận biên giới của đất nước mình – thí dụ như qua cây cột mốc này , bị định đoạt bởi Công ước hoạch định biên giới ngày 16 tháng 5 năm 1887 và Công ước bổ sung ngày 20 tháng 6 năm 1895 ký giữa chính phủ Pháp và nhà Thanh – của tụi Tàu .
Bai12 9
có ai xuôi vạn lý ?
Và cũng tại cột mốc này , ngày 28 tháng 1 năm 1941 Nguyễn Ái Quốc mà sau này là chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ bên Tàu về lại quê hương sau mấy chục năm xa cách ! Mấy ngày đầu Bác ở tạm nơi nhà dân trong bản , sau đó vì lý do bảo mật Bác chọn phương án " Riêng một góc trời " , dọn vào ở trong hang Cốc Bó .
Tới thăm hang Cốc Bó khách sẽ thấy tình trạng ăn ở sinh hoạt của Bác khó khăn như thế nào nhưng đã làm được biết bao nhiêu việc cho nước cho dân , để rồi chúng ta có thể so sánh với chuyện ăn ở sinh sống của hằng hà sa số cán bộ nhà nước hiện nay , đã hủ hóa và biến chất từ lâu . Chúng nó có làm được tí chút gì cho nước cho dân không ? Hay chỉ là một lũ ăn lương của dân và đích thực là tụi sâu dân mọt nước ! Trong kháng chiến chống Pháp , một số cán bộ tham nhũng đã bị tố cáo , bị đưa ra tòa án quân sự và đã bị kết án tử hình . Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bác đơn xin ân xá và cho tụi tham nhũng này đền tội một cách thích đáng ! Điển hình là vụ án tử hình tên đại tá tham nhũng Trần Dụ Châu , cục trưởng cục quân nhu , năm 1950 .

Xin trở lại với khu di tích lịch sử Pắc Bó . Bác Hồ chắc phải có một tâm hồn nghệ sĩ lắm nên đã chọn nơi này để làm nơi ở và hoạt động trong thời gian mới về nước . Dựa vào núi cao , rừng thẳm , lại có sông suối quanh co uốn lượn , vừa kín đáo để bảo mật và vừa không xa dân cư để dễ liên lạc , cây cỏ hoa lá xanh tươi sum suê , khung cảnh đẹp như một thôn làng nào đó bên nước Thụy Sĩ – Châu Âu xa xôi vào cuối mùa Hè !

Cũng tại khu vực này , tháng 10 năm 1944 một máy bay Mỹ bị Nhật bắn rơi , trung úy phi công Shaw nhảy dù thoát nạn xuống khu du kích của ta thuộc xã Đề Thám – huyện Hòa An – tỉnh Cao Bằng . Máy bay vừa rơi xuống , bọn chỉ huy Pháp được tin liền ra lệnh cho lính bao vây khu rừng để tìm người phi công . Một lát sau , Nhật đến , chiếm chiếc máy bay và buộc tội Pháp đã để phi công trốn thoát , dọa sẽ nghiêm trị nếu Pháp không tìm thấy phi công Mỹ !
Bai12 10
Bộ bàn ghế làm việc của Bác Hồ .
Trung úy Shaw được ta bảo vệ và dẫn đi bộ theo đường mòn trong rừng vào ban đêm gần cả tháng trời mới vượt được quãng đường 60km để gặp cụ Hồ ở gần biên giới . Bác Hồ quyết định mang anh trung úy phi công này sang gặp bộ tư lệnh quân đồng minh ở Côn Minh để trao và bàn việc hợp tác với Việt Minh đánh Nhật . Trong thời gian ở Côn Minh , Bác Hồ đã làm việc với tướng Clair Chennault , tư lệnh tập đoàn không quân 14 của Mỹ ở Hoa Nam . Bằng tài ngoại giao của mình Bác đã tranh thủ được sự đồng tình của phe đồng minh ủng hộ cho cách mạng Việt Nam về mọi mặt như vũ khí , thuốc men và cả những toán huấn luyện cho Việt Minh nữa !

Rất tiếc tổng thống Mỹ Roosevelt mất giữa tháng 4 năm 1945 , Truman lên thay . Truman là tên đeo đuổi chiến tranh lạnh nên quan hệ Việt – Mỹ bị nhạt dần , thậm chí trở nên xấu đi và dẫn đến chiến tranh . Phải đến đúng 50 năm sau , năm 1995 dưới thời ông tổng thống đẹp trai và chịu chơi là Bill Clinton thì hai nước Việt – Mỹ mới quan hệ bình thường trở lại , ngày càng tốt hơn và sẽ tốt hơn nữa trong tương lai !
Tinh thần lạc quan của Bác còn được thể hiện qua bài thơ tự trào Bác đã làm vào thời gian ở trong hang Cốc Bó tháng 2 năm 1941 :

Tức cảnh Cốc Bó
Sáng ra bờ suối , tối vào hang
Cháo bẹ , rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang .

Rời Pắc Bó , có tỉnh lộ 203 dẫn ta về Cao Bằng sau 55km , nghỉ một đêm cuối trước khi lên đường tiếp tục cuộc " Vạn lý trường chinh " .

Có gì đặc biệt ở rừng Trần Hưng đạo , huyện Nguyên Bình , tỉnh Cao Bằng ? Bạn có nghe về hoa Tam Giác Mạch trên cao nguyên Đồng Văn ? Và thế nào là thảm họa Tam Giác Mạch ? Xin mời xem bài kế tiếp – trong truyện Tàu gọi là Hạ hồi phân giải !        

Nguyễn Chí hoài Nhơn
Thêm bình luận


Đăng Nhập / Đăng Xuất