Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • hinhCu 1200
  • CD4 1200
  • NhaGiuXe1200
  • DaiThinhDuong1200

LTS. Ngày xưa không phải ai cũng có may mắn được nghe Thầy giảng Quốc Văn. Cho nên CuongDe.org mới đề nghị Thầy biên tập lại chồng giáo án cũ đăng lên cho anh em đọc cho biết. Đây là bài đầu tiên, hy vọng là Thầy sẽ tiếp tục loạt bài "Giáo Án Cũ" này.

Bên cạnh chữ tài, chữ mệnh và chữ tâm thường được xem là từ then chốt diễn đạt chủ đề, Truyện Kiều còn có một chữ tình mà nhân vật chính là Thúy Kiều đã "Khư khư mình buộc lấy mình vào trong". Điều đáng ngạc nhiên đến thích thú là chữ "tình là dây oan" ấy lại được Nguyễn Du thể hiện một cách sinh động, sâu sắc và rất hấp dẫn. Trong giới hạn của bài viết này, qua tình yêu của Thúy Kiều và Kim Trọng, chúng tôi muốn được trao đổi với bạn đọc một cách tiếp cận ý nghĩa của chữ tình ấy.

1. Dự lễ hội tảo mộ – đạp thanh vào một ngày mùa xuân, Thúy Kiều cùng hai em ra về khi chiều đã tàn:

" Tà tà bóng ngả về tây,
Chị em thơ thẩn dang tay ra về.
Bước lần theo ngọn tiểu khê,
Nhìn xem phong cảnh có bề thanh thanh."

"Thanh thanh" có hình thức của một từ láy toàn phần, như "xanh xanh", "buồn buồn", thường được dùng để giảm nhẹ ý nghĩa. "Phong cảnh có bề thanh thanh" có nghĩa là cảnh chiều xuân lúc ấy qua cái nhìn của Thúy Kiều chỉ có thể gọi là đẹp ở một chừng mực nào đó.

Trên đường về, gặp mộ Đạm Tiên, nghe Vương Quan "dẫn gần xa" về cuộc đời của người ca nhi sắc tài mà mệnh bạc, Kiều khóc than, thắp hương khấn vái và làm một bài thơ tứ tuyệt để bày tỏ mối cảm thông với số kiếp bi thương của người kỹ nữ. " Vịnh bốn câu ba vần" chưa đủ, Kiều còn làm thêm một bài cổ thi, vạch vào da cây để "tạ lòng" hồn ma Đạm Tiên đã "hiển hiện cho xem". Đúng vào lúc ấy, Kim Trọng xuất hiện:

" Tuyết in sắc ngựa câu dòn,
Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời.
Nẻo xa mới tỏ mặt người,
Khách đà xuống ngựa tới nơi tự tình."

Màu xanh "da trời" của áo thư sinh nổi bật trên cái nền trắng như "tuyết" của thân con ngựa non. Gam màu trắng xanh đã đẹp mà động tác của nhân vật Kim Trọng còn đẹp hơn nữa. Từ xa , "mới tỏ mặt người" chị em nàng Kiều, chàng Kim đã vội vàng "xuống ngựa". Dù sống trong xã hội có phong tục trọng nam khinh nữ nhưng Kim Trọng vẫn có thái độ rất lịch sự, rất tôn trọng đối với nữ giới. Với ngoại hình đáng yêu như vậy, ngay từ lần gặp mặt đầu tiên, chàng trai đã chinh phục được tình cảm của cô gái:

" Người quốc sắc, kẻ thiên tài ,
Tình trong như đã, mặt ngoài còn e."

Từ lúc chị em nàng Kiều "dang tay ra về" cho đến khi "Khách đà lên ngựa, người còn ghé theo", nhiều nước đã chảy qua cầu, nhiều sự việc đã tiếp nối xẩy ra. Diễn biến theo với thời gian, cảnh chiều tà vào thời điểm này nếu không trở nên tối tăm thì cũng không còn trong sáng và nên thơ nữa. Vậy mà trước mắt Thúy Kiều lúc ấy lại hiện ra bức tranh tuyệt đẹp của một buổi chiều vàng:

"Dưới cầu nước chảy trong veo,
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha."

Phong cảnh ấy, trước đây, khi chưa gặp Kim Trọng, Kiều chỉ thấy "có bề thanh thanh". Cũng là phong cảnh ấy, nhưng bây giờ, dù cho hồn ma Đạm Tiên đã hiện về và cảnh chiều tà trong bãi tha ma qua cái nhìn của Vương Quan đã trở nên u ám với "âm khí nặng nề", Thúy Kiều vẫn thấy nước "trong veo" và "bóng chiều thướt tha" hơn lúc nào hết. Gặp Kim Trọng, được nếm trải hương thơm của bông hoa tình yêu vừa hé nụ, Thúy Kiều đã thấy đời lên màu hồng...

Ở khởi điểm của cuộc tình, mượn cảnh đẹp của thiên nhiên để thể hiện tâm hồn dạt dào thơ mộng của Thúy Kiều sau khi đã phải lòng Kim Trọng, tác giả Truyện Kiều đã thi vị hóa tình yêu.

2. Trở về nhà vào tối hôm ấy, với mối tình đầu ấp ủ ở trong tim, Thúy Kiều ngắm cảnh đêm xuân trăng sáng :

" Gương nga chênh chếch dòm song,
Vàng gieo ngấn nước, cây lồng bóng sân.
Hải đường lả ngọn đông lân,
Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà."

Trăng và nước tương giao, cây và sân hòa hợp, còn cành hoa hải đường trĩu nặng nhựa sống và sức xuân kia đang "la đà" ghiêng ngả qua nhà hàng xóm ở phía đông. Không gian có đến bốn phương tám hướng. Tại sao bông hoa hải đường không ngả vào trong sân, ngả ra ngoài đường mà lại ngả về phía "đông lân"?

Trước đây, khi chưa gặp chàng Kim, nàng Kiều đã sống yên ổn, hồn nhiên và vô tư :

" Em đềm trướng rủ màn che,
Tường đông ong bướm đi về mặc ai."

Bây giờ, khi đã có ý trung nhân, Kiều bắt đầu cảm thấy cô đơn, nàng muốn vượt ra ngoài sự vây phủ hai lần của "trướng rủ" và "màn che" để được sống chung đôi cùng Kim Trọng. Cho nên thi hào Nguyễn Du đã mượn cành hoa hải đường "lả ngọn đông lân" để gợi tả tâm lý nhân vật một cách có nghệ thuật. Chi tiết có giá trị thẩm mỹ cao này sẽ hồ hợp với một diễn biến quan trọng khác trong cuộc tình của Kim Trọng và Thúy Kiều. Đây là khúc nhạc dạo đầu của một bản tình ca đang sắp sửa. Có thể nói, với cành hoa hải đường làm tín hiệu, Nguyễn Du đã "bật đèn xanh" để Thúy Kiều bạo dạn tìm qua nhà Kim Trọng sau này.

Sau này, khi đã "vâng tạc đá vàng thủy chung", khi "kim thoa với khăn hồng" đã "trao tay", Thúy Kiều "lả ngọn đông lân" và Nguyễn Du đã ghi tả cái giây phút tuyệt vời đó :

" Xắn tay mở khóa động đào,
Rẽ mây trông tỏ lối vào thiên thai."

Khi cha mẹ và hai em vắng nhà, Kiều đã lén lút đi qua nhà người yêu bằng "nẻo thông mới rào" ở "cuối tường". Nhưng qua ngòi bút của thiên tài Nguyễn Du, cái hàng rào ngăn cách là "khóa động đào", cây trong vườn nhà chàng Kim đã trở thành "mây" và đường vào nhà người tình, đường đến với tình yêu là "lối vào thiên thai" ...

Khi bắt đầu vẽ bức tranh tình yêu của Thúy Kiều và Kim Trọng, phải chăng Nguyễn Du đã phóng bút đến quá đà? Trước đây, căn cứ vào chi tiết này, nhiều nho sĩ và không ít nhà phê bình đã kết án tác giả Truyện Kiều. Một số phụ huynh ngày nay, khi có cô con gái rượu "chui hàng rào" kiểu ấy, chắc cũng muốn gọi về, rồi lấy roi mây mà đánh cho một trận để trị cái tội trai gái, cho chừa cái thói trăng hoa!

Bây giờ, gần hai trăm năm sau, bình tâm suy nghĩ lại, chúng ta mới cảm thông và cảm phục trí tuệ và tình cảm cao rộng của một thiên tài sống trước thời đại. Trên cõi đời này, nhiều khi có mặt Thúy Kiều mà không có mặt Kim Trọng. Cũng lắm khi Kim Trọng có mặt ở đây nhưng Thúy Kiều đã trôi dạt ở một phương trời nào. Nhân thế mấy khi có cái cảnh người quốc sắc, kẻ thiên tài được hội ngộ, rồi cảm thông, tâm đầu ý hợp mà phải chịu cách trở chỉ bởi một cái hàng rào mỏng manh . Vậy thì nỡ nào nhà thi sĩ có tấm lòng nhân đạo và tư tưởng nhân văn là Nguyễn Du lại ngăn cấm nàng Kiều và chàng Kim gặp gỡ! Nếu người ở bên kia hàng rào không phải là Kim Trọng mà là Sở Khanh hay Mã Giám Sinh, chắc chắn thái độ của Nguyễn Du sẽ khác.

Đến đây, khi tình yêu Kim Trọng và Thuý Kiều đã trở nên thắm thiết, vượt ra ngoài giới hạn của lễ giáo gò bó, Nguyễn Du cảm thông sâu sắc với khát vọng được tự do yêu thương của con người, nhà nghệ sĩ lớn đã tôn vinh chữ tình bằng cách thần tiên hóa tình yêu.

3. Những tháng ngày thơ mộng qua nhanh, những giây phút thần tiên quá ngắn ngủi ! Trong khi Kim Trọng về quê chịu tang chú thì tai họa ập đến với gia đình Thúy Kiều. Kiều phải bán thân để cứu cha và em sau khi dặn Thúy Vân thay mình trả nghĩa cho Kim Trọng. Mười lăm năm lưu lạc của người con gái tài sắc họ Vương bắt đầu từ đây. Trở lại chốn cũ tìm mà không gặp người yêu, Kim Trọng đau đớn đến mức "Máu theo nước mắt, hồn lìa chiên bao". Lo sợ cho sức khỏe của Kim Trọng, song thân của Thúy Kiều vội cho chàng kết duyên với Thúy Vân. Nhưng duyên mới cùng sự thành đạt về đường khoa cử và công danh không thể giúp chàng Kim nguôi khuây tình cũ :

" Khi ăn ở, lúc ra vào.
Càng âu duyên mới càng dào tình xưa."

Người tình thủy chung Kim Trọng thương nhớ người yêu trong từng giây phút của cuộc sống, trong mỗi họat động nhỏ nhặt của đời thường, cho đến một hôm:

"Có khi vắng vẻ thư phòng,
Đốt lò hương, giở phím đồng ngày xưa.
Bẻ bai rủ rỉ tiếng tơ,
Trầm bay nhạt khói, gió đưa lay rèm.
Dường như bên nóc bên thềm,
Tiếng Kiều đồng vọng, bóng xiêm mơ màng.
Bởi lòng tạc đá ghi vàng,
Tưởng nàng nên lại thấy nàng về đây."

"Tưởng" là từ Hán Việt, sinh động và chính xác hơn "nhớ" là từ thuần Việt . "Tưởng" (  想 ) được tạo thành bởi chữ "tướng" ( 相 ) ở trên là hình sắc và chữ "tâm" ( 心 ) ở dưới là tấm lòng son. "Tưởng" là nhìn sự vật bằng con mắt của tâm , "tưởng nàng" là chạm khắc, là "tạc đá ghi vàng" trong trái tim mình hình tượng người yêu. Kim Trọng thường xuyên "tưởng nàng" như vậy nên có lúc đã "thấy nàng về đây".

Sự hiển hiện có vẻ siêu hình của Thúy Kiều ở đây có thể giải thích được, nếu chúng ta đọc lại đoạn thơ ghi tả lời Thúy Kiều dặn dò Thúy Vân trước khi theo Mã Giám Sinh đi về nơi vô định :

"Mai sau dù có bao giờ,
Đốt lò hương ấy, so tơ phím này.
Trông ra ngọn cỏ lá cây,
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về."

Kiều hẹn với Vân rằng chị sẽ về khi có "hương" thơm ngày cũ, tiếng "" đồng thuở xưa và "hiu hiu gió" thổi. Bây giờ, trong khung cảnh thanh vắng của phòng văn, ba điều kiện ấy đã hội đủ. Cho nên Kim Trọng thấy Thúy Kiều hiện về cũng là điều dễ hiểu.

Tạo nên sự cảm ứng huyền nhiệm của hai trái tim có cùng một nhịp đập, để cho vị nữ thần của đạo tình ái là Thúy Kiều thị hiện khi tín đồ Kim Trọng thành tâm tưởng niệm, tác giả Truyện Kiều đã tôn giáo hóa tình yêu.

Tình yêu của Thuý Kiều và Kim Trọng là mối tình đầu, lại được thi vị hoá, thần tiên hoá và tôn giáo hoá nên chữ tình với ba nội dung vừa trình bày ở trên tuy rất đẹp nhưng thiếu tính hiện thực và không đầy đủ ý nghĩa. Xét trong một phạm vi rộng lớn hơn, qua nhiều cuộc tình mà Thuý Kiều đã trải nghiệm trong suốt mười lăm năm lưu lạc để trả cho hết cái nghiệp của mình, chữ tình mà nàng Kiều đa sầu đa cảm đã đa mang, dính mắc còn có nhiều chua xót và đắng cay, khổ đau và bi luỵ. Cho nên, đối với bậc chân tu đã có chánh kiến và chánh tư duy để sống cát ái và ly dục, như lời sư Tam Hợp, tình là "dây oan" mà tu mới là "cõi phúc":

"Sư rằng phúc hoạ đạo trời,
Cỗi nguồn cũng ở lòng người mà ra.
Có trời mà cũng tại ta,
Tu là cõi phúc tình là dây oan."

 
Hà Thúc Hoan
Sài Gòn, tháng 10 năm 2010
  
Thêm bình luận


Đăng Nhập / Đăng Xuất