Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • CD4 1200
  • NhaGiuXe1200
  • DaiThinhDuong1200
  • hinhCu 1200

Ném viên đá xuống mặt hồ, rồi một viên nữa, hết viên này đến viên khác. Cứ thế những vòng tròn lại có dịp xoắn xuýt vào nhau. Tôi nhìn đăm đăm xuống mặt hồ xanh biếc. Những gợn nước lao xao rồi tan loãng như những vết nứt tâm hồn tôi trong những phút giây nghĩ ngợi về quê nhà. Xa xa giữa mặt hồ, mấy chú vịt đang bơi lội kiếm ăn, hay là đang tắm mát ? Tiếng kêu quang quác của chúng không chát chúa lắm nhưng đủ làm cho bầu không khí yên tĩnh bỗng trở mình trong buổi sớm mai. Bầu trời với những cụm mây trắng xanh bồng bềnh lãng đãng trôi, làm lòng tôi mở ngõ. Từng cơn gió se lạnh của thu về lướt nhẹ trên làn da dãi dầu mưa nắng, như những nụ hôn vô tình thức dậy tâm hồn tôi !

Trên con đường mòn, dài và hẹp, từng chiếc lá chao lượn trên không chạm xuống chân tôi đang rảo bước, làm trong tôi đôi chút bâng khuâng, ngập ngừng. Cảnh vật tĩnh lặng hai bên đường với những lùm cây che bóng mát làm tôi càng thấy dễ chịu khi dạo bước quanh đây. Và tại chốn này, tôi soi mình tận đáy hồ sâu!
  
Hôm nay tôi buồn, nỗi buồn vô cớ. Hôm qua tôi buồn, nỗi buồn không tên. Vậy mà chính những nỗi buồn vô cớ, nỗi buồn không tên này, đôi khi, làm tôi mất ăn, mất ngủ. Tôi thèm một chút nắng, một chút gió. Cái gió nắng nóng giống như thuở nào đã ru tôi rơi vào những giấc ngủ hè trưa, mồ hôi đẩm ướt vạt lưng. Tôi thèm mùi tanh nồng của gió biển ùa vào mũi, một chút vị mằn mặn chạm ở bờ môi, một chút nhớp nháp lận vào da thịt. Tôi thèm một chút hương; hương nặng mùi của bông vạn thọ. Thật ra đó là một loại bông mà tôi không bao giờ thấy đẹp, thấy thơm. Một loại bông của làng tôi, quê tôi, một loại bông không thể thiếu trong những khu vườn ở chùa. Một loại bông được bán thật nhiều vào dịp Tết, hay vào những ngày rằm lễ Phật. Một loại bông chưa bao giờ cho tôi một ấn tượng đẹp. Hương và màu sắc của chúng chưa bao giờ quyến rũ được tôi. Tôi không ưa màu vàng. Màu vàng không hợp với nước da bánh mật, nhuốm màu sơn cước của tôi. Màu vàng làm tôi cảm thấy không bình yên. Phải chăng màu vàng là màu mất mát?

Thế mà hôm nay tự nhiên tôi lại nghĩ đến loại bông hoa "quê" này; nhớ quay quắt, nhớ đến quặn lòng, nhớ lắm! Nhớ mùi hương nằng nặng, nhớ đến màu vàng, đậm, nhạt xếp từng hàng trong những khu vườn ở chùa mà thuở nhỏ tôi thường đến thăm, đã từng nghịch ngợm, bẻ cành, bức lá; đã từng bị chú tiểu bắt tại trận, khóc lóc sướt mướt mới được tha. Có nhiều nỗi nhớ đến với mình làm mình rơi lệ mà không hiểu vì sao!

Ngày xưa khi còn nhỏ, trên đường đến trường, ngày nào tôi cũng đi ngang qua một ngôi chùa. Đó là ngôi chùa lớn nhất nơi tôi ở, nằm ngay trung tâm thành phố. Vào những ngày lễ lớn, thiện nam tín nữ khắp nơi đi lễ chùa. Chắc họ đến cầu xin Phật phù hộ cho bản thân, gia đình họ, xa hơn một chút là cho bạn bè và xa hơn nữa là cho cả thế giới sống yên bình trong sự che chở của Phật. Cùng bạn bè đến chùa, nhưng tôi không cầu nguyện điều gì cả. Đến chùa, lúc ấy là niềm vui lớn trong tôi vì không khí tưng bừng của lễ hội. Thiên hạ dập dìu với những bộ quần áo đẹp. Hoa quả đơm đầy bàn thờ trong một không khí nhộn nhịp, thế thôi. Tôi đã không đến chùa với lòng tin, lòng ngưỡng mộ. Mà tin làm sao được khi đó tôi chỉ là một con bé con; chân đất, mũi chảy thập thò.

Nhớ có lần, từ bên ngoài hàng rào, tôi thò tay vào bẻ một chùm hoa vạn thọ được trồng ở trong ngôi chùa này. Lập tức bị một chú tiểu bắt được và nắm chặt tay tôi. Tôi sợ quá, khóc ầm lên. Đứa bạn đi cùng với tôi, cũng sợ quá bỏ chạy để mình tôi ở lại. Chú tiểu cột tay tôi vào hàng rào bằng sợi dây dừa. Tôi vùng vằng chừng nào thì đau chừng nấy. La khóc đến nỗi mấy nguời đi đuờng phải dừng lại xem. Nước mắt nước mũi tôi tèm nhem. Có người đứng nhìn rồi bỏ đi. Có một bác, chắc mủi lòng, dừng lại xem thử chuyện gì xảy ra. Bác thấy bị cột và chú tiểu thì nói tôi hái trộm bông vạn thọ của chùa. Bác xin chú tiểu tha cho tôi và bắt tôi hứa là từ nay về sau không được hái trộm bông nữa. Tôi gật đầu lịa và hứa đủ thứ. Chẳng biết hồi đó tôi hứa điều gì. Chỉ biết là từ cái lần đau thương ấy, thì tôi không bao giờ bẻ trộm hoa nữa.

Vậy mà cũng đã hơn bốn mươi năm rồi, không biết ngôi chùa và chú tiểu ấy đã ra sao theo dòng chảy của cuộc đời. Tôi không còn hình dung ra nỗi gương mặt của chú tiểu đã một lần làm tôi sợ hãi. Tôi chỉ nhớ mang máng, chú có một lọn tóc dài nhỏ xíu vắt ở mép tai, còn lại thì nhẵn thín, trông đến ngộ. Chú mặc bộ đồ màu nâu, trông chú không hơn tôi bao nhiêu tuổi. Trên đường trở về nhà, tôi cứ thắc mắc hoài vì sao mà chú tiểu phải vào chùa ở, sao chú không ở với cha mẹ chú. Trong tôi, một cô bé mười tuổi, cứ mãi vấn vương với ý nghĩ này, cứ muốn làm sao mà có dịp đi hỏi chú tiểu là chú có cha mẹ không? Nhiều câu hỏi như thế cứ chờn vờn trong cái đầu của tôi, con bé con. Nhưng tôi không dám hỏi ai. Vì người lớn hay cho là tôi vớ vẩn, lộn xộn, dấm dớ. Riết rồi tôi không bao giờ dám hỏi điều gì cả. Cứ ôm khư khư vào lòng với những dấu hỏi lớn. Thế rồi thời gian cũng làm tôi quên dần với những thắc mắc ấy đi. Thắc mắc này đi thì thắc mắc khác đến thay thế vào, tiếp nối nhau. Và tôi nhận ra rằng đời sống của tôi là những chuỗi thắc mắc.

Hương sắc của hoa vạn thọ chưa bao giờ quyến rũ được tôi. Cái ý nghĩ trồng một chậu bông vạn thọ trong cái vườn nho nhỏ của tôi cũng chưa bao giờ thoáng qua trong đầu. Thế mà giờ đây, mùi hương gắt của nó, màu vàng đáng ghét của nó lại làm làm tôi phải nhớ đến. Vô tình đã trở thành kỷ niệm bám chặt lấy tôi lúc nào không hay biết. Thật lạ lùng! Hay là khi mình muốn dứt bỏ một điều gì, hay là mình ghét bỏ một điều gì, hiển nhiên nó sống âm thầm bên cạnh mình, rồi đến một ngày nó xuất hiện làm tội làm tình mình!

Tôi đã ra đi khỏi thành phố nơi tôi lớn lên lúc tôi mười tám tuổi. Thỉnh thoảng có về thăm nhà vào dịp Tết hay những kỳ nghỉ hè. Ngôi chùa vẫn nằm đó, khung cảnh có khác; đẹp hơn, lộng lẫy hơn. Hàng rào không còn là hàng rào bằng thép gai nữa, thay vào đó là những cột bê tông kiên cố sơn vàng. Tôi có đi ngang qua nhưng không vào bên trong. Vì sao ư? Tôi không biết. Chỉ cảm thấy là hình như không khí mới mẻ này không còn thuộc về mình. Cái hàng rào kỷ niệm của tôi không còn nữa. Và cả chú tiểu thiếu từ bi của tôi cũng đâu rồi!

Mới đây, khi viếng thăm thành phố núi mà tôi đã từng ở vào những mùa hè của thời mới lớn, lòng tôi có chút ngậm ngùi khi lang thang trên những con đường đồi dốc thuở nào. Nhớ những hôm cùng với người bạn thân đi bộ dọc theo bờ hồ, ngược con dốc về lại làng đại học, đến khuya và sương đã thấm ướt hai mái đầu. Không biết hồi đó hai đứa nói chuyện gì mà nhiều thế. Đi một vòng hồi nói chưa hết chuyện nên vòng thứ hai và thứ ba nối tiếp nhau. Tôi không còn nhớ hai đứa đã từng đi bao nhiêu vòng cho mỗi lần gặp gỡ. Chuyện tương lai, chuyện tình cảm, chuyện sống, chuyện chết, chuyện người, chuyện mình...Nhớ vô cùng! Thành phố với những buổi sáng sương mờ giăng giăng trên những luống rau xanh, nhìn từ trên cao, cho tôi một cảm giác dịu êm. Chiều xuống cái lạnh núi rừng làm tôi thèm mùi củi khô và ánh lửa reo mừng từ lò sưởi. Những rạo rực, bồi hồi ấy cứ lẩn quẩn bên tôi.

Trong thời gian lưu lại thành phố lần này, tôi viếng thăm một thiền viện mà ai cũng trằm trồ khen ngợi. Nhìn cảnh vật trong và ngoài thiền viện, tôi chợt nghĩ đến chú tiểu năm xưa của tôi. Tôi tự hỏi không biết chú có thành ông thượng toạ đang trụ trì ở trong thiền viện này không hay chú đang lang thang ở một góc nào trong đời sống này! Nhưng nếu chú là một trong những thượng toạ ở trong ngôi chùa này thì tôi cũng không nhận ra đó là chú tiểu của tôi. Thời gian mà, làm sao mà nhớ hết được!

Thiền viện này nằm trên một ngọn đồi cao, xung quanh với những rừng thông bạt ngàn. Bên hồ, bên núi. Một phong cảnh thật nên thơ và hữu tình. Tôi đã thăm từng ngóc ngách của thiền viện, đẹp lắm. Mỗi chậu hoa, mỗi cành cây, từng lối đi được chăm sóc tỉ mỉ, công phu. Tôi cũng đi thăm những khu nhà ở của các thầy tu ở đây. Tôi từng viếng nhiều đền chùa, nhưng chưa có chùa nào đẹp, khang trang và đầy đủ tiện nghi như chùa này. Cảnh sắc quá kiều diễm làm khách phương xa ghé thăm trầm trồ và ngưỡng mộ. Nhưng sao trong lòng tôi nặng trĩu. Phải chăng lòng còn sân si ? Phải chăng đôi mắt của tôi có thể nhìn xuyên qua lồng ngực và thấy trái tim đang teo dần, càng lúc càng nhỏ lại, chỉ đủ lớn để nhịp đập còn nhảy múa, để con người tin rằng mình còn đang sống một đời? Với cảm nhận riêng tôi, ngôi chùa này là một nơi du lịch chứ không phải là một nơi để tu. Suy nghĩ của tôi có kỳ quặc quá không? Tôi không biết.

Rồi tôi lại có dịp đi thăm một ngôi làng của người thiểu số. Ngôi làng này có tên là Làng Gà. Giữa ngôi làng này, cũng có một căn nhà nho nhỏ gọi là chùa, không xa mấy thiền viện mà tôi đi thăm vào buổi sáng. Cách xa nhau có một đoạn đường mà tôi tưởng tôi lạc vào một thế giới khác. Con đường dẫn vào làng vẫn còn là đường làng đất đỏ. Mưa đã đổ xuống ngày hôm trước, con đường chằng chịt những ổ gà, lồi lõm. Những căn nhà gỗ, xiu vẹo dọc hai bên đường, cũ kỹ, dơ bẩn làm mắt tôi cay cay . Đất đỏ bám một lớp thật dày vào chung quanh vách cho tôi cái cảm giác não lòng. Những em bé chân đất, bụng ểnh, lưng ong. Những bà mẹ bập bẹ tiếng Kinh cõng những đứa con đang lên cơn sốt chạy đến ngôi chùa khiêm nhường này để được chăm sóc. Ni cô Huệ Y là thầy thuốc bất đắc dĩ ở ngôi làng này, là ân nhân của những người nghèo khó khốn cùng này. Những bà mẹ chân đất đã đến đây xin chút tình thương còn sót lại đâu đó trong xã hội buồn bã mà tôi đã có dịp cảm nhận được..

Tôi tình cờ gặp họ. Tôi thấy mình thừa thãi, lạc điệu. Tôi thấy mình bất lực. Tôi thu mình ở một góc, chôn chân và nghe trái tim mình thổn thức. Tôi tự hỏi làm sao mà họ có thể sống qua một kiếp người trong một điều kiện sống như thế! Có bao giờ những người mẹ này nghe lòng rướm máu, nghe lòng rách nát, nghe lòng đớn đau khi nhìn những đứa con của mình quằn quại với những cơn đau, lã người với những cơn sốt? Thầy thưốc đâu? Rồi còn tiền thưốc nữa? Họ sống mà như chết, ít ra là dưới cái nhìn của tôi. Học vấn không, tiền bạc không, đất đai không. Tương lai họ ở đâu? Tương lai con cái họ ở đâu? Ôi! Đời sống! Và tôi thấy mình nhỏ bé làm sao bên cạnh họ!

Tôi lại nghĩ đến chú tiểu của tôi, chú tiểu đã bắt phạt tôi vì tội hái trộm hoa thuở nào. Chú tiểu của tôi hiện giờ ở đâu, có thành thượng toạ trụ trì ở một ngôi chùa nào thật khang trang như thiền viện mà tôi có dịp viếng thăm, hay chú đã hoàn tục, hay chú có một sứ mệnh phải hoàn thành như sư cô Huệ Y ở đâu đó, hay chú suốt đời là chú tiểu chỉ biết quét lá đa! Nào ai biết!

Nguyễn Kim Tiến
10 tháng 2 năm 2009

Thêm bình luận


Đăng Nhập / Đăng Xuất