Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • DaiThinhDuong1200
  • NhaGiuXe1200
  • CD4 1200
  • hinhCu 1200

Lúc nào rảnh là tôi vào trang cuongde.org xem thử có bài gì mới để đọc. Tôi không bỏ sót bài nào từ khi tôi vào sinh hoạt ở đây. Những kỷ niệm và tâm tình của bạn bè khắp nơi luôn cho tôi những tình cảm dịu êm. Đôi khi có những trăn trở, suy tư về những lời bàn, bài viết nhưng điều này không làm giảm đi lòng thương mến của tôi đối với trang web này. Ủa, mà vì sao tôi lại cứ quảng cáo cái trang web này, không chừng thiên hạ tưởng admin hối lộ cho tôi bạc tỷ rồi đây! Tôi cam đoan là cái trương mục trong nước của tôi trống rỗng! Từ từ rồi bạn hiểu vì sao tôi kỳ cục, sao khi không tôi lại muốn kể cho các bạn nghe về chị rùa của tôi và nó liên quan gì đến cuongde.org.

Hai cô con gái của tôi chạy vào mặt mày vừa vui vừa hớt ha hớt hải, thở hổn hển, tiếng được tiếng mất: "Mẹ ơi, ra vườn mà xem, có con ruà đang bò quanh ở trước vườn nhà mình. Ba nói nó đang tìm chỗ đào lỗ để đẻ trứng. Ba muốn mẹ ra xem." Thường thì tôi hay nói từ từ để mẹ viết cho xong cái lời bàn này hay từ từ để mẹ đọc xong cái bài viết này, nhưng lần này, tôi ngưng ngay và chạy theo hai con ra trước vườn dù tôi đang viết nửa chừng. Những đời sống quanh tôi, những câu chuyện quanh tôi luôn tình cờ cho tôi những chất liệu, những cảm xúc để tôi dệt nên những vần thơ và những bài văn chia sẻ cùng bạn đọc. Như một mối dây không nắm bắt được mà sao càng lúc nó thắt chặt tôi với bạn đọc mà có đôi khi tôi muốn tháo nó ra!

Tôi theo sau hai cô con gái lại gần chị rùa. Chị đang làm những thao tác đào lỗ. Hai chân sau của chị quơ quào, bới móc. Chị đang như cố gắng hết sức, múc đất từ dưới lỗ bỏ quanh miệng lỗ. Đất ở vườn nhà tôi là đất có độ cứng cao vì là đất sét chứ không phải cát. Tôi biết thế vì khi mới dọn vào nhà này, bao nhiêu cây thông ông xã tôi trồng đều không sống nổi. May mắn là mua cây cối ở đây, người ta bảo đảm cho mình một năm, nếu cây chết mình được đền cây khác. Phải mất hai lần cây chết chúng tôi mới biết là khi trồng cây, chúng tôi không đào sâu nữa, phải để một phần ba cái bầu rễ cây nằm trên mặt đất thì cây mới sống. Vì là đất sét nên độ giữ nước cao, rễ bị úng và cây không thọ được. Đó là một trong những kinh nghiệm trồng cây trong đất vườn nhà tôi. Ừ, mà vì sao tôi lại lạc đề nữa rồi. Tôi đang nói về chị rùa của tôi đang ở cữ mà!

Bây giờ tôi trở về với chị rùa của tôi. Đất cứng như thế nhưng sao khi chị bới, moi đất lên tôi lại thấy đất như bùn, mềm và ướt. Tôi và ông xã cứ thắc mắc hoài. Tôi cầm cái xẽn nhỏ đào thử thì thấy đúng vậy. Đất cứng ghê lắm. Phải chăng chị rùa đã tiết ra một chất nước gì để làm mềm đất. Nếu như vậy thì đấy là một điều quá tuyệt vời mà tạo hoá đã ban tặng cho muôn loài!

Cả nhà đứng hàng giờ quan sát chị. Chúng tôi yên lặng chỉ nhìn nhau, chỉ chỏ và đôi khi thì thầm chứ tuyệt nhiên không nói chuyện lớn tiếng vì sợ tiếng ồn làm chị rùa sợ mà bỏ đi. Hai con ngạc nhiên và thích thú vô cùng. Tôi cũng vậy. Tôi cũng chăm chú nhìn không bỏ sót một chi tiết nào. Phải nói là tôi quan sát rất tỉ mỉ từng động tác của chị. Chị không lớn lắm, chừng gấp rưởi bàn tay của tôi mà thôi. Lưng chị màu xám đen giống như màu cua đồng của mình vậy. Có những lằn ranh chia lưng chị thành nhiều vùng, màu sắc có lúc đậm nhạt khác nhau. Còn cái đầu bé xíu thụt vào nên tôi không nhìn rõ. Tôi lại thắc mắc, với đôi chân ngắn và bé xíu như thế sao chị có thể đào được cái lỗ sâu đến hơn một tấc. Tôi lại nhớ đến câu tục ngữ nghe hồi nhỏ: "Có công mài sắc có ngày nên kim". Chắc vậy!

Tôi lại liên tưởng đến hai lần sinh của mình. Đau đớn vô cùng. Nhưng thời bây giờ có thuốc giảm đau, còn thời cha mẹ ông bà mình, chắc là chỉ biết cầu trời vái phật cho mẹ tròn con vuông, chắc chỉ biết cắn răng mà chịu đau đớn. Tôi lại thắc mắc, hết thắc mắc này đến thắc mắc kia. Tôi chỉ có hai lần sinh nở mà đã thấy không biết là bao nhiêu sao trên trời rồi, còn ông bà cha mẹ mình, bảy, tám chín lần sinh, có khi hơn một tá! Trời ơi! làm sao mà họ chịu đựng nỗi! Nghĩ đến đây tôi không dám nghĩ tiếp nhưng phải nói rằng chính thiên chức làm mẹ, chính niềm vui làm mẹ đã làm cơn đau, đau đến nỗi mà chết chắc sướng hơn, đã giúp người mẹ chảy hai hàng nước mắt khi nghe tiếng khóc chào đời của con, khi nhìn mặt con và khi được ôm đứa con còn đỏ hoe trong lòng mình. Cơn đau biến mất, biến mất nhanh đến độ mà muốn có thêm đứa nữa. Thật diệu kỳ! Tình thương yêu ấy tiếp nối và lan tỏa, sáng ngời đã làm người đàn bà quên đi cơn vừa mới xảy ra để rồi cứ thế mà đón nhận những cơn đau ở những năm sau? Và cũng chính vì đau đớn quá mà tình của mẹ thương con vô bờ bến, vô điều kiện? Tình yêu thương này không bút mực nào tả xiết! Chắc vì lớn quá, rộng quá, đầy quá mà người đời thuờng ví von tình mẹ thương con bao la như biển Thái bình!

Tôi cứ miên man thắc mắc, cứ liên tưởng đến chuyện này chuyện nọ đến nổi chị rùa của tôi đào xong cái lỗ hồi nào mà tôi không hay. Chắc chị mệt hay sao mà chị nằm yên không cục cựa hay chị biết chị sắp cho ra đời nhiều quả trứng ngay lập tức nên chị phải lấy sức! Không biết chị có đau bụng, co bóp, quặn thắt từng cơn, mồ hôi vả ra như tắm giống tôi không? Không biết chị có cắn môi đến chảy máu, chị có chảy những giọt nước mắt đau đớn giống tôi không? Tôi lại thắc mắc nữa rồi! Cái đầu của tôi toàn là thắc mắc! Nhiều lúc tôi muốn thay vào cái đầu khác cho yên chuyện!

Bất ngờ tôi thấy chị co một chân lên, trong vòng vài giây, môt quả trứng màu trắng bằng cở đầu ngón tay cái của tôi rớt xuống lỗ. Xong chị dùng hai chân sau quơ vội lớp đất mềm chị đào lên lúc nãy phủ một lớp lên quả trứng, rồi chị nằm yên. Vài phút sau, chị nhích cái chân phải của chị lên, một quả trứng nữa ra đời, rồi một lớp đất nữa cũng phủ lên. Như vậy là 8 lần chị nhích cái chân phải chị lên là 8 lần chị chuyển bụng. Tám quả trứng nằm sâu dưới cái lỗ bề ngang chừng nửa tấc, bề dài hơn tấc. Chắc chị nghỉ mệt hay sao mà tôi thấy chị nằm im. Vài phút sau chị lại cũng dùng hai chân sau cào hết lớp đất hồi nãy chị đào lên, phủ kín cái lỗ, một cách gọn gàng và mạnh mẽ. Tôi chắc chị muốn che giấu con của chị, chắc chị sợ những con chim hay là những động vật khác giết hại con chị chăng? Tôi thấy những động tác của chị gọn gàng đến nổi mà nếu tôi không quan sát từ đầu đến cuối, tôi sẽ không hề biết là chị đã vào vườn tôi mà sinh nở! Sau khi chị làm xong bổn phận của chị, chị lẳng lặng bò đi về phía sau vườn, nơi có cái ao đào để điều tiết lưu lượng thoát nước mỗi khi trời mưa. Chị đủng đa, đủng đỉnh bò. Trông dáng chị mệt mỏi hơn. Không thấy chị ngoái đầu nhìn lại. Không biết chị có nhớ chỗ mà quay lại đón con! Tôi đăm chiêu nghĩ ngợi. Tôi nhìn theo cho đến khi chị khuất vào trong đám cỏ cat's-tail sau vườn. Biết có còn gặp lại chị!

Tôi lấy mấy cái cây khô đâm xuống đất làm một vòng quanh cái lỗ để làm dấu. Rồi từ ngày đó, chiều nào đi làm về tôi cũng ghé thăm. Cô gái út của tôi viết nhật ký mỗi ngày để xem diễn biến của những cái trứng rùa sẽ như thế nào trong thời gian tới. Một tuần, rồi lại hai tuần trôi qua, chẳng thấy có gì thay đổi. Tôi lên Google tìm hiểu bao lâu thi trứng rùa nở, mới biết phải cần đến hai hay ba tháng mà có khi trứng không nở tự hủy nửa chừng. Cảm giác buồn buồn len lõi vào lòng. Lạ chưa? Chỉ là mấy cái trứng rùa thôi mà sao nó lại làm tôi nghĩ ngơi miên man! Tôi lo nếu mà may mắn chúng nở được, làm sao mà chúng có thể chui ra từ dưới đất mà thoát ra ngoài được. Đất cứng quá mà! Người ta nói chị sẽ quay lại để dẫn con chị theo chị. Tôi có ý chờ để gặp chị. Tôi cứ ra thăm và sờ vào đất, thấy đất cứng vô cùng. Phải chi chị tìm được vùng đất nào cát hơn mà sinh con! Mùa thu tới, mùa đông qua. Tôi không bao giờ thấy con rùa con nào cả. Tôi không biết chúng có thấy được ánh mặt trời hay cuộc đời chúng đã nằm yên dưới lòng đất trong một góc vườn nhà tôi từ cái giây phút mà tôi vô tình thấy chúng.

Đời sống cứ thế mà trôi nên tôi rồi cũng quên chúng, nhưng bạn ơi, như là một duyên hạnh ngộ, mới đây, khi nắng vẫn còn chan hoà cùng cây cỏ, nắng vẫn còn sưởi ấm lòng người, lòng phố, thì chị quay lại với tôi. Không biết có phải là chị nhớ tôi mà trở về. Phải chi hồi đó tôi làm dấu trên lưng chị để nhận diện ra chi. Chị lang thang cũng cùng một vị trí, nơi góc vườn mà năm trước chị đã ở cử. Chắc chị đang tìm chỗ để ở cử? Tôi nghĩ thế. Nhưng lần này, vì đã đến giờ đi làm, nên tôi không thể quan sát và ở bên chị lúc chị sinh nở nữa. Trên đường đi làm, tôi nghĩ đến chị rùa của tôi, đến thân phận người phụ nữ. Lúc sinh mà có người thân cận kề như những năm gần đây là một niềm hạnh phúc vô bờ. Hai lần tôi sinh đều có ông xã tôi bên cạnh. Đây là một quyết định rất tình người khi bệnh viện cho người chồng, nếu không may không có, thì là một người thân, có thể là mẹ mình, cha mình, anh chị mình hay bạn bè mình thì cơn đau giảm đi một nửa, vì cảm thấy được sẻ chia.

Chiều đến, vừa về đến nhà, tôi vộị đi tìm chị. Tôi quẩn quanh đi tìm xem thử chị rùa của tôi giấu mấy quả trứng của chị ở đâu, nhưng vô vọng. Tôi không thể tìm ra một dấu vết nào cả. Không biết lần này, chị sinh được bao nhiêu quả trứng, không biết lần này có quả nào nên hình, nên dạng. Tôi trách tôi sao không nấn ná ở với chị thêm chút nữa. Không có tôi bên cạnh lúc sinh nở, chị có buồn không? Tôi thấy tôi kỳ cục! Bạn có thấy không?

Nguyễn Kim Tiến
20 tháng 10 năm 2010
  
Thêm bình luận


Đăng Nhập / Đăng Xuất