Tháp đôi

Tháp Đôi (Quy Nhơn)

Khi lướt qua những câu ca dao Bình Định người đọc sẽ tìm thấy khá nhiều câu ca dao nhắc đến Tháp Đôi ở Quy Nhơn. Hình ảnh đôi tháp Chàm hầu như khá quen thuộc với người dân nơi đây nên đôi khi người đọc đã bỏ qua nhiều điều ẩn dấu sau những câu thơ mộc mạc . Chẳng hạn, không phải ai cũng biết Hưng Thạnh là tên chính thức của đôi tháp này được nhắc đến qua câu ca dao:

Ai về Tuy Phước ăn nem,
Ghé qua Hưng Thạnh mà xem tháp chàm.

Thật vậy đôi tháp tọa lạc trên địa phận làng Hưng Thạnh thuộc huyện Tuy Phước nên mới có tên chữ là tháp Hưng Thạnh. Như vậy khi câu ca dao này xuất hiện thì địa giới thành phố QN còn rất nhỏ, thậm chí là thành phố còn chưa thành lập. Theo sử sách thì QN quả là một thành phố trẻ, người Pháp chính thức thành lập khoảng năm 1933 khi cho xây dựng tòa công sứ và các công sở hành chính. Liên quan đến thời điểm này, có một câu ca dao khác cũng khiến nhiều người lầm lẫn. Người Bình Định nói chung là rất trọng nghĩa tình và được thể hiện, ví von qua câu ca dao :

Tháp Đôi đứng cạnh Cầu Đôi,
Vật còn như vậy nữa tôi với mình.

Tháp Đôi là đôi tháp thì rõ rồi, nhưng sao lại gọi cầu Đôi? Đa số người khi được hỏi thì nhanh chóng trả lời rằng vì có đôi cầu, cầu bê tông và cầu sắt xe lửa nằm cạnh nhau.Thật sự thì tuyến đường sắt xuyên Việt, đoạn từ Đà Nẵng – Nha Trang bắt đầu khởi công từ năm 1932 và hoàn thành năm 1934. Chiếc cầu sắt xe lửa ở cầu Đôi nằm trên tuyến đường nhánh Diêu Trì – Quy Nhơn nên chỉ có thể xây dựng từ lúc đó hoặc muộn hơn. Có thể suy luận rằng để câu thơ của tác giả vô danh trên trở thành câu ca dao phổ biến sâu rộng trong đời sống đòi hỏi một khoảng thời gian nhất định. Hay nói cách khác thì thời điểm sáng tác câu thơ trên phải ra đời trước khi có cầu sắt rất lâu. Tất nhiên anh chàng thi sĩ nông dân nào đó khi sáng tác câu thơ này phải lấy cảm hứng thật sự từ đôi cầu có thật. Các nhà nghiên cứu khi tìm hiểu qua lời kể của các cụ bô lão thì biết được rằng ngày xưa có hai cây cầu gỗ nhỏ hẹp nằm song song với nhau nên gọi là cầu đôi. Nhưng các cụ chẳng giải thích được vì sao lại dựng hai chiếc cầu cạnh nhau. Khi người Pháp phá bỏ hai chiếc cầu này để xây thành một chiếc cầu bê tông hiện đại thì nguồn gốc của tên gọi "cầu đôi" từ đó đã bị hiểu sai lệch.

Hình tượng đôi tháp còn được ví với lẽ sống nhân nghĩa, chung thủy của người Bình Định qua câu ca dao:

Cầu đôi mà tháp cũng đôi,
Dễ chi nhân nghĩa mà rời được sao.

Nhưng có chắc là không có kẻ thứ ba nào chia rẽ sự chung thủy của đôi tháp? Có đấy. Dựa theo truyền thống kiến trúc tháp cổ Chămpa các nhà khảo cổ học khẳng định còn có ngôi tháp thứ ba. Ngôi tháp thứ ba này phải ở cạnh ngôi tháp phía bắc hiện nay. Ngôi tháp bắc này tục gọi là tháp Bà, là tháp trung tâm nên thường cao và đồ sộ hơn hai tháp bên cạnh. Mãi đến năm 1991 khi dọn dẹp mặt bằng để trùng tu đôi tháp thì mới phát lộ nền móng tháp và các phiến đá có chạm khắc hoa văn khá tinh xảo. Các phiến đá trên có lẽ là được chuẩn bị để xây dựng nền móng cho ngôi tháp thứ ba và hiện nay vẫn còn nằm rải rác trong khu tháp. Nhưng vì sao việc thi công bị bỏ dở thì vẫn là điều chưa ai giải thích được.
Ô cửa giảThần ĐiểuPhiến đá

          Ô cửa giả                                  Thần Điểu Garuda                         Phiến đá của ngôi Tháp thứ Ba

Một câu chuyện thú vị khác về viên đá nóc trên đôi tháp. Khi vào trong lòng tháp du khách sẽ thấy ánh nắng từ khoảng trống trên nóc tháp chiếu sáng bộ Linga-Yoni hoàn hảo tuyệt đẹp (ở tháp bắc). Có phải người Chăm cố ý để trống nóc tháp cho thông thoáng, sáng sủa như nhiều người đã nghĩ ? Các nhà xây dựng sẽ không chấp nhận điều này vì nước mưa là kẻ thù số một đối với các công trình xây dựng, nhất là công trình bằng gạch. Trong các cuộc khảo sát tại địa phương các vị cao niên nói rằng có nghe ông bà xưa kể lại là khoảng thế kỷ 17, có tàu buôn của người Y- Pha -Nho cập bến và lấy mất chóp tháp bằng vàng. Năm 1902, nhà khảo cổ nổi tiếng H. Parmentier, người Pháp lại cho rằng dựa theo kích thước, hình dáng thì viên đá nóc hiện đang được làm bàn thờ trong ngôi chùa bên cạnh. Mới đây ngôi chùa đã được di dời, giải tỏa trả lại quang cảnh trang nghiêm cần thiết cho khu tháp, một nổ lực đáng ghi nhận trong công tác bảo tồn tháp cổ. Nhưng không biết có phải là viên đá nóc mà du khách chiêm ngưỡng tại sân Bảo Tàng Bình Định là viên đá thu hồi từ chùa này? Lẽ ra nên đặt viên đá nóc tại khuôn viên khu tháp thì trọn vẹn hơn, vả lại "cái gì của César thì trả lại cho César".

Hoa vănPhiến đá nócĐá trang trí

              Bộ Linga_Yoni                                  Phiến đá nóc Tháp Đôi     Đá trang trí trên diềm mái Tháp

Một điều thú vị khác mà ít người lưu tâm là công trình trùng tu Tháp Đôi là công trình đầu tiên do các chuyên gia nước ta thực hiện hoàn toàn, đã thành công một cách đáng thán phục. Việc trùng tu, dựa trên sự kết hợp hài hòa giữa phương pháp hiện đại và phương pháp truyền thống của người Chăm cổ, được đánh giá cao hơn bất kỳ công trình nào khác do chuyên gia nước ngoài thực hiện,và đã mở ra hướng đi mới cho công tác bảo tồn tháp Chăm. Đây là điểm son cho công tác bảo tồn, bảo tàng tháp cổ nước ta nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng. Tháp đôi ngày nay đã trở thành môt điểm đến hấp dẫn trong bản đồ du lịch của thành phố Qui Nhơn.

Nguyễn Trí Minh