Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • CD4 1200
  • hinhCu 1200
  • NhaGiuXe1200
  • DaiThinhDuong1200

Một anh bạn học rất sính dùng cái từ Ăng-lê selective memory, trí nhớ lọc lựa, lựa điều muốn nhớ và chọn chuyện để cố tình quên. Rồi có những lúc vô công rỗi việc như lúc nầy, ngồi suy đi ngẫm lại, thấy quả thật trong cuộc sống đụng phải cái gọi là selective memory này không phải là ít.

40 below là một trường hợp trí nhớ lọc lựa như thế.

 

Hai mươi mấy năm về trước, đã phải trải qua nhiều ngày tháng ăn dầm nằm dề trong trại tị nạn Palawan, Philippines, sống nhờ lòng nhân đạo của thế giới qua Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, một cơ quan quốc tế chuyên lo giúp đỡ việc định cư cho những người tị nạn và những người bị buộc rời khỏi nơi thường trú (displaced person.) Đến khi được phái đoàn Canada phỏng vấn nhận định cư, với mớ kiến thức thu thập thời trung học và qua sách vở, biết rằng Canada là một quốc gia giáp với Bắc cực, thuộc vùng hàn đới, khí hậu lạnh lẽo nên khi phỏng vấn mới ngỏ ý xin được định cư ở Vancouver, thành phố ấm áp nhất nước. Gõ thì được mở, xin thì sẽ được cho, năm 1984, với mảnh giấy di trú phân loại vô tổ quốc (stateless), đặt chân tới Vancouver, khởi đầu cuộc sống mới của một di dân.

 

Đến Vancouver vào thời điểm suy thoái trong chu kỳ kinh tế, công ăn việc làm thật hiếm hoi, ngay cả dân sinh trưởng tại bản địa còn tìm không ra việc thích hợp với khả năng, nói chi đến những kẻ chân ướt chân ráo, những kẻ mà dân định cư lâu năm, dân cố cựu gọi là fresh off the boat như mình. Ba năm trôi qua với mọi công việc lớn bé tìm được, khi thì đứng lật hamburger trong nhà hàng McDonald, lúc khác đi hái táo nơi trang trại hoặc ngồi may những chiếc áo lông thú mắc tiền, những chiếc áo mà giá bán bằng vài ba tháng lương của một người lao động chân tay. Ba năm lìa xa nơi chốn nhau cắt rốn, cắt đứt khỏi những mối quan hệ gia đình cùng những bằng hữu thời cắp sách tới trường, cũng là ba năm những mối quan hệ mới dần hình thành. Tình thân hữu với một người bạn già gốc Ăng-lê đã là một trong những mối quan hệ mới như thế. Tình vừa chớm thân thì đã phải giã từ ông để Đông tiến, dọn về sinh sống ở Toronto. Khi chia tay, có lẽ ông đã dặn dò người bạn mới quen nhiều điều, nhưng cái trí nhớ vốn lọc lựa, nên chỉ còn nhớ mãi một điều ông nói. 40 below, khí hậu Toronto lạnh lắm, dân Ăng lê tụi qua không nói âm 40 độ mà nói 40 below là chú em phải biết. Lạnh cóng người, lạnh tái tê.

 

Chừng thấm lạnh vài mùa đông Toronto mới biết thêm một chút. Cái con số 40 degrees below zero có một không hai rất đặc biệt nầy sở dĩ trở thành một thành ngữ và được sử dụng nhiều trong những lần trò chuyện trà dư tửu hậu bởi vì 40 độ âm theo thang nhiệt độ bách phân Celcius cũng là 40 độ âm theo thang nhiệt độ Farenheit, thang nhiệt độ quen dùng bởi đa số dân Bắc Mỹ. Nói 40 below thì người hiểu đó là trừ 40 độ Celcius cũng đúng, còn ai khác hiểu đó là âm 40 độ Farenheit cũng không sai.

Ở lâu hơn mới thấy rằng mỗi mùa đông dài ba tháng, lạnh thì có lạnh thiệt, nhất là đối với những di dân đến từ những xứ sở nhiệt đới, quanh năm chỉ hai mùa mưa nắng như xứ mình, nhiệt độ có xuống thấp lắm cũng chỉ quanh quẩn ở 15, 20 độ bách phân, mặc thêm chiếc áo len vẫn có thể dung dăng dung dẻ dạo chơi phố xá một cách vô tư. Ba tháng mùa đông Toronto, số ngày lạnh 40 below có lẽ đếm được trên đầu những ngón tay, còn đa số thì từ độ âm 20 trở lại. Hơn nữa nhà nhà đều trang bị thiết bị sưởi ấm, xe hơi là phương tiện di chuyển chính đều có thêm hệ thống sưởi kiêm thêm điều hoà không khí, vừa sưởi ấm mùa đông vừa làm mát mẻ mùa hè. Cho nên cái lạnh lẽo của thời tiết không là một yếu tố ngăn cản những con người muốn chọn nơi chốn này để sinh sống lập nghiệp.

Canada là một trong quốc gia của di dân với Toronto là thành phố lớn nhất nước. Ở thành phố này bạn có thể tìm thấy mọi sắc dân trên thế giới, cho dù đó là dân du mục Mông Cổ, dân Tây Tạng Tibet hoặc dân đến từ những hòn đảo nhỏ xíu xa xôi thuộc quần đảo Polynesian của Thái Bình Dường như dân Fiji. Đồng nghiệp chung một văn phòng có hai tên gốc gác Ý-đại-lợi, một tên gốc Bồ-đào-nha. Xếp hạng theo số lượng dân định cư thì dân gốc Ý đông đứng hàng thứ tư trong số hàng trăm sắc dân định cư ở thành phố này. Nói chuyện mới biết dân Ý cũng như một vài sắc dân châu Âu khác bắt đầu ồ ạt di dân tới Canada sau Đệ Nhị Thế , khi châu Âu bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh. Đặt chân tới một đất nước mới để sinh sống, dù là gốc Ý hay nòi Việt, đa số những di dân với những ký ức về chốn xưa còn tươi rói, mới mẻ trong đầu, thoạt tiên thường mang cái ý nghĩ, sinh sống lập nghiệp nơi đất nước tạm dung này một thời gian, khi về hưu sẽ quay trở lại cố hương để sống những ngày còn lại nơi đó.

Nhưng như một thân cây, càng già cỗi thì rể cắm càng sâu, con người sinh sống lâu năm, càng quen thuộc một chốn nào rồi càng khó rời bỏ nơi chốn đó. Con cái rồi cháu chắt sinh ra lớn lên nơi này, tụi nó đâu có giây mơ rễ má gì nữa với cái đất nước cha mẹ ông bà chúng rời xa, nghe cha mẹ ông bà kể lại thì biết vậy thôi chứ đâu có hứng thú gì mà về đó sinh sống. Mình là cha mẹ thương con rồi thương cháu, đâu có nỡ rời xa chúng nó để quay về cố quốc ? Vả lại quê hương của tuổi trẻ ngày nào có lẽ chỉ còn trong ký ức, nhớ chỉ để mà nhớ chứ những kỷ niệm ngọt ngào thời thiếu niên đã như nước chảy qua cầu có bao giờ tìm lại được?

Tôi là ai mà còn khi dấu lệ
Tôi là ai mà còn trần gian thế
Tôi là ai, là ai, là ai ?
Mà yêu quá đời này

Kết nối để nghe Khánh Ly với ca khúc Trịnh Công Sơn: Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng


Hoá cho nên mặc dù ngày càng thấm cái lạnh mùa đông, vẫn cứ xin nhận nơi này làm quê hương.

 

Toronto 27/01/2011
VNToàn

  

Thêm bình luận


Đăng Nhập / Đăng Xuất