Nguyên tác của Robert Simms, Nguyễn Sĩ Hanh phỏng dịch

Trong cuộc hành trình bất tận để tìm kiếm sự "được công nhận" cho bản thân mình trên mạng xã hội, chúng ta quên bẵng chuyện thật sự trải nghiệm và tận hưởng những khoảng khắc của cuộc sống thật, Robert Simms viết.


Ai cũng có những ngày "lên voi" và những ngày "xuống chó", tuy nhiên hình ảnh của chúng ta trên mạng xã hội thường không thể hiện cái thực tế này. (Photo: Reuters) .

Tết là dịp để nhìn lại năm qua, và đặt ra những mục tiêu cho năm mới. Và cũng như nhiều "công dân tốt" của thế hệ "Y", tôi chia xẻ những kế hoạch cho năm mới của mình trên Facebook. Trong khi "tự sướng" với rất nhiều "like" ủng hộ và lời còm cho những kế hoạch của mình, tôi chợt nhận ra một sự thật kinh hoàng: Tôi là một kẻ nghiện Facebook!

Tôi tự an ủi rằng không phải chỉ mỗi mình mình bị "bịnh" này. Thực tế là hàng triệu triệu người trên thế giới sùng bái điên cuồng Facebook và vô số mạng xã hội khác. Tuy nhiên cái cảm nhận đứt ruột này khiến tôi phải dừng lại một chút và suy nghĩ: tại sao lại có cái bịnh "nghiền" mấy mạng xã hội, điều này nói gì về bản thân con người tôi, nói gì về cái xã hội mà chúng ta đang sống, và sẽ có những hệ lụy nào?

Từ nhiều góc độ, việc phân biệt cuộc sống riêng tư và công cọng của một người theo kiểu các mạng xã hội đang biểu hiện không phải là một hiện tượng mới. Có lẽ để chống lại chuyện đè nén cảm xúc trong thập niên 50 và 60, những thập niên sau đó văn hóa phương Tây lui cui lo giải tỏa cho hết những bế tắc. Oprah, Jerry Springer, truyền hình thực tế hay những tạp chí lá cải, món nào cũng được, chúng ta thích mổ xẻ cuộc sống của người khác và thấy được cảm xúc của họ. Tuy nhiên mạng xã hội nâng chuyện này lên một mức độ cao hơn. Chúng ta trở thành người xem và cũng là người bị xem, vừa là khán giả vừa là diễn viên, theo dõi cuộc sống của người khác trong khi chia sẻ về bản thân mình theo cái tinh thần mọi người đều đồng ý lật lưng mình cho bà con coi.

Nhưng liệu chúng ta có thật sự thấy được cuộc sống thật của người khác không? Thay vì trình bày đời sống thực của mình lên mạng, chúng ta cẩn thận tạo dựng và thể hiện trên mạng một cuộc sống ảo theo ý mình mong muốn. Dù bạn là một người bạn đời hoàn hảo, là bậc cha mẹ mẫu mực, là một người giao thiệp rộng, là một khách du lịch giàu có, là kẻ đam mê tập gym hay một anh hùng quên mình cứu chúa... mỗi status đều được nắn nuốt cẩn thận, mỗi photo đều được chọn lựa kỹ càng để bổ sung vô cái hình ảnh của mình mà chúng ta muốn thế giới nhìn thấy. Theo cách nghĩ này, mạng xã hội đã biến chúng ta trở thành một người nói láo ăn tiền, một cố vấn về bề ngoài cho chính mình, để trình làng một phiên bản đã được chỉnh sửa và chà láng của bản thân mình tới những người hâm mộ trên mạng.

Thời này rất ít chuyện gì thoát được khỏi những ống kính máy ảnh tràn ngập khắp nơi. Nhưng mục đích ở đây không phải là những hình ảnh trung thực. Chính là chúng là rán chụp cho được những bô ảnh 'ăn tiền' và chúng ta sẽ cứ tiếp tục bấm máy lia chia cho đến khi nào chụp được mới thôi. Chuyện đã qua rồi nhưng nó không thật sự xảy ra cho đến khi nào hình ảnh được tải lên trên Instagram, Facebook hay Twitter. Làm như là chuyện gì cũng phải được đăng lên "status", được "like", được còm... thì mới là chuyện có thiệt. Đi du lịch năm châu bốn bể làm quái gì nếu không đăng hình lên mạng cho bạn bè coi, ăn nhậu ở nhà hàng sang trọng làm chi nếu không chụp được hình khung cảnh nhà hàng, bàn nhậu và các món ăn? Và tại sao phải gồng mình cả ngày trong phòng gym làm gì cho mệt xác nếu không khoe được thành quả "sáu túi" lên mạng?

Đương nhiên tất cả những chuyện "tự sướng" này đều được mô tả là chỉ để ghi nhận những thành tựu cá nhân của mình: "Tôi không nổ đâu, tôi chỉ muốn chia xẻ những niềm vui của mình với bạn bè." Chúng ta ai cũng nói như vậy, nhưng sâu thăm thẳm trong đáy lòng của mình chúng ta tự biết đó không phải sự thật.

Trên mạng xã hội, mỗi ngày đều cho chúng ta một lý do mới để tự chúc mừng và ổm tỏi như: "tôi yêu cuộc sống của mình quá cỡ thợ mộc", "yêu hết mình người bạn đời tuyệt vời và những bạn bè của tôi", "một bữa ăn tối ngon không tưởng tượng được với những nhân vật tuyệt vời nhất trên trái đất", vân vân và vân vân...

Hãy nhìn thẳng vào thực tế, nếu đồ ăn và những người khách cùng bàn tuyệt vời đến vậy, liệu chúng ta có thời gian để lên mạng trực tiếp từ bàn nhậu không? Một điều oái ăm của mạng xã hội là những người không để ý gì đến nó có lẽ là những người hạnh phúc và viên mãn hơn cả vì họ bận rộn sống, thay vì lo viết status!

Dĩ nhiên, cái rắc rối của tất cả những chuyện này là cuộc sống không phải chỉ toàn là hưởng thụ . Ai cũng có những ngày "lên voi" và những ngày "xuống chó", tuy nhiên hình ảnh của chúng ta trên mạng xã hội thường không thể hiện cái thực tế này. Mặc dù ngành quảng cáo tốn hàng tỉ đô la để thuyết phục rằng cuộc sống của chúng ta không thể nào so sánh được với những người giàu có và nổi tiếng, nhưng mạng xã hội thì lại xây dựng những liên hệ trên mạng của chúng ta theo cơ sở này. Kết quả là chúng ta so sánh mình không chỉ với những người nổi tiếng mà ngay cả với những người bình thường, những "friend" của mình – Nếu cuộc sống của họ tuyệt vời như vậy, thì tại sao tôi lại không được như họ?. Hậu quả của chuyện so sánh này là những cố gắng triền miên bất tận đi tìm sự "được công nhận" bằng cách trình bày một cuộc sống vẽ vời giả bộ là của mình lên mạng – "Cuộc sống của tôi cũng tuyệt như họ, không tin thì bạn hãy vô coi trang Facebook của tôi thì biết liền".

Đáng tiếc là khi chúng ta dành quá nhiều thời gian cố gắng vẽ vời trình bày một cuộc sống hoàn hảo lên mạng, chúng ta quên mất chuyện tận hưởng cuộc sống thực của mình, thực sự trải nghiệm và thưởng thức những khoảnh khắc của đời sống thực, không phải cái đời sống được vẽ vời đánh bóng trên mạng. Có lẽ cách tốt nhất để ăn mừng cuộc sống, cả những lúc "lên voi" lẫn "xuống chó", là hãy sống, hơn là đăng lên mạng. Đây có lẽ là mục tiêu phấn đấu trong năm mới của tôi!

Robert Simms nguyên là cố vấn cho Thượng Nghị sĩ Hanson-Young và Ludlam của Đảng Greens. Anh hiện là nghiên cứu sinh PhD tại Đại học Flinders Nam Úc. Blog của anh là Fifty Shades of Green http://robsimms50shadesofgreen.wordpress.com/ .

Nguyễn Sĩ Hạnh phỏng dịch
(Trang FB của người dịch ở https://www.facebook.com/nguyensihanh )

Nguyên tác: Confessions of a Facebook addict http://www.abc.net.au/news/2014-01-06/simms-facebook-addict/5185812.