Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • NhaGiuXe1200
  • CD4 1200
  • hinhCu 1200
  • DaiThinhDuong1200

Trong cuộc đời, có khi chúng ta cố gắng hết sức mình nhưng kết quả thì không được bao nhiêu - có khi, chúng ta chỉ làm rất ít mà kết quả lại hơn cả những gì mong ước- Và trong trường hợp này dân gian thường có câu diễn tả rất chính xác : "Chó ngáp phải ruồi!"

Không biết các bạn có gặp những chuyện như vậy không? Riêng mình thì chắc cũng "ngáp" được vài, ba "con"...

Khi còn bé mình học ở trường làng. Hết lớp một ( ngày xưa gọi là lớp 5) thì không còn lớp để học phải xuống thị trấn để học. Muốn vào lớp hai ở trường mới ( ngày đó gọi là lớp tư ) thì phải thi. Lúc học ở trường làng mình học cũng khá, lúc nào cũng hơn chị Phúc, chị kế mình (  hai chị em cùng học một lớp). Nhưng thi vào lớp hai thì chị Phúc đậu còn mình thì rớt! Điểm toán thì cao nhưng điểm văn thì tệ quá, vậy là rớt! Buồn như chấu cắn!

Xuống ngồi lớp một được một tháng thì thầy nhận ra mình ngồi "nhầm" lớp, thế là đề nghị cho mình lên lớp hai, học chung với chị Phúc, hú hồn!

Đến khi lên lớp năm ( lớp nhất hồi đó ) thì chuẩn bị thi đệ thất. Hồi đó rất quan trọng! Mình và chị Phúc xuống Qui Nhơn để được anh Việt, chị Hương luyện thi.

Sáu trăm bài tính mẫu, một trăm bốn mươi mốt bài tính khó không là gì với mình cả, lúc nào cũng được anh Việt, chị Hương khen. Vậy mà... oạch một cái, rớt luôn! Trăm sự cũng tại cái môn văn quái ác!

Mình "thù" nó! .

Năm đó tản cư, gia đình khó khăn nhưng má cũng ráng cho mình học tiếp đệ thất ở trường tư thục Tây Sơn.

Mỗi lần đối diện "kẻ thù" là mình run! Mình cố gắng hết sức để chống cự nó, bản năng sinh tồn mà! Chỉ cần được điểm trung bình thôi là mình mừng lắm lắm...

Đến giữa năm học thì đổi thầy dạy văn. Thầy mới còn trẻ nhưng rất nghiêm. Thầy hút thuốc nhiều nên môi thầy tím ngắt. Đã vậy, thầy còn dạy văn nên mỗi lần nhìn thấy thầy là mình " rét"!

Hôm đó thầy cho đề bài văn : tả một người bạn thân của em.

Lần nào làm văn cũng vậy, mình liếc mắt nhìn chung quanh, sao các bạn nhiều ý thế nhỉ? Viết từ trang này qua trang kia...Còn mình thì không biết cái gì để viết nữa... mà đã hết hai trang giấy đâu...Thôi thì, lấy tờ giấy khác, gạch cái đường vạch chừa lề lớn hơn một chút, ráng viết chữ thật to như con gà mái để thấy bài nó dài hơn, đỡ sợ!

Lúc nào mình cũng xong trước mà không dám nộp. Nhìn lên, thấy thầy ngồi nghiêm hút thuốc, mặt không có một chút mùa xuân, thấy mà ớn!

Rồi cũng qua đi, tới tuần phát bài. Hai nhỏ bạn ngồi bên cạnh nhận được bài trước, rên rỉ : thầy mới này khó ghê, cho điểm gì mà keo, mà ác thế không biết! Thôi rồi, kỳ này chắc tiêu!

Chờ mãi xem đời mình sắp "tàn" chưa mà không thấy! Sao thế nhỉ ? Sao cả lớp ai cũng có bài mà mình thì không? Có lẽ nào- mình bị lên đoạn đầu đài sao, tệ đến thế ư? Trời không nóng mà lưng mình ướt đẫm mồ hôi!

Mình cố nhớ lại tuần trước mình làm gì, mình tả một người bạn thân, mà mình có ai là bạn thân đâu, suốt ngày chỉ chơi với chị Phúc! Mình càng sợ thầy thì mình càng hay nhìn thầy và rồi mình tả bạn mình có những nét giống hệt... như thầy. Bạn tôi có đôi môi thâm tím như người ... hút thuốc quá nhiều! Thôi chết rồi!

Và câu kết luận : Thấy bạn lúc nào cũng ngồi nghiêm trang, khuôn mặt buồn không một chút mùa xuân, tôi vẫn thường khuyên bạn... nhưng bạn vẫn ngồi lặng im không nói. Thôi rồi!

Mình không dám hỏi ai mà cũng chẳng dám nhìn ai nữa, người như biến thành tượng đá dính chặt vào cái ghế!

Rồi cái gì đến cũng phải đến! Các bạn nhận bài xong, thầy đứng lên, cả lớp hết lao xao, im phăng phắc! Thầy nói:

- Các em biết tại sao mà các em bị ít điểm không? Bỡi vì các em cứ rập khuôn theo bài văn mẫu, em nào cũng "bạn em mắt bồ câu, mũi dọc dừa...". Làm văn thì phải tả thực, nói đúng những gì mình nghĩ... Cả lớp, chỉ có bài bạn Hạnh Nhân là tả thực, tả đúng... Đó mới gọi là văn, văn của chính mình...

Mình có mơ không nhỉ? Mình cấu vào tay, đau quá! Vậy là thực rồi!

Vâng, thưa các bạn, lần ấy mình "ngáp" được một con ruồi to tướng!

Mình không bao giờ quên tên thầy, đó là thầy Giang - Thầy Nguyễn Giang.

Rồi cuối năm mình thi lại đệ thất và bắt đầu vào học trường Nữ Trung Học Qui Nhơn. Từ đệ thất lên đến đệ nhị, hết học cô Vân, thầy Tú, thầy Bút, thầy Triết... chưa bao giờ mình "ngáp" được con ruồi nào!

Nhưng mình lại "ngáp" được con ruồi ở chỗ khác!

Số là mình rất sợ môn nữ công! Mình cũng biết là nữ mà lại dốt nữ công là không nên, mình cố gắng lắm! Nhưng rồi "mèo cũng hoàn mèo". Được điểm trung bình là mừng húm! Cô Nhĩ hiền thế mà cũng mấy lần la mình.

Một lần là học đan áo len. Mỗi lần cô chỉ là mình ráng trố mắt ra nhìn cho kỹ và cố gắng làm thật đúng. Nhưng không biết thế nào mà mình đan xong vạt sau và một vạt trước là hết len. Mình ra chợ mua len tìm mãi không có loại giống như vậy, nếu cùng màu thì khác loại sợi mà cùng sợi thì khác màu...Ngày mai là phải nộp áo rồi, không làm sao kịp, mình quyết định mua loại len cùng màu mà khác sợi. Và kết quả là cái áo len của mình hai vạt trước, một vạt ngắn, một vạt dài, trông rất kinh dị! Cô Nhĩ gọi mình ra la riêng ( cô rất dễ thương ) : Em nhìn cái áo len của em đây này, coi có được không...? Dĩ nhiên là không được rồi, và mình rất xứng đáng bị điểm kém!

Một lần khác, cô dạy cắt áo dài trên giấy. Mình quyết tâm, không phải chỉ nhìn cô mà nhìn các bạn nữa, cố gắng không làm sai! Nhưng rồi mình cũng bị điểm dưới trung bình. Mình nghĩ mãi không ra tại sao mình cũng làm như các bạn mà mình lại bị điểm thấp. Mình quyết định lên hỏi cô. Cô bảo : Em làm đúng hết nhưng xếp vải bị ngược!

Thú thật với các bạn, đến giờ này mình cũng không hiểu "xếp vải ngược" là sao nữa. Mình có biết may vá gì đâu!

Nhưng rồi mình "ngáp" được một con ruồi ngay môn nữ công!

Năm đệ tam cô Nhĩ cho học làm bao gối, cái bao gối màu hồng bằng vải cotton. Ban đầu thì cô dạy rút chỉ, làm đường ren chung quanh gối. Đến phần thêu nổi trên bao gối thì cô tính vào điểm thi. Không biết như thế nào mà mình quên mất. Đến mai nộp mà tối đến gần khuya mới nhớ . Cô dặn rất kỹ, thêu nổi, cái hoa thì màu đỏ, cái lá thì màu xanh lá cây, cái cuống hoa thì xanh lục.

Lấy chỉ ra thì chỉ có mấy búp chỉ màu tím. Khuya lắm rồi, còn ai bán nữa đâu mà mua! Thôi thì hoa lá gì cũng tím hết...Nhưng thêu nổi thì hết đêm chắc được một cái bông với một cái lá! Mà bao nhiêu chỉ tím ấy cũng chắc gì đủ (cả chùm hoa!). Thôi thì, lấy bút chì ra vẽ ( cái khoản này thì mình hơi bị giỏi ), tạo ra những đường viền chạy dọc theo những cánh hoa và ría lá, rồi thêu bằng mũi veston, giống như làm khuy nút, rất nhanh...Có còn hơn không! Được vài ba điểm còn hơn là zero!

Vậy mà bạn biết không- Không thể tin nổi- Mình đã "ngáp" được một con ruồi to tướng!

Cô không tuyên dương gì cả, nhưng mình "sướng rên mé đìu hiu" vì lần đầu tiên mình được điểm nhất môn nữ công, mà lại là điểm thi nữa chứ!

Cái bao gối ấy mình mang theo suốt bên mình, "ôm ấp" nó cho đến khi nó rách teng beng...

Rồi trời xui đất khiến gì không biết mà má mình lại muốn mình học Nữ Hộ Sinh( mặc dù kết quả thi Tú tài bán rất tốt). Vậy là mình gạt nước mắt bước vào Nữ Nhi Quốc thứ hai: Nữ Hộ Sinh Sài Gòn (Kiếp trước mình là dân cư của Nữ Nhi Quốc mà!).

Không thích, nhưng mình vẫn cố gắng học cho vui lòng má! Năm 1974, mình được dự lễ ra trường của các chị. Thật là thích, ai đậu cao thì được ưu tiên lên chọn nhiệm sở trước, còn đậu thủ khoa thì khỏi nói : được ở lại trường làm huấn luyện viên, được đi tu nghiệp...

Nhưng đến năm 1975, năm mình ra trường, thủ khoa được mời đi... kinh tế mới!

Các bạn thấy không, rõ ràng cuộc đời không phải là một bài tóan : 1+1=2, nó là một bài văn, mà đã là văn thì nó luôn quái ác: 1+1 có khi lại =0 và có khi 0+0 thì nó ra một "con ruồi" !

Mình bỏ nhiệm sở về quê , tìm một chỗ làm gần nhà để được sống gần má. Loanh quanh thế nào mình lại gặp "Kẻ thù xưa" : nghiệp văn!

Nhưng lần này thì mình đã nghiệm ra chân lý của cuộc sống : tại sao phải sợ Văn khi cuộc đời chính là một Bài Văn!

Mình đã học được cách "sống chung với lũ" và viết tiếp phần thân bài "ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh" của mình.

Bây giờ mình nghĩ : phần thân bài như vậy đủ rồi và mình đang bắt đầu phần kết luận.

Chắc các bạn sẽ hỏi : "Rồi sau này có ngáp thêm được con ruồi nào nữa không?"

Xin thưa: Có đấy, lớn có, nhỏ có, ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhưng những con ruồi sau này rất khác với con ruồi ngày xưa : hương vị của nó có một chút gì đắng đắng, cay cay!

Còn con ruồi ngày xưa, con ruồi của tuổi học trò, nó có mùi ô mai, nó ngọt như con ong ướp đầy mật và thơm mùi... phấn hoa !

 
Hạnh Nhân
  
Thêm bình luận


Đăng Nhập / Đăng Xuất