Nguồn: Tuổi Trẻ Online 1.12.2010

Ông tha mà bà chẳng tha - Sinh ra cái lụt hăm ba tháng mười, khi người dân miền Trung ta thán bằng câu ca dao xưa cũ này, đồng thời trong tâm trạng họ cũng khấp khởi mừng vì mùa bão lụt đang dần qua, 23-10 (âm lịch) là đốt cuối.

Nhưng năm nay, mọi thứ bị xóa tan nát bằng những trận mưa dai dẳng, lũ vẫn đổ về sau "hăm ba", đường vẫn tắc, người vẫn bị lũ cuốn, thủy điện vẫn ầm ầm xả lũ.

Điều gì đã xảy ra với một mùa mưa lũ "chẳng giống ai" như mùa này: đầu mùa làm tan hoang Bắc Trung bộ, giữa mùa tàn phá Nam Trung bộ và cuối mùa làm điêu đứng Trung Trung bộ mà vẫn chưa chịu dừng lại.

Khí hậu đã biến đổi, đó là chuyện chung của toàn cầu, còn thực tế lũ lụt kinh hoàng của miền Trung VN chỉ ra rằng: không chỉ bởi ông trời đổi khác, tai ương sinh ra còn do con người đã phá rừng vô tội vạ và làm thủy điện tràn lan.

Năm ngoái lũ cuốn gỗ từ Kon Tum về Quảng Nam thì năm nay lũ kéo theo gỗ về dọc sông Gianh, Quảng Bình. Ở nơi đầu nguồn của những dòng sông, những cánh rừng có chức năng phòng hộ còn sót lại chẳng bao nhiêu đang bị tàn sát nốt. Suốt một dải miền Trung tựa lưng vào núi rừng Trường Sơn mà yên ổn bao nhiêu thế kỷ rồi, giờ chẳng còn rừng để lũ về nhanh đến không kịp chạy, người chết mỗi năm vì lũ càng nhiều thêm.

Rừng mất không chỉ vì lâm tặc mà mất nhiều vì thủy điện. Không ai không giật mình khi biết rằng để tạo ra 1MW điện, người ta phải dọn ít nhất 10ha rừng; để có được 1.000ha làm thủy điện, phải san bằng 1.000-2.000ha đất ở thượng nguồn làm đường vận chuyển; để có 90 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ miền Trung - Tây nguyên, cả trăm ngàn hecta rừng bị tàn phá.

Nhưng người dân miền Trung nhận được những gì? Không phải là hiệu ích tổng hợp sinh ra từ thủy điện: hồ chứa tham gia cải tạo cảnh quan sinh thái, cắt lũ cho vùng hạ lưu vào mùa mưa, cấp nước cho thủy lợi vào mùa khô... như các chủ đầu tư hứa trong dự án - mà chỉ có lũ lớn hơn, bởi khi lũ về, thủy điện không cắt được lũ mà còn xả thêm lũ. Điện rất cần, nhưng cách làm ra nó lại bị chi phối bởi lợi ích của chủ đầu tư.

Không phải ông trời pkhông tha cho ta, mà ta đã không "tha" cho mình, khi tàn phá thiên nhiên. Không chỉ câu chuyện của miền Trung phá rừng và làm thủy điện, mà các khu công nghiệp và các dòng sông ô nhiễm, các dự án khai thác khoáng sản và những nguy cơ gây ra hiểm họa môi trường cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng và hải được ngăn chặn kịp thời những tác hại của nó.

Thiên nhiên bị vắt kiệt, môi trường tiếp tục bị hủy hoại thì ta không chỉ không "tha" cho mình mà còn hại cả con cháu mai sau.

Huỳnh Hiếu