Du khách đến Qui nhơn, Bình Định thường thăm viếng thắng cảnh Ghềnh Ráng. Có người gọi là Gành Ráng, Ngành Ráng, nhưng trong ca dao " Lên thác xuống ghềnh ", nên tên địa danh thật là Ghềnh Ráng.

Qui Nhơn đựợc thiên nhiên ưu đãi với Ghềnh Ráng phong cảnh hữu tình. Đây là vùng đá núi chạy sát tới biển, những hòn đá lớn, nhỏ chồng chất lên nhau, trông đẹp mắt, cách thành phố bãi biển Qui Nhơn khoảng hai cây số về phía Nam. Dọc theo đường đất mòn chạy uốn lượn quanh sườn núi, du khách thấy tác phẩm nghệ thuật thiên nhiên, tạo hóa phô bày rất đẹp. Nhiều tượng đá sắp đa dạng, tượng đá hình Mặt Người, Đầu Voi, tượng đá khác hình Sư Tử đang chồm ra biển, Hòn Vọng Phu, Hòn Chồng, Hòn Vợ. Ven theo biển có nhiều hang động kỳ lạ, lại có một vùng đá xanh tròn như qủa trứng, gọi là Bãi Đá Trứng.


Ghềnh Ráng nhìn về phía biển Qui Nhơn

Từ đỉnh Ghềnh Ráng, du khách thấy xa xa là Cù Lao Xanh, với ngọn Hải Đăng nổi tiếng, hướng Đông Bắc là núi Phương Mai có tượng Trần Hưng Đạo, án ngữ cửa Đầm Thị Nai, xin nghe câu ca dao Bình Định :

Bình Định có Hòn Vọng Phu
Có Đầm Thị Nại có Cù Lao Xanh
Em về Bình Định cùng anh
Được ăn bí đỏ nấu canh nước dừa
 
Bên cạnh Ghềnh Ráng là Suối Tiên. Theo truyền thuyết dân gian, có đôi nam nữ yêu nhau tha thiết, bị cường hào ức chế, được Tiên nữ xuất hiện cứu hai người chạy thoát, biến dạng vào dòng suối mát được gọi là Suối Tiên. Nơi đây có suối nuớc trong, cây cảnh tốt tươi, là nơi lý tưởng của du khách dừng chân viếng cảnh, thưởng thức cảnh đẹp, gió mát, ngắm trời mây và cũng là nơi hò hẹn trong mùa hè của giới học sinh, sinh viên Qui Nhơn.

Năm 1927, Bảo Đại xây ngôi biệt thự 3 từng để nghỉ mát, khi du ngoạn tỉnh Bình Định-Qui Nhơn, nhưng năm 1949, bị Cộng sản đập phá, nay chỉ còn dấu tích. Gần ngôi biệt thự là bãi tắm Hoàng Hậu.
Năm 1889, người Pháp xây ngọn Hải Đăng trên Cù Lao Xanh, có độ chiếu sáng khoảng 20 hải lý, là nơi hướng dẫn tàu bè qua lại vùng biển nầy. Dân chúng ở đây phần đông là ngư phủ làm nghề đánh cá. Một số giáo viên, công chức từ đất liền luân phiên đổi ra đây làm việc, xa nhà, nhớ người thân, với câu ca dao sau :

Cù lao Xanh thương anh ở đảo
Sông Hà Giao dạo khúc tâm tình
Mong sao hai đứa chúng mình
Như mây với nắng bóng hình có nhau

Xa xa hướng Đông Bắc có Đầm Thị Nại, đầm lớn nhất tỉnh Bình Định, chiều dài khoảng 10 km, chiều ngang độ 4 km. Các sông lớn như sông Côn, sông Hà Thanh đều chảy về đây. Đầm có nhiều cá ngon, nhất là cá Nục Vọng, cá Nục Gai, ăn không hết nên người ta phơi khô hay làm mấm. Trong đầm có Tháp Thầy Bói, vào buổi bình minh hay hoàng hôn, ánh sáng muôn màu giọi vào, tạo cảnh sương khói mờ ảo trông rất đẹp.

Tượng Trần Hưng Đạo nằm trên núi Phương Mai, Hải Minh, Qui Nhơn. Đồ án xây cất tượng đài do Kiến Trúc Sư Đàm Quang Hưng thời Việt Nam Cọng Hòa, khởi công từ năm 1972 đến năm 1973 mới hoàn tất. Tượng Đức Thánh Trần được tạc trong tư thế đứng trên thuyền rồng với áo giáp, mũ sắt, cánh tay không chỉ ra biển, cũng không chỉ vào thành phố Qui Nhơn, tay chỉ về hướng Núi Bà , hướng ra phía Bắc là hướng chỉ huy trận Bạch Đằng Giang, đánh đuổi quân Nguyên- Mông ra khỏi nước Việt.


Tượng Trần Hưng Đạo trên núi Phương Mai Qui Nhơn.

Ghềnh Ráng bao gồm khu mộ Hàn Mạc Tử nằm trên đồi thi nhân. Nhà thơ nổi tiếng, bị bịnh được đưa về nhà thương phong Qui Hòa chữa trị, mất lúc còn trẻ mới 28 tuổi. Theo ước nguyện của nhà thơ, năm 1969 gia đình và thân hữu đưa thi hài của nhà thơ về an táng tại Ghềnh Ráng.
Du khách đến thăm Ghềnh Ráng, không mấy ai không viếng mộ Hàn Mặc Tử, vừa thăm cảnh đẹp, vừa tưởng niệm thi nhân. Xin nghe nhà thơ tâm sự với Chị Hằng :

Ta đề chữ ngọc trên cành lá
Sương quyện cung thềm gió chẳng thôi
Hoa lá say tình ngây ngất động
Lòng em hồi hộp Chị Hằng ơi

Du khách thưởng thức nhiều bãi tắm đẹp chung quanh Ghềnh Ráng:

Bãi Trứng : Còn gọi là Bãi Tắm Hoàng Hậu, cách thành phố Qui Nhơn 3 km, trước kia Nam Phương Hoàng Hậu nghỉ mát thường tắm ở đây.

Bãi Xếp : Trước là biển, sau lưng là vườn cây ăn trái, rừng dừa, rừng dương liễu, vi vu gió biển suốt ngày đêm.

Bãi Dại : là vùng hoang dại, đá lớn nhỏ chạy dài đến biển, nước trong xanh, gió mát.

Xa hơn nữa là Bãi Bàu, Bãi Nhổm, biển êm dịu, sóng vỗ nhẹ nhàng. Nhờ hai dãy núi nhô ra biển nên cát mịn, bãi sạch sẽ, sóng nước êm đềm, gió chiều thoáng nhẹ.


Bãi Xếp, sóng biển sắp hàng vỗ vào bờ

Nhờ những cảnh đẹp chung quanh tạo cho Ghềnh Ráng một sắc thái đặc biệt. Ghềnh ráng còn nổi tiếng thêm nhờ tài danh của Thi sĩ Hàn Mặc Tử. Ghềnh Ráng là tác phẩm nghệ thuật thiên nhiên, là thắng cảnh du lịch đẹp nghìn đời và mãi mãi, có bãi cát trắng chạy dài, phong cảnh hữu tình, khí hậu mát mẻ.

Phía trước là biển cả trong xanh, phía sau là đồi núi với rừng dương liễu vi vu tiếng gió, bên cạnh thành phố biển Qui Nhơn dạt dào sống vỗ, được xếp vào hàng thắng cảnh nổi tiếng Việt Nam:

Ghềnh Ráng cảnh đẹp Suối Tiên
Mộ Hàn Mặc Tử trên triền đồi cao
Biển trong sóng vỗ dạt dào
Thiên nhiên hào phóng đón chào thế nhân


Triều Phong Đặng Đức Bích