Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • CD4 1200
  • NhaGiuXe1200
  • DaiThinhDuong1200
  • hinhCu 1200

Luân Hoán
ảnh Nhà thơ Luân Hoán -Đinh cường
Năm nhà thơ Luân Hoán xuất bản tập thơ đầu tiên cũng là năm tôi vào học năm thứ nhất, khóa 3 trường Quốc Gia Sư phạm Qui Nhơn: Đó là tập "Về Trời" (nhà xuất bản Văn Học Saigon – 1964). Trước khi được đọc "Về Trời", tôi đã đọc nhiều thơ anh trên Bách Khoa, Văn Học, Khởi Hành, Văn, Nghiên Cứu Văn học, Vấn Đề... từ vài năm đầu thập niên 1960.

Ngay từ thuở ấy, tôi đã có cảm nhận dòng thơ Luân Hoán bao giờ cũng thật dịu dàng, tươi mát, sâu sắc và rất đỗi hồn nhiên, cho dầu đôi khi anh phải đối diện với "nén hương cho bàn chân trái"! Sự hồn nhiên sảng khoái trong thơ anh đã cho tôi niềm vui, niềm tin và nhất là niềm say mê mỗi khi được "gặp" thơ anh trên các tạp chí, tuần báo văn học... Đôi khi tôi nghĩ, sự hồn nhiên (thơ ngây) trong sáng, có chút khinh bạc ấy, luôn tiềm ẩn trong từng dòng thơ anh, đã thể hiện rõ nét bản chất của "con người" anh mẫu mực, chân thành trải lòng, vô tư khi đến với cuộc đời...

Tôi lại có ý nghĩ: xứ Quảng dường như "thích hợp" với những người làm thơ tình? Cuộc đất xinh đẹp yên vắng mà lắm truân chuyên Hội an – Quảng nam đã nâng bước thơ cho nhiều nhà thơ xứ nầy nổi danh với những dòng thơ tình in đậm bản sắc rất riêng. Tôi yêu những bài thơ Luân Hoán – nhất là những bài thơ tình, chính vì cái thật thà, chơn chất, mà vô cùng đằm thắm, dễ thương của một miền đất đầy ắp tình người.

"Nhành Hoa Súng Ái Nghĩa" là một bông hoa thôn dã thắm tươi trong vòm trời "Hơi Thở Tình Nhân" của anh, là tiếng lòng khẽ khàng mà âm vang, là xúc cảm tinh khôi của tình yêu chân chính dạt dào muôn thuở!

Lời chàng trai "tự bạch" một cách giản dị, mà rất bản lĩnh với cô gái ở thị trấn Ái Nghĩa (huyện Đại lộc – Quảng nam) như sau:

"ta chẳng có tài gì hay ho cả
ngoài ngón nghề tán gái rất nên thơ
em khuê cát, ta như chàng bán dạo
nhưng đã yêu, chưa biết ngại bao giờ..."

Ngay từ đầu, chàng khẳng định hai điều: "tán gái rất nên thơ / đã yêu, chưa biết ngại bao giờ". Đó là hai "điều kiện cần và đủ" để cho người con gái yên tâm tin tưởng. Dù đã (tỏ ra) khiêm tốn nhìn nhận mình "chẳng có tài gì hay ho cả", nhưng "ngón nghề tán gái rất nên thơ" và ngay sau đó là " đã yêu, chưa biết ngại bao giờ" thì "người đẹp" khó tính nào mà không xiêu lòng?

Chàng kể:

"lần thứ nhất tình cờ em qua ngõ
quá bất ngờ đành ngẩng mặt trông theo
ánh mắt ta, điện dưới tần cao thế
chỉ đủ giúp em biểu diễn vòng eo"

Sự "tình cờ em qua ngõ" một lần như duyên lành đã làm cho chàng, ngay phút ấy, chỉ biết "ngẩng mặt trông theo" thôi (mà không biết làm gì khác!) Ngẩng mặt – có nghĩa là "đơ mặt", nét mặt biểu lộ một xúc cảm như khi bị "sét đánh ngang tai", tái xanh vì quá đỗi ngạc nhiên trước dung nhan mặn mà, và vô hồn (tê dại) vì bị giai nhân "hút hồn mất"! Rồi sau đó chỉ phút giây, chợt nhận ra ánh nhìn đăm đắm của mình cũng chỉ là "điện dưới tần cao thế" không ăn thua gì; nhưng tia nhìn mê đắm dõi theo kia, đã đủ "năng lực" để người đẹp "biểu diễn vòng eo" quyến rũ của mình! Cũng có nghĩa là, dù "điện dưới tầng cao thế" nhưng đã "chạm" được đến người đẹp, và nàng cũng đã nhận ra "tín hiệu dòng điện" chàng đang soi chiếu theo từng bước chân nàng...

Rồi tiếp theo:

"sau mánh lới điều tra vội vàng hiệu quả
ta mở ngay chiến dịch trông vời
phải nắm chắc từng phân nhan sắc
để mở tình đón nhận cánh chim rơi"

Không chút giấu diếm, sau lần nàng "tình cờ qua ngõ" đã để lại dấu ấn sâu đậm không thể nào quên; chàng vội dùng ngay "mánh lới điều tra" đơn giản nhưng vô cùng "hiệu quả". Đi điều tra (dò hỏi) – nhất là điều tra về người đẹp, thì chắc chắn phải có "mánh lới" (có thể gọi là kỹ thuật, phương cách) mới có thể giữ được bí mật an toàn (và có hiệu quả)! Khi biết được "tọa độ & lực lượng" của "địch" rồi, thì chàng "mở ngay chiến dịch trông vời" – đây là chiến dịch theo dõi, thăm dò, lắng nghe "động tĩnh" của đối phương, để "tùy cơ ứng biến"! Sự chuẩn bị khá kỹ theo binh pháp xuất quân "nắm chắc từng phân nhan sắc", đồng nghĩa với biết rõ "lực lượng & động tĩnh" đối phương (biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng), thì chiến dịch mới thành công: "mở tình đón nhận cánh chim rơi". Người đẹp, trong đôi mắt chàng, đã là một cánh chim xinh xắn yêu thương mà chàng phải "nắm bắt" trước khi vuột bay...

Và:

"em mới đến trọ, sau nhà ta mấy bữa
có nghĩa là em thường phải về ngang
chẳng có thể bắt ghế ngồi ngoài cửa
để hồ đồ thưởng thức nét dung nhan"

Biết rõ "đường đi nước bước" hằng ngày như vậy, nhưng kẻ "tán gái rất nên thơ" không thể "bắt ghế ngồi ngoài cửa / để hồ đồ thưởng thức nét dung nhan" được. Sự tôn trọng trước cái đẹp, sự tự trọng với tình yêu thương, là điều kiện quan trọng và thiết yếu để thăng hoa tình yêu, nâng cao phẩm cách của con người. Có lẽ, đây cũng là quan niệm sống của nhà thơ trước cuộc đời?

"ta lập tức xoay lại chiều bàn học
mặt hướng ra đường nay thay lại tấm lưng
một chiếc gương đủ to để thu đời phản chiếu
có cả em trong dáng bước ngập ngừng"

Không thể ngồi chờ đợi ngoài hiên để ngắm nhìn, để "hồ đồ thưởng thức", chàng đã nghĩ ra cách "xoay lại chiều bàn học / mặt hướng ra đường nay thay lại tấm lưng". Đã xoay bàn học rồi, ngồi nhìn thử ra đường, với tư thế kín đáo ấy vẫn chưa thấy "ưng bụng", chàng lại thêm "sáng kiến" mới, dùng "một chiếc gương đủ to để thu đời phản chiếu / có cả em trong dáng bước ngập ngừng". Yêu thương là sáng tạo. Nhờ tình yêu thương, loài người luôn có sáng tạo mới cho đời, bởi "những tư tưởng lớn đều xuất phát từ trái tim" (Vauvernargues). Giống như chàng nhà thơ đang "mở tình đón nhận cánh chim rơi":

"rất nhiều bữa em liếc vào kín đáo
rất nhiều lần em ngoái lại bâng khuâng
đôi mắt to hàng chân mày khá đậm
cánh mũi thon giúp đỉnh ngực phập phồng"

Chiêm ngưỡng dung nhan người đẹp qua tấm gương to, chàng đã nhận ra: "rất nhiều bữa em liếc vào kín đáo / rất nhiều lần em ngoái lại bâng khuâng". Không yêu thương, không "để tâm" thì "liếc vào" để làm gì nhỉ? Lại nữa "rất nhiều lần em ngoái lại bâng khuâng" – sau cái "liếc vào kín đáo", thì nàng đã ngoái nhìn lại mà không trông thấy bóng dáng chàng, nên mới "bâng khuâng" thương nhớ chăng? Tỉnh yêu đã bắt đầu làm cho tâm hồn cả hai trở nên thơ trẻ, rất dễ thương! Bên nầy khung cửa, chàng cũng đã thấy "đôi mắt to hàng chân mày khá đậm / cánh mũi thon giúp đỉnh ngực phập phồng". Cái "sự thấy" nầy của chàng, tôi nghĩ – là do lòng thương nhớ, tưởng tượng nhiều hơn! Nhưng không sao, đó lại là một "nét đẹp" trong sáng cần thiết của tình yêu.

"ta quả thật rất vụng về mô tả
chân dung em không thuộc dạng Thúy Kiều
cũng chẳng giống Kiều Nguyệt Nga của Lục
giản dị bởi vì đúng dạng ta yêu"

Ban đầu đã khiêm tốn tự giới thiệu "ta chẳng có tài gì hay ho cả", bây giờ lại "ta quả thật rất vụng về mô tả" – nhưng sau khi so sánh người mình yêu thương với hai giai nhân tuyệt sắc Thúy Kiều, Kiều Nguyệt Nga, thì chàng cũng phơt lờ hai giai nhân kia, bởi không "đúng dạng ta yêu"! Chỉ có nàng – "Nhành hoa súng Ái Nghĩa" – mới đích thực là người ta yêu, thương nhớ! Đây là một cách nói "ngây thơ & trẻ con" mà đã đạt được tình cảm cao độ cho người đọc, nhất là với nàng!

Chàng đã khẳng định:

"sẽ rất nhảm nếu vẽ em bằng chữ
hay bằng thơ bằng nhạc ba hoa
xin nói gọn: em là tuyệt sắc
đệ nhất giai nhân trong cõi người ta"

Cách "nói gọn" sau khi cho "vẽ em bằng chữ / thơ / nhạc / họa" đều "ba hoa" (nghĩa là đều bất lực) – bởi khi đã yêu, người mình yêu thương là "tuyệt sắc" nên phải là: "đệ nhất giai nhân trong cõi người ta" cũng là chuyện rất đỗi bình thường! Không có ai đẹp & tốt hơn người yêu của mình, là vậy!

"ta thú thật chưa làm thơ tán gái
ngộ em rồi cũng muốn thử tài chơi
ngồi một chặp thơ tình ra cả đống
chỉ hình như chưa đúng độ tuyệt vời"

Một lời "tự thú" nữa cũng rất "tuyệt", đã góp phần tô điểm cho tình yêu của chàng đối với nàng, bằng lời lẽ rất tự nhiên. Những từ ngữ "thú thật / ngộ / một chặp / cả đống" diễn tả rất chân xác hoàn cảnh, xúc cảm của chàng khi ngồi nghĩ nhớ về nàng. Khi đã yêu, ai mà không vậy?

"thơ viết nhiều làm sao cho em đọc
gởi báo đăng là chuyện đương nhiên
báo chạy đủ cả tên người được tặng
mà xem chừng rất đỗi vô duyên"

Điều quan trọng hơn là "thơ viết nhiều làm sao cho em đọc"? Đây mới là điều khiến chàng đêm ngày ăn ngủ không yên. Nếu nàng không đọc được, thì làm sao hiểu rõ tấm chân tình của của mình đây? Thơ làm nhiều hóa ra vô ích hay sao? Nhưng, "gởi báo đăng là chuyện đương nhiên / báo chạy đủ cả tên người được tặng / mà xem chừng rất đỗi vô duyên".

Không chọn theo cách làm "vô duyên" (và thiếu tự trọng) ấy, chàng đã:

"tìm mọi cách quen cậu em sau xóm
và trời xanh không phụ kẻ có lòng
ta đã được theo em về Ái Nghĩa
ta đã nhìn thật rõ nét mi cong"

Rồi cuộc tình, cuộc đời của cả hai, cũng lênh đênh "như áng mây trôi" một ngày nào không xa, sau đó:

"chỉ vậy thôi rồi từ từ phai nhạt
cũng sau khi thăm chị ở Hội An
em hiền hậu đã trở thành y tá
còn ta đây là thương binh tan hàng
đời chẳng như sông chỉ vài ba nhánh
ta trôi xa thật quá đỗi tứ tung
mỗi một chặng lượn một nhành hoa súng
em cũng là... đóa hoa lạc trên sông"

"Tất cả tướng đều từ duyên sinh, cũng từ duyên diệt" – đây là định luật bất biến của vạn hữu, nhưng trong cõi vô thường nầy, với "Nhành hoa súng Ái Nghĩa" của tình yêu thương, nhà thơ Luân Hoán đã lưu mãi hương thơm cho đời!

Mang Viên Long

 
Thêm bình luận


Đăng Nhập / Đăng Xuất