Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • hinhCu 1200
  • DaiThinhDuong1200
  • NhaGiuXe1200
  • CD4 1200

Lần đó, có việc phải lên một thị xã cao nguyên mà mình chưa đến bao giờ, tôi cảm thấy bồn chồn. Vừa rời Pleiku chừng mươi phút, con đường bắt đầu dốc dần lên. Hai bên đường, những bụi cỏ đuôi chồn héo vàng trải dài đến tận chân đồi hiu quạnh. Tiếng gió vi vu, tiếng máy xe rầm rì hòa với tiếng ong ong trong tai khiến núi đồi nhạt nhòa sau tấm kính xe đang đổ mồ hôi vì lạnh. Con đường trước mặt như treo từ đám mây thấp, đổ nghiêng về phía chiếc xe cũ kỹ đang ì ạch phun từng cụm khói đen nặng nề. Đến đỉnh đèo Chư Pao xe ngừng lại, vài bà khách buôn vội vã thắp hương lên những nấm mồ hoang lạnh lẽo nằm rải rác quanh những xác xe han rỉ. Nghỉ ngơi dăm phút, chiếc xe lại vội vã lướt đi trên con đường mọc đầy những bụi dã quỳ nở vàng. Xa xa trảng cỏ tranh xanh thắm rập rờn trong gió. Phía cuối đường, thấp thoáng dòng Dakbla êm đềm trôi quanh những bãi bồi cát trắng, những rẫy bắp trổ cờ phất phơ trong gió. Dòng sông xanh như vòng tay trìu mến ôm thị xã vào lòng. Đường phố vắng vẻ, yên tĩnh quá khiến tôi thầm nghĩ, ngoài núi rừng cây cỏ, chuyến đi này chắc chẳng có chút gì để nhớ. 

Đi loanh quanh một lát rồi ghé vào quán nước nhỏ có bụi hồng tường vi lả lơi bên cổng. Quán vắng chỉ có con mèo hung nằm sưởi nắng trên bậu cửa sổ. Ngoài sân, bầy se sẻ non nhảy lanh chanh rồi như chợt thấy chú mèo chúng bay vút lên cành ngóng mỏ inh ỏi kêu vang. Chị chủ quán bưng khay trà bước đến và nhẹ nhàng mời nước: “ Anh dùng gì, cà phê …?”. Tôi cảm thấy vui vui khi nghe lại tiếng quê mình của chị. Cảm giác ấy giống như khi tình cờ thấy lại tấm hình ngày thơ ấu. Sau vài câu thăm hỏi chúng tôi nhận ra cùng học chung trường, chị học trên một lớp. Thật ra ngày ấy tôi không quen chị nhưng biết chị thỉnh thoảng có hát trong các buổi văn nghệ của trường. Sau bao năm tháng thì chuyện trò của bạn đồng môn cũng như chuyện nắng mưa, nếu như câu chuyện không gợi lại kỷ niệm lần chị hát trong đêm văn nghệ mừng triển lãm đầu tay của họa sĩ K. Tôi nhớ mãi quang cảnh ấm cúng của phòng tranh khi khách mời đều ngồi xếp bằng dọc hai bên tường treo những bức tranh còn thơm mùi sơn. Dưới ánh nến lung linh, các cô gái mảnh mai, những chú ngựa hồng hoang dại như bay ra từ những bức tranh rực rỡ trong âm vang êm đềm của câu thơ, tiếng hát bạn hữu. Rồi khán phòng im bặt khi chị cất tiếng hát: “Nhắm mắt, cho tôi tìm một thoáng hương xưa…”. Cảm giác rờn rợn chạy dọc người khi lần đầu nghe chị hát ca khúc phổ thơ về nỗi buồn chiến tranh. Âm vang cuối của lời ca như lắng đọng giây phút rồi chợt vỡ òa trong tiếng vỗ tay và tôi nghe loáng thoáng “ Chị Ngà học trường mình…” Khoảnh khắc ấy không hiểu vì sao đọng lại trong nỗi nhớ mà mỗi khi nghe lại bài ca này tôi vẫn thấy bồi hồi. 

Khi nghe tôi gọi đúng tên và kể lại đêm văn nghệ ấy, chị rất ngạc nhiên và xúc động vì không ngờ mình đã để lại ấn tượng cho một người không quen. Chị kể: “Thật sự cũng không nhớ buổi tối ấy vì thường hát trong những dịp họp mặt bạn bè, nhưng lại nhớ tình cảnh nghiệt ngã khi hát bài ấy trong lần hát cuối cùng của mình. Lần đó, đi cùng đoàn văn nghệ biểu diễn tại một tiền đồn ở Dakto mùa hè năm bảy hai.  Đến nơi, chỉ kịp tô lại nét son, chải lại mái tóc rối bời vì gió trực thăng, chúng tôi hát ngay trên sân khấu dã chiến giữa núi đồi trùng điệp. Quanh đồn, những thân cây khô vươn nhánh cành khẳng khiu, níu lấy những làn sương mỏng lãng đãng trôi. Đột nhiên, cả bầu trời cao nguyên rực cháy màu hoàng hôn rồi chìm ngập trong màu tím thăm thẳm. Chân trời tím thôi thúc tôi hát ca khúc ấy và hát với cả tấm lòng. Tôi gửi về những làng quê, những phố thị ngàn trùng xa nửa hồn thương đau của những người chinh chiến. Gửi nhớ thương, tiếc nuối trong tiếng hát lênh đênh giữa núi đồi mông mênh. Thật hạnh phúc khi được chia sẻ nỗi niềm với người lính biên cương bằng tiếng hát của mình. Nhưng hạnh phúc sao mong manh, nửa đêm căn cứ bị tập kích và thất thủ. Hôm sau, thường dân, vợ con binh lính còn lại sau cơn binh lửa được đưa đến một buôn làng trong vùng giải phóng. Bỏ lại tất cả những năm tháng cũ chúng tôi trở về cuộc sống nguyên khai như những người dân tộc chung quanh. Bao đêm thao thức nằm nghe tiếng nai tác gọi bạn, bao mùa mai rừng tàn phai trong gió đông cứ dần trôi trong vô vọng đợi chờ. Vài năm sau khi đất nước yên bình, tôi bươn bả tìm về phố cũ. Căn nhà xưa vắng chủ nay là trụ sở cơ quan, chồng tôi đã bỏ đi trong cơn biến động, không tin tức gì. Lang thang trên bờ biển vắng, tôi đi tìm tôi trong tháng ngày hạnh phúc. Tôi đi tìm cô bé năm xưa chạy đuổi búi cỏ lông chông lăn tròn trên cát. Tôi đi tìm người thiếu nữ thơ ngây ngày nào kết vòng hoa muống biển tím ngát nhớ thương để rồi nhuộm tím phận mình…”

Câu chyện đang dở dang thì có nhóm khách trẻ ồn ào vào quán nên tôi đành ra về. Bâng khuâng, tôi nhìn những tia nắng cuối ngày tàn phai trên vòm lá bên đường. Bầu trời cao nguyên vào đêm thật tĩnh lặng và thấp thật gần tưởng như có thể nghe tiếng thì thầm của những vì sao. Ánh sáng xanh xao của mảnh trăng non lấp ló trên đầu ngọn cây gợi nhớ câu thơ như từ trăm năm vọng về: "Nửa vầng trăng khuyết, ba sao giữa trời". Lòng băn khoăn tôi không nhớ vầng trăng kia rọi vào đâu trong cuộc đời đoạn trường của Kiều. Ngôi sao kia có biết gì về chữ tài, chữ mệnh của phận người mà sao vẫn vô tư sáng lung linh đêm nay. Tôi cảm thấy lẻ loi khi một mình lắng nghe lời thì thầm của đêm. Rồi tự trách mình tuổi hoa niên trôi xa đã lâu, thì hà cớ gì lại vơ vào lòng nỗi buồn của người dưng, dù là bạn cùng trường. Nhưng tình đồng môn còn mấy ý nghĩa nếu lớp người sau chẳng sẻ chia gì với người đi trước, dù chỉ là một chút buồn…

Vài tuần sau thu xếp công việc xong tôi đến chào chị. Buổi chiều hôm đó nắng ấm áp nhuộm vàng bậu cửa sổ có con mèo lười nhác nằm mơ màng ngủ. Bầy sẻ cũ rong chơi nơi nào để lại trên sân vắng những cánh tường vi còn tươi màu. Quán im ắng quá như thể chẳng còn ai khác trong nhà. Tôi nhìn quanh tìm dấu vết bừa bộn thường thấy của các ông chồng hay của bọn trẻ con để mong rằng sóng gió một đời đã qua. Nhưng căn nhà gọn gàng, tinh tươm quá. Tôi chẳng thể hỏi điều mình đang nghĩ mà chỉ nói bâng quơ về chuyện trường xưa, phố cũ. Chị trò chuyện niềm nở, đầy tin cậy khiến tôi lúng túng không biết làm sao ngỏ lời giã biệt. Câu chuyện xoay quanh những kỷ niệm một thời đi học. Bất chợt chị nhắc đến lần cuối về thăm phố cũ đầy ngỡ ngàng: “Cách đây vài năm, một hôm gặp lại người bạn cùng đoàn văn nghệ lúc trước nay đang ở nước ngoài về thăm quê. Cô bạn bàng hoàng không thể tin tôi còn sống trong chuyến lưu diễn năm đó. Khi từ giã, cô chợt nhớ có lần gặp chồng tôi đang sống bên đó và hứa sẽ tìm địa chỉ. Sau đó ít lâu tôi nhận được thư nhắn cần gặp để trao tận tay thư chồng tôi. Người đưa thư không thể lên đây nên hẹn ngày gặp ở quầy cà phê của một khách sạn nơi phố cũ. Tôi đến sớm một chút, khách sạn thưa thớt chỉ có vài ba khách nhàn tản đọc báo, nghe nhạc lặng lẽ. Qua khung cửa kính tôi nhìn biển một thời đang rộn ràng vỗ về bờ cát. Biển nghìn đời vẫn xanh, những con sóng muôn đời rượt đuổi nhau và tôi vẫn mỏi mòn đợi mong. Ánh đèn của ngọn hải đăng nhấp nháy ngoài khơi xa mỗi lúc mỗi sáng hơn mà người đưa thư vẫn chưa đến. Những chiếc thuyền mệt mỏi sóng gió đã quay về bến trong nắng nhạt nhòa cuối ngày. Rồi người khách cuối cùng cũng bỏ đi, chỉ còn một mình tôi trong bóng tối của biển chiều. Một lát sau khi tôi đứng lên thì cậu lễ tân khách sạn đến hỏi tên rồi đưa phong thư. Cậu cho biết người khách ngồi đọc báo gần bàn tôi ngồi, dặn rằng khi nào tôi về thì đưa thư. Trong phong thư niêm kín ấy chẳng có một chữ nào ngoài một món tiền. Tôi không thể hình dung người đưa thư giấu mặt sau tờ báo và băn khoăn sao ông ta tránh mặt dầu rằng đã sắp xếp lần gặp này. Vì sao người đưa thư lại nhận ra tôi, vì sao không nói một lời … nếu như ông ấy không phải là chồng tôi ? Nếu thế, có lẽ anh không đủ cứng rắn để đối mặt với nỗi xót xa của lần đoàn tụ, hay nỗi cay đắng khi lại chia phôi. Và cũng có thể rằng anh đã mất một gia đình và giờ đây không thể rời xa một mái ấm bên kia bờ đang đợi anh. Giờ đây, tôi chỉ là người về muộn màng và đã chết khi gặp lại. Phải chăng trong niềm vui sum họp luôn ẩn chứa nỗi buồn chia ly. Sau đó tôi không liên lạc lại với người bạn cũ. Dù sao chuyến đi này đã khép lại những năm tháng mỏi mòn để lòng thanh thản đón cuộc sống đang đợi chờ". Câu chuyện chợt ngừng khi chú mèo chạy đến dịu dàng dụi vào chân chị như an ủi, khiến tôi chẳng thể nói gì thêm, dầu không ngăn nỗi ý nghĩ rằng cuộc đời này còn đợi chờ gì ở chị một khi đã lấy đi bao niềm vui.

Chúng tôi ngồi lặng lẽ một lúc đến khi nghe thấy tiếng lao nhao của bọn trẻ con ngoài cổng. Tíu tít chạy ùa vào, bọn trẻ sàn sàn như những củ khoai cùng lứa và chúng đều có những đôi mắt to tròn đen nhánh trên khuôn mặt lấm lem bùn đất. Tôi chẳng thể phân biệt đứa nào dân tộc Kinh, Bahna hay Jarai vì chúng đều nhuộm màu nắng cháy mưu sinh. Như đã quen từ trước, chúng nhanh chóng sắp xếp bàn ghế gọn gàng thành lớp học. Trước vẻ ngạc nhiên của tôi, chị mỉm cười và nhẹ nhàng bảo: “Đến giờ học rồi ! Tôi dạy chúng mỗi tuần ba buổi”. Khi đang bối rối tìm lời từ biệt thì chị dịu dàng chìa tay ra và chào: “Tạm biệt, người bạn cùng trường“. Tôi cảm nhận sự ấm áp của ngôi trường cũ truyền qua tay chúng tôi dù đã qua bao năm tháng. Chợt hiểu rằng vừa chạm đến sợi dây vô hình mà ngôi trường đã kết nối chúng tôi, những người chung một mái trường. Khi ra đến cổng tôi nán lại một chút và lắng nghe tiếng thước gỗ nhịp lên bàn trong tiếng ê a bài vỡ lòng đầu đời của bọn trẻ: “Bầu ơi thương lấy bí cùng…”. Tôi muốn ứa nước mắt khi nghe lại bài học thuộc lòng năm xưa mà từ lâu đã quên. Và cảm thấy áy náy vì chẳng có giây phút nào nhớ đến thầy cô, nhớ đến ngôi trường đầu tiên ấy. Từ giã những trái bầu trái bí trong lớp học tình thương thầm lặng của chị, tôi lặng lẽ bước vào lòng đêm.

Phố đã lên đèn, dòng người, xe cộ ngược xuôi nhộn nhịp khiến tôi không khỏi chạnh lòng nghĩ đến người bạn đã vượt qua nỗi niềm riêng để gieo nụ mầm mới. Rẽ vào con đường vắng thoang thoảng mùi hương nguyệt quế vườn nhà ai vương vương trong cơn gió se lạnh. Đâu đó bên vệ đường, tiếng dế rích rích kêu vang dưới bụi cỏ làm tôi nhẹ lòng. Giơ tay hái vội chiếc lá bên đường còn lấm bụi, tôi sẽ ép chiếc lá vào sổ tay làm kỷ niệm một mùa hè, nhớ một miền đất đã đến, và nhớ một người bạn cùng trường.

Nguyễn Trí Minh              
                                                                                   
Thêm bình luận


Đăng Nhập / Đăng Xuất