Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • hinhCu 1200
  • CD4 1200
  • NhaGiuXe1200
  • DaiThinhDuong1200

baler 1937149 10204221141123636 4907892557272709077 n

Tôi đến với Baler khi Baler vừa trải qua trận lũ lụt đáng ghi nhận. Con đường dẫn vào Baler sạt lở, đất đổ tràn ra lòng đường. Con đường vốn đã nhỏ hẹp, gồ ghề nay lại thêm trận bão lụt càng thêm khó di chuyển. Lần đầu tiên đi xe đường dài ở quốc đảo này nên không thể hình dung ra hết cảnh vật trên đường đi sẽ thế nào. Theo những thông tin tìm kiếm được thì Baler là chốn dừng chân của những người đam mê lướt sóng, thế nên trong trí tưởng tượng con đường đến Baler sẽ nhộn nhịp những xe với cộ trên đường, hay nhà cửa sầm uất hai bên đường như khi mình đi ra Nha Trang vậy.

Vậy mà, ngỡ ngàng lắm khi con đường dẫn vào Baler lại phủ một màu xanh duy nhất của đồng lúa, và không bóng dáng những ngôi nhà bê tong hiện đại. Con đường nhỏ hẹp, quanh co như con đường làng và vắng xe cộ lắm. Điều này làm tôi cứ ngỡ đang tiến sâu vào một bản làng khuất nẻo trong một góc khuất nào đó của thế giới, nơi mà thời gian bị bỏ mặc. Và rồi, khi thực sự đặt được chân đến thị trấn Baler nhỏ bé hiền hòa này thì lại thêm những bất ngờ khác. Đó có lẽ là điều làm tôi không thể nào quên được Baler, không thể nào không dấy lên những xúc cảm phấn khích và thích thú. Trong thị trấn bé nhỏ đó, vẫn là những ngôi nhà giản đơn, bình dị mà tươm tất. Tôi không dùng từ nghèo nàn để miêu tả những ngôi nhà ở đây, dù đây là những ngôi nhà mái lá, tường gạch xám đen, thấp bé. Tuy nó thấp bé, nhưng nó không tồi tàn, và nhà mái lá nhưng không có gì chắc chắn chủ nhân của nó là những người nghèo. Họ nghèo điều gì? Nghèo vật chất ư? Chưa hẳn, có thể vì thời tiết nơi xứ này nên họ cần những ngôi nhà đáp ứng được với những cơn bão lũ thường xuyên. Cũng có thể, họ nghèo vật chất thật, nhưng chỉ sau 3 ngày ở lại nơi đây tôi cam đoan họ rất giàu một thứ khác, đó là sự đôn hậu, hòa ái.

baler 10348614 10204221142763677 141533640598117772 n

Vậy mà, trong thị trấn ấy các biển hiệu chỉ một thứ tiếng anh, người dân nói chuyện với người nước ngoài bằng thứ tiếng anh của người bản xứ. Ngang qua dọc lại những con đường là những người nước ngoài, họ cười với nhau, ăn với nhau, cùng nhau ôm ván ra biển lướt sóng. Dù rằng, họ ở trong những ngôi nhà vách lá, nhưng họ có thú vui giải trí của những người nhàn hạ biết cách thưởng thức cuộc sống.

Vì thế, khi tôi nhìn vào Baler tôi cứ như nhìn thấy hình ảnh một đứa con lai nhưng lại bị bỏ rơi. Baler giữ lại cái gốc gác của những người Tây Phương đã đặt chân đến xứ này trước đó rất lâu, nhưng giờ đây họ là chủ nhân của những đoạn mã gen di truyền đó. Họ dung hòa nó một cách tự nhiên vào cuộc sống của họ, nhưng những người khai sáng xưa kia đã biến mất rồi, chỉ còn những ngôi nhà với lối kiến trúc đặc trưng của Tây Phương, những nét văn hóa độc đáo của người da trắng và ngôn ngữ tiếng Anh là ở lại.

Thế nhưng, Baler vẫn mộc mạc như nguyên thủy trước đây nên con người gần gũi nhau đến lạ. Cũng có thể vì tôi ở trọ tại khách sạn thuộc loại bình dân. Quán trọ Hình Tròn giữ chân những du khách từ chối cuộc sống xa xỉ của thành phố hiện đại. Vì vậy, nên tôi mới có thể gặp được một giáo viên dạy tiếng Anh ở ... Việt Nam đến từ Nam Phi và đàm đạo cùng Cô về khát khao học tiếng Anh kiểu đại gia ở Việt Nam. Và tôi mới có thể nằm sưởi nắng dưới mái nhà tranh, hưởng cái gió trưa mát từ biển thổi vào với một anh bạn đã từng học chuyên ngành ... lướt sóng ở Úc và đến từ Ba Lan. Đặc biệt hơn nữa, tôi được ăn thức ăn của một đầu bếp có tiếng ở Manila đam mê lướt sóng mà trở thành khách quen của quán trọ Hình Tròn. Và còn nhiều vị khách đặc biệt khác nữa, mà chúng tôi chỉ cần 1 lần gặp mặt là tự dung như thân thiết từ trước đó. Tôi yêu Baler vì sự bao dung này, nó chấp chứa hết mọi thành phần đến từ mọi miền trên thế giới, không phân biệt dân tộc, giàu nghèo, ngôn ngữ, không có ánh mắt khác lạ cho người ngoại lai, không có kỳ kèo mặc cả, cũng không hề bị quấy nhiễu bởi những người bán hàng rong, càng không nốt những cửa hàng bán đồ lưu niệm. Không một thứ gì cho thấy dấu hiệu của một thị trấn du lịch, nên những người du lịch như chúng tôi cũng tự nhận mình là con dân ở đây.

baler 11037246 10204221146923781 8685961869987162478 n

Tôi đi dạo dọc bờ biển đang thời điểm nhộn nhịp với cô giáo viên dạy Tiếng Anh ở Hà Nội. Và tôi cố gắng tóm tắt lại truyền thống hiếu học của tộc Việt để có thể đưa ra một giả thuyết giúp cô hiểu được vì sao những người da trắng nói tiếng Anh như cô lại có nhiều đất sống như vậy ở Việt Nam. Vì cô không hiểu được vì sao các bậc phụ huynh Việt Nam đang bỏ ra cả một mớ tiền khổng lồ cho các trung tâm Anh Ngữ để con cái của họ có thể học tiếng Anh với người bản xứ. Cô hỏi tôi, vì sao để học tiếng Anh thì cứ phải học với người bản xứ, khi mà ở Việt Nam có vô khối những người Việt có trình độ tiếng Anh rất cao. Cô lại nói, cô ước gì một ngày nào đó điều đó sẽ dừng lại, dù rằng điều đó sẽ làm cô mất việc, và nhờ điều này đang diễn ra mà cô có một công việc rất tốt với mức lương rất dư dả để mỗi năm đi du lịch nước ngoài trên dưới chục chuyến. Tôi nói với Cô, người Việt đang cuồng nói tiếng Anh với giọng Mỹ.

Dù rằng tôi cũng không đi nhiều mấy, không tiếp xúc với dân tộc trên cả năm châu, nhưng tôi có một người tri kỷ gốc Ấn, tôi đã làm việc và giao tiếp với người Phi Châu ở cả Ethiopia, Bostwana, Swaziland, cũng như kết bạn với người Hàn, Malaysia, Philippines và Nhật và tôi cũng có lúc đuối sức với cách phát âm tiếng Anh của họ. Thế nhưng, những đồng nghiệp gốc Mỹ của chúng tôi vẫn chẳng ý kiến gì với tiếng Anh ấy, và chúng tôi vẫn nói rằng chúng tôi đang giao tiếp bằng tiếng Anh. Và dù người Việt cho dù có phát âm tiếng Anh giọng Mỹ chuẩn đến thế nào thì cũng không được người khác gọi là người Mỹ. Nhưng mà, người Việt vẫn bỏ cả khối tiền vào các trung tâm Anh Ngữ với biển hiệu quảng cáo nói tiếng Anh giọng Mỹ trong 3 tháng (chẳng hạn thế). Và những người nước ngoài có thể sinh sống rất tốt nhờ vào cách chi tiền của Người Việt, thế quái nào mà chuyện này lại có thể xảy ra được nhỉ???

Chiều dịu mát, tôi nằm sưởi nắng đón gió biển với anh bạn có chuyên ngành học Lướt ván. Anh kể tôi nghe về những chuyến đi của anh, về cách để có thể được giữ lại và sinh sống ở một đất nước khác. Chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm về những chuyến đi, cùng dành sự ngưỡng mộ cho Kathmandu, cho Ladakh và cùng mơ những giấc mơ thiên đường. Đây là lúc tôi cảm thấy mình thật may mắn vì đã đi đủ mọi miền đất nước Việt Nam để khơi dậy sự hứng thú về đất nước này cho một người nước ngoài để họ mong muốn được đặt chân đến đất nước tôi. Và tôi cũng thấy, tôi đi không những mở rộng tầm mắt với những vùng đất lạ mà còn là giới thiệu nét đẹp của đất nước tôi đến những con người ở những vùng đất mà tôi đặt chân đến. Và chính anh là người cho tôi thấy ra rằng bạn sinh ra ở đất nước nào không nhất thiết bạn phải sống và làm việc ở đất nước đó. Lần đầu tiên, tôi nghĩ đến nếu chán sống ở một nước nào đó, bạn có thể chọn một đất nước khác để sống. Nó cũng giống như nếu bạn chán làm việc ở một công ty nào, bạn có quyền chọn một công ty khác để làm vậy.

Và còn những câu chuyện nho nhỏ, xinh xẻo khác nữa về những con người ở quán trọ hình tròn này. Về anh nhân viên làm việc ở đây, nhưng lại có vô số bạn bè trên khắp thế giới. Những người bạn đam mê lướt sóng, đến với quán trọ 1 lần và ngụ lại chỉ dăm ngày, rồi sau đó, khi quay lại là trú ngụ từ mùa trăng này đến mùa trăng khác, sống như những người dân chốn thị trấn nhỏ yên bình ấy, quên đi bản thân của những ngày rất xa xôi trước đây. Về chị nhân viên chu đáo, thân thiện giúp mình chuyển ngày lấy phòng trễ hơn so với lịch trình mà không cần thêm bất kỳ khoản phí nào và động viên mình vượt qua ngại ngần để thử lướt sóng lần đầu tiên trong đời.

Ở chốn đó, lần đầu tiên (lại một cái đầu tiên nữa, cứ như tôi được quay lai những ngày tháng bước đầu đặt chân vào chốn giang hồ) tôi biết được cảnh sắc của việc đón mặt trăng lên từ biển là thế nào. Đã một lần tôi đã từng không phân định được khối cầu trên bầu trời cao kia là mặt trời. Đó là khi bầu trời đầy sương mù, những mảng mờ đục kiềm hãm đi tia nắng kiêu hãnh của mặt trời, tước bỏ đi sự uy quyền vĩnh cửu của khối cầu ấy, để nó trở nên dịu dàng nhu mỳ như một mặt trăng.

Và bây giờ, lần đầu tiên tôi ngỡ ngàng và thấy mình hồ đồ hẳn khi không biết khối tròn đang ló lên từ chân trời kia là mặt trăng hay mặt trời bởi một màu đỏ rực của nó. Hay đó là hoàng hôn muộn, mặt trời thực vẫn chưa lặn và chỉ là mây che khuất đi? Nhưng không, bầu trời đã từng tối hẳn đi cơ mà, đó đúng là mặt trăng rồi, trăng tròn viên mãn, điềm nhiên đi lên từ lòng biển bao la phía xa, sau đó chẳng mấy chốc lan tràn khắp vùng biển bao la. Mọi người ngưng hẳn đi sững sờ trước cái đẹp đó, ai cũng lao ra bờ kè và chụp hình liên tục. Đối với tôi, nét đẹp đó trở nên quái đản hẳn đi, có những cái đẹp làm con người ta sợ hãi vì nó quá sức khác thường, một nét đẹp kinh tâm động phách. Và từ thời khắc đó, tôi không rời mắt khỏi vầng trăng đó được, tôi để toàn thân được tắm trong ánh sáng bạc đó. Tôi ôm chăn gối ra bờ kè và nằm đó, ngay cạnh bờ biển và lắng nghe tiếng sóng ì ầm cho đến khi thiếp đi. Và chỉ tỉnh giấc khi cảm nhận sóng đã liếm đến thân người, triều đang lên dần tôi mới lê lết về quán trọ.

Những giờ khắc ở Baler đó mỗi giờ mỗi khắc đều làm con người ta thấy dễ chịu và khoan khoái, mọi thứ đều ưng mắt, con người và cảnh vật hài hòa cùng nhau không kệch cỡm không lệch lạc đi điều gì. Làm sao để Việt Nam mình có thể giữ được những điều đó đây nhỉ? Tôi cũng thừa nhận người Việt chịu thương chịu khó, biết làm ăn biết kinh doanh. Nhưng, đó có phải cũng là một điểm trừ khi đến đâu người Việt mình cũng có thể thương mại hóa mọi thứ không nhỉ?

Rốt lại, đi du lịch một mình là thế đó. Là một phần rất thanh tịnh, rất rỗi rãi nên dư dả thời gian để tìm hiểu để kết bạn với những người xung quanh. Nhưng phần khác là đủ thời gian để ngẫm, để gặm nhấm những trăn trở về quê hương, về xứ người...

P/s: Chuyến đi cũng có đánh đổi tý chút, cái máy chộp hình mà như cục đá, rơi từ trên bãi đá 1m xuống biển nghe cái ủm, tim rớt nghe rổn rảng nên đợt này chẳng có tấm hình nào đẹp, nhưng nhờ thế mà càng khắc sâu hơn trong ký ức những khoảnh khắc đẹp tuyệt vời đó.


Baler, Dec 29th 2015
Huỳnh Thị Lạc Thư
Thêm bình luận


Đăng Nhập / Đăng Xuất