Chuyến đi Việt Nam - Kampuchia - Thái Lan - Myanmar , 45 ngày bằng xe máy Honda wave alpha 100cc , bài số 9.


Khu du lịch đồi Tức Dụp - Tri Tôn - An Giang

Mua vé vào khu du lịch đồi Tức Dụp xong mình nghỉ giải khát với ly nước mía và . . . leo núi lên thăm khu căn cứ của quân Giải Phóng xưa kia . Lúc vừa bắt đầu leo núi là có 1 cháu gái lẽo đẽo theo sau và cháu chỉ cho mình đi theo lối này rồi kể chổ kia có cái gì v. . . v . . . à thì ra cháu là " hướng dẫn du lịch " theo kiểu tự phát ! Thấy cháu nó lễ phép , ăn nói dễ thương và dẫn đường cũng tốt nên mình để cho cháu dẫn đường , một lát lại có thêm 2 cậu nhỏ nữa nhập vào , vậy là 4 chú cháu len lỏi khắp các hang hóc trên núi , nơi mà quân Giải Phóng trước đây từng dùng làm căn cứ địa cách mạng . Các cháu người Khmer , cháu nào da cũng ngăm ngăm màu sô cô la , mặt mày có nét rất đẹp , 1 cháu lại có năng khiếu chụp hình nên chụp cho mình mấy tấm hình rất ưng ý ! Lúc xuống núi cả 3 cháu đều được ông chú thưởng tiền hậu hĩnh nên rất vui và cảm ơn rối rít !

Rời núi Cô Tô với đồi Tức Dụp ta có thể đi theo đường N2 theo hướng tây nam , nhập vào quốc lộ 80 ,qua Kiên Lương rồi đến Hà Tiên là gần và tốt nhứt nhưng mình lại đi hướng khác , muốn đi đường theo ngả thị trấn Giang Thành để ghé chùa Phi Lai và chùa Tam Bảo , bên cạnh là nhà mồ Ba Chúc , sau đó sẽ đi dọc theo kênh Vĩnh Tế và hậu quả là nhận được . . . một trận mưa dầm dề không ngớt ! Chờ lâu quá mà vẫn bị cảnh " mưa triền miên mãi không lắng đọng " , cho nên mình phải mặt đầy đủ áo mưa và quần mưa để đóng một vai trong phim " Lữ hành trong mưa - Le Passager de la pluie " . Lúc đi ngang qua chùa Phi Lai và chùa Tam Bảo cũng như là nhà mồ Ba Chúc thì trời vẫn còn mưa rất lớn nên đành hẹn lần sau sẽ ghé vì bây giờ phải đi tiếp để còn kịp đến Hà Tiên trước khi trời tối .


Đường đến chùa Phi Lai , chùa Tam Bảo , nhà mồ Ba Chúc - An Giang

Được vài chục km là thoát khỏi hẳng vùng bị mưa và đi vào vùng khô ráo hoàn toàn , đến Hà Tiên lại gặp trời đẹp và có phòng ngay bên cạnh Đông Hồ thơ mộng , hên quá !

Hà Tiên có xây dựng khu phố mới ngay bên cạnh cây cầu mới nhưng vẫn giữ được nét duyên dáng của 1 thị xã nhỏ nằm ở tận cùng tây nam tổ quốc . Có cả dự án lấn biển , bắt chước như ở Rạch Giá xây thêm đô thị mới phía tây cầu Tô Châu và quốc lộ 80 nhưng không thành công và nhiều năm nay nơi này là khu đô thị . . . ma !

Dưới chân núi Bình San ngay trong thị xã có khu đền thờ và lăng mộ giòng họ Tổng Trấn Quốc Công Mạc Cửu . Mạc Cửu bỏ nhà Thanh chạy qua Việt Nam theo dạng " tỵ nạn chính trị " và đến lập nghiệp tại Hà Tiên lúc mới 25 tuổi , ông quản lí Hà Tiên như một đặc khu kinh tế với sòng bài , tiệm hút , xuất nhập khẩu , trên bến dưới thuyền và giàu lên , coi như vua một cõi .


Đền thờ và nghĩa trang giòng họ Mạc Cửu ở Hà Tiên

Nhưng từ lúc giàu lên Mạc Cửu bị các nước láng giềng dòm ngó và . . . cướp bóc ! Năm 1708 ông đem ngọc ngà châu báu ra Huế xin thần phục chúa Nguyễn và được phong Tổng Trấn Quốc Công cai trị suốt một dải đất ở tây nam . Đặc biệt lúc đến thăm lăng Mạc Cửu ta không thể không giựt mình trước sự khiêm nhượng của nghĩa trang giòng họ Mạc Cửu ! Công lao giòng họ Mạc Cửu đối với vùng này cũng như đối với nước Việt Nam là rất to rất lớn nhưng đền và lăng mộ đều rất trang nghiêm , tươm tất , sạch sẽ , giản dị , khiêm tốn khác hoàn toàn với rất nhiều nơi hiện nay trong cả nước đang theo như một phong trào là phải hoành tráng , hình thức , hời hợt , kệch kởm , lố bịch đáng cho thiên hạ ghê tởm !


Nguyễn Chí Hoài Nhơn