Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • hinhCu 1200
  • CD4 1200
  • NhaGiuXe1200
  • DaiThinhDuong1200

Đào Đức Chương

Nguyên cơ sở này là Trung Học Tư Thục Tân Bình [1], mở dạy các lớp Trung học Đệ Nhất cấp, nằm trên đường Nguyễn Huệ, nhưng quay mặt về hướng Bắc, phía Nhà Thờ Chánh Tòa (còn gọi là Nhà Thờ Nhọn), và cổng trường thông ra đường Hai Bà Trưng [2]. Sau năm 1963, cơ sở này được sung công, và thuộc tài sản của tỉnh Bình Định, rồi chuyển cho Bộ Giáo Dục để mở một trường Nữ Trung học Công lập cho tỉnh nhà.

image001 NTHQN
H 1: Tiền thân của trường Nữ Trung Học Qui Nhơn là dãy nhà 2 tầng màu vàng, bên phải không ảnh, 1966. (Khổng Xuân Hiền giới thiệu, cuongde.org)

I - SỰ HÌNH THÀNH

Từ giữa năm 1964 trường này trở thành công lập, cổng lại quay về hướng Nam (phía bờ biển) để thông ra đường Nguyễn Huệ, và đổi tên là Nữ Trung Học Qui Nhơn. Trường được hợp thức hóa bằng Nghị định số 2214/GD/PC/NĐ, ký ngày 4 tháng 12 năm 1964 của Bộ Quốc Gia Giáo Dục, và khai giảng niên khóa đầu tiên 1964 - 1965. Ban đầu, Trường chỉ có các lớp Trung học Đệ Nhất cấp, rồi được phát triển thành Đệ Nhị cấp. Niên khóa 1972 - 1973, trường sở phát triển tới 18 phòng học, với sĩ số là 2.559 người, trong đó có 1.892 nữ sinh Đệ Nhất cấp và 667 nữ sinh Đệ Nhị cấp [3].

image002 NTHQN
H 2: Dãy phòng học xây cất đầu tiên của Trường Nữ Trung Học, Qui Nhơn. (Ảnh chụp năm 2004, Tạ Chí Thân cung cấp)

II - SỰ SINH HOẠT VÀ PHÁT TRIỀN CỦA TRƯỜNG

Nữ Trung Học Qui Nhơn là trường Công lập Đệ Nhị cấp có lớp 12, và trải qua ba đời Hiệu trưởng: cô Trần Thị Gia (1964 - 1968), cô Vương Thúy Nga (1968 - 1970), và cô Lê Thị Cúc (1970 - 1975).

1 - Giai đoạn 1964 - 1968, Hiệu trưởng Trần Thị Gia:

Cô Gia, nguyên giáo sư Vạn vật trường Trung Học Cường Để, nhậm chức Hiệu trưởng trường Nữ Trung Học Qui Nhơn từ niên khóa 1964 - 1965 đến tháng 3 năm 1968 (sau biến cố Tết Mậu Thân). Cô đã từ trần tại Sài Gòn, khoảng đầu thập niên 1980.

Theo bài phỏng vấn cô Trần Thị Gia đăng trong Đặc San Cường Để, số Mùa Xuân Ất Tỵ, năm 1965 [4]: Niên khóa đầu tiên (1964 - 1965), trường Nữ Trung Học Qui Nhơn đã mở một lượt các lớp từ Đệ thất đến Đệ tứ. Vì Trường mới thành lập, Bộ Giáo Dục chưa kịp cung cấp đầy đủ nhân sự, chẳng hạn như thiếu giám thị, thiếu lao công. Là một trường nữ cần có sự an toàn, mà khuôn viên không có hàng rào, lại gần với nhà thương Dân Y (cũ), người vô kẻ ra tấp nập. Phòng ốc thì thiếu cả điện, nước, mùa đông trời tối sớm, rất khó khăn trong việc giảng dạy trong những giờ cuối ngày. Vì vậy, công việc đầu tiên của Hiệu Trưởng là phải vận động sao cho Trường mau chóng có đủ tiện nghi. Một mối lo thứ hai không kém, là trường mới, chưa ổn định, lại là năm thi của học sinh Đệ tứ, lấy bằng Trung học Đệ Nhất cấp, nếu tỷ số đậu quá thấp thì thật là buồn.

Canh cánh những mối lo ấy, bù lại, cũng theo lời cô Trần Thị Gia phát biểu: “Cô rất vui khi thấy học sinh học rất chăm và cũng rất ưa hoạt động, nhất là sinh hoạt chung cho hai trường.” (tức Trung Học Cường Để và Nữ Trung Học Qui Nhơn)

Niên khóa 1967- 1968, cô Trần Thị Gia làm Hiệu trưởng trong nửa niên khóa đầu.

Trường mở thêm 1 lớp Đệ thất, như vậy là từ đó có 4 lớp Thất [5]. Cũng trong niên khóa này Trường có 4 Đệ Nhị cấp: 2 Đệ tam A & B; 2 Đệ nhị A & B [6].

Trường phát triển đến 15 lớp, gồm: 4 Thất, 3 Lục, 2 Ngũ, 2 Tứ, 2 Tam (1A, 1B), 2 Nhị (1A, 1B) [7].

image003 NTHQN
H 3: Cổng trường Nữ Trung Học Qui Nhơn trước năm 1975. (Ảnh: cuongde.org)

2 - Giai đoạn từ 1968 - 1970, Hiệu trưởng Vương Thúy Nga:

Cô Thúy Nga, nguyên giáo sư Lý hóa trường Nữ Trung Học Qui Nhơn, nhậm chức Hiệu trưởng Trường này từ tháng 3 năm 1968 (sau biến cố Tết Mậu Thân) đến hết niên khóa 1969 - 1970 (tức 2 niên khóa rưỡi). Cô hiện định cư ở thành phố Houston, tiểu bang Texas Hoa Kỳ.

a) Niên khóa 1967- 1968, cô Vương Thúy Nga làm Hiệu trưởng trong nửa niên khóa sau, thay thế cho cô Trần Thị Gia xin từ nhiệm.

b) Niên khóa 1968 - 1969, trường Nữ Trung Học Qui Nhơn có 17 lớp, gồm: 4

Thất, 4 Lục, 3 Ngũ, 2 Tứ, 2 Tam (1A, 1B), 2 Nhị (1A, 1B). Niên khóa này Trường phát triển đủ số lớp quy định để được Bộ Giáo Dục bổ nhiệm cô Phan Thị Lệ Hoa, nguyên là giáo sư Pháp văn, giữ chức Tổng Giám thị.

image004 NTHQN
H 4: Học sinh trường Nữ Trung Học QN diễu hành. (Ảnh từ nthqn.org)

Cô Phan Thị Lệ Hoa là phu nhân của thầy Nguyễn Hữu Vui (giáo sư Trường Cường Để). Theo lời Cô Nga “Chị là Tổng Giám Thị trường NTH/ QN, người Nam, tính tình hiền lành dễ thương, nhưng rất thẳng thắn, và trong việc quản lý học sinh, chị rất nghiêm, nên học sinh đi vào nề nếp, rất nể sợ cô Tổng Giám Thị mà cũng rất yêu mến Cô. Chị ở trong trường, còn cai quản những gia đình cư ngụ trong khuôn viên Trường nữa.” [8]

c) Niên khóa 1969 - 1970, số lớp của Trường vẫn phát triển đều đặn đến 19 lớp, gồm: 4 Thất, 4 Lục, 4 Ngũ, 3 Tứ, 2 Tam (1A, 1B), 2 Nhị (1A, 1B).

Vào giữa niên khóa này, Bộ Quốc Gia Giáo Dục cải tổ đổi danh xưng các lớp: Bậc Tiểu học, tên cũ là: lớp Năm, Tư, Ba, Nhì, Nhất nay gọi là Lớp 1, 2, 3, 4, 5. Bậc Trung học Đệ nhất cấp, tên cũ là: Đệ thất, Đệ lục, Đệ ngũ, Đệ tứ; nay gọi là Lớp 6, 7, 8, 9. Bậc Trung học Đệ nhị cấp, tên cũ là: Đệ tam, Đệ nhị, Đệ nhất; nay gọi là Lớp 10, 11, 12.

image005 NTHQN
H 5: Triển lãm Khoa học, 1969, Thầy Sơn (bên trái), Cô Nga (giữa). (Ảnh: Cô Vương Thúy Nga cung cấp)

Khoảng cuối năm 1969, nhà trường tổ chức Triển lãm Khoa học lần đầu tiên, thời gian 1 ngày 1 đêm, tại trường. Ban ngày, dùng các phòng học để trưng bày các sản phẩm nữ công, gia chánh, học cụ hay dụng cụ khoa học do các học sinh 4 lớp Đệ nhị cấp làm ra. Đặc biệt nhất là phòng trưng bày các thí nghiệm về vật lý và hóa học, được trang bị giống như một phòng bào chế. Dưới sự hướng dẫn của thầy Lê Trọng Sơn, các học sinh 4 lớp Đệ nhị cấp dùng những hiểu biết đã học ở trường để thực hiện các phản ứng về hóa học, vật lý. Quan khách tham dự rất đông và khen ngợi nhà trường về lối giáo dục thực tiễn, học và hành đi đôi. Đêm về, trình diễn văn nghệ tại Trung Tâm Văn Hóa [9], dù là “cây nhà lá vườn” nhưng diễn xuất thành thạo, người đến xem đông đúc. Trong cuộc triển lãm này, Lê Thị Bạch Nga học sinh Lớp 10 được giải thưởng của hãng Shell, vì đã trưng bày cuộc đổ bộ lên mặt trăng của phi thuyền Apollo 11 qua nhiều hình ảnh sưu tầm từ báo chí, có cả băng thu âm những lần trao đổi giữa các khoa học gia [10].

image006 NTHQN
H 6: Triển lãm Khoa học, 1969, quan khách đến xem. (Ảnh: Cô Vương Thúy Nga cung cấp)

Cũng theo lời cô Vương Thúy Nga, trong thời gian Cô làm Hiệu trưởng, Sư Đoàn Mãnh Hổ Đại Hàn mới đến Qui Nhơn, có ở tạm trong mé vườn của Trường. Vì khuôn viên trường Nữ Trung Học Qui Nhơn rất rộng và là tài sản của tỉnh, không thuộc của Bộ Giáo Dục, nên Đại Tá Tỉnh Trưởng có quyền cho phép một bộ phận của Sư Đoàn tạm thời đóng quân ở đó. Nhưng quân nhân của họ rất kỷ luật, và tôn trọng thuần phong mỹ tục của Việt Nam, nên không có chuyện gì đáng tiếc xảy ra. Trong thời gian trú quân, họ xây cất một Trung Tâm Văn Hóa, trên khu đất kế cận với khuôn viên phía Tây của Trường. Tuy cơ sở này không thuộc về trường NTH/QN, nhưng những buổi trình diễn văn nghệ, và tổ chức lễ phát thưởng cuối mỗi niên khóa, Trường có thể mượn để sử dụng.

Sư Đoàn Mãnh Hổ còn sửa chữa cổng ngõ cho Trường, làm lại cánh cửa chắc chắn, chịu đựng nắng mưa, và sơn toàn bộ cổng trường với màu xanh da trời rất đẹp mắt. Ngoài ra, họ tặng cho trường 50 bộ bàn ghế học trò, mỗi bộ có 2 chỗ ngồi, và đủ trang bị cho 2 lớp học. Cũng theo lời cô Nga, qua cuộc phỏng vấn của Ban Biên Tập Đặc San CĐ & NTH, 2014: “Về mấy chục bộ bàn ghế mà SĐMH ĐH tặng học sinh NTH, mình đề nghị đừng đóng dấu hiệu của SĐMH ĐH lên, vì khi quý ông đã cho thì không còn là của SĐMH ĐH nữa, ông đồng ý. Anh D (Nguyễn Mạnh Dạn) biết không? Sau năm 75, những bộ bàn ghế của SĐMH ĐH tặng Trường Cường Để bị chẻ làm củi hết, còn bàn ghế của Trường NTH (Nữ Trung Học) vì không có dấu vết gì nên vẫn được ‘yên thân.’” [11]

image007 NTHQN
H 7: Cô Hiệu trưởng Vương Thúy Nga (1968 - 1970) (Ảnh: Nguyễn Mạnh An Dân cung cấp)

3 - Giai đoạn 1970 - 1975, Hiệu trưởng Lê Thị Cúc:

Cô Cúc, nguyên giáo sư Triết lý của trường Trung Học Cường Để Qui Nhơn, nhậm chức Hiệu trưởng trường Nữ Trung Học đầu niên khóa 1970 - 1971 đến hết tháng 3 năm 1975. Cô hiện định cư ở thành phố Boston, tiểu bang Massachsetts (MA), Hoa Kỳ.

a) Niên khóa 1970 - 1971, vẫn cô Phan Thị Lệ Hoa làm Tổng Giám thị.

b) Niên khóa 1971 - 1972, Trường này đã xảy ra bốn sự kiện đáng ghi nhớ:

- Trường Nữ Trung Học Qui Nhơn bắt đầu có Giám học, Bộ Giáo Dục cử cô Đặng Thị Yến giữ chức vụ này, cô Tôn Nữ Thanh Tùng tình nguyện phụ tá không chính thức.

- Trong niên khóa này, trường Nữ Trung Học Qui Nhơn lại xảy ra một tai biến đau thương: Cô Giám học Đặng Thị Yến [12] bị tử thương, và phu quân của Cô Yến là Tạ Quang Khanh, giáo sư của Trường Cường Để, bị thương, trong vụ nổ vào đêm 8- 1- 1972 tại Sân Vận Động Qui Nhơn. Ngoài ra, cô Tôn Nữ Thanh Tùng và 3 nữ sinh của Trường Nữ Trung Học cũng bị thương [13].

Đám tang Cô Yến, rất đông người tham dự, không những hầu hết Giáo sư, Phụ huynh và học sinh của Trường mà còn các đồng nghiệp và học sinh các trường khác cũng đến đưa tiễn linh cửu đến nơi an nghỉ. Trên đường dẫn tới Nghiã trang, hàng trăm vòng hoa vắt ngang dải băng màu tím với hàng chữ “Vô cùng thương tiếc Giáo sư Đặng Thị Yến,” đặt trên xích lô, và đoàn người dài dằng dặc tiếp nối theo sau. Trên trời có máy bay trực thăng cũng theo đưa tiễn. Khi linh cửu đi ngang qua dãy phố, mọi người dừng lại đứng nhìn, bùi ngùi thương tiếc cho một giáo sư trẻ yêu nghề, tận tụy với học sinh cả trong giờ học và các sinh hoạt ngoài trời, nhưng đã bị vắn số [14].

image008 NTHQN
H 8: Từ trái sang phải: cô Vương Thúy Nga (Hiệu trưởng 68 - 70) đứng bên cạnh cô Đặng Thị Yến (Giám học 71- 72). (Ảnh từ nthqn.org)

- Cũng trong niên khóa này cô Tôn Nữ Thanh Tùng được Bộ Giáo Dục ký Sự vụ lệnh và hợp thức hóa bằng Nghị định làm Giám học, thay thế cô Yến.

- Về chức Tổng Giám thị của Trường, Bộ cũng cử cô Nguyễn Thị Cam Vũ lên thay, vì cô Phan Thị Lệ Hoa xin từ nhiệm.

- Từ niên khóa 1971 - 1972, trường mở Lớp 10 ban C, không còn chuyển học sinh ban này đến trường Cường Để. Và cũng từ niên khóa này, học sinh thi đỗ Tú tài phần I, được tiếp tục học Lớp 12 tại Trường, không còn chuyển đến Trung Học Cường Để nữa.

image009 NTHQN
H 9: Học sinh trường NTH/ QN biểu diễn bước đều. (Ảnh từ nthqn.org)

c) Niên khóa 1972 - 1973:

- Bộ Giáo Dục cử thầy Nguyễn Túc giữ chức Phụ tá Giám học.

- Bộ cũng cho xây cất thêm một dãy lầu ở phía sau khuôn viên Trường, đối diện và song song với dãy lầu cũ.

- Song hành với việc phát triển phòng ốc, số lớp của Trường cũng tăng, nhất là mở thêm các lớp 6 và lớp 12. Vì từ niên khóa này, Bộ Giáo Dục bỏ lệ thi Tú tài I, tức Tú tài bán phần. Học sinh lớp 11, cuối năm đủ điểm trung bình được lên lớp 12, như những lớp khác. Như vậy, một học sinh từ lớp 1 đến lớp 12, chỉ có một lần thi Tốt nghiệp Trung học vào cuối niên học lớp 12.

- Một sự kiện quan trọng, trường Nữ Trung Học Qui Nhơn được Bộ Giáo Dục cho đổi tên là trường Nữ Trung Học Ngô Chi Lan, là tên của một nữ danh sĩ thời Hậu Lê [15]. Bà Ngô Chi Lan (吳 芝 蘭), nổi tiếng về nhan sắc cả đức hạnh, giỏi thi ca, thông nhạc lý, viết chữ đẹp. Chính vua Lê Thánh Tông đã ban khen, phong danh hiệu Kim Hoa Nữ Học Sĩ (金 華 女 學 士), cho dự nhiều cuộc xướng họa thơ văn của triều đình, được giao việc dạy lễ nghi và văn chương cho các cung nhân.

Bộ Giáo Dục đã chấp thuận cho trường Nữ Trung Học Qui Nhơn, là trường nữ trung học của một tỉnh lớn thời VNCN, tên của nữ thi sĩ đầu tiên của Đại Việt, cũng vừa là nhà giáo nổi tiếng của thời Hậu Lê:

image010 NTHQN
H 10: Cổng chào trong khu Hội chợ, 1974. (Ảnh từ nthqn.org)

Niên khóa 1973 - 1974, nhân ngày lễ Hai Bà Trưng vào mồng 6 tháng 2 âm lịch, trường Nữ Trung Học Ngô Chi Lan tổ chức Hội chợ trong ba ngày, tại khuôn viên của Trường. Mục đích mở Hội chợ là để học sinh của trường trưng bày những sản phẩm do chính các em làm ra trong những giờ học Nữ công Gia chánh, như thêu thùa, may vá, nấu ăn, làm bánh, trang trí, cắm hoa...Khách đến xem, mua những sản phẩm do con em họ làm ra để làm kỷ niệm, vừa ủng hộ cho Trường có thêm ngân quỹ trong các sinh hoạt học đường.

image011 NTHQN
H11: Dựng chòi canh trong khu Hội chợ. (Ảnh từ nthqn.org)

Hội Chợ được thành công tốt đẹp, chính nhờ sự nhiệt tình hổ trợ về vật liệu, dụng cụ, máy móc, và nhân lực của các cơ quan như: Liên Đoàn 6 Công Binh phụ trách dựng cổng chào, tháp canh, sân khấu, và các lều trại trưng bày sản phẩm. Ty Điện Lực phụ trách ánh sáng cho toàn khu vực Hội chợ suốt ngày đêm. Cảnh Sát phụ trách an ninh, trật tự. Đoàn Thanh Niên phụ trách âm thanh và ánh sáng trên sân khấu.

Mùa hè năm 1974, Bộ Quốc Gia Giáo Dục tổ chức 2 kỳ thi Tú tài Phổ thông (tên gọi mới của Tú tài toàn phần), lần đầu áp dụng thi IBM, trường Nữ Trung Học Ngô Chi Lan không những đạt tỷ số đậu cao, còn chiếm hạng Tối ưu, Ưu, và Bình. Không ngờ, đây là năm thi Tú tài cuối cùng của thời Việt Nam Cộng Hòa.

image012 NTHQN
H 12: Đội múa lớp 11C (nk. 1968 - 75), hóa trang trong hoạt cảnh “Khúc Hát Ân Tình,” chụp ảnh với cô Lê Thị Cúc và cô Thanh Tùng, 1974. (Ảnh từ cuongde.org)

- Niên khóa 1974 - 1975, trường Nữ Trung Học Ngô Chi Lan đủ số lớp quy định để có Phụ tá Tổng Giám thị. Bộ Giáo Dục bổ nhiệm cô Trương Thị Tạo giữ chức vụ này.

Trường chia làm hai ca, buổi sáng các lớp Đệ Nhị cấp học, cô Trương Thị Tạo phụ trách Giám thị tổng quát. Buổi chiều dành cho các lớp Đệ Nhất cấp học, cô Nguyễn Thị Cam Vũ phụ trách tổng quát. Ngoài ra còn có các vị Giám thị phụ trách lớp như các cô: Dương Thị Đến, Hồ Thị Quỳ, Lã Thị Khanh, Nguyễn Thị Nên, Nguyễn Thị Thanh Vân, và cô Kim Hoa...

Tuy chia ca như vậy, nhưng vì thiếu phòng nên cũng có một số lớp Đệ nhất cấp học vào buổi sáng; hoặc vì thuận tiện giờ dạy của giáo sư nên cũng có một số lớp Đệ nhị cấp học vào buổi chiều.

Niên khóa này, Trường có một Ban Giám đốc đầy đủ 5 người, gồm: Hiệu trưởng Lê Thị Cúc, Giám học Tôn Nữ Thanh Tùng, Phụ tá Giám học Nguyễn Túc, Tổng Giám thị Nguyễn Thị Cam Vũ, Phụ tá Tổng Giám thị Trương Thị Tạo.

image013 NTHQN
H 13: Cô Hiệu trưởng Lê Thị Cúc (1970 - 1975). (Ảnh: cuongde.org)

III - VỀ NHÂN SỰ

Cũng như các trường Trung học khác, danh sách và số lượng Giáo sư trường Nữ Trung Học Qui Nhơn thay đổi từng niên khóa. Tùy thuộc vào sự phát triển số lớp, thường cứ tăng 2 lớp học thì Bộ Giáo Dục bổ thêm 3 Giáo sư. Ngoài ra, có vị từ trường khác chuyển đến, lại có vị chỉ dạy vài niên khóa rồi xin đổi đi, nhưng cũng có vị gắn bó với Trường này từ ngày thành lập đến giờ phút cuối, ngày 31- 3- 1975.

Danh sách Ban Giám đốc, Giáo sư, Nhân viên văn phòng, và Lao công của Trường Nữ Trung Học, từ năm 1964 - 1975 có nhiều, nhưng không thể nhớ hết, chỉ nêu được một số, ghi theo thứ tự ABC (Alphabet), bắt đầu từ chữ họ:

Quý Thầy Cô và Nhân viên: bà Bòng (Cai trường), ông Chánh (Tùy phái), Dương Thị Đến (Giám thị), Đặng Thị Kim Quy (Anh văn), Đặng Thị Yến (dạy Pháp văn, Giám học 1971 - 1972), Hà Văn Thạnh (Toán), Hoàng Gioan (Nhân viên văn thư), Hồ Thị Quỳ (Giám thị), cô Kim Hoa (Giám thị), Lã Thị Khanh (Giám thị), Lê Hữu Tuyển (Toán), Lê Thị Cúc (dạy Triết, Hiệu trưởng 1970 - 1975), Lê Trọng Sơn (Lý Hóa), Lê Văn Thiện (Cai trường), bà Mót (Cai trường), Nguyễn An Phong, Nguyễn Cường, Nguyễn Dần, Nguyễn Hữu Thời (Sử Địa), Nguyễn Thanh Duy (Pháp văn), Nguyễn Thế Triết (Sử địa), Nguyễn Thị Cam Vũ (Tổng Giám thị 1972 - 1975), Nguyễn Thị Hòa, Nguyễn Thị Nên (Giám thị), Nguyễn Thị Phương Thảo, Nguyễn Thị Thái Nhĩ (dạy Nữ công), Nguyễn Thị Thanh Vân (Giám thị), Nguyễn Tuân (Cai trường), Nguyễn Túc (dạy Anh văn, Phụ tá Giám học 1972 - 1975), Nguyễn Văn Hùng (Pháp văn), Nguyễn Văn Xứng (Nhạc, Vẽ), Nguyễn (hay Trần) Xuân Tùng (Anh văn), Phạm Khấu, Phan Cảnh Danh (Anh văn), Phan Kiều Nhi (tức Cô Độ, dạy Toán), Phan Lục Tú (Công dân), Phan Minh Ân (Sử địa), Phan Quật (Việt văn), Phan Quán (Lý hóa, Vạn vật), Phan Thị Lệ Hoa (dạy Pháp văn, Tổng Giám thị 1968 - 1972), Phan Thị Ngọc Tĩnh, ông Sáu (Cai trường), Tăng Khắc Nhự (Nhân viên văn phòng), cô Thanh Toàn (Hành chánh), cô Thu (Giám Thị), Tôn Nữ Thanh Tùng (dạy Vạn vật, Giám học 1972 - 1975), Tôn Nữ Thu Hương, Tôn Thất Bút (Việt văn), Trần Nhơn Mai (Nhân viên kế toán, lương bổng), Trần Thị Gia (dạy Vạn vật, Hiệu trưởng 1964 - 1968), Trần Thị Hòa (Giám thị), Trần Thị Nga, Trần Thị Ngọc Anh (Lý hóa), Trần Tư Cung (Vạn vật 12 A), Trần Văn Dật (Việt văn), Trần Văn Mẫn (dạy Triết, Hiệu trưởng Trường Sư Phạm Qui Nhơn), Trần Văn Nông (Pháp văn), Trần Văn Phương (Anh văn), Trần Văn Thương (Toán), Trương Hữu Kha (Anh văn), Trương Thị Hoa (Vạn vật), Trương Thị Tạo (dạy Quốc văn, Phụ tá Tổng Giám Thị 1974 - 1975), Võ Thị Hồng Vân, Vương Thúy Nga (dạy Lý hóa, Hiệu trưởng 1968 - 1970). [16]

image014 NTHQN
H 14: Giáo sư và học sinh của trường Nữ Trung Học Qui Nhơn. (Ảnh: nthqn.org)

IV - SƠ ĐỒ CẤU TRÚC TRƯỜNG SỞ

Năm 1964, thành lập trường Nữ Trung Học Qui Nhơn, ban đầu chỉ có một dãy lầu (tạm gọi là Dãy 1), gồm tầng trệt và một tầng lầu, mỗi tầng có 6 phòng, nằm theo chiều Đông Tây, mặt ngó về phía đầm Thị Nại (hướng Bắc), lưng quay ra bờ biển (hướng Nam). Giữa dãy lầu có cầu thang, thông ra Sân trước và Sân sau. Từ đường Nguyễn Huệ, rẽ về hướng Bắc để vô cổng trường, vào một sân rộng (tạm gọi là Sân trước, vì muốn đến trường phải qua sân này). Rồi cũng theo chiều Nam Bắc đi xuyên qua cầu thang của Dãy 1 để ra một sân nữa (tạm gọi là Sân sau). Với hướng đi như vậy, bên tay phải là phương Đông, tức phía Khu I có Hải Cảng; bên tay trái là phương Tây, tức phía Khu II, lần lượt gặp Trung Tâm Y Tế Toàn Khoa, Trường Sư Phạm, Trường Kỷ Thuật, Gành Ráng...

Là một trường nữ bậc Trung học của tỉnh, nên có những nữ sinh từ các quận xa về học, Trường xây thêm một dãy nhà ký túc xá, 3 phòng (tạm gọi là Dãy 2), nằm phía Tây của khuôn viên, mặt ngó về Đông và thẳng góc với Dãy 1, thành hình chữ L nhưng hở góc để có lối đi ra Sân sau. Nhưng rồi ký túc xá chưa được trang bị đầy đủ nên tạm thời sử dụng tùy nghi (phòng nữ công, văn nghệ, chỗ ở của nhân viên, v.v...). Ngoài ra có một căn nhà biệt lập, ở góc Tây Bắc của khuôn viên Trường, và đối diện xéo với Dãy 1, dùng làm chỗ ở cho Giám học

Về sau, Trường xây cất thêm dãy lầu nữa (tạm gọi là Dãy 3), gồm 6 phòng trệt, giữa dãy có cầu thang lên 6 phòng lầu. Dãy 3 nằm song song và đối diện với Dãy 1, lại thẳng góc với Dãy 2, tạo thành hình chữ U cho Sân sau. Vì cả 3 dãy đều quay mặt vào sân này, nên Sân sau trở thành Sân trong, và Sân trước trở thành Sân ngoài.

Trường còn xây một dãy trệt gồm 3 phòng, và thẳng góc với Dãy 1, nhưng rời ra để có lối đi vào Sân trong, và nằm về phía Đông của khuôn viên, mặt ngó ra cột cờ ở giữa Sân ngoài.

Như vậy, Trường có 24 phòng học chính thức (Dãy 1: 9 phòng, Dãy 3: 12 phòng, Dãy 4: 3 phòng), vì trong 12 phòng của Dãy 1, nhà trường dành 3 phòng ở tầng trệt phía Tây (tức bên tay trái của cầu thang, nếu từ cổng trường đi vào) làm phòng Hiệu trưởng, phòng Giám học, phòng Tổng Giám thị, phòng Giáo sư, phòng Nhân viên.

V - VÀI CẢM NGHĨ VÀ LỜI TRI ÂN

Những vị Thầy Cô thời Việt Nam Cộng Hòa, dù đứng trên bục giảng, hay ở cương vị các cấp điều hành, đều mang sứ mệnh của nền giáo dục Nhân bản, Dân tộc và Khai phóng, một Triết lý Giáo dục đã để lại ấn tượng tốt đẹp cho các môn sinh.

- Cựu học sinh Nguyễn Kim Kiều, tác giả bài “Tuổi Nhỏ Và Những Năm Tháng Khó Quên,” đăng trong Đặc San Cường Để Qui Nhơn năm 1968, từ trang 165 - 176, có đoạn nhắc đến Giáo sư Trần Thị Gia, khi Cô còn dạy ở Trường Cường Để: “Cô Trần Thị Gia dạy Vạn vật chúng tôi năm Đệ Nhị, là hình ảnh của một bà mẹ, cô hiền, vui vẻ và rất gần gũi với học trò. Tôi may mắn được gặp lại cô một thời gian ngắn trước khi cô qua đời; lần đó cô vui lắm và đã đưa địa chỉ mời tôi đến nhà chơi.” Cô đã lìa đời từ lâu, nhưng những học trò của Cô (dù được cô trực tiếp giảng dạy hay không) vẫn luôn luôn tưởng nhớ và biết ơn Cô.

- Cựu học sinh Ngọc Lan, tác giả bài “Cô Hiệu Trưởng Trường Tôi” đăng trong Đặc San Cường Để & Nữ Trung Học, 2014, từ trang 24 - 29, trong đó có đoạn viết về cô Vương Thúy Nga: “Thế mà cô viết thư trả lời và phân tích cũng như cho tôi những lời khuyên bổ ích mà tôi nhớ mãi. ‘Ngọc Lan còn trẻ lắm, nếu gia đình có điều kiện thì nên thi vô Đại học, hy vọng 4 năm sau em sẽ lớn hơn một chút, nếu muốn học tiếp lên Cao học cũng được...Cũng nhờ lá thư Cô gửi mà ba mẹ tôi và tôi có thêm sức mạnh và niềm tin, gởi tôi vào Sài Gòn, một thân một mình xa nhà, để đi học Đại Học.” Và Ngọc Lan đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm.

- Với cô Hiệu trưởng Lê Thị Cúc, cựu học sinh Ngọc Lan viết: “Cô Cúc thì dạy chúng tôi môn Triết. Dáng Cô lúc nào cũng cao sang, quý phái, rất hiền dịu, nhỏ nhẹ, nhưng cũng rất thương học sinh.”

- Và các Giáo sư khác, Ngọc Lan viết: “Nhờ các Thầy Cô dạy Toán, như cô Độ (Phan Kiều Nhi), thầy Thạnh, thầy Thương, thầy Tuyển,... với phương pháp ‘học mà chơi, chơi mà học’ làm tôi từ một ‘Maika từ trên trời rơi xuống’ với môn toán, tôi đã dần dần khá hơn...Riêng thầy Trần Tư Cung dạy Vạn vật lớp 12A trường tôi, mới hay thì thôi. Ban A, nên cuốn sách Vạn vật dày như cuốn tự điển Lê Bá Kông, làm sao mà tụng và nhớ cho hết. Thế mà Thầy chỉ cách học rất dễ nhớ, là học dàn bài và những phần chính, rồi từ từ đi vào chi tiết phụ sau... Nhờ cách học như vậy mà tôi không phải ôm cuốn sách Vạn vật tụng như tụng kinh mỗi ngày.”

image015 NTHQN
H 15: Cô Giám học Tôn Nữ Thanh Tùng và một số Nữ sinh của Trường du ngoạn Tháp Bánh Ít.

VI - THAY LỜI KẾT

Trường Nữ Trung Học Qui Nhơn có tuổi đời ngắn, dù chỉ có 11 niên khóa nhưng đã trưởng thành nhanh chóng thành một trường Trung học Đệ Nhị cấp, đủ cả 3 ban, và giảng dạy suốt học trình 7 năm, hết bậc Trung học.

Tính đến đầu năm 1975, trường Nữ Trung Học Qui Nhơn lớn hàng thứ ba trong tỉnh, sau Trung Học Cường Để Qui Nhơn (65 lớp) và Trung Học Đào Duy Từ An Nhơn, Bình Định (56 lớp). Có thể nói, đây là trường Nữ Trung Học Đồng Khánh (Huế) của Bình Định.

Nhưng rồi, sau biến cố năm 1975, cùng chung số phận với các trường Trung học khác trong tỉnh, trường Nữ Trung Học Ngô Chi Lan đã bị đổi tên.

Sau đây, chúng tôi có vài lời xin thưa,

Ngày 22- 10- 2015, Nguyễn Mạnh An Dân gửi email thăm, có đoạn “Chủ đề ĐS năm nay là ‘Một Lần Cho Mãi Mãi.’ Hướng thực hiện giống như một ‘Kỷ Yếu’ để mỗi người giữ làm kỷ niệm và cũng là tài liệu... Kính nhờ anh điểm giùm các ĐS mới, chưa có trong kỳ trước và nhờ anh gởi cho xin phần giới thiệu về hai trường CĐ & NTH.” Riêng bài viết về Trường Nữ Trung Học Qui Nhơn, chúng tôi từ chối, vì thiếu thông tin, viết ra sẽ gặp nhiều sai sót. Tài liệu khả tín nhất mà chúng tôi có được là quyển “Ai Có Về Qui Nhơn” của Trần Đình Thái, do Tủ sách đẹp Quê Hương xuất bản năm 1973, tại Sài Gòn. Sách dày 152 trang, khổ giấy 14 x 20,5 cm, nhưng chỉ vỏn vẹn 10 hàng, nơi trang 59, viết về ngôi trường này.

Nhưng đến ngày 9- 1- 2016, An Dân gửi email yêu cầu một lần nữa “...Vậy nếu có thể được, anh cho em bài về trường Nữ luôn nghe anh. Mong Tin anh.”

An Dân với tôi, tuy là lớp đàn em, nhưng giữa hai chúng tôi có nhiều cái chung: tình đồng hương (quận Tuy Phước), tình đồng song (tôi học Trung Học Cường Để từ 1955 - 1958), tình đồng nghiệp (An Dân từng dạy ở trường Văn Hóa Quân Đội), tình văn hữu (cùng cộng tác trên một tạp chí có tuổi thọ khá cao 1984 - 2008), và nhất là thông cảm nỗi vất vả của An Dân qua 18 năm giữ cho Đặc San Cường Để & Nữ Trung Học Qui Nhơn đứng vững, cả về hình thức lẫn nội dung. Quý tài, mến bạn. Vì thế, lần này, An Dân yêu cầu, tôi không nỡ từ chối nữa.

May nhờ liên lạc được các Thầy, Cô đã gắn bó với trường Nữ Trung Học này trong nhiều năm, nên được cung cấp qua trí nhớ nhiều chi tiết quan trọng. Chúng tôi chỉ làm công việc thu thập, đối chiếu, sàng lọc, xếp đặt, hệ thống hóa, đúc kết và viết thành bài. Về phần tài liệu, ngoài sách của Trần Đình Thái, chúng tôi cũng lượm lặt các chi tiết rải rác trong Đặc san Cường Để Nữ Trung Học. Nhưng, những chi tiết này cũng từ trí nhớ, nên đôi khi cùng một sự kiện lại rất dị biệt, cần kiểm chứng và chọn lọc. Về hình ảnh, có Cô Nga, bạn An Dân cung cấp; ngoài ra còn sưu tầm từ trang mạng “nthqn.org” và “cuongde.org” Chúng tôi chân thành cảm ơn sự nhiệt tình đóng góp của Quý vị.

Tóm lại, các chi tiết trong bài được căn cứ từ trí nhớ của nhiều nhân chứng. Nhưng với quá khứ đã trên 40 năm, lại trải qua nhiều dâu bể, sự nhớ lại khó tránh khỏi sai sót, rất mong sự góp ý và thông cảm của quý độc giả.

San Jose, ngày 3- 5 - 2016

ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG

GHI CHÚ

[1] Trần Đình Thái, Ai Có Về Qui Nhơn, tập sách Địa phương chí, khảo cứu công phu; nơi trang 59, dòng 12, chép là: “Cơ sở của Nữ Trung Học là cơ sở của Trường Tư thục Tân Bình ngày trước.”

Cô Lê Thị Cúc, cựu Hiệu trưởng NTH QN từ 1970 - 1975, email gửi ngày 25- 4- 2016, chép là “Trường NTHQN là hậu thân của trường Trung Học Bán Công chứ không phải Tư Thục Tân Bình.”

Đặng Phú Phong, cựu học sinh Trung Học Tân Bình, nay là Trưởng Ban Biên Tập Đặc San Liên Trường Qui Nhơn, trong cuộc phỏng vấn ngày 29- 4- 2016 đã xác nhận là “Trường Trung Học Tư Thục Tân Bình.”

Ba ý kiến trên đều được chép ra đây để có cơ hội nghiên cứu thêm.

[2] Trước năm 1975, ở thị xã Qui Nhơn, những con đường nằm dọc theo chiều Đông Tây, tính từ Bắc (phía đầm Thị Nại) xuống Nam (phía bờ biển), có đường Bạch Đằng, Gia Long, Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Du, Hai Bà Trưng, Nguyễn Huệ.

[3] Trần Đình Thái; Ai Có Về Qui Nhơn (Sài Gòn, Tủ sách đẹp Quê Hương xuất bản, 1973); trang 59.

Nguyên, bài “Các Trường Trung Học Tỉnh Bình Định (Tính đến 1- 4- 1975)” chúng tôi viết ngày 6- 12- 2004, ký tên Đào Đức Chương, và đăng trong Liên Trường Qui Nhơn 2005 (Nam Cali), từ trang 37 - 64. Sau đó, liên lạc được thêm nhiều cựu đồng nghiệp, nên có hai đợt bổ chính vào năm 2005 và 2010, rồi chia làm 2 phần. Phần 1, đăng trong Đặc San Cường Để & Nữ Trung Học Qui Nhơn (Houston, TX) vào tháng 6 năm 2010, nơi trang 13 - 38, với đề bài là: “Qui Nhơn, Những Ngôi Trường Ngày Cũ.” Sau đó, được tải lên trang mạng cuongde.org ngày 12- 8- 2010, và trinhvuongqn.wordpress.com. Năm 2011, bài “Qui Nhơn, Những Ngôi Trường Ngày Cũ.” được điều chỉnh vài chi tiết, bổ sung nhiều hình ảnh, thêm nhiều ghi chú; rồi được đăng trong Đặc San Liên Trường Qui Nhơn 2011, nơi trang 307 - 348, và tải lên trang mạng Liên Trường Qui Nhơn. Trong bài ấy, những lần đăng ở Đặc San hay trên mạng, đều có đoạn đề cập đến Trường Nữ Trung Học Qui Nhơn, những thông tin như số nghị đinh, ngày ký, sĩ số học sinh Đệ Nhất cấp và Đệ Nhị cấp, số phòng học và năm thành lập của Trường này, chúng tôi căn cứ vào sách “Ai Có Về Qui Nhơn, nơi trang 59” của Trần Đình Thái, xuất bản tại Sài Gòn, năm 1973. Và trong phần “Ghi chú” có ghi rõ xuất xứ tài liệu. Ngoài ra, còn được nhắc lại ở mục “Tài liệu tham khảo.”

Đoạn ấy đã viết:

Nguyên cơ sở này là Tư Thục Tân Bình, nằm trên đường Nguyễn Huệ, mặt tiền nhìn ra biển. Cuối năm 1963, trường này trở thành công lập, đổi tên là Nữ Trung Học Qui Nhơn, hợp thức hóa bằng Nghị định số 2214-GD/PC/NĐ ký ngày 4 tháng 12 năm 1964 của Bộ Quốc Gia Giáo Dục, và khai giảng niên khóa 1964 - 1965. Ban đầu, trường chỉ có các lớp Trung học Đệ Nhất cấp và được phát triển thành Đệ Nhị cấp. Niên khóa 1972 - 1973, trường sở phát triển tới 18 phòng học, với số sĩ số là 2.559 người, trong đó có 1.892 nữ sinh Đệ Nhất cấp và 667 nữ sinh Đệ Nhị cấp [5]. Cũng trong niên khóa này, trường mở lớp 10 ban C [6], nên không còn chuyển học sinh ban này vào học trường Cường Để nữa.

Nữ Trung Học Qui Nhơn là trường Công lập Đệ Nhị cấp có lớp 12 và trải qua ba vị Hiệu trưởng: đầu tiên Trần Thị Gia, rồi đến Vương Thúy Nga, sau là Lê Thị Cúc với thành phần Ban Giám đốc gồm: Giám học Tôn Nữ Thanh Tùng, Phụ tá Giám học Nguyễn Túc, Tổng Giám thị Nguyễn Thị Cam Vũ, Phụ tá Tổng Giám thị (không rõ). Đây là trường Nữ Trung Học Đồng Khánh (Huế) của Bình Định. Tính đến năm 1975, trường này lớn hàng thứ ba trong tỉnh, sau Trung Học Cường Để Qui Nhơn (65 lớp) và Trung Học Đào Duy Từ An Nhơn, Bình Định (56 lớp).

(Cuongde.org, Qui Nhơn Những Ngôi Trường Ngày Cũ, đăng ngày 12- 8- 2010)

Và dưới đây là đoạn đã đăng trong Đặc San Liên Trường Qui Nhơn, phát hành tại Westminster (CA), năm 2011.

image016 NTHQN

Năm nay (2016), khi viết đề tài chuyên về Trường Nữ Trung Học Qui Nhơn, cần có thêm nhiều chi tiết về trường này, mới có thể thành một bài riêng biệt. Chúng tôi vào trang mạng nthqn.org để tìm thêm tài liệu, tình cờ gặp bài “Giới thiệu Lược sử trường THPT (Trung Học Phổ Thông) Trưng Vương Qui Nhơn” ký tên “Thầy Đào Phú Hùng.

Trong bài ấy có đoạn (chúng tôi gạch dưới hàng để dễ chú ý):

“Trường Tư Thục Tân Bình, nằm trên đường Nguyễn Huệ, mặt tiền nhìn ra biển. Cuối năm 1963, trường này trở thành công lập, đổi tên là Nữ Trung Học Qui Nhơn, hợp thức hóa bằng Nghị định số 2214-GD/PC/NĐ ký ngày 4 tháng 12 năm 1964 của Bộ Quốc Gia Giáo Dục, và khai giảng niên khóa 1964- 1965. Ban đầu, trường chỉ có các lớp Trung học Đệ Nhất cấp và được phát triển thành Đệ Nhị cấp. Niên khóa 1972- 1973, trường sở phát triển tới 18 phòng học, với số sĩ số là 2.559 người, trong đó có 1.892 nữ sinh Đệ Nhất cấp và 667 nữ sinh Đệ Nhị cấp [26]. Cũng trong niên khóa này, trường mở lớp 10 ban C [27], nên không còn chuyển học sinh ban này vào học trường Cường Để nữa.

Nữ Trung Học Qui Nhơn là trường Công lập Đệ Nhị cấp có lớp 12 và trải qua ba đời Hiệu trưởng: Đầu tiên Trần Thị Gia (1964- 1968); rồi đến Vương Thúy Nga (1968- 1971); sau cùng là Lê Thị Cúc (1971- 1975), với thành phần Ban Giám đốc gồm Giám học Tôn Nữ Thanh Tùng, Phụ tá Giám học Nguyễn Túc, Tổng Giám thị Nguyễn Thị Cam Vũ, Phụ tá Tổng Giám thị (không rõ). Năm 1974, trường Nữ Trung Học Qui Nhơn đồi tên thành trường Nữ Trung Học Ngô Chi Lan. Đây là trường Nữ Trung Học Đồng Khánh (Huế) của Bình Định. Tính đến đầu năm 1975, trường này lớn hàng thứ ba trong tỉnh, sau Trung Học Cường Để Qui Nhơn (65 lớp) và Trung Học Đào Duy Từ An Nhơn, Bình Định (56 lớp).

Người viết
Thầy Đào Phú Hùng
August 19, 2012 at 12:58am · Public”

Điều đáng nói ở đây là đoạn văn trên thầy Đào Phú Hùng đã chép y nguyên văn (không sót một dấu phết) hai đoạn rất dài trong bài viết của tôi (27 hàng, trong Đặc San Liên Trường Qui Nhơn, 2011), mà không hề nằm trong ngoặc kép và không ghi chú xuất xứ đoạn văn được trích. Nguyên tắc về đạo đức viết văn, nếu ta sao chép một đoạn văn của người khác để làm luận cứ cho bài viết của mình, thì đoạn văn được trích phải nằm trong ngoặc kép và ghi rõ xuất xứ (tên tác giả, tác phẩm, hồ sơ xuất bản, số trang có đoạn trích). Nếu chỉ lấy ý, hay lấy số liệu để làm chứng cứ cho lập luận trong bài viết của ta được vững chắc, thì cũng phải ghi rõ xuất xứ của tài liệu đã tham khảo. Vì vậy, sự “cầm nhầm” như thế, thật đáng tiếc! (Muốn xem đầy đủ bài ấy để kiểm chứng, xin vào Google Search gõ hàng chữ “Giới thiệu Lược sử trường THPT Trưng Vương Qui Nhơn”).

[4] Bài phỏng vấn cô Trần Thị Gia đăng trong Đặc San Cường Để năm 1965, đã được trích đăng trong Đặc San CĐ & NTH năm 2014, nơi trang 64 và 65, có đoạn viết: “Cô lo ghê lắm, lo còn hơn Thầy Hiệu Trưởng trên ấy nữa (tức Trường Cường Để), bởi vì Trường cô (Nữ Trung Học Qui Nhơn) mới thành lập (1964 - 1965), thiếu giám thị, thiếu lao công, cô lại sợ trường mới, học sinh Đệ tứ (thi lấy bằng Trung học Đệ Nhất cấp) rớt nhiều thì thật là buồn...

[5] Ngọc Lan; Cô Hiệu Trưởng Trường Tôi; Đặc San Cường Để - Nữ Trung Học Qui Nhơn (Houston, TX) năm 2014; trang 24, đã chép: “Năm 1967 (nk. 1967 - 1968) trường Nữ Trung Học Qui Nhơn mở thêm một lớp Đệ Thất Bốn. Chúng tôi được may mắn ‘đậu vớt’ vào lớp này...”

[6] Cô Vương Thúy Nga, email phúc đáp ngày 9- 3- 2016, có đoạn chép: “67 - 68: => Đệ Nhị cấp chỉ có 4 lớp: 2 Đệ tam và 2 Đệ nhị (A và B).

[7] Từ hai bản văn liệu của cựu học sinh Ngọc Lan và cô Vương Thúy Nga, chúng tôi có thể suy đoán số lớp của Trường Nữ Trung Học Qui Nhơn, niên khóa 1967 - 1968, có 15 lớp, gồm: 4 Thất, 3 Lục, 2 Ngũ, 2 Tứ, 2 Tam, 2 Nhị.

Bởi lẽ, niên khóa 1967 - 1968 “mở thêm một lớp Đệ Thất Bốn. Chúng tôi được mắn ‘đậu vớt’ vào lớp này” (theo Ngọc Lan), suy ra nếu “mở thêm 1 lớp Đệ thất 4,” tức niên khóa trước, chỉ có 3 lớp Thất, vậy niên khóa này 3 lớp ấy lên lớp thành 3 lớp Lục. Và niên khóa này có “2 Đệ tam và 2 Đệ nhị” (theo cô Vương Thúy Nga), cũng suy ra 2 Tam của niên khóa này kết quả sự lên lớp của 2 Tứ niên khóa trước.

[8, 10] Cô Vương Thúy Nga, email phúc đáp ngày 29 và 30- 4- 2016.

[9] Theo Trần Đình Thái, sđd trang 54: Trung Tâm Văn Hóa do Sư Đoàn Mãnh Hổ Đại Hàn xây cất, khi hoàn thành đã chuyển giao cho Chính quyền tỉnh Bình Định vào ngày 4- 10- 1969. Vậy đêm trình diễn văn nghệ của trường NTH/QN tại TTVH, nhân ngày Triển lãm Khoa Học năm 1969, phải sau ngày chuyển giao, nghĩa là nằm trong các tháng cuối năm 1969, từ tháng 10 đến 12.

[11] Nhóm Thực Hiện Đặc San; Nữ Trung Học Qui Nhơn Và Những Tên Tuổi Không Thể Quên; Đặc San Cường Để - Nữ Trung Học Qui Nhơn (Houston, TX) năm 2014; trang 71.

[12] Tạ Hạnh Đức; Một Phút Lắng Lòng (đầu đề do BBT Đặc San đặt); Đặc San Cường Để & Nữ Trung Học Qui Nhơn 2014 (Houston, TX); trang 50 - 55. Bà Đức là chị chồng của cô Yến, trong bài, nơi trang 51, đã viết là “Đặng Thị Bạch Yến.” Có lẽ bà ấy quen với tên thường gọi trong gia đình, nhưng hai vị cựu Hiệu trưởng trường Nữ Trung Học Qui Nhơn (cô Vương Thúy Nga và cô Lê Thị Cúc) đều xác nhận là tên của cô Đặng Thị Yến không có chữ “Bạch” trong các giấy tờ hành chánh của trường này.

[13] Cô Vương Thúy Nga xác nhận, trong lần phỏng vấn ngày 7- 3- 2016.

[14] Tạ Hạnh Đức; Một Phút Lắng Lòng; trang 50 - 55.

[15] Ngô Chi Lan (吳 芝 蘭) sinh vào khoảng thập niên 30 của thế kỷ XV, tự là Quỳnh Hương (瓊 香), người làng Phù Lỗ (扶 鲁), tên nôm là làng Sọ, tổng Phù Lỗ (扶 鲁), huyện Kim Hoa (金 華), sau đổi là Kim Anh (金 英), phủ Bắc Hà (北 河), xứ Kinh Bắc (京 北); nay thuộc huyện Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội. Bà còn có tên là Nguyễn Hạ Huệ, vì là con nuôi của Nguyễn Trãi nên lấy họ Nguyễn.

Bà gọi Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao (吳 氏 玉 瑤) bằng cô, chị em họ với vua Lê Thánh Tông, và là một nữ sĩ nổi tiếng. Có thể xem Ngô Chi Lan là nhà thơ nữ đầu tiên với những đóng góp quan trọng trong Lịch sử Văn học Việt Nam. Được vua Lê Thánh Tông ban hiệu là Kim Hoa Nữ Học Sĩ (vì nguyên quán của bà ở huyện Kim Hoa), cũng gọi là Phù Gia Nữ Học Sĩ, vì chồng bà là Đông các Đại học sĩ Phù Thúc Hoành (符 叔 宏).

Sinh thời, bà có Mai Trang Tập 梅 莊 集 (Tập thơ vườn mai), lưu hành dưới thời Lê Thánh Tông (1460 - 1497), rất tiếc đã thất truyền. Hiện nay, chỉ còn 7 bài, in rải rác trong các sách: Kiến Văn Tiểu Lục (của Lê Quý Đôn, 1777), Lĩnh Nam Chích Quái (nguyên của Trần Thế Pháp thời Trần, Vũ Quỳnh và Kiều Phú ở thế kỷ XV biên soạn lại), Trích Diễm Thi Tập (của Hoàng Đức Lương, thế kỷ XV), Truyền Kỳ Mạn Lục (của Nguyễn Dữ, thế kỷ XVI).

[16] Về giáo sư dạy môn, phần lớn do thầy Trương Hữu Kha cung cấp trong lần phỏng vấn ngày 1- 4- 2016.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1/ PHỎNG VẤN & EMAIL

- Ngày 7- 3- 2016, phỏng vấn cô Vương Thúy Nga, hiện ở Houston (TX), cựu Hiệu trưởng Nữ Trung Học Qui Nhơn từ 1968 - 1970.

- Ngày 9- 3- 2016, cô Vương Thúy Nga phúc đáp qua Email lần thứ 1, bổ túc những chi tiết về trường Nữ Trung Học Qui Nhơn từ 1968 - 1970.

- Ngày 13 và 27- 4- 2016, ông Trần Nhơn Mai, phúc đáp Email về sơ đồ cấu trúc trường sở và thành phần nhân viên văn phòng.

- Ngày 22- 3- và ngày 1- 4- 2016, phỏng vấn cô Lê Thị Cúc, hiện ở Boston (MA), cựu Hiệu trưởng Nữ Trung Học Qui Nhơn từ 1970 - 1975.

- Ngày 31- 3- và ngày 2- 4- 2016, phỏng vấn ông Trần Nhơn Mai, hiện ở Austin (TX), nhân viên kế toán trường Nữ Trung Học Qui Nhơn.

- Ngày 31- 3- 2016, phỏng vấn cô Trương Thị Tạo, cựu Phụ tá Tổng Giám thị (1974 - 1975); và thầy Trương Hữu Kha, cựu giáo sư dạy lớp 12, cả hai vị hiện ở Irvine (CA).

- Ngày 1- 4- 2016, phỏng vấn thầy Trương Hữu Kha, lần 2.

- Ngày 14 và 21- 4- 2016, cô Vương Thúy Nga phúc đáp qua Email lần thứ 2, về sơ đồ cấu trúc trường sở và cổng trường.

- Ngày 15 và 21- 4- 2016, cô Lê Thị Cúc phúc đáp qua Email lần thứ 1 & 2, về sơ đồ cấu trúc trường sở và cổng trường.

- Ngày 22 và 23- 4- 2016, phỏng vấn thầy Lê Văn Ba, hiện ở Westminster (CA), cựu Chủ tịch Tỉnh Thị Hội Giáo Giới Bình Định - Qui Nhơn.

- Ngày 25- 4- 2016, thầy Trương Hữu Kha, từ VN phúc đáp qua email về về sơ đồ cấu trúc trường sở và cột cờ.

- Ngày 25- 4- 2016, cô Vương Thúy Nga và cô Lê Thị Cúc phúc đáp qua email lần thứ 3.

- Ngày 28, 29 và 30- 4- 2016 cô Vương Thúy Nga phúc đáp qua email lần thứ 4 và 5.

- Ngày 29- 4- 2016, phỏng vấn Đặng Phú Phong, cựu học sinh Trung Học Tư Thục Tân Bình, Qui Nhơn.

2/ Bản đồ Đường phố Qui Nhơn, in tại xí nghiệp Bình Định, năm 1998.

3/ DƯƠNG THỊ THE - PHẠM THỊ THOA dịch và biên soạn; Tên Làng Xã Việt Nam; Hà Nội, nxb Khoa Học Xã Hội, 1981.

4/ ĐỖ ĐỨC HIỂU chủ biên; Từ Điển Văn Học, Bộ mới; không đề nơi, nxb Thế Giới, 2004.

5/ NHIỀU TÁC GIẢ; Đặc San Cường Để Qui Nhơn 1998; Houston (TX), cựu học sinh CĐ & NTH QN thực hiện, 1998.

6/ NHIỀU TÁC GIẢ; Đặc San Cường Để - Nữ Trung Học Qui Nhơn 2014; Houston (TX), cựu học sinh CĐ & NTH QN thực hiện, 2014.

7/ TRANG MẠNG: cuongde.org và nthqn.org

8/ TRẦN ĐÌNH THÁI; Ai Có Về Qui Nhơn; Sài Gòn, Tủ sách đẹp Quê Hương xuất bản, 1973.

9/ TRỊNH VĂN THANH; Thành Ngữ Điển Tích Danh Nhân Từ Điển, Quyển II; Glendale (CA), Đại Nam tái bản, không đề năm.
Thêm bình luận


Đăng Nhập / Đăng Xuất