Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • CD4 1200
  • NhaGiuXe1200
  • DaiThinhDuong1200
  • hinhCu 1200

Chỉ mục bài viết

LTS. Bài này đã đăng trên Đặc San CĐ-NTH 2007. Xin cám ơn anh Đình cho phép đăng lại ở đây.

Ngả tư Phan Thanh Giản - Cao Thắng còn vắng người, sương mai còn đang rơi. Đường phố chưa sặc sụa vì khói đen của những chiếc xe hàng, xe xích lô máy và của những chiếc xe lam thường ì ạch ráng hết sức mình quay những bánh xe quá cỡ, có khi cả bánh máy bay, để chuyên chở những gánh gồng, đưa đón những người lam lũ tìm cơm gạo. Khách hàng đầu tiên của quán cóc mở cữa sớm bên lề, chỉ có tôi và anh xích lô đạp. Tôi hy vọng anh xích lô vừa có được một giấc ngủ ngon để còn đủ sức đương đầu với một ngày dài vất vả. Không như tôi đêm qua, không chỗ ngủ, tránh Công An, tôi đã phải len lỏi vào đám đông tại bến xe miền Trung, giả dạng những người mua vé xe đò, sắp hàng trước phòng bán vé để chờ sáng. Giờ này, nơi quán Dì Tư, tôi nhờ vào tách café nóng, điếu thuốc đen để chống chọi với một ngày mới sau đêm dài mất ngủ. Tôi đang chuẩn bị cho ngày làm việc thứ nhì của “nghề” ít vốn nhiều lời, một việc làm thường chỉ dành cho những em bé lứa tuổi lên mười. Tôi ngồi chờ nắng lên, oi bức đến mà đầu óc cứ chập chờn hình ảnh của những ngày qua.


Sáng hôm đó, không như sáng hôm nay, mặt trời đã lên cao, không một giọt sương mai, cũng chẳng có một luồng gió lạnh. Giữa chốn chợ Lê Lợi–Công Lý đông người, gặp được đồng hương, tôi hớn hở hỏi: “Chị Khánh Hưng mua sách?”. Người chủ tiệm sách Khánh Hưng Qui Nhơn trước đây, ngẩn lên nhìn tôi không trả lời, lại hỏi: “Em bán sách ở đây?”. Đúng vậy, Tâm và tôi làm chủ một “tiệm sách”. “Tiệm sách” của chúng tôi “tọa lạc” trên vỉa hè Công Lý, gần đường Lê Lợi, rộng rãi đến nỗi không thấy được vách tường phía trước, bề ngang mênh mông như chiều dài của đường Công Lý, chỉ có phía sau là dính tường, gần cữa ra vào, của một quán café lúc nào cũng vang lên những khúc hòa tấu không lời của những bản nhạc nằm lòng. Dù những nốt nhạc không lời nhưng được hòa lẫn với lời ca đã thấm sâu từ trong tâm thảm tôi nên khúc hòa tấu nào cũng gần như nguyên tròn lời và nhạc. Lòng bồi hồi mỗi khi nghe bài Hạ Trắng, tiếng nhạc nhẹ nhàng và tiếng kèn lơ lửng như du dương đưa tôi đến một lối xưa em về trời không có mây, gợi nhớ đến một vai em gầy đường xa áo bay để rồi bây giờ đã phải mờ xa nẻo mây. Tiếng nhạc không lời đã làm tâm tư tôi dạt dào thế đấy, nếu được đi kèm với tiếng hát Lệ Thu hoặc Khánh Ly, không biết lòng tôi đã phải rộn ràng, xao xuyến đến cỡ nào. Có lẽ vì lý do “không lý” này mà tất cả những bản “nhạc vàng” đều bị cấm truyền lời.

Tiếng nhạc của bài Hạ Trắng làm tôi nghĩ đến một hoàng hôn trước tháng Tư 1975, tôi gọi là “Hạ trắng Hoàng hôn”. Một buổi cuối chiều. Miền Trung, Cao Nguyên đang chìm trong khói lửa. Sài Gòn, rạp Rex đang tổ chức Đại Nhạc Hội, chiếu phim Exorcist để gây quỹ cứu trợ cho đồng bào vùng Cao Nguyên. Đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối, xuất phim Exorcist được chiếu tại Việt Nam. Tôi và Hùng đang cố mua vé vào cữa để được coi phim Quỷ Ám này. Vé vào cữa với giá chính thức đã bán hết từ lâu, chỉ còn vé chợ đen được rao bán trước rạp hát với giá cao hơn gấp đôi ba lần. Giá vé chợ đen quá cao nên tôi thấy đa số những người mua là người ngoại quốc. Hùng và tôi thất vọng, chuẩn bị về nhà. Có vài người ra vô rạp hát, cửa mở, làm tiếng hát Lệ Thu với bài Hạ Trắng vọng ra ngoài, vọt vào tai chúng tôi. Tiếng hát Lệ Thu lôi cuốn, thật không sai, vì tiếng hát này mà Hùng đã phải mua hai vé chợ đen. Tôi và Hùng hấp tấp vào rạp, không được ngồi cạnh nhau, thưởng thức đoạn chót của bài Hạ Trắng và phần cuối của buổi văn nghệ trước khi rạp hát tắt đèn để chiếu phim Quỷ Ám.

Một hoàng hôn Sài Gòn trong thời chiến tranh, nhưng sao cứ vẫn có nên thơ, có vui vẻ trong cuối đời sinh viên của tôi. Có thể vì ngày mới lớn tai đã nghe quen đạn mìn và đã phải chứng kiến cảnh “địch chết vài trăm, ta hy sinh vài chục” xảy ra như cơm bữa, nên chúng tôi cảm thấy tang thương là chuyện của thường nhật. Giống như tôi bây giờ, vì “hai ngày nửa bữa” là chuyện bình thường nên chắc chắn tôi sẽ có được “nên thơ”, có được “vui vẻ” khi chỉ cần được ăn no “một bữa mỗi ngày”. Cuối đời sinh viên, có nghĩa là sắp rời xa trường Đại Học, nhưng không có nghĩa là tôi đang chuẩn bị tốt nghiệp ra trường. Không thể thực hiện theo lời khuyên của Chu Phạm Ngọc Sơn, đúng hơn, lời kêu gọi của ông đã không thích thời hợp cảnh với tôi, nên tôi đã bỏ học sau thời gian, cảm tưởng như dài thật dài, bò lê bò càng một môn chính trị tại rạp hát Hảo Huê, đường Nguyễn Hoàng, Chợ Lớn.

Tôi rời Khoa Học, nơi tôi đã dùi mài toán-lý-hóa trong hai năm. Dù Khoa Học không nhiều bướm ong bay lượn như trường Luật, cũng chẳng lắm bông hoa khoe sắc như Văn Khoa, Khoa Học vẫn là một chặng dấu yêu, nhiều kỷ niệm của đời tôi. Tôi thường đứng từ lầu ba của dãy học mới, gần Giảng Đường 1, không cao lắm nhưng đủ cho tôi thấy không chỉ một con đường Duy Tân mà cả một Sài Gòn đầy cây xanh và đương nhiên có nhiều bóng mát. Một “khu rừng” Sài Gòn ngút ngàn, bát ngát. Tôi nhớ những giờ quang của thầy Lê Chung Tú, giờ toán của Cù An Hưng, giờ hóa vô cơ của Chu Phạm Ngọc Sơn-Trịnh Toàn, giờ hóa hữu cơ của Phạm Hoàng Hộ…

Sau khi qua được Dự Bị MPC, đa số bạn bè tôi đã từ giã Khoa Học để vào trường chuyên nghiệp, chỉ còn tôi buồn bã tiếp tục chương trình cử nhân giáo khoa. Năm thứ nhì tôi bơ vơ, tuy có thêm được nhiều bạn mới nhưng chỉ để cùng làm thực tập, cùng trao đổi bài vở để cùng hy vọng thi đậu, khỏi phải nhập ngũ tòng quân như Tam, trở thành “Chỉ Huy Trưởng” đèo An Khê; Tâm, lên ngôi Bình Tuy “Chúa Đảo”; Thọ, lái chim sắt để vượt cao vút cao; hoặc như Lê Kỳ Sơn, Dương Phước Đễ bị hồn xác chia lìa nơi chiến địa trong bộ quân phục màu xanh nước biển. Chúng tôi chưa muốn thi vào Võ Bị Đà Lạt, cũng chưa muốn bị lùa vào quân trường Thủ Đức nên đã phải học ngày học đêm. Không còn vui vẻ như năm Dự Bị, mỗi khi cữa giảng đường vừa hé mở, Huyến chen chân vào giảng đường làm động tác “chia bài xập xám” mà những con bài “xì, già, đầm, ...” là những cuốn vở, quăng lên mặt bàn để giành chỗ ngồi cho bạn bè, rồi trở lại nhập bọn cùng chúng tôi, cạn ly café đang uống dở nơi quán cóc bên đường trước khi những giờ lý thuyết bắt đầu.

 

Thêm bình luận


Đăng Nhập / Đăng Xuất