Son-nam

Về bán đảo Cà Mau thăm Miệt Thứ - quê "ông già Nam bộ" Sơn Nam và nhà thơ Kiên Giang.
Làng Đông Thái thuộc Miệt Thứ là quê của nhà văn Sơn Nam và cũng là quê của nhà thơ Kiên Giang - tác giả bài thơ "Hoa trắng thôi cài trên áo tím" nổi tiếng.
1-Nhà văn Sơn Nam
Ông tên thật là Phạm Minh Tài sinh ngày 11 tháng 12 năm 1926, tại xã Đông Thái, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang; ông học trung học ở Cần Thơ.

* Năm 1945, ông tham gia kháng chiến giành lấy chính quyền ở địa phương, sau đó công tác ở Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ. Bút danh Sơn Nam ra đời trong thời gian này để tưởng nhớ người phụ nữ Khmer đã cho ông bú mớm thời thơ ấu (Sơn là một họ lớn của người Khmer, Nam nhằm để nhắc nhớ mình là người phương Nam); sau Hiệp định Genève 1954, ông về lại Rạch Giá.

* Năm 1955, ông lên Sài Gòn cộng tác với các báo: Nhân loại, Công Lý, Ánh sáng, Tiếng chuông, Lẽ sống...

* Năm 1960-1961 ông bị bắt giam ở nhà tù Phú Lợi, Bình Dương do viết nhiều bài chống lại chế độ kiểm soát gắt gao báo chí của chính quyền; ra tù, ông tiếp tục làm báo, viết văn và khảo cứu về Nam Bộ.
nha-luu-niem
* Sau 1975, ông tiếp tục hoạt động trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ, ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Nhà văn Sơn Nam đã đi nhiều nơi, viết nhiều tác phẩm đặc sắc về miền Nam, được nhiều người yêu mến gọi là "ông già đi bộ’, "ông già Nam Bộ", "nhà Nam Bộ học" .....
Tuy là nhà "pho từ điển sống về Nam Bộ", là nhà "Nam Bộ học" xuất sắc nhưng ông không được mời tham gia Ban biên soạn bộ "Từ điển bách khoa Việt Nam" mà trong bộ từ điển này có rất nhiều phần nói đến các địa danh Nam Bộ..... ; là nhà văn, nhà khảo cứu nhưng Sơn Nam cũng có làm thơ, dưới đây là cảm xúc của "ông già đi bộ" về những người xa quê :
Thân không là lính thú
Sao chưa về cố hương?
Chiều chiều nghe vượn hú
Hoa lá rụng buồn buồn
Tiễn đưa về cửa biển
Những giọt nước lìa nguồn
Đôi tâm hồn cô tịch
Nghe lắng sầu cô thôn

Ông đi đây đó rất nhiều; lọ mọ đến các vùng xa để thu thập tư liệu viết lách; với tính cách "Nam bộ" trong người; ông sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm những chuyến đi của mình cho người khác một cách vô điều kiện. Và với tính chất nghệ sĩ, ông cũng đã "kết" với khá nhiều "người tình"; khi được hỏi chính xác là có bao nhiêu đời vợ; ông tủm tỉm trả lời :

Đi đâu thấy vịt cũng lùa

Thấy duyên cũng kết, thấy chùa cũng tu....

* Năm 2008 ông mất tại thành phố Hồ chí Minh (thọ 82 tuổi) và được an táng tại Hoa viên nghĩa trang Bình Dương. Nay gần ngã ba Trung Lương (Mỹ Tho) con gái ông đã xây dựng khu lưu niệm Sơn Nam bên sông Bảo Định, trong khuôn viên có phục dựng không gian ông sống thuở nhỏ ở Miệt Thứ. Đây là nơi rất đáng ghé thăm, có đủ các biểu tượng sông nước, sinh hoạt Miệt Thứ quê ông như ao bông súng, dừa nước, cau, tre, gừa, bần, ghe gỗ, lưới cá, hòn Phụ Tử và đặc biệt có cả cây khế gầy guộc giống như thân phận, cuộc đời nổi tiếng nhưng nghèo khó của Sơn Nam.Khu tưởng niệm nằm bên phải đường mới từ cây xăng ngã 3 QL 1A (gần Trung Lương) đi Gò Công.
kien-giang
2-Nhà thơ Kiên Giang

Kiên Giang (bút danh khác : Hà Huy Hà, tên thật : Trương khương Trinh) sinh năm 1929 tại xã Đông Thái, huyện An Biên (Thứ Ba) - cùng quê nhà văn Sơn Nam. Ông là một nhà thơ, ký giả, soạn giả cải lương Việt Nam, nổi tiếng với bài thơ "Hoa trắng thôi cài trên áo tím". Ông còn được xem là thầy của hai soạn giả nổi tiếng khác là Hà Triều - Hoa Phượng, là người giúp nghệ sĩ Thanh Nga đoạt giải Thanh Tâm qua tác phẩm cải lương "Người vợ không bao giờ cưới".

* Năm 1943 ông lên Sài Gòn học trung học và năm 1944 về Cần Thơ học trường tư Nam Hưng; tại đây ông được thầy giao làm tờ bích báo (báo tường) lấy tên là “Ngày xanh”. Ông lo biên tập bài vở, trình bày, vẽ và trang trí; cô bạn học Nguyễn Thị Nhiều có nét chữ đẹp, giúp nắn nót lo chép bài vở. Tình cảm nảy nở và Kiên Giang - tuy không có đạo - nhưng khi tan trường thường lẽo đẽo theo N về đến tận nhà ở xóm nhà thờ Chánh Tòa (Cầu Xéo, Cần Thơ) hoặc mỗi sáng chủ nhật đứng trước cổng nhà thờ "rình" để "tháp tùng" cô bạn học về nhà ... Ngoài những cái liếc mắt và những nụ cười thẹn thùng, e ấp thì hai người chẳng còn thứ gì để “trao đổi” cả; tuy thế, cả hai đều cảm nhận được những tình cảm sâu kín mà họ dành cho nhau...

* Rồi cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra, kéo dài suốt 9 năm (1945 -1954), việc học hành bị gián đoạn, trường lớp tan tác, bạn học ly tán... Kiên Giang và một số bạn bè thân thiết (Nguyễn Bính, Sơn Nam... ) vào Khu 8, tham gia kháng chiến.

* Năm 1955 ông có dịp gặp lại N lần cuối trước khi cô ấy lấy chồng; đứa con đầu lòng của N lấy tên ghép của ông và N.
Nhà thơ tâm sự : "Điều xót xa là trong những tháng ngày loạn lạc đó, Nhiều vẫn âm thầm chờ đợi tôi. Năm 1955, nàng quyết gặp mặt tôi một lần rồi mới lấy chồng. Tình cảm ấy cứ ám ảnh tôi khôn nguôi. Tôi đưa tâm sự của hai đứa vào bài thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím, làm tại Bến Tre năm 1957".

* Trước 1975, Kiên Giang có cộng tác cho nhiều tờ báo lớn của Sài Gòn như Tiếng chuông, Tiếng dội, Lập trường, Điện tín, Tia sáng,... Ông từng tham gia và dẫn đầu đoàn biểu tình chống lại những quy chế khắt khe do chính quyền áp đặt lên giới báo chí và phải vào tù.

* Sau 1975, Kiên Giang làm Phó Đoàn cải lương Thanh Nga, kiêm cán bộ Phòng nghệ thuật sân khấu. Ông từng làm Ủy viên Ban chấp hành Hội Sân khấu thành phố Hồ Chí Minh qua ba nhiệm kì.

* Năm 1977, Kiên Giang có dịp gặp cô bạn cũ, lúc ấy hai mái đầu đã bạc... cả hai cố tránh không nhắc nhớ về cái thời cùng học dưới mái trường xưa nhưng tự trong sâu thẳm tâm hồn cả hai vẫn trân trọng “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy...”.

* Cuối đông 1998 (đầu năm 1999) ông tìm đến nhà “cố nhân” lần nữa thì thấy ngôi nhà năm xưa nay vắng lặng, tuy hoa cỏ năm nào vẫn thế, vẫn vui đùa trong gió đông nhưng người xưa đã không còn; bà Nhiều đã qua đời vài tháng trước đó (năm 1998); thật thấm thía ý thơ của Thôi Hộ :

Trước sau nào thấy bóng người
Hoa đào năm trước còn cười gió đông
(Nhân diện bất tri hà xứ khứ / Đào hoa y cựu tiếu đông phong - Thôi Hộ : Đề tích sở kiến xứ)

* Năm 2014, nhà thơ Kiên Giang qua đời tại thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 86 tuổi. Ông được an táng tại Nghĩa trang Bình Dương, cùng nơi an nghỉ của nhà văn Sơn Nam.
Nếu sự ra đi của bà Lê Đỗ thị Ninh đã khiến nhà thơ Hữu Loan sáng tác bài thơ "Màu tím hoa sim" nổi tiếng thì nhà thơ Kiên Giang cũng có bài "Hoa trắng thôi cài trên áo tím" đầy cảm xúc sau khi mối tình thơ ngây thuở "Em tan trường về, anh theo N về" của ông với bà Nhiều không đi đến đoạn kết ước mơ....

Miệt Thứ vinh hạnh là quê hương của nhà văn Sơn Nam, nhà thơ Kiên Giang và trớ trêu thay cả hai cùng học ở Cần Thơ, cùng đi kháng chiến, bị tù đày, cùng hoạt động và mất ở Tp.Hồ chí Minh; cùng mê chủ nghĩa "xê dịch", đặc biệt là cùng an nghỉ vĩnh hằng tại Bình Dương.

Xe tang đã khuất nẻo đời
Chuông nhà thờ khóc đưa người ngàn thu
Từ đây tóc rũ khăn sô
Em cài hoa trắng lên mồ người xưa.
tham-ban
3-Miệt Thứ
Miệt Thứ thuộc bán đảo Cà Mau, bắt đầu từ kinh Xẻo Rô, xã Hưng Yên, huyện An Biên qua cầu Thứ Nhất lần lượt đến Thứ Mười Một (thuộc huyện An Minh, Kiên Giang); giáp huyện Thới Bình tỉnh Cà Mau.

Kinh Xẻo Rô từ sông Cái Lớn chạy thẳng suốt chiều dài Miệt Thứ và nối với kinh Cán Gáo tại huyện An Minh. Từ con kinh này người ta đào các con kinh thẳng góc đổ ra biển (vịnh Thái Lan); các thị tứ trên kinh được đánh số thứ tự từ nhỏ đến lớn như cầu Thứ Nhất, chợ Thứ Hai, thị trấn Thứ Ba, nhà thờ Thứ Chín, chợ Thứ Chín Rưỡi, phà Thứ Mười Rưỡi, thị trấn Thứ Mười Một ....
nha-tho
Thị trấn Thứ Ba là huyện lỵ huyện An Biên, có xã Đông Thái là quê của nhà văn Sơn Nam và nhà thơ Kiên Giang. Tại đây có đường đi Cà Mau theo QL 63 hay còn gọi là đường Hành lang ven biển nối thành phố Rạch Giá, thị xã Hà Tiên.

Nguyễn Trí Dũng