Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • CD4 1200
  • NhaGiuXe1200
  • DaiThinhDuong1200
  • hinhCu 1200

Bác tôi nằm đó chỉ còn da bọc xương thiêm thiếp ở trên giường, nhịp thở vẫn đều đặn nhưng yếu ớt, đôi mắt khép nhẹ và bà dường như mơ hồ không còn biết gì nữa từ thế giới chung quanh... Tiếng kinh niệm phật văng vẳng đều đều từ chiếc cassette để ở bên cạnh giường, tôi ngồi xuống giường bên cạnh bác chạnh lòng lấy bàn tay mình xoa nhè nhẹ lên lưng bàn tay gầy guộc đó và thầm thì đôi câu với bác...

***
Thời tôi còn đi học tiểu học gia đình tôi và gia đình bác ở gần bên nhau, hằng ngày ngoài giờ học chiều chiều tôi vẫn hay đi qua nhà bác tôi, chơi đủ mọi thứ trò chơi con nít có ở trên đời với mấy ông anh con bác cùng lứa tuổi như là lật hình, bắn bi, tán lon hay đánh nhau lấy tay làm kiếm... Và khi đám con nít chúng tôi chấm dứt cuộc chơi với mồ hôi mồ kê nhễ nhại đầy người thì cái bụng cũng đã cồn cào mặc dù là giờ cơm chưa tới. Tôi nhớ rất rõ khi thì cái bánh thuẩn nhà làm khi thì cái kẹo ú mua ở chợ bác đã phân phát cho bọn con nít chúng tôi ăn, lúc thì trái sapoche hay trái ổi ở trong sân vườn nhà, gặp bữa ở nhà còn chút cơm nguội của bữa ăn trước thì hôm đó chúng tôi lại được bác cho ăn món cơm chiên với tỏi và nước mắm... Cho đến tận bây giờ tôi vẫn còn thèm thuồng chén cơm chiên bác cho ăn ngày đó, thỉnh thoảng giờ đây mỗi khi nhà còn chút cơm nguội mà làm biếng nấu ăn tôi cũng làm lại món cơm chiên tỏi ngày cũ của bác nhưng sao lạ cái hương vị ngày cũ đã không bao giờ trở lại lấy một lần...

Tôi không biết ngày còn trẻ bác tôi có đẹp không, chỉ biết từ lúc tôi lớn lên biết nhận xét đẹp xấu thì bác tôi tóc đã bạc trắng, dáng dong dỏng (và cho tới lúc lớn tuổi cũng vậy) mặc dù đã có 8 anh chị tôi. Bác tôi là một người đàn bà Việt Nam đảm đang, rất giỏi chuyện nữ công gia chánh, bác ở nhà lo chuyện bếp núc, chăm chút cho chồng con những bữa cơm ngon... Nhà bác tôi tuy đông con nhưng lúc nào nhà cửa cũng gọn gàng ngăn nắp, ở trong bếp tôi thấy mấy chị lớn cũng thường hay phụ bác. Tôi còn nhớ hồi đó những lúc rảnh rỗi bác tôi còn cắt vải may đồ mặc ở nhà cho các anh chị hay may mấy cái áo gối rồi thêu hình con công con phụng và tôi cũng không thể nào quên được hình ảnh bác gái tôi với cây đàn mandolin trong tay dạo bài Bến Xuân của Văn Cao (bác đã học lóm tay nghề của bác trai tôi) và khúc nhạc này ngay từ dạo đó đã len lỏi vào tâm hồn tôi. Ngày đó mỗi dịp giỗ ông nội tôi là bà con anh em con cháu tụ tập đông đủ ở nhà bác và nấu ăn làm bánh trái cho bữa giỗ này một tay bác đều lo. Và chính nơi đây cũng là một địa điểm dừng chân của bà con từ trẻ già lớn bé ở trong quê ra. Mấy tuần trước Tết thì bác tôi mua ruột heo về làm sạch phơi khô để làm lạp xưởng, món khoái khẩu của tôi. Bây giờ thì tôi không còn ăn lạp xưởng nữa vì mỗi khi ăn tôi lại đem lòng so sánh với những cái lạp xưởng mà ngày xưa bác đã làm, rồi gần Tết bác tôi còn gói bánh tét, làm bánh phu thê (su sê), làm đủ loại bánh mứt... Nhà bác tôi có xây lầu và ở trên sân thượng bác tôi là một vườn thực vật, có mặt đủ mọi thứ cây, nào hành lá, hẹ, rau thơm các loại, ớt, sả, gừng, sà lách, cà chua, cải rỗ, rau muống, mướp, khổ qua... Cả một rừng rau sạch có ở trong nhà mà thời đó đâu phải ai cũng biết quý cái giá trị của nó.

Tôi phục bác tôi, ngày đó cứ thắc mắc không hiểu sao người đàn bà mảnh mai đó lại có một sức lực phi thường đến như vậy? Có chồng có con rồi tôi mới hiểu, chỉ với lòng yêu chồng thương con vô bờ bến mới giúp bác tôi có thêm nhiều sức mạnh để làm được nhiều thứ đến như vậy, tất cả một đời vì chồng vì con mà bác tôi đã quên đi bản thân mình...

***
Đèn cạn dầu đèn tắt, một chiếc lá vàng đã lìa cành. Vẫn biết rằng trong bất kỳ cuộc chia ly nào cũng làm bịn rịn cho người ở lại nhưng con người ta không thể nào thoát ra khỏi luật định của tạo hóa và bác tôi đã ra đi một cách nhẹ nhàng, cát bụi đã trở về với cát bụi...


Thanh Quí

9/5/2015
Thêm bình luận


Đăng Nhập / Đăng Xuất