Trang sinh hoạt của Cựu Giáo Sư và Học Sinh trường Trung Học Cường Đễ Qui Nhơn

Ông Già Lau Kiếng Xe

Đêm qua em bắt gặp một niềm vui nho nhỏ muốn kể cho anh nghe.

Trước khi ra khỏi hãng thì điện thoại reo. Hai đứa con của em hay gọi vào giờ này để yêu cầu mẹ nấu món nào tụi chúng thích đó mà. Lần này tụi nhỏ đòi ăn bánh xèo. Tụi nhỏ nói, mẹ làm bánh xèo ngon nhất thế giới, rất mỏng, dòn, mà lại ít dầu mỡ. Thật ra, đối với tụi nhỏ, mẹ là nhất mà, cái gì cũng nhất. Nên ngày nào, hễ mỗi khi có lời yêu cầu em nấu món gì, dù có trời mưa, bão tuyết thế nào cũng mang khăn đội mũ ghé chợ mua vật dụng về nấu cho tụi nhỏ ăn.

Vừa ở chợ ra với ba túi xách thật nặng trên tay, cố gắng mở cửa xe để bỏ thức ăn vào, nhưng không muốn để túi xách xuống đất. Hôm nay, trời có ấm lên một chút, nên tuyết bắt đầu tan, đường phố nhầy nhụa, trong dơ bẩn lắm. Tuyết mới rơi trắng nuột nà, bay bay trong gió, phủ lên mắt lên môi, đập vào da thịt nghe buốt rát, đậu trên những cành cây, rủ mềm như những dòng thạch nhủ tạo thành những những bức tranh tuyệt tác mà Thượng Đế dành tặng cho nhân loại. Đẹp lắm anh ạ! Nếu mà hôm nào anh có dịp qua đây, em mời anh ghé thăm tổ ấm của em nhé!

Vì sợ mấy cái túi bị dơ, nên em cứ khư khư cố ôm vào lòng, nhưng loay hoay mãi mà không tra chìa khóa vào ổ khóa được. Bất ngờ có một giọng nói đàn ông bằng tiếng Mỹ rất gần: “Cô có muốn tôi giúp gì không?” Chắc ông thấy mấy cái túi quá nặng, sắp rơi xuống mặt đường. Em vội trả lời: “Không cần đâu, cảm ơn ông”. Em hay như thế lắm, cứ muốn thử sức mình, muốn cố gắng đến cùng cho đến khi biết là không làm được nữa mới nhờ vả. Nhưng rồi khi mà ba cái túi xách như muốn rơi xuống, ông hỏi em thêm lần nữa, và lần này thì em gật đầu cầu cứu ông.

Ông có cái nhìn rất thiện cảm và không làm em sợ hãi chút nào. Thường thì gặp người lạ ở ngoài đường như thế, em cũng hay ngại ngùng lắm. Sau khi ông mở giùm cửa xe và giúp em xong, em chưa kịp nói lời cảm ơn thì ông đã hỏi em: “ Tôi có thể lau kiếng xe cho cô với giá một đồng để kiếm sống qua ngày không?” Em giật mình, nhìn kỹ mới thấy trên tay ông có môt cái xô nước và một cái cây chùi kiếng. Em không chần chờ gì cả và để ông chùi kiếng xe cho em liền. Trong khi đã ngồi vào trong xe và chờ ông làm. Nhìn cách ông cầm cái cây chùi kiếng đưa qua đưa lại, thoăn thoắt như rành nghề lắm. Chắc ông làm việc này mỗi ngày chăng? Tự dưng trong lòng có nhiều câu hỏi. Ông sinh ra và lớn lên ở nơi này. Ông nói tiếng Mỹ từ ngày chập chững biết đi. Chắc ông phải có nhiều cơ hội hơn mình chứ. Sao không là em đang làm công việc này? Và thấy ơn trên đã ban cho em quá nhiều diễm phúc. Ôi! Chỉ có một đời mà đôi khi không dễ dàng để sống hết một đời! Và em nghĩ mỗi một con người là một thế giới bí mật mang theo bên mình cho đến khi trở về với cát bụi.

Em đã tặng ông hơn số tiền mà ông muốn rất nhiều lần. Gương mặt ông rạng rỡ, lời cảm ơn ông dành cho em thật nồng nàn. Nhưng đúng ra, em phải là người cảm ơn ông vì ông đã mang đến cho em niềm vui. Gương mặt ông, với bộ râu ngắn, gọn, khuôn mặt nhỏ nhắn, đôi mắt hiền lành, và nhất là cái dáng dấp nhỏ thó của ông đã làm em nhớ đến một người thầy tên là John Johnson. Thầy J.J là hiệu trưởng của phân khoa công chánh của trường UOM trong những năm em theo học đại học. Không có ông hiệu trưởng nào rảnh rỗi để ký từng tờ ghi danh của mỗi học kỳ cho học sinh của mình đâu, vậy mà ông đã làm điều này cho em suốt những năm cuối của đaị học. Thật ra, học sinh nào cũng có một người thầy hướng dẫn mình, giúp mình lấy những môn học phù hợp với ngành học và sở thích của mình và thầy hướng dẫn phải ký vào tờ ghi danh của học sinh mình. Người thầy hướng dẫn của em tên là Michael. Nhưng tiếng Mỹ của em lúc ấy còn quá yếu, bập bẹ, chữ được chữ mất, rồi khả năng nghe lại còn tệ hơn nữa, mà thầy Michael là người ngoại quốc, thành ra em cũng không hiểu tiếng mỹ giọng ngoại quốc của ông mà ông cũng không hiểu tiếng Mỹ giọng nẫu của em, nên mỗi lần hai thầy trò gặp nhau, thấy tội nghiệp cho cả hai. Anh cứ tưởng tượng như anh mà vào làm việc ở tận Cà Mau, anh cũng cần phải có thông dịch người ta mới hiểu anh đó, anh nhớ không? Có lần anh kể cho em nghe, họ không hiểu anh khi anh dùng những từ như mô, tê, răng, rứa. Cái giọng miền Trung mình cũng nặng chình chịch, phải không anh? Kể lể dông dài với anh như thế là để anh hiểu vì sao mà em có một mối liên hệ thân thiết với ông hiệu trưởng của phân khoa em theo học. Ông chịu khó lắng nghe em, ông thông cảm với khó khăn của em, ông không khó chịu với cái vốn liếng tiếng Anh bập bẹ cuả em. Anh biết không, em cứ len lén nhìn ông Mỹ chùi kiếng xe cho em. Sao mà gương mặt của ông ấy và gương mặt ông thầy J.J của em giống nhau quá đổi! Mà đời sống thì quá khác nhau, ít ra là ở khía cạnh này.

Những người có đời sống bấp bênh như thế này thường là những người nghiện ngập, hay là không được bình thường, em nghĩ thế. Em tưởng tượng có thể ông nghiện rượu, và lát nữa đây, trên tay ông là một chai rượu với số tiền vừa kiếm được. Nhưng có hề gì phải không anh? Niềm vui của em là được nhìn thấy ông cười tươi và ánh mắt nhin thật ấm khi nói với em: “Merry Christmas” và em cũng đã nói như thế với ông. Niềm vui ở lại với em suốt đêm qua khi em tưởng tượng ông già đang ngồi bên ly rượu. Một mình hay với ai? Nào ai biết!

Vì sao mà cứ thích kể lể với anh. Chịu khó với em nhé.

Nguyễn Kim Tiến
Giáng sinh năm 2008

   Số lần đọc: 2426

BÌNH LUẬN

Vui lòng viết bình luận của bạn
Vui lòng điền tên của bạn ở đây

Bài Cùng Tác Giả