Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • hinhCu 1200
  • CD4 1200
  • DaiThinhDuong1200
  • NhaGiuXe1200

Tài Liệu

LTS : Nhiều học sinh Trường Quốc Học Quy Nhơn hiện nay và cả những cựu HS Trường Cường Để Quy Nhơn vẫn chưa thực sự biết rõ tiền thân của ngôi trường nổi tiếng mình đã , đang theo học.
BBT Xin trích đăng bài viết của bạn VXĐ trên trang cuongdequynhon.wordpress.com nhằm cung cấp thêm thông tin lịch sử tiền thân của Trường Cường Để Quy Nhơn để rộng đường dư luận ,nhằm khẳng định lại tên tuổi của ngôi trường công lập nổi tiếng ở Quy Nhơn này .

truong-cuong-de

Trường Cường Để Quy Nhơn
Sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975), tất cả học sinh, sinh viên các trường học của miền Nam trước đây được tiếp tục trở lại trường để tiếp tục việc học của mình trong một không khí hòa bình, nhân ái và đón chào một nền giáo dục mới không có tiếng súng đạn, không phải âu lo chuyện trở thành lính tráng cận kề giữa cái chết và sự sống như trước nữa. Học trò ở Bình Định nói chung, Quy Nhơn nói riêng cũng thế, nhưng những tên gọi như "Trung học Cường Để", "Nữ Trung học Ngô Chi Lan", "Trinh Vương", "Vi Nhân", "Tư thục Tây Sơn" hay "Nhân Thảo", "Bồ Đề", "Tăng Bạt Hổ", "Trung học Kỹ thuật" v.v... vốn dĩ đã quen thuộc không tồn tại nữa mà thay vào đó bằng những tên gọi mới: "Trường cấp III Quang Trung", "Trường cấp III Trưng Vương". Học sinh (và cả người dân) Qui Nhơn – Bình Định đón nhận những danh xưng trường lớp mới với một chút ngỡ ngàng, xao xuyến; đặc biệt là với những học sinh các trường "Cường Để", "Nữ trung học Ngô Chi Lan", nhưng họ hân hoan tiếp bước đến trường để tiếp tục việc học tập, hoạch định tương lai của mình, để đón nhận đường hướng giáo dục mới và dù tên trường có đổi thay, song nó được mang tên những anh hùng dân tộc, những người con kiệt xuất của quê hương Việt Nam từ nhiều thế kỷ trước.

Từ xưa đến nay ở Việt Nam ta mỗi lần thay triều đổi đại, việc làm đầu tiên của người lãnh đạo đất nước, lãnh đạo địa phương trong lĩnh vực giáo dục là lập trường học mới, quốc hữu hóa các trường tư thục và định danh lại cho những ngôi trường công lập, đặc biệt với những trường mang tên của đối tượng đối lập ý thức hệ chính trị sẽ được thay đổi ngay, chẳng hạn đời nhà Lý lập "Quốc tử giám", khi nhà Trần cai quản đất nước đã đổi Quốc tử giám thành "Quốc tử viện", "Quốc học viện", nhà Hậu Lê lại gọi Quốc tử giám như cũ, thời Quang Trung gọi là "Sùng Chính viện"; thời Pháp thuộc, Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) có trường Trung học bản xứ (Collège Indigène), sau đổi thành Collège Chasseloup Laubat, đến thời chính quyền miền Nam cũ đổi thành Trung học Lê Quí Đôn, nay vẫn giữ nguyên tên trường này. Đối với những trường thay đổi tên gọi, mặc nhiên xã hội gọi cái tên trước đó là "tiền thân", quãng thời gian ngôi trường đó hoạt động được ghi vào quá trình hình thành bởi chỉ là thay tên đổi họ ngôi trường, cơ sở vật chất của trường cũ vẫn được tiếp tục sử dụng, học sinh là những người đang theo học tại trường cũ.

Mặc dù được thành lập vào tháng 9 năm 1955, nhưng Trung học Cường Để trước 1975 vẫn được xem là "hậu thân" của trường "Tiểu học Pháp – Việt" (Ecole Elémentaire Franco – Annamité Cours Complémentaire) thành lập vào năm 1921, vì nó được xây dựng trên vùng đất mà trường "tiểu học Pháp – Việt" đã được xây dựng trước đó và nguồn học sinh chính là những người đã học ở trường này.

Từ năm 1921 – 1955, trường đã nhiều lần được thay tên: từ Ecole Elémentaire Franco – Annamité Cours Complémentaire (1921 – 1923) được đổi thành Collège de Quy Nhon (1922 – 1926), Collège De Plein Exercice De Quy Nhon (1926 – 1944).

Thời kỳ Việt Minh (những năm kháng chiến chống Pháp) trường lần lượt mang tên: Collège de Vo Tanh (1944 – 1948); Trung học Nguyễn Huệ (1948 – 1950), Trường Phổ thông cấp 3 Nguyễn Huệ (1950 – 1951), trường Phổ thông cấp II – III Bình Định (1951 – tháng 3/1955) và từ tháng 9/1955 đến tháng 3/1975 trường có tên gọi là Trung học Cường Để.

Dưới sự quản lý của chính quyền Cách Mạng, trường được đổi thành Trường Phổ thông cấp 3 Quang Trung và sau đó là Trường Phổ thông Trung học Quang Trung (1975 – 1991).

Tháng 9 năm 1991, nhân kỷ niệm 70 năm thành lập, UBND tỉnh ban hành quyết định đổi tên trường PTTH Quang Trung thành trường Quốc Học Qui Nhơn.

Sao phải thay đổi danh xưng của trường?!?, một tên gọi mang tên người anh hùng dân tộc tồn tại 16 năm kể từ ngày Qui Nhơn được giải phóng ít nhiều cũng tạo nên cả những tình cảm thân thương, sự gắn bó giữa ngôi trường và các thế hệ học sinh tiếp nối nhau lẫn trong tâm thức của người dân Bình Định. Một cái tên gây sốc không chỉ cho học sinh hiện tại của trường, mà còn tạo nhiều băn khoăn, trăn trở cho nhiều, nhiều và nhiều thế hệ học sinh trước đó lẫn người dân Bình Định nói chung. Rất nhiều băn khoăn, thắc mắc trong các thế hệ học sinh của trường. Và được giải thích ngoài lề là lấy lại tên cũ của trường. Mang những ưu tư, thắc mắc ấy, tìm hiểu qua tài liệu và những người đã theo học tại trường từ những năm đầu mới thành lập thì:

1) Tất cả đều khẳng định rằng cả trong thời kỳ Pháp thuộc lẫn thời kỳ Việt Minh, trường chưa có ngày nào được gọi là "trường Quốc Học" cả, mà chỉ mang những tên gọi như đã nêu trên. Học sinh lúc ấy thường nói là học "trường quốc lập" là trường học do nhà nước lập ra. (tìm hiểu qua GSTS Habil Khoa học Toán, nhà giáo ưu tú Nguyễn Cang (người học từ năm 1926 – 1936, ở 684/4 Trần Hưng Đạo, quận 5, TP.HCM – đã mất); nhà hoạt động cách mạng, Kiến trúc sư Bùi Bốn (khóa 1939 – 1943, ở 262/20 Bis Lê Văn Sỹ, quận 3), ông Vũ Mạnh Sồ (ở 678 Bùi Đình Túy, Bình Thạnh) v.v... Nếu cho rằng "quốc lập" là "quốc học" thì rất khập khiễng!

2) Ở Việt Nam chỉ có một trường duy nhất mang tên "Quốc Học" đó là Quốc Học Huế (thành lập năm 1896), các trường khác có tên bắt đầu bằng chữ "Collège" như: Collège Dong Khanh (Nữ trung học Đồng Khánh, nay là trường PTTH Hai Bà Trưng thành lập vào năm 1917), Collège de Vinh (đến năm học 1943 – 1944 đổi thành Collège de Nguyen Cong Tru và năm 1950 đổi thành trường cấp 3 Huỳnh Thúc Kháng), Collège de My Tho (trường Phổ thông Trung học Nguyễn Đình Chiểu – Bến Tre).

3) Nếu lấy từ Collège của tiếng Pháp để bảo rằng đó là trường Quốc Học lại càng khiên cưỡng vì nghĩa của từ Collège theo định nghĩa trong từ điển "Le Petit Larousse" là: Établissement d'enseignement secondaire du premier cycle dịch sang tiếng Việt chỉ là trường trung học, trường trung cấp. Như vậy chẳng lẽ các trường Collège do chính phủ Pháp lập ra ở nước ta là trường Quốc Học cả sao? Và phải chăng mang tên "Trường Quốc Học" mới uy, mới tự hào, còn "Trường Nguyễn Huệ" hay "Trường Quang Trung" không đáng kiêu hãnh?!?

Vẫn biết rằng cái tên, suy cho cùng cũng chỉ để phân biệt giữa trường này và trường khác, một cái tên trường không thể nói đến hiệu quả dạy và học của trường đó và cũng không làm cho học sinh trường đó trở thành những con người xuất chúng được. Giáo dục là cả một quá trình dài lâu, tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác, tình cảm gắn bó giữa nhiều thế hệ học sinh tiếp nối nhau bằng tên ngôi trường thân yêu, nó là chất keo kết dính tạo nên truyền thống cho ngôi trường; vì thế nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập trường (9/1921 – 9/2011), chúng tôi kiến nghị ngành giáo dục và lãnh đạo tỉnh Bình Định có thể chọn lại một trong những tên như: Nguyễn Huệ (của thời kỳ 1945 – 1954) hoặc Quang Trung (1975 – 1991) để đặt lại cho trường mà không phải là Cường Để của trước 1975 hay Quốc Học như hiện nay.

Xin mượn câu nói của Jesus: "Cái gì của César thì hãy trả cho César và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa" để kết thúc bài viết này.

Võ Xuân Đào (cựu học sinh TH. Cường Để khóa 1968 – 1975)
Thêm bình luận