Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • DaiThinhDuong1200
  • CD4 1200
  • hinhCu 1200
  • NhaGiuXe1200

Tài Liệu

LTS. Anh Trần Trí Năng là dân Bình Định, học ở Cường Để 60-67. Cám ơn Kim Tiến đã cho biết cái URL vô website của anh , http://tranbinhan.ecosolarcity.com . Google tên anh thì thấy bài này, đăng đại lên cho anh em coi.

Tốt nghiệp Phổ thông trung học, anh thanh niên trẻ quê Bình Định cùng lúc nhận được hai học bổng. Anh băn khoăn: đi Nhật hay đến Mỹ? Cuối cùng Trần Trí Năng đã quyết định đến Nhật. Đó chính là bước đệm cho tài năng của người con đất võ Bình Định có điều kiện phát huy…

Gian nan xứ người
Trần Trí NăngBước khởi đầu không hề thuận lợi khi anh gặp muôn vàn khó khăn nơi đất khách. Khó khăn đầu tiên thử thách Trần Trí Năng là ngôn ngữ. Tiếng Nhật không đơn giản tí nào. Những mẫu tự Kanji, Hiragana, Katakana đôi lúc làm nản lòng chàng trai trẻ. Anh nhớ lại:”Tiếng Nhật rất khó và phức tạp. Những năm đầu đại học, tôi gặp khá nhiều khó khăn để nắm bắt và hiểu bài giảng của các giáo sư Nhật. So với bạn bè Nhật, tôi phải mất thời gian gấp đôi, ba lần để học và soạn bài. Có lúc cũng chán nản nhưng việc cố gắng đã không phụ lòng. Tiếng Nhật của tôi khá dần lên và tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Đến năm thứ ba và thứ tư, tôi bắt đầu vào chuyên ngành nên các môn học thú vị và hấp dẫn tôi hơn. Tôi tìm được đề tài mình yêu thích là ngành điện tử nên công việc tiến triển tốt đẹp. Tiếng Việt có từ “nguy cơ”, tôi thấy hai chữ này đúng trong trường hợp của tôi. Sự khó khăn trong tiếng Nhật khiến tôi làm việc nhiều hơn, đó là “nguy”. Và cũng chính vì thế mà tôi đã học được bài học về tính nhẫn nại, sự làm việc cần mẫn trong những năm sau này. Đó chính là “cơ””.

  Khó khăn thứ hai mà anh sinh viên Trần Trí Năng gặp phải là môi trường học tập ở thập niên 70 không có nhiều cơ hội để thảo luận đề tài làm sinh viên dễ nản lòng và không muốn học lên bậc cao hơn. Anh cho biết: “Sau này có cơ hội đi nhiều quốc gia và giảng dạy ở một số trường  đại học ở Mỹ, tôi mới thấy sự khác biệt rõ rệt này. Ở Mỹ, sinh viên rất mạnh dạn và thường xuyên tranh luận với giáo sư để việc tiếp thu tốt hơn. Sự tranh luận này rất phổ biến ở các đại học ở Mỹ”. Nhưng chính những khó khăn đó là hành trang mở ra cho anh nhiều cơ hội trên con đường học vấn và tiếp thu nền văn minh xứ người. “Người Nhật làm việc cần cù, thích học hỏi và có tinh thần trách nhiệm cao. Thêm vào đó tính khiêm tốn, không khoe khoang của họ rất đáng học hỏi. Những điểm này rất thích hợp với người Á Đông đã giúp tôi rất nhiều trong học hỏi, nghiên cứu khoa học và ngay cả đời sống cá nhân của tôi tại Mỹ”- anh cho biết thêm.

“Đã là người Việt Nam, đã mang dòng máu Lạc Hồng thì dù ở chân trời góc bể nào vẫn luôn khắc khoải nỗi nhớ quê"

Khắc khoải nỗi nhớ quê

Đã 38 năm trôi qua kể từ ngày xa quê hương, Tiến sĩ Trần Trí Năng chưa có dịp quay lại mảnh đất gắn bó với anh nhiều kỷ niệm. Như mọi người nhận xét: “TS Năng là con người của công việc”. Anh quay cuồng hết dự án này đến nghiên cứu khác nhưng với anh: “Đã là người Việt Nam, đã mang dòng máu Lạc Hồng thì dù ở chân trời góc bể nào vẫn luôn khắc khoải nỗi nhớ quê. Tôi luôn có những mong ước áp dụng những cái hay của xứ người cho quê hương và mong mỏi một ngày nào đó Việt Nam mình cũng như thế. Những dịp lái xe qua nhiều tiểu bang của Mỹ, tôi chạy xe với tốc độ 75-80 miles/hour (tương đương 113-120km/giờ), qua những cánh đồng rộng lớn của miền Nam nước Mỹ, tôi lại chợt nhớ Việt Nam da diết. Đang lái xe mà tôi cứ miên man những kỷ niệm ở quê nhà và ước gì một ngày nào đó có thể lái xe từ Sài Gòn ra Hà Nội trên những xa lộ rộng rãi khang trang, để nhìn ngắm cảnh đẹp đất nước, để thăm bạn bè. Nhìn những đứa bé Mỹ có khuôn mặt bụ bẫm, dễ thương chạy đùa tung tăng trên các bãi biển, tôi thầm ước ao cho các trẻ em ở Việt Nam cũng được hưởng những tiện nghi trong cuộc sống như trẻ em ở Mỹ và các nước tiên tiến khác…”.

Cứ miên man trong suy nghĩ như thế, Tiến sĩ Năng lại hỏi tôi: “Xa quê hơn 38 năm rồi nhưng chưa có dịp nào về thăm lại, chị thấy có lạ không? Tính đi tính lại nhưng công việc cứ đến, cứ cuốn hút nên không thực hiện được. Nhưng thế nào rồi tôi cũng trở về vì quê hương nằm trong tâm hồn của mỗi người Việt. Tôi nhớ rất nhiều về Bình Định và thành phố Quy Nhơn quê tôi, nơi tôi đã lớn lên 18 năm đầu đời. Những kỷ niệm tuổi thơ cứ in đậm và khắc sâu trong kí ức. Việt Nam giờ chắc đã thay đổi nhiều, khi trở về, nhất định tôi sẽ tìm và đi lại những con đường ngày xưa tôi hằng đi qua. Tôi nhớ rõ câu thơ: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở; Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn” (thơ Chế Lan Viên) vì vậy mỗi lần nhớ đến quê nhà, hình ảnh người mẹ tảo tần lại hiện lên trong tâm trí, hình ảnh mẹ bao giờ cũng đẹp, đẹp vô cùng đối với tôi”.

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Bình, người đã từng học chung với TS Trần Trí Năng - hiện đang sống tại Mỹ cho biết: “Tiến sĩ Trần Trí Năng là một nhà giáo, nhà nghiên cứu khoa học có những nghiên cứu có giá trị thực tiễn cao trong công nghệ vật liệu bán dẫn và trong giáo dục. Trên hết, anh ấy có người có lòng nhiệt huyết luôn hướng về quê cha đất tổ và mong muốn đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đó là những người con Việt rất đáng trân trọng”.

“Việt Nam sẽ cạnh tranh với các nước trong khu vực châu Á”

Tiến sĩ Năng tâm sự: “Dù ở xa quê và chưa có đóng góp gì nhiều nhưng tôi luôn muốn làm một điều gì đó trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật cho quê hương. Tôi biết ngành semiconductors bên nhà chưa được thịnh hành vì đòi hỏi sự đầu tư và kinh phí lớn nhưng nhất định trong tương lai chúng ta sẽ cần đến vì đây là đầu não của kỹ nghệ điện tử. Tôi rất muốn tổ chức các buổi thảo luận hoặc có thể cộng tác với các cán bộ khoa học kỹ thuật bên nhà và hướng dẫn các cán bộ trẻ nếu có dịp về nước hoặc được các cơ quan trong nước mời. Thơi gian sắp tới, trong khả năng mình, tôi sẽ tìm cách giúp đỡ cho các em sinh viên xuất sắc sang Mỹ du học. Tôi rất tin trong tương lại gần, Việt Nam sẽ có một đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật giỏi có trình độ quốc tế để giúp nước nhà từng bước vươn lên, đủ sức cạnh tranh với Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc trong một ngày không xa. Tôi tin Công nghệ thông tin của Việt nam sẽ tiến rất xa trong tương lai với những chuyên viên có trình độ tay nghề cao được đào tạo ở các nước sẽ trở về đẩy mạnh lĩnh vực này. Chất xám Việt Nam rất tốt tuy nhiên chúng ta cũng cần những thương gia, những cán bộ lãnh đạo tầm cỡ, có kinh nghiệm làm việc ở các nước”.

Câu hỏi: Công nghệ thông tin là mũi nhọn để phát triển kinh tế, là một chuyên gia trong lĩnh vực này, Tiến sĩ đánh giá như thế nào về tiềm năng của VN trong lĩnh vực Công nghệ thông tin?”

Tôi rất lạc quan về tiềm năng Công nghệ thông tin của Việt Nam và nhất là khi chúng ta gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Tuy nhiên, để Công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, chúng ta cần hội đủ ít nhất ba điều kiện: Chuyên viên phải có trình độ khoa học kỹ thuật cao, khả năng ngoại ngữ tốt; khả năng đầu tư mạnh; và trình độ lãnh đạo, quản trị doanh nghiệp xuất sắc.

Câu hỏi: Theo Tiến sĩ, vì sao trí thức Việt ở nước ngoài rất thành công trong nghiên cứu khoa học?


Lí do người Việt thường thành công khi đào tạo ở nước ngoài chính là vì điều kiện làm việc và môi trường nghiên cứu tốt. Sự trao đổi ý kiến chuyên môn cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Đừng nói chi ở Việt Nam, ngay cả nước Nhật với trình độ khoa học kỹ thuật rất cao, thậm chí có một số ngành vượt qua cả Mỹ nhưng người Nhật lại dễ dàng thành công ở Mỹ hơn trên chính đất nước của họ, vì một lẽ đơn giản: môi trường làm việc ở Mỹ tốt hơn. Mỹ là nơi rất trọng vọng trí thức, bất kể người đó mang sắc tộc gì. Tôi còn nhớ tháng 03.1979, sau khi học xong Tiến sĩ tại Nhật, trên đường đến Đại học Harvard, tôi có ghé nói chuyện tại đại học California theo lời mời của Giáo sư Hideya Gamo. Điều làm tôi ngạc nhiên là những người đến nghe tôi nói chuyện không chỉ là sinh viên, nghiên cứu sinh mà còn có cả các Giáo sư, Tiến sĩ và nhân viên của các hãng. Điều làm tôi bất ngờ và ngạc nhiên hơn là ngay trong buổi chiều hôm đó, Giáo sư Gamo làm buổi tiệc tại nhà để chiêu đãi tôi có rất nhiều nhân vật quan trọng, Giám đốc các cơ quan nghiên cứu lớn và các tập đoàn kinh tế. Tôi thật sự bất ngờ vì một người dân Việt mới tốt nghiệp Tiến sĩ chẳng có gì mà lại được đón tiếp nồng hậu như thế. Đó chính là điều tôi suy nghĩ rất nhiều về con đường mà mình lựa chọn.

Câu hỏi: Anh còn là một người Việt có tên trong danh sách những người nổi tiếng được đăng trong các tạp chí Who’s Who in America và Who’s Who in Science and Engineering?

Sau khi bảo vệ luận án Tiến sĩ tại Nhật, tôi đến Mỹ và làm việc tại đại học Haward với tư cách nghiên cứu sinh hậu Tiến sĩ rồi tham gia nghiên cứu và phụ giảng tại đại học California. Tôi còn là chuyên gia làm việc tại công ty 3M (Minnesota Mining and Manufacturing Company). Tôi cũng từng là trưởng các nhóm nghiên cứu có tầm cỡ và đã có 28 bằng sáng chế tại Mỹ cùng nhiều quốc gia khác, ngoài ra có một số giải thưởng quốc tế. Trong đó hai giải R&D 100 Awards được báo Chicago Tribune gọi là Oscar of Inventions.  Nhưng phát minh có ý nghĩa nhất đối với tôi là hệ thống kỹ thuật dùng trực tiếp tia quang tuyến X để chẩn đoán các bệnh về ngực, nhất là ung thư ngực của phụ nữ được các bệnh viện trên toàn cầu sử dụng. Với phương pháp này, bệnh nhân sẽ giảm bớt phí tổn và rất hiện đại bởi chụp hình quang tuyến X không cần rửa phim mà hình ảnh xuất hiện ngay trên màn ảnh trong vài giây và có thể gửi bằng hệ thống điện tử khắp nơi giúp các bác sĩ ở những bệnh viện khác nhau có thể tham gia thảo luận. Phát minh này đã và đang trở thành đề tài nghiên cứu tại nhiều nơi trên thế giới và là đề tài thảo luận trong nhiều hội nghị quốc tế.

Câu hỏi: Là một Giáo sư đại học và có dịp tiếp xúc với những trí thức trẻ người Việt ở hải ngoại, anh có nhận xét gì về thế hệ người Việt này?

Tôi có nhiều dịp tiếp xúc với các sinh viên người Việt được sinh ra và lớn lên tại Mỹ và cả những sinh viên Việt Nam sang Mỹ du học. Tôi không thấy có sự khác biệt nào lớn giữa các em. Nói chung là các em đều rất thông minh, ham thích học hỏi. Mặc dù ở Mỹ nhưng đa số đều gắn bó với gia đình nên vẫn giữ truyền thống và phong tục tập quán của quê hương vì các em gián tiếp tiếp thu những truyền thống này từ gia đình và những sinh hoạt của cộng đồng. Tuy nhiên muốn gắn bó giới trẻ trong và ngoài nước, tôi nghĩ Chính phủ và các tổ chức xã hội  phải tạo nhiều môi trường để họ được gặp nhau, trao đổi, giao lưu với nhau, tổ chức các hội thảo để hai bên trao đổi kinh nghiệm. Chính các em giao lưu, học hỏi trực tiếp những cái thiếu của nhau dễ hơn và nhanh hơn.

Câu hỏi: Hình như ngoài thời gian nghiên cứu, giảng dạy, anh còn tìm đến với “nàng thơ” và từng có nhiều tập thơ xuất bản tại Mỹ với bút danh Trần Bình An?



Tôi đã tập tành làm thơ khi còn học phổ thông ở Việt Nam. Hai nhà thơ mà tôi yêu mến nhất là Xuân Diệu của Việt Nam và Matsu Basho của Nhật Bản. Tôi làm thơ bằng tiếng Việt, tiếng Nhật và tiếng Anh và cũng đã xuất bản một vài tập thơ. Tôi chịu nhiều ảnh hưởng của đạo Thiền và văn hóa Nhật Bản nên có lẽ thơ tôi cũng mang đậm chất Thiền. Xin gởi tặng đọc giả Người Viễn Xứ bài thơ “Cám ơn đời ta sống trọn bao năm”:

Nếu không có dòng sông,
Nếu không có bầu trời,
Nếu không có màu nắng,
Chắc đời buồn biết bao ?!
Nhờ dòng sông,
Màu nắng hết xanh xao.
Nhờ bầu trời,
Màu xanh thành hy vọng.
Cám ơn Ðời
Ta sống trọn bao năm…


Câu hỏi: Hình như nghiên cứu khoa học và làm thơ là hai lĩnh vực trái ngược nhau nhưng lại là một đối với anh?

Nghiên cứu khoa học là đam mê của tôi nhưng khi đến với thơ, tôi thấy tâm hồn mình thanh thản. Tôi có thể làm một loạt 10, 20 bài thơ nhưng thỉnh thoảng cả tháng trời tôi không viết được gì cả. Tôi luôn có cái nhìn lạc quan về cuộc đời này cho dù thực tế có nhọc nhằn và ưu tiên hóa các nguyên tắc đơn giản để giữ cho tự mình không bị cuốn hút vào áp lực của đời sống tân tiến. Đó là tinh hoa của đạo Lão và đạo Phật. Tôi nghĩ người nào có thể suy nghĩ như một đứa trẻ thì đó là người hạnh phúc nhất trên đời.

Xin cám ơn Tiến sĩ và chúc anh sớm thực hiện được mong ước của mình và nhất là có thêm nhiều nhiều phát minh khoa học kể cả những tập thơ hay.


Nguồn: Người Viễn Xứ,  2006
Thêm bình luận