dòng sông Thanh Thủy
Bài 16 , thành phố Hà Giang và những trận đánh với tụi Tàu – Trung Cộng tại khu vực biên giới ở cửa khẩu Thanh Thủy .
Hà Giang là thành phố nằm ở xa nhứt về phía bắc của Việt Nam , cách Hà Nội 320km về hướng bắc tây bắc , nơi gặp nhau của quốc lộ 2 - từ Hà Nội lên , quốc lộ 4C - từ trên Cao nguyên đá Đồng Văn xuống và quốc lộ 34 - từ Cao Bằng phía đông qua . Cho tới thập niên 1960 , từ Hà Giang trở lên phía bắc – phía cao nguyên Đồng Văn là vùng mất an ninh , kiểu như vô chính phủ , luôn bị thổ phỉ cướp bóc , quấy phá , không có đường cho xe cơ giới , chỉ cỡi ngựa hoặc đi bộ .
Năm 1965 Con đường Hạnh Phúc , từ Hà Giang vượt cổng trời Quản Bạ qua Đồng Văn đến tận Mèo Vạc - dài 170km , được khánh thành , chính quyền và an ninh trật tự được thiết lập , thổ phỉ bị tiêu diệt , hàng hóa được mang lên vùng cao , đem lại hạnh phúc cho đồng bào ở nơi đây , chủ yếu là người dân tộc thiểu số .
Núi và sông ngay trong lòng thành phố
Thành phố không lớn , trải dọc dài theo con sông Lô chảy từ bắc xuống nam , hai đầu phố là hai cây cầu , Yên Biên 1 và Yên Biên 2 – có nghĩa là biên cương yên bình ! Rất tiếc là Hà Giang được trời cho con sông Lô xinh đẹp , chảy ngay giữa lòng thành phố nhưng quan cảnh hai bên bờ sông chỉ là con số không nếu không muốn nói là còn bị điểm âm nữa ! Dân ta chỉ lo bám mặt đường phố để buôn bán và . . . được nghe tiếng ồn của động cơ xe và hít bụi , còn mặt bờ sông thì hoàn toàn không thèm đụng tới , nếu dùng thì chỉ dùng để làm . . . nhà vệ sinh và để đổ rác ! Uổng quá !
Sông Lô , nhìn về phương nam , hạ nguồn .
Phố chia đều cho hai bên bờ sông , bên tả ngạn có chợ và dân cư , bên hữu ngạn gồm nhiều đường nhỏ - ngắn – xinh xắn – nhiều cây to bóng mát , có nhiều cơ quan ban ngành , có cả quảng trường và tượng đài Bác Hồ - kỷ niệm lần Bác lên thăm vùng này . Gần bưu điện và cầu Yên Biên 1 bạn còn thích thú khi phát hiện có đường Võ Văn Kiệt , nằm bên cạnh đường Trần Hưng Đạo .Trên này không khí trầm lắng hơn dưới miền xuôi , xe cộ ít hơn , đường và vỉa hè không bị lấn chiếm nên bạn nào chân cẳng tốt nên bỏ ra vài tiếng đồng hồ lang thang , đóng vai . . . " Anh khách lạ , đi lên đi xuống " , cũng thú vị lắm !
Một nhánh sông chảy vào sông Thanh Thủy .
Lần này mời các bạn đi cùng với mình lên cửa khẩu Thanh Thủy . Thanh Thủy là tên ở đoạn gần biên giới của con sông từ bên Trung Hoa chảy vào nước Ta qua cửa khẩu cùng tên . Đi được 22km , sông Thanh Thủy đến thành phố Hà Giang , từ đây sông được mang tên là sông Lô , xuôi thêm 190km nữa về đến ngả ba Đoan Hùng .
Tại Đoan Hùng , nơi sông Chảy đổ vào sông Lô , lần đầu tiên pháo binh Việt Nam đã bắn chìm nhiều tàu của giặc Pháp xâm lược , làm nên chiến thắng Sông Lô oai hùng vào mùa Thu năm 1947 . Ngay sau đó nhạc sĩ Văn Cao đã dùng âm nhạc để chiến công này được tô đậm hơn nữa , mãi mãi đi vào lòng người dân Việt Nam qua Trường ca Sông Lô . Nhạc sĩ Văn Cao và Trường ca Sông Lô đều đã có một vị trí trang trọng trong văn học sử nước nhà và bất tử với thời gian !
Cầu Yên Biên 1 .
Xin trở lại với dòng sông Thanh Thủy ! Mình nhớ ông Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn có thời gian lưu lạc qua Tàu , hoạt động cách mạng trong Việt Nam Quốc Dân Đảng , chắc là có qua lại vùng này nhiều lần nên có 2 cuốn tiểu thuyết , lúc đó viết là " Giòng sông Thanh Thủy " và " Chi bộ ba người " . Không biết có bạn nào còn nhớ đến và tình cờ còn giữ hai cuốn tiểu thuyết này ?
Mặc dù tụi Tàu – Trung Cộng đã rút về bên Tàu sau mấy tuần gây chiến tranh với Ta vào tháng 2 năm 1979 và đã bị Ta đánh đuổi như cha ông Ta đã làm được từ nhiều ngàn năm nay , nhưng tại khu vực này " chiến tranh biên giới " vẫn còn tiếp diễn đến năm 1984 , nhiều trận chiến ác liệt đã xảy ra và rất nhiều liệt sĩ đã hy sinh cho cuộc " Chiến tranh vệ quốc " nơi biên ải xa xôi này !
Đền thờ Liệt sĩ gần cửa khẩu Thanh Thủy .
Ghé viếng đền thờ Liệt Sĩ dưới chân đồi , thắp một nén hương và thầm khấn là chúng tôi đời đời nhớ ơn các anh đã gan góc , dũng cảm đánh lại tụi Tàu – Trung Cộng xâm lược , rồi mãi mãi nằm lại nơi quan ải xa xôi này , hy sinh tuổi thanh xuân của mình để đền nợ nước , bảo vệ biên cương tổ quốc . Đứng trước vong linh của các anh , người Việt Nam nào không khỏi phẩn nộ , ứa gan khi nghĩ tới tụi tham nhũng khốn khiếp hiện nay đang quỳ gối cúi đầu đưa hai tay nhận những đồng tiền thối tha , dơ bẩn dính đầy máu của nhân dân Việt Nam , từ tay tụi ngoại bang !
Bạn nào thích ăn uống có thể nếm thử cam sành nơi đây , hương thơm ngọt ngon đến nỗi khi xưa được tiến vua . Ngoài ra các đệ tử Lưu Linh còn được thưởng thức rượu ngô men lá , được chế biến bằng nguyên liệu và phương pháp truyền thống của địa phương , hương vị thơm ngon dịu !
ngọc cẩu bên cầu Yên Biên 1 .
Buổi sáng trước khi trả phòng mình còn đủ thời giờ dạo bộ bên sông Lô , gặp mấy người bày bán . . . đặc sản Ngọc cẩu . Dân gian gọi là Ngọc cẩu vì thứ củ này trông giống như tinh hoàn của con chó , được đào lấy từ trên những đỉnh núi cao chót vót của vùng này , không để ăn mà để ngâm rượu . Ở gần cổng trời Quản Bạ bên quốc lộ 4C , về phía Núi Đôi – Tam Sơn , có cái chợ nho nhỏ của người dân tộc H ' Mông bán các sản vật thiên nhiên , có nhiều loại củ này và giá rẻ . Đem về tới Hà Giang mà giá đã đội lên gấp nhiều lần ! Không biết về tới Sài Gòn sẽ được giá cở nào ?
Đến cầu Yên Biên 1 , vào coi triển lãm ở Viện bảo tàng tỉnh Hà Giang , giới thiệu con người và vùng đất phía bắc , nơi sinh sống của 22 đồng bào dân tộc anh em . Có trưng bày cả con dao của tụi thổ phỉ bắt giết và mổ bụng cán bộ công tác trên này hồi năm 1959 , rồi rán lấy mỡ người , còn đựng trong chai ! Ngoài sân , khách sẽ thấy mấy khẩu súng thần công từ thời Minh Mạng được trang bị để bảo vệ thành Hà Giang . Còn có cả cây cột đá của một thổ ty phong kiến người H ' Mông tên là Sùng Chúa Đà ở vùng Đường Thượng – huyện Yên Minh vào thế kỷ 18 , cách nay hơn hai trăm năm , khét tiếng tàn ác đã sử dụng cột đá này để trừng trị những người vi phạm luật lệ do hắn đặt ra .
Bên phải là súng thần công thời Minh Mạng . Còn bên trái là cột đá của bạo chúa dùng để tra tấn .
Sau hai ngày đêm lưu lại tại thành phố êm đềm , nằm trên thượng nguồn của dòng sông Lô lịch sử , mình tạm biệt Hà Giang để lên đường đi về hướng núi Tây Côn Lĩnh .
hang dơi
Nguyễn Chí Hoài Nhơn