Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • CD4 1200
  • NhaGiuXe1200
  • DaiThinhDuong1200
  • hinhCu 1200

Du ký Vạn lý độc hành - Tôi với Trời bơ vơ , đơn thân độc mã - một mình một ngựa sắt Honda wave alpha 100cc lang thang từ Sài Gòn xuống đồng bằng sông Cửu Long , đi dọc bờ biển Kampuchia , rồi theo ngược dòng sông Mekong qua Lào , xuyên suốt nước này từ Hạ Lào lên đến Thượng Lào , về Điện Biên Phủ - Việt Nam , lên vùng ba biên giới Việt Nam - Lào - Trung Cộng , sau đó ghé Sapa rồi theo sông Hồng tiến về Hà Nội .
Bài số 9 . Từ A Pa Chải - Ba biên giới ở cực Tây Bắc Việt Nam đến Sapa - Hoàng Liên Sơn .
cau qua song

Được lên đến cột mốc A Pa Chải trên núi Khoang La San , Mường Nhé - Điện Biên mình rất vui vì đây cũng là một " cột mốc " lớn trong những chuyến du lịch một mình bằng xe máy của mình .

Chặng đường kế tiếp là A Pa Chải - Chung Chải - Mù Cả - Pác Ma - Mường Tè , khoảng chừng 150km xuyên qua khu vực nhiều núi cao vực sâu của vùng Tây Bắc nước ta . Đã dò hỏi , được thông tin từ bạn bè cho biết quốc lộ từ A Pa Chải qua Mường Tè đã làm xong và xe ô tô đi được tốt nên mình yên tâm khởi hành .

May mắn là trải qua một đêm tại Ba biên giới xong thì sáng sớm hôm sau không còn bị mưa nữa , trời vẫn lạnh 17o C nhưng khô ráo , hứa hẹn hành trình sẽ không khó khăn , vất vả như những ngày vừa qua !
trang tho
Km 10 - Sín Thầu . Bánh xe trước bị mềm và xe đi bị nghe kêu lục cục lạc cạc quá nên mình ghé tiệm sửa xe bên cầu Sín Thầu để coi lại thì phát hiện bộ phận bằng nhựa ôm lấy bộ đèn sau đuôi xe bị bể gãy hết mấy cái gờ nên khi đi xe bị khua kêu rất khó chịu , không thoải mái để lái xe , ảnh hưởng đến an toàn cho hành trình !

Vì xe máy Honda wave alpha 100cc khá thông dụng nên tại tiệm có cả đồ phụ tùng để thay . Đây cũng là ưu điểm khi dùng xe này trong những chuyến đi đường dài : Dễ sửa chữa khi bị hỏng hóc , dễ có phụ tùng thay thế , trộm cắp cũng chê vì xe không có giá cao !
Không thấy bánh xe trước bị dính đinh nên bơm từ chiều hôm qua đến hôm nay vẫn còn tốt , thế thì cứ đi , sẽ xử lý sau . Nhờ thay được đồ mới nên sau đó không còn bị nghe khua ồn ào , khó chịu nữa !
Km 35 - Cầu Đoàn Kết - ngả ba Chung Chải . Đây là nơi quốc lộ 4H2 gặp quốc lộ 4H . Từ đây quẹo trái , đi về hướng bắc đông bắc 62km nữa ta sẽ đến Pác Ma .

Đường đi tuy không rộng " thênh thang tám thước " nhưng được trải nhựa và mới làm xong mấy năm nay nên còn tốt , xe ô tô đi thoải mái . Khu vực này coi như vắng nhất nước nên không có xe cộ , không có nhà cửa hai bên đường , xe chạy rất sướng , chỉ có rắc rối lớn nếu xe gặp sự cố gì và nằm ì giữa đường thì lúc đó ta sẽ thực sự rơi vào hoàn cảnh . . . Tôi với Trời bơ vơ !
hoang-lien-son
Gần suốt cả chiều dài 62km của cung đường cầu Đoàn Kết đến cầu Pác Ma ta sẽ đi trên núi cao , phía dưới vực sâu là con sông Nậm Ma uốn lượn , chung quanh là rừng già rất đẹp . Giữa đường có một chốt biên phòng , dừng xe vào trình giấy tờ . Anh em bộ đội nơi đây đa số là người dân tộc thiểu số Hmong và Hà Nhì vui vẻ chuyện trò , mời uống trà . Mình mở cốp xe , lấy mấy bao cà phê hòa tan mời anh em nhưng anh em lại không quen dùng cà phê !

Gần Mù Cả còn có đường vài chục cây số đi về phía biên giới Việt - Trung , đến địa điểm nơi sông Đà từ bên Trung Hoa chảy vào nước ta . Đây cũng là đề tài hấp dẫn nhưng không thể một lần mà tham lam ôm đồm nhiều được nên mình phải đành để dành " chuyên mục " này cho một dịp khác !

Km 97 - Cầu sông Đà , thị trấn Pác Ma . Đây là nơi sông Nậm Ma chảy vào sông Đà nên thị trấn nơi đây có tên là Pác Ma . Nếu ở Lào hoặc Thái Lan thì sẽ được viết là Pakma !

Trong văn hóa của người Thái Lan , người Lào và người dân tộc Thái ở Việt Nam , những ngả ba có sông nhỏ chảy vào sông lớn thì địa danh nơi đây đều có tiếp đầu ngữ Pak kèm theo tên của con sông nhỏ . Thí dụ bên Lào có Pakse , vì nơi đây sông Sedon chảy vào sông Mekong . Pakkading , vì có sông Nậm Kading nhập vào sông Mekong . Paksan vì tại địa điểm này sông Nậm San đổ vào sông Mekong v . . . v . . .
Trường hợp Pác Ma là ngả ba sông Nậm Ma chảy vào sông Đà . Việt Nam không có lối viết Pak nhưng viết là Pác cũng không ổn vì trong tiếng Việt cũng không có chữ Pác !
duong
Xin được trở lại với hành trình ngày hôm nay ! Cầu sông Đà tại Pác Ma là cây cầu bắc qua sông Đà nơi thượng nguồn trên đất Việt Nam . Cầu to và rộng , lớn nhưng đáng tiếc không đẹp đẽ gì , chỉ là một cây cầu bắc qua sông .

Thông thường , khi muốn dựng một cây cầu lớn nên có một cuộc thi thiết kế để chọn cách tốt nhất và đẹp nhất để lúc xây xong đưa vào sử dụng ta còn có được một tác phẩm về nghệ thuật kiến trúc xây dựng nhưng rất tiếc là trên khắp đất nước Việt Nam ta không có được cách làm việc và quản lý như vậy nên ta có toàn là những cây cầu . . . xấu xí , không hề để lại một dấu ấn đẹp đẽ gì , và chuyện chất lượng những cây cầu này không phải lúc nào cũng đạt yêu cầu !

Đang đứng lớ ngớ trên cầu Pác Ma để chụp hình dòng sông Đà hùng vĩ và đục ngầu vì phù sa thì có người đàn ông trong cửa hàng đầu cầu đến chuyện trò và khi hỏi nhau thì tình cờ cũng cùng tuổi nhau ! Anh mời ngồi uống nước trà và mình cũng lại mở cốp xe , lấy cà phê hòa tan ra mời anh ! Ở miền Bắc Việt Nam , nhất là ở vùng nông thôn , bà con thường thích uống nước trà và không quen dùng cà phê .
Đơn vị anh Trần Đình Lịch đến Huế tháng 4 năm 1975 , sau đó vào đến Sài Gòn rồi chuyển qua bên Kampuchia . Xuất ngũ , anh về quê Thái Bình , xây dựng gia đình , ổn định đời sống . Mười mấy năm nay theo người bạn thân cùng đơn vị cũ trong quân đội , anh lên Pác Ma để làm thêm và đang chuẩn bị bán tất cả nhà cửa trên này , về quê dưỡng già , lá rụng về cội !

Mơ ước của anh là cố gắng sắp xếp để được một lần vào Thủ Đức thăm bạn bè và đơn vị cũ . Cùng tuổi , cùng thế hệ với nhau nên hết chuyện này đến chuyện khác , hai chúng tôi dù mới quen nhưng lại chuyện trò sôi nổi với nhau không muốn dứt !
Chia tay , chúc anh sớm có chuyến Nam tiến , mình băng qua cầu sông Đà để đi tiếp về Mường Tè . Lần trước mình đã có dịp đi ven ngược sông Đà từ Mường Lay lên Mường Tè dài 100km . Bây giờ , cũng đi ven sông Đà nhưng theo chiều ngược lại , từ thượng nguồn về Mường Tè - 50km .
Thượng nguồn sông Đà , cụ thể là từ Pác Ma xuôi về Mường Tè - 50km và tiếp tục về đến thủy điện Lai Châu - 120km , xa xa bên hữu ngạn có ngọn núi Ban Si Ngài cao 1.835m . Phong cảnh hùng vĩ , đẹp tuyệt vời nhưng cho tới nay khúc sông này hoàn toàn chưa được dùng cho hoạt động du lịch , chưa dùng cho những cuộc du ngoạn trên sông , rất đáng tiếc !

Lần này đến Mường Tè có khác là đã thấy tại thị trấn có hồ nước rộng do nước của thủy điện Lai Châu dâng lên đến thị trấn .
Nghỉ một đêm tại thị trấn Mường Tè , hôm sau được đi trên con đường mới làm xong và cũng hoàn toàn mới đối với mình , chưa hề biết đến ! Đây là đường từ Mường Tè đi Pa Tần - 73km đi qua vùng núi non hiểm trở của tỉnh Lai Châu , theo sông Nậm Bum chảy dưới vực sâu , lác đác vài bản làng gồm Phiêng Kham , Chàng Chảo Pá . Xa xa , nhìn về phía bắc , biên giới Việt - Trung có núi Nậm Nhà - 2.534m cao ngất , mây mù bao phủ . Gần đến Pa Tần , cũng về hướng bắc có núi Nậm Hum - 2.075m .

Giữa đường lại có một thủy điện nhỏ , khoảng chừng 7 Megawatt . Đang chụp hình thì có một anh công nhân trẻ tới chuyện trò . Khi biết mình từ Sài Gòn ra đây , anh ta hớn hở nói : Vậy anh ghé vào đây chơi một tí , tại công trường xây dựng thủy điện này có đồng hương của anh từ . . . Phan Rang đấy ! Như mình đã có dịp trình bày , đối với bà con ta ở miền Bắc thì tất cả đồng bào từ Bình Trị Thiên vào đàng trong đều là . . . Nam Bộ hết ! Vậy là anh chàng này cứ nằng nặc " bắt " mình từ Qui Nhơn , Sài Gòn phải gặp người " đồng hương " từ . . . Phan Rang !
Thời giờ hôm nay thoải mái nên mình cũng sẵn dịp này nghỉ . . . lưng một tí ! Anh đồng hương là anh Sĩ , cũng tuổi gần bằng nhau , chuyện trò vui vẻ . Anh Sĩ đi làm ở nhiều công trường thủy điện với công việc là phiên dịch vì có nhiều máy móc mua của Trung Cộng . Như vậy chẳng những là " đồng hương " mà anh còn là đồng nghiệp nữa ! Anh nhiệt tình mời ở lại để dùng bữa trưa với nhau nhưng mình cảm ơn và xin tiếp tục hành trình vì đường còn xa !
cầu
Km 73 - Pa Tần , bên sông Nậm Na và bên quốc lộ 12 . Từ đây đi thêm 20km đến Phong Thổ . Thị trấn này mới được thành lập nên chỉ có lèo tèo vài con đường , vài nhà nghỉ , vài khách sạn với con đường chính là quốc lộ 12 chạy xuyên qua thị trấn . Đi tiếp theo quốc lộ 12 và sông Nậm Na thêm 20km ta sẽ đến điểm cuối cùng của quốc lộ 12 và biên giới Việt - Trung với cửa khẩu Ma Lù Thàng .
Lộ trình hôm nay là đến thành phố Lai Châu nên từ thị trấn Phong Thổ mình rời sông Nậm Ma , rời quốc lộ 12 , vào điểm đầu tiên của quốc lộ 4D , đi về hướng đông , sau 30km là đến thành phố Lai Châu .
choi
Tại Lai Châu mình lo tới tiệm sửa xe để xử lý chuyện bánh xe trước vì cứ vài ngày là bị xẹp ! Kiểm tra và phát hiện là do bánh xe trước nhiều lần bị lọt vào những hố tử thần nên vành bánh xe chịu hết nổi , có thể đã " bị thương ", làm hơi trong bánh xe bị thoát ra , tuy rất ít rất chậm nhưng vẫn làm bánh xe bị xẹp dần dần . Đây cũng là ưu điểm của loại bánh xe tubeless - không có ruột , không bị xẹp lép liền mà xẹp từ từ , ta có đủ thời giờ di chuyển tiếp và tìm cách để khắc phục sự cố !

Chủ tiệm sửa xe là hai anh chàng trẻ măng , đã có mấy năm vừa làm việc vừa được học nghề tại Sài Gòn và kế về khoảng thời gian này với một niềm tự hào như trong ca dao :

Làm trai cho đáng thân trai ,
Phú Xuân đã trải , Đồng Nai đã từng .

Chặng đường kế tiếp là từ Lai Châu đi Sapa theo quốc lộ 4D . Đoạn này nay cũng đã được nâng cấp xong , mặc dù là đường núi nhưng đi tương đối thoải mái . Km 31 - thị trấn Tam Đường , qua khỏi thị trấn này một tí là chuẩn bị lên đèo Ô Qui Hồ , băng ngang qua dãy núi Hoàng Liên Sơn hùng vĩ , cao nhất nước ta với đỉnh Phan Xi Pan - 3.143m , cao nhất Đông Nam Á .

Km 70 - Sapa . Nhờ cự li ngắn nên chạy tà tà và còn dừng xe ngắm cảnh chụp hình nhiều nơi mà lúc đến Sapa chỉ quá trưa một chút thôi . Vẫn có phòng ở khách sạn với vườn hoa trên tầng hai và giá khuyến mãi cho " lữ khách cô đơn " . May mắn hơn nữa là trời mát 18o C và có nắng ấm giữa mùa đông Sapa !

Nguyễn Chí hoài Nhơn
Thêm bình luận


Đăng Nhập / Đăng Xuất