Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • NhaGiuXe1200
  • hinhCu 1200
  • CD4 1200
  • DaiThinhDuong1200

sông-nuoc
Nhà bè trên sông rạch
Du ký " Nam Kỳ lục tỉnh " , một vòng qua các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long .

Bài số 1 . Khởi hành từ Sài Gòn , đi về hướng Mộc Hóa , Kampuchia . Sau đó xuyên vùng trũng Đồng Tháp Mười đến thị xã Hồng Ngự , bên tả ngạn sông Tiền Giang .
Lần này mời các bạn cùng đi một chuyến thăm Mekong Delta - Đồng bằng sông Cửu Long , một phần của Nam Kỳ lục tỉnh trước kia . Vẫn là hành trình " Tôi với Trời bơ vơ " , một mình một ngựa sắt Màu Tím hoa Sim , Honda wave alpha 100cc . Không còn Vạn lý độc hành , cở 10.000km và vài chục ngày nữa mà " chỉ là " . . . Thiên lý độc hành , chừng hơn một ngàn cây số và mười mấy ngày thôi !
Lộ trình không đi tung hoành ngang dọc hoặc đường chéo mà sẽ đi theo hình . . . tròn , ngược chiều kim đồng hồ . Trước tiên đi sát biên giới Việt Nam - Kampuchia , từ Sài Gòn - Mộc Hóa - Hồng Ngự - Châu Đốc - Hà Tiên . Sau đó , từ Hà Tiên sẽ men theo bờ biển để đến Rạch Giá - Rừng U Minh , xuống tận cực Nam của tổ quốc .
Từ Mũi Cà Mau , tiếp tục hành trình ven biển qua Bạc Liêu - Sóc Trăng - Trà Vinh - Bến Tre - Mỹ Tho , Gò Công để rồi . . . tiến về Sài Gòn !
Hành trang giã từ cũng đơn giản như những chuyến đi khác : Vài bộ quần áo dễ xài , không cần ủi mà vẫn không bị nhăn nhó xấu xí , cây điện trở nho nhỏ để nấu nước sôi trong ly cafe , mấy tấm bản đồ miêu tả đồng bằng sông Cửu Long và không được phép quên . . . thẻ ATM !
May mắn khởi hành gặp ngày đẹp trời , nắng và ráo ! Từ giã Sài Gòn ở vòng xoay - bùng binh Phú Lâm , vào đường Bà Hom , tiếp theo là tỉnh lộ 10 và tỉnh lộ 825 đến thị trấn Đức Hòa .
Từ Đức Hòa mình muốn đi đường sát biên giới Việt Nam - Kampuchia , đi từ Hậu Nghĩa nhưng vì chủ quan không chuẩn bị kỹ nên cuối cùng bị lọt vào cung đường " dễ đi " là đường N2 đến Thạnh Hóa ! Coi như " để dành " con đường sát biên giới cho lần sau cũng được , đời còn dài mà !
Rời Đức Hòa là vượt ngay cây cầu to bắt qua sông Vàm Cỏ Đông , hai bên đường là đồng lúa xanh rờn , có lúc lại xen vào những nông trường trồng khóm tươi tốt , rộng bao la bát ngát !
bo-ba
Gặp gỡ bạn già Nguyễn Trí Mẫn và Nguyễn Thanh Sơn , hôm trước khi . . . Tiếu ngạo giang hồ !
Sau thị trấn Thạnh Hóa vài km là gặp quốc lộ 62 , con đường chiến lược của Long An nối thủ phủ Tân An đi Tân Thạnh , Mộc Hóa đến cửa khẩu Bình Hiệp qua Kampuchia .
Km 90 - thị trấn Tân Thạnh . Đây là nút giao thông lớn , đường bộ rẽ đi các hướng đều tiện lợi với cự ly ngắn để đến Cao Lãnh , qua Kampuchia , đi Mỹ Tho và về Tân An , Sài Gòn .
Đường thủy có kênh La Grange dẫn vào sông Vàm Cỏ Tây , chạy ngoằn ngoèo vài chục cây số , gặp sông Vàm Cỏ Đông rồi cùng đổ vào sông Soài Rạp , về Sài Gòn .
Kênh Nguyễn Văn Tiếp đi Cai Lậy , Tiền Giang . Và kênh Dương Văn Dương , nối tiếp với kênh Đồng Tiến chạy dài cả 70km xuyên qua trung tâm Đồng Tháp Mười theo hướng đông - tây , gặp sông Tiền Giang ở An Long .
Đi tiếp quốc lộ 62 thêm 30km , ta đến thị xã Kiến Tường , huyện Mộc Hóa - Km 125 .
Với địa danh Mộc Hóa , bạn nào có quan tâm đến điện ảnh kháng chiến , âm nhạc hoặc lịch sử Việt Nam thời cận đại chắc sẽ biết rằng tiểu đoàn 307 huyền thoại đã lập được chiến công vang dội ngay trong trận đầu ra quân tháng 8 năm 1948 tại vùng đất này !
Thi sĩ thơ tình Nguyễn Bính lúc đó đang là cán bộ tuyên truyền khu 8 , thấm men chiến thắng và cho ra đời bài thơ " Cửu Long Giang ". Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí khi đó ở ban tuyên huấn khu 8 , ông rất xúc động khi đọc bài thơ " Cửu Long Giang " , cảm xúc dâng trào và đã phổ nhạc bài thơ này theo nhịp 6/8 thể hành khúc , cấu trúc 2 bè và đặt tên cho bản nhạc là " Tiểu đoàn 307 " .

Từ bài thơ đến bài hát là một bản hùng ca , mang hồn thiêng sông núi , thể hiện khí phách ngút trời của dân tộc Ta , ca ngợi tinh thần hy sinh cao cả của quân đội Việt Nam :
Buổi xuất quân tiểu đoàn năm ấy
Cả tiểu đoàn thề dưới sao vàng
Người chiến sĩ tiếc gì máu rơi
Buổi xuất quân tiểu đoàn năm ấy
Nguyện một lòng gìn giữ non sông
Trận Tháp Mười , trận Mộc Hóa
Vang tiếng đồn với trận La Bang
Lưỡi gươm vung dưới cánh tay sắt
Đầu giặc rụng nổ súng đồng đồn giặc vỡ tan
Đánh đâu được đấy
Oai hùng biết mấy
Tiếng tiểu đoàn
Bao nhiêu quân Pháp run rẩy sợ hãi
Vang lừng danh tiếng
Ba trăm lẻ bảy . . .

Nghệ sĩ Nhân Dân Quốc Hương với giọng Tenor tuyệt vời cùng với những chiến công vang dội lẫy lừng của tiểu đoàn 307 đã làm bài hát trở thành bất tử , mãi mãi đi vào văn học sử của Việt Nam !

Cũng tại Mộc Hóa này , đêm Noel 24 tháng 12 năm 1948 , bên con kênh Dương Văn Dương , giữa chiến khu Đồng Tháp Mười , chung quanh là tràn ngập hàng ngàn ghe xuồng của đồng bào , lần đầu tiên bộ phim " Trận Mộc Hóa " của tổ điện ảnh khu 8 với các đạo diễn Khương Mễ , Mai Lộc , Vũ Sơn được trình chiếu . Nhiều trí thức , nhân sĩ , nhà báo và văn nghệ sĩ từ Sài Gòn xuống dự xem cũng rất bất ngờ không hiểu sao Việt Minh làm được việc này !
Trong lúc phải chịu muôn vàn khó khăn , thiếu thốn nhiều thứ , đối đầu giặc Pháp với nhiều súng đạn tối tân , bao vây đánh mọi phía mà dân tộc Ta vẫn có được những chiến công vang dội , làm nên những việc không thể tưởng tượng được , trước đây đã 70 năm !

Ngày đầu tiên " ra quân " mà " thu hoạch " được nhiều quá : Được nhắc để nhớ đến chiến công đánh thắng lớn giặc Pháp trong trận Mộc Hóa , được về vùng đất coi như là cái nôi của điện ảnh kháng chiến , điện ảnh đã làm được trong kênh rạch , bưng biền ! Và còn được về ngay nơi ra đời bài thơ " Cửu Long Giang " của Nguyễn Bính , được Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc và Lan tỏa khắp nước qua giọng ca Quốc Hương trên đài phát thanh Tiếng nói nhân dân Nam Bộ !
Trong niềm vui mà nhà văn đại tá đặc công Chu Lai sẽ cho là . . . " ăn mày dĩ vãng " , vui ké và tự hào với thành tích của Cha Ông , còn lẫn cả nỗi buồn rất lớn vì đã từ lâu tụi quan tham , tụi sâu dân mọt nước đã dần dần " theo đúng qui trình " bán rẻ đất nước Việt Nam cho ngoại bang , hoặc quì gối cuối đầu nhận tiền của ngoại bang , cho tụi này trục lợi trên đất nước Việt Nam bất chấp là đã để những chất hóa học vô cùng độc hại rải khắp nước , ngấm sâu khắp đất nước , hủy hoại môi trường sống , tiêu diệt dân tộc Việt Nam !
Về chuyện trị tụi tham nhũng sâu bọ , xin kể một chuyện xưa mà bây giờ vẫn còn giá trị như một bài học để . . . áp dụng luôn ! Chuyện hay vô cùng nhưng chỉ xin được tóm lược lại thôi .
Đại tá Trần Dụ Châu , giám đốc nha quân nhu , tham nhũng hạng nặng , bị tố cáo và ra tòa án binh tối cao tại Thái Nguyên ngày 5 tháng 9 năm 1950 . Chánh án thiếu tướng Chu Văn Tấn tuyên bố tử hình và tịch thu 3/4 tài sản tên này , phạt tiền gấp đôi những tang vật hối lộ và biển thủ về tội " Biển thủ công quỹ , nhận hội lộ , phá hoại công cuộc kháng chiến " .
15 phút sau đó , thiếu tướng công cáo ủy viên - lúc đó gọi như vậy , Trần Tử Bình đọc công lệnh của đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tước quân hàm đại tá của Trần Dụ Châu .
Tên này đệ đơn xin ân xá giảm tội nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh nói dứt khoát :
" Một cái ung nhọt , dẫu có đau cũng phải cắt bỏ , không để nó lây lan nguy hiểm " , và ông bác đơn xin ân xá của tên tử tội này !
18g chiều hôm sau , ngày 6 tháng 9 năm 1950 , tên tham nhũng này đã bị xử bắn tại Thái Nguyên .

Đây là luật pháp của Ta cách đây 67 năm , còn bây giờ đã qua đến thế kỷ 21 mà tụi dòi bọ tham nhũng tràn lan , mặc sức hoành hành và vơ vét hơn Trần Dụ Châu cả ngàn lần ! Lúc bị phát hiện thì tụi này " được " khiển trách , " được " nhận kỷ luật , " được " ngưng công tác vài tháng và cho . . . chìm xuồng , vụ việc trôi vào lãng quên ! Nếu bị truy tố , bị bắt , bị đưa ra tòa thì được xem xét lý lịch với " quá trình cống hiến " rồi ráng ngồi tù vài năm , sau đó tha hồ xài cái núi của cải đã tham nhũng trước đó , bòn rút từ xương máu của nhân dân !
Nhưng tụi tham nhũng đừng quên chính nhà thơ Tố Hữu có nhắn nhủ là : " Máu van trả máu , đầu van trả đầu " ! Tố Hữu làm mấy câu thơ này lúc đó là để đòi thực dân và tụi xâm lược phải trả " Nợ máu " cho nhân dân Việt Nam .
Nhưng dân Ta rất sáng tạo , sau này nếu có " Đổi mới " nữa , nhân dân sẽ bắt tụi tham nhũng phải " Trả nợ máu " tương tự và chắc chắn tụi này sẽ phải đền tội nặng nề và phải trả lại nợ tham nhũng cho nhân dân - gấp nhiều lần !
tuong-dai
Tượng đài kỷ niệm trận đánh từ hồi còn chế độ Diệm - Nhu .
Chắc Tố Hữu không ngờ có ngày mấy vần thơ cách mạng của ông lại được dân Việt Nam " tương kế tựu kế " dùng như là " Gậy ông đập lưng ông " để xử những đồng chí của ông đã biến chất , hủ hóa , tham lam và tuột dốc để rồi đắm chìm trong những dục vọng thấp hèn !
Xin lỗi đã dẫn các bạn " lạc đường " vào lịch sử sâu và lâu quá , xin được quay lại thế kỷ 21 và hành trình ngày hôm nay !
Ghé vào tiệm phở gần tượng đài kỷ niệm Chiến thắng Mộc Hóa dùng Brunch - chung cho ăn sáng và trưa luôn !
Mộc Hóa trước 1976 là tỉnh lỵ của tỉnh Kiến Tường , sau 37 năm bị mất tên , năm 2013 địa danh Kiến Tường xuất hiện trở lại và trở thành một thị xã của tỉnh Long An trên cơ sở tách một phần diện tích và dân số của huyện Mộc Hóa .
den-tho
Ngay phía bắc thị xã là cây cầu Mộc Hóa , bắt qua sông Vàm Cỏ Tây , đi tiếp theo quốc lộ 62 thêm vài km nữa , ta sẽ đến cửa khẩu biên giới , Bình Hiệp phía Việt Nam và Prey Vo phía Kampuchia , thuộc tỉnh Svay Rieng . Từ cửa khẩu này đi đến Phnom Penh có đường rất tốt dẫn ra quốc lộ 1 của Kampuchia và chỉ còn cách thủ đô khoảng 120km .
Hành trình của chúng ta hôm nay không có xuất ngoại mà là xuyên Đồng Tháp Mười nên trước cửa khẩu mình quẹo trái đi về hướng tây , vào Tỉnh lộ 830 , đi chừng 20km đến thị trấn Vĩnh Hưng , đây gần như là vùng sâu vùng xa của tỉnh Long An , cũng sát biên giới với Kampuchia .
Thị trấn Vĩnh Hưng nho nhỏ , nằm yên giấc giữa trưa , bên cạnh con kênh xanh xanh hiền hòa . Giữa thị trấn có ngả quẹo trái , rời Tỉnh lộ 830 , lên cầu qua con kênh để chuyển qua Tỉnh lộ 831 , theo hướng tây kẹp theo con kênh Trung Ương để về Hồng Ngự bên sông Tiền Giang .
Sau Vĩnh Hưng là Tân Hưng , rồi lên cầu qua kênh Phước Xuyên để vào địa phận tỉnh Đồng Tháp . Con đường bây giờ có ký hiệu là Tỉnh lộ 842 .
Kênh Hồng Ngự - Vĩnh Hưng được có tên như vậy vì nó nối liền hai địa danh này . Người ở Hồng Ngự gọi là kênh Long An vì xuôi theo kênh này sẽ vào sông Vàm Cỏ Tây về Long An kien_tuong.
Ngược lại dân Long An thì gọi là kênh . . . Hồng Ngự vì theo kênh này sẽ về đến Hồng Ngự. Còn dân ở giữa kênh thì gọi là kênh . . . Trung Ương vì lúc làm kênh , do dự án có từ trung ương nên từ công ty đến máy móc , kỹ sư và công nhân đều do trung ương gởi xuống làm việc !
Km 200 - thị xã Hồng Ngự . Thật ra đường từ Sài Gòn đến Hồng Ngự gần hơn nhưng hôm nay mình cố ý đi lòng thòng , nhởn nhơ để được ngắm cảnh Đồng Tháp Mười từ Đức Hòa phía đông bên sông Vàm Cỏ Đông đến Hồng Ngự , phía tây bên sông Tiền Giang .
Trong du ký Việt Nam - Lào - Kampuchia 2011/2012 mình đã về Việt Nam qua cửa khẩu Vĩnh Xương , hữu ngạn sông Tiền Giang rồi từ đó qua phà sông Tiền , ghé Hồng Ngự rồi nên lần này không còn bở ngở xa lạ nữa , chỉ chạy lòng vòng trong thị xã , vừa ngắm phố phường vừa để mắt tìm khách sạn , nhà nghỉ . Sau 30 phút là đã có được phòng tốt , giá vừa phải
Nguyễn Chí Hoài Nhơn
Thêm bình luận