Du ký " Nam Kỳ lục tỉnh " , một mình một ngựa sắt Honda wave alpha 100cc , lang thang rong ruổi qua các tỉnh thành ở đồng bằng sông Cửu Long , đang trên chặng cuối cùng để . . .tiến về Sài Gòn !
Bài số 15 , cũng là bài kết thúc chuyến ngang dọc miền Tây lần này . Hành trình Mỹ Tho - Gò Công - Sài Gòn .
Đi qua đất Ba Tri , ghé kính viếng các bậc tiền bối Võ Trường Toản , Phan Thanh Giản , Nguyễn Đình Chiểu mà mình suýt có lỗi với một người mà chính người này đã cho chúng ta biết đến địa danh của vùng đất cuối tỉnh Bến Tre , giáp Biển Đông , giữa hai cửa sông Ba Lai và Hàm Luông : Ông già Ba Tri .
Đây là câu chuyện có thiệt . Ông Thái Hữu Kiểm , gốc từ Quảng Ngãi , gia đình lập nghiệp tại Ba Tri đã nhiều đời . Ông Kiểm dựng chợ Trong , bây giờ là chợ Ba Tri , cạnh rạch Ba Tri , giúp cho bà con có chỗ làm ăn buôn bán . Sau đó có tên Xã Hạc ở chợ Ngoài làm trò ngang ngược là đắp đập ngăn chặn , ghe thuyền từ sông Hàm Luông không vào chợ Trong được !
Kiện lên phủ Huyện thì bị xử thua với lập luận : " Mỗi làng đều có quyền đắp đập trong địa phận làng mình " , nghe rất giống lập luận của các quan tham nhũng Việt Nam ngày nay !
Ông Cả Kiểm cùng dân buôn bán ở chợ Trong không chấp nhận phán quyết của phủ Huyện , Ông liền cùng hai ông già nữa là Nguyễn Văn Tới và Lê Văn Lợi , khăn gói đi bộ xuyên Việt từ Ba Tri ra triều đình ngoài Huế , khoảng cách đến 1.200km , để đưa đơn lên nhờ vua phúc thẩm lại phán quyết bất công kia !
Sau thời gian dài , đi bộ ba tháng trời , mấy Ông già Ba Tri cũng tới Huế . Vua Minh Mạng vừa lên ngôi , thụ lý vụ án rồi phán rằng :
" Làng thì riêng , rạch thì chung , quan cai trị phải xuống coi phá đập " !
Người đứng đầu cả nước mà thượng tôn pháp luật và biết nghe dân đen như vậy thì xem ra thời bây giờ thua xa hồi chế độ phong kiến ! Thật là cay đắng và mỉa mai khi chế độ phong kiến bị cho là thối nát , bị dẹp bỏ rồi thay vào đó là một chế độ mà hiện nay quan chức trên cao chung tay với cường hào ác bá bên dưới , tìm mọi cách ăn trên đầu trên cổ nhân dân , lấy hào quang chiến công của cha ông ra để làm bia đở đạn hoặc hù họa , chụp mũ những ai lên tiếng nói lên sự thật của những chuyện bất công !
Từ sau lần kiện tụng thành công đó , dân Bến Tre gọi Ông Cả Kiểm là Ông già Ba Tri , đã trở thành một thành ngữ phổ biến trong dân gian cả nước Ta , để nói về những ông già quắc thước , cứng cỏi , đức độ , không chịu khuất phục bất công , cương quyết đấu tranh cho lẽ phải , bảo vệ công lý .
Vẫn còn ở địa phận tỉnh Bến Tre nên mình cũng xin được " tâm tình " một chuyện liên quan đến một giáo sư người Ba Tri . Lúc còn đi làm với tư cách là phiên dịch và biên dịch tuyên thệ tại tòa án Berlin , mình may mắn có được một đồng nghiệp đàn anh lớn tuổi hơn , thường giúp đỡ , hổ trợ trong chuyện công ăn việc làm với tính cách " Thi ân bất cầu báo " , rất nghĩa hiệp , có phảng phất phong cách của Ông già Ba Tri .
Thầy Phạm Ngọc Đảnh - trước năm 1975 là giáo sư trung học Petrus Ký , bây giờ là trường Lê Hồng Phong , thầy dạy môn Triết học và Đức ngữ cho những lớp tú tài 2 . Thời gian sống ở Berlin thầy có nhiều cống hiến cho cộng đồng người Việt Nam , những năm cuối đời thầy không còn là thầy dạy học mà là . . . thầy tu !
Thầy đã qua đời và được yên nghỉ trên quê hương Ba Tri .
Km 108 - Cầu Rạch Miễu qua sông Tiền Giang , trên quốc lộ 60 .
Đây là cây cầu lớn thứ ba ở đồng bằng sông Cửu Long , đặc biệt là do chính các kỹ sư Việt Nam thiết kế và thi công theo công nghệ mới . Cầu Mỹ Thuận do người Úc làm , còn cầu Cần Thơ thì người Nhật làm !
Cầu số 1 dài 1.878m và cầu số 2 dài 990m , bắc qua cù lao Thới Sơn trên sông Tiền , chiều cao tĩnh không thông thuyền là 37,5m , được sử dụng từ đầu năm 2009 , làm cho Bến Tre trở nên rất gần gũi vì chỉ còn cách Sài Gòn chưa tới 90km !
Nhưng phải nói là cầu hẹp quá , chỉ có hai làn xe cho cả hai chiều , những dịp nghỉ , ngày lễ , nhứt là trong dịp Tết đã xảy ra kẹt xe trầm trọng . Hiện nay đang tìm nguồn vốn cho dự án cầu Rạch Miễu 2 , cách cầu Rạch Miễu khoảng 3km về phía thượng lưu .
Km 113 - Thành phố Mỹ Tho , thủ phủ của tỉnh Tiền Giang , chỉ còn cách Sài Gòn 75km về phía tây nam , trên quốc lộ 1A . Gần Sài Gòn có điểm lợi là có nhiều khách đến chơi nhưng lại là du lịch " sáng đi chiều về " hoặc đi tiếp , không lưu trú nên mạng lưới khách sạn , nhà nghỉ không phải là điểm mạnh nơi đây .
Những lần trước mình ở khách sạn nhà nước , nhếch nhác và không rẻ ! Lần này có được phòng nghỉ , tiện nghi tốt và giá dễ chịu , ngay trung tâm phố chợ , gần sông Bảo Định Giang và không xa sông Tiền Giang .
Mỹ Tho có những điểm du lịch thường được khách ghé thăm như :
- Chùa Vĩnh Tràng , ở đường Nguyễn Trung Trực , có từ thế kỷ 19 , kiến trúc Âu - Á - Ấn .
- Nhà thờ Chánh tòa , đường Hùng Vương , được Cha Gẫm xây đầu thế kỷ 20 , mang dáng dấp tây âu .
- Đình Điều Hòa , trước có tên là Giang trạm Điều Hòa , đường Trịnh Hoài Đức . Đây là nơi nghỉ ngơi của các quan nhà Nguyễn xưa kia , lúc đi công cán , còn bảo tồn được một số di tích vật thể và phi vật thể của Tiền Giang .
- Đường Trưng Trắc bên sông Bảo Định Giang với bến phà Tân Long và công viên Thủ Khoa Huân .
- Đường Phan Thanh Giản với nhiều vựa rau củ quả từ các nơi chuyển về .
- Trại rắn Đồng Tâm , cách Mỹ Tho 9km . Còn gọi là Trung tâm Dược liệu Quân khu 9 , chuyên bào chế thuốc Nam , cấp cứu và điều trị các trường hợp bị rắn độc cắn . Nơi đây nuôi và trưng bày nhiều loại rắn , khỉ , gấu , kỳ đà . . . Có cả một nhà hàng với những món ăn được chế biến từ rắn !
- Di tích tượng đài chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút , cách Mỹ Tho 12km về phía tây , trên tỉnh lộ 864 bên sông Tiền Giang , địa điểm xưa kia Nguyễn Huệ đánh tan tành 50.000 quân thủy bộ của Xiêm vào ngày 20 tháng 1 năm 1785 .
- Tuyến du lịch , đi từ bến tàu Mỹ Tho đường 30 tháng 4 , lênh đênh trên sông Tiền Giang ngắm và ghé 4 cù lao Long - Lân - Qui - Phụng .
Những lần trước mình đã có dịp tham quan mấy địa điểm kể trên nên lần này là du lịch . . . không chủ đề ! Nghỉ ngơi xong , lấy xe máy dạo lòng vòng phố xá , đến 18g là có mặt tại cà phê sân vườn tại nhà khách Tiền Giang , có hẹn với một người bạn !
Mỹ Tho cũng có một khu chợ đêm , ngay bến tàu du lịch , đèn đuốc sáng choang với rất nhiều xe bán hàng ăn uống . Mời các bạn thưởng thức những món hấp dẫn của Mỹ Tho :
- Nổi tiếng và dễ tìm , dễ ăn nhứt là Hủ tiếu Mỹ Tho , chắc khỏi miêu tả vì ai cũng biết !
- Ốc gạo Tân Phong . Ốc luộc nóng , vàng ươm , béo , giòn chấm với nước mắm chanh ớt gừng . Nhưng so với con ốc gạo ngoài miền Trung thì ốc gạo trong Nam này phải gọi là . . . Đại Cồ Việt !
- Vú sữa Lò Rèn , mỏng vỏ nhỏ hột dày thịt , rất được ưa chuộng .
Đêm cuối cùng của cuộc " Thiên lý độc hành " trôi qua êm đềm bên sông Tiền Giang . Chào đón ngày mới là trời xanh mây trắng và . . . không có dấu hiệu sẽ bị mưa !
Mình không đi theo quốc lộ 1A mà đi theo quốc lộ 50 . Từ trung tâm , qua cầu Quay trên sông Bảo Định Giang , và cứ đi thẳng - theo hướng đông , ta sẽ vào quốc lộ 50 dẫn đến Gò Công .
Lần trước mình đi trên quốc lộ 50 này thì đó là " con đường đau khổ " vì làm hoài , kéo dài nhiều năm mà không xong , đầy những hầm hố và bụi mù trời ! Lần này , sau 8 năm , đường đã làm xong , rộng hơn xưa và cũng được trải nhựa đàng hoàng .
Đây là điều đáng mừng , cũng phải nói ra , cũng như là nhiều cây cầu lớn đã bắc qua những nhánh của sông Cửu Long như cầu Mỹ Thuận , cầu Cần Thơ , cầu Rạch Miễu , cầu Hàm Luông , cầu Cổ Chiên . . . Nhưng những thành tựu này còn quá khiêm nhường so với vô vàn chuyện thối nát , tham nhũng , lũng đoạn , tàn phá non sông gấm vóc với qui mô vô cùng lớn ! Giống như đi thi 10 môn thì đậu được . . . 1 môn , còn 9 môn còn lại thì . . . bị rớt !
Hai bên đường là cánh đồng lúa Tiền Giang , thuộc huyện Chợ Gạo . Nghe cái tên ta có có thể phỏng đoán là vùng này có nhiều lúa gạo .
Km 10 - Thị trấn Chợ Gạo , nằm cạnh ba nhánh sông nước đó là : sông Kỳ Hôn , sông Cầu Sập và kênh Chợ Gạo . Sông Kỳ Hôn thông qua kênh Chợ Gạo làm thành sông Trà nối sông Tiền Giang với sông Vàm Cỏ , sông Soài Rạp để về Sài Gòn .
Km 35 - Thị xã Gò Công . Một nơi ít được nhắc nhở đến , nằm ở một góc yên lặng cách Sài Gòn 60km về phía nam . Đã gần giữa trưa , cũng đến lúc nghỉ một tí và ăn trưa luôn . Mời các bạn thưởng thức mắm tôm chà Gò Công !
Đây là nghề cha truyền con nối . Nguyên liệu là tôm đất , làm sạch rồi ướp gia vị , cho vào cối quết nhuyễn và chà mạnh để thịt tách ra khỏi vỏ tôm , sau đó phơi nắng khoảng 10 - 15 ngày cho " chín " . Món này xưa kia được tiến cung , dâng cho vua dùng và được vua khen nức nở !
Thường người ta cuốn bánh tráng với thịt ba rọi cắt mỏng , kèm rau sống chuối chát khế chua dưa chuột ngò gai và bún tươi , chấm ngập trong chén mắm tôm chà . Bon Appetit !
Lần nào mình đi ngang Gò Công cũng gặp mặt trời chói chang ở trên cao nên chụp hình tượng Ông Trương Định đều bị ngược nắng ! Lần này ghé kính viếng lăng mộ và đền thờ Ông , ngay trung tâm thị xã .
Trên đường về Sài Gòn , cách khu phố xá chừng 3km về hướng bắc , phía bên trái có con đường đất dẫn đến Lăng Hoàng Gia , cách quốc lộ 50 khoảng 150m .
Đây là lăng mộ và đền thờ ông Phạm Đăng Hưng , được xây dựng năm 1826 . Vua Minh Mạng gả công chúa cho con trai ông là Phạm Đăng Thuật và cũng vua Minh Mạng cưới con gái của ông là Phạm Thị Hằng cho hoàng tử Miên Tông - sau đó là vua Thiệu Trị . Phạm Thị Hằng là Bà Từ Dụ mà mọi người lâu nay đều đã gọi nhầm là Từ Dũ !
Đến viếng mộ Đức Quốc Công , Thượng thư bộ lễ Phạm Đăng Hưng , từ bên ngoài ta sẽ thấy bên trái có một nhà bia với tấm bia đá cao hơn 2 thước . Phía trên có hình cây thánh giá , phía dưới có hàng chữ tiếng Pháp : Đây là nơi an nghỉ của đại úy Barbe " , nhưng nhìn kỹ thêm nữa ta sẽ phát hiện một bài văn bia chi chít chữ Hán ?
Bia đá này do Phan Thanh Giản và Trương Quốc Dụng , mà nhiều người thường gọi nhầm là Trương Quốc Dung , soạn năm 1857 nhằm ca ngợi ông Phạm Đăng Hưng . Vua Tự Đức cho chở tấm bia bằng thuyền từ Huế vào Gò Công nhưng tấm bia không đến đích , mất tích rất bí ẩn ! Năm 1899 , vua Thành Thái cho trùng tu lăng và dựng nhà bia bên phải với tấm bia khác và nội dung giống như tấm bia đã thất lạc dưới thời Tự Đức .
Đến lúc giải tỏa nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi , quận 1 Sài Gòn , thời điểm 1983 - 1986 , để xây thay vào đó một công viên cây xanh , lúc này người ta thấy có một tấm bia đá mà lại có khắc chữ Pháp và . . . chữ Hán ! Các nhà nghiên cứu mới phát hiện một sự thật ngỡ ngàng : Tấm bia do vua Tự Đức ban tặng cho ông ngoại Phạm Đăng Hưng đã bị giặc Pháp cướp khi chuyển xuống Gò Công năm 1859 .
Tháng 12 năm 1860 , đại úy Barbe bị nghĩa quân Trương Định phục kích , kết liễu cuộc đời tên giặc xâm lược . Người ta lấy tấm bia đá của ông Phạm Đăng Hưng , khắc chữ Pháp đè lên chữ Hán , làm bia mộ cho tên thực dân Barbe .
Năm 1998 Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh tặng tấm bia mộ lịch sử này cho Khu di tích Lăng Hoàng Gia . Sau 140 năm dài " lầm đường lạc lối " tấm bia đá , cuối cùng đã được đặt đúng vị trí của nó , coi như một cái kết có hậu !
Chắc nhiều bạn có biết " Con nhạn trắng Gò Công " , biệt danh do nhà thơ Kiên Giang Hà Huy Hà tặng cho ca sĩ Phương Dung , đứa con cưng của Gò Công .
Phương Dung nổi tiếng lúc còn là cô nữ sinh áo trắng 17 tuổi với nhạc phẩm " Nỗi buồn gác trọ " của Mạnh Phát và Hoài Linh năm 1962 .
Bâng khuâng gác vắng khêu tim đèn đêm
Nhớ nhung đi vào quên ,
Sông sâu cố nhân ơi đi về đâu ,
Gởi hồn chìm vào đôi mắt ,
Ái ân chưa trọn để ngàn đời nhớ nhau !
Liền sau đó là những bài hát gắn bó với tên Phương Dung :
- Khúc hát ân tình , Xuân Tiên - Y Vân .
- Đố ai , Phạm Duy .
- Sắc hoa màu nhớ , Nguyễn Văn Đông .
- Tạ từ trong đêm , Trần Thiện Thanh . . .
Xin được trở lại quốc lộ 50 với hành trình . . . tiến về Sài Gòn !
Km 50 - cầu Mỹ Lợi . Đây là cây cầu lớn bắc qua sông Vàm Cỏ , nối Gò Công với Long An và Sài Gòn , vô cùng quan trọng đối với cả khu vực Gò Công , dài 1.422m rộng 12m , khánh thành cuối tháng 8 năm 2015 , và chỉ còn cách Sài Gòn 40km .
Qua khỏi cầu Mỹ Lợi vài cây số là thị trấn Cần Đước và thị trấn Cần Giuộc . Sau Cần Giuộc vài cây số là vào địa phận của Sài Gòn , mật độ xe cộ cao dần và quốc lộ 50 chấm dứt tại nơi cầu Chà Và gặp đại lộ Võ Văn Kiệt sau 90km !
Về đến nhà an toàn khỏe mạnh sau chuyến thiên lý độc hành qua các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long . Cảm ơn các bạn đã cùng " đồng hành " trên những nẻo đường của đất nước , đã đóng góp nhiều bình luận rất vui , rất hay !
Nguyễn Chí Hoài Nhơn