Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • NhaGiuXe1200
  • hinhCu 1200
  • CD4 1200
  • DaiThinhDuong1200

Cù Lao Xanh - xã đảo Nhơn Châu , rộng 365 héc ta với khoảng 2.300 cư dân , thuộc thành phố Qui Nhơn tỉnh Bình Định . Trên bản đồ hàng hải quốc tế , từ xưa đảo này có tên là Poulo Gambir . Có câu ca dao :

Bình Định có núi Vọng Phu ,
Có đầm Thị Nại , có Cù lao Xanh .

Đảo nằm cách thành phố Qui Nhơn 23km về hướng đông-nam nhưng chỉ cách bãi biển Xuân Hoài xã Xuân Hòa huyện Sông Cầu tỉnh Phú Yên 9km về hướng đông-bắc . Trường hợp này giống như đảo Corse nằm gần nước Ý nhưng thuộc về Pháp , và đảo Phú Quốc tuy về địa lý rất gần Campuchia nhưng thuộc về nước Việt Nam .

Nếu viết về hành trình từ Sài Gòn đi Qui Nhơn , sẽ có khoảng 6 bài du ký hơi dài , nên mình xin phép kể lướt qua thôi và bù lại sẽ đăng thêm hình ảnh ghi lại những gì đã thấy trên đường đi . Vì muốn tránh những quốc lộ , những đường lớn nhiều xe hơi xe to tải trọng nặng nên ưu tiên chọn Đường Ven Biển , từ Vũng Tàu dọc theo Biển Đông ra Miền Trung .

Vẫn là chuyến đi "Đơn thân độc mã - Một mình một ngựa" với Honda Wave Alpha 100cc Màu tím hoa Sim , đã 18 năm tuổi và lăn bánh hơn 120.000km , qua gần hết các nước trong khối ASEAN nhưng chạy vẫn rất tốt , an toàn và xứng đáng để được tin cậy .

Tạm biệt Sài Gòn , nhắm hướng nam thẳng tiến , vượt phà Bình Khánh , đi trên đường Rừng Sát to rộng vắng xe , ngang qua khu du lịch Rừng Sát và đảo khỉ , nơi có rất nhiều khỉ sinh sống trong rừng đước . Đến bến phà Cần Thạnh - thị trấn Cần Giờ . Vượt biển 40 phút bằng phà to , đến và nghỉ tại Vũng Tàu .


Đường Rừng Sác chạy dài vài chục cây số , giữa rừng cây đước bao la bát ngát .

Hôm sau bắt đầu đi trên con đường có tên chính thức là Đường Ven Biển , từ Vũng Tàu qua Long Hải - cửa biển Lộc An - biển Hồ Tràm . Rời biển Hồ Tràm đi vòng ngang qua chợ Bà Tô - Xuyên Mộc , đến thị trấn Hòa Bình thăm ông bạn nhà giáo nhà thơ Huỳnh Minh Lệ , bạn từ lớp 6 trung học Cường Để - Qui Nhơn .

Vườn nhà bạn rộng mênh mông , chẳng những nhiều hoa thơm cỏ lạ mà còn có rất nhiều cây trái . Được một dịp thưởng thức đủ loại hoa quả ngon và sạch , bảo đảm không có hóa chất . Tạm biệt bạn già , tiếp tục qua Đầm nước sôi - khu du lịch Bình Châu , đến nghỉ tại thị xã La Gi . Nơi này trước năm 1975 thuộc tỉnh Bình Tuy .

 
Dùng bữa trưa với nhau xong , được thưởng thức thêm trái cây đủ loại trong vườn nhà , bảo đảm không hóa chất .

Ngày thứ ba của hành trình , ghé viếng Dinh Thầy Thiếm gần La Gi và hải đăng Kê Gà , dùng bữa trưa ở Phan Thiết , đi tiếp qua Mũi Né - Hòn Rơm - Phan Rí Cửa . Chiều muộn ghé nghỉ gần Chùa Cổ Thạch , bên cạnh Bãi Đá 7 màu . Từ đây không còn Đường Ven Biển nữa .

Hôm sau phải đi trên quốc lộ 1A , bị đi chung với nhiều xe khách giường nằm to lớn , xe trọng tải nặng nên khá vất vả và nguy hiểm . Qua suối khoáng Vĩnh Hảo - nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân , ghé ăn trưa ở Resort Hòn Cò ngay bên bãi biển Cà Ná xanh - sạch - đẹp .


Biển Đông ở đoạn này đẹp nhưng toàn bãi đá và cây thích hợp với vùng đất ít nước như xương rồng .

Từ Cà Ná , được đi 46km Đường Ven Biển Ninh Thuận - Đường tỉnh 701 rất đẹp , vắng xe . Đi giữa những ruộng muối và những bãi chứa muối cao như một ngọn đồi , qua nhiều đoạn quanh co trên núi đá , bên dưới là vùng đất ít mưa khô hạn quanh năm , nhiều cây xương rồng , những bãi biển toàn đá và đá . Sau 20km có đường quẹo hướng biển , đi bộ một đoạn ra Bãi Tràng và xa hơn nữa là hải đăng Mũi Dinh . Đến và nghỉ tại Phan Rang .

Phan Rang - Nha Trang chỉ 105km nên buổi sáng không vội vàng , ghé tham quan trang trại trồng nho của ông Ba Mọi , và tháp Chăm Po Klong Garai cũng gần đó . Từ Phan Rang , có Đường Ven Biển - Đường tỉnh 702 , qua khu du lịch Hang Rái - Vườn Quốc Gia Núi Chúa . Nghỉ và ăn trưa ngay bên biển vịnh Vĩnh Hy , cách Phan Rang 38km , địa điểm du lịch đang được nhiều người tìm đến .

 
Toàn cảnh Vịnh Vĩnh Hy.

Mấy năm gần đây , Đường tỉnh 702 đã thông suốt từ Phan Rang đi ven biển đến Ngả 3 Mỹ Thanh - quốc lộ 1A , phía nam Cam Ranh . Đường 702 đoạn này đi ngoằn ngoèo - quanh co - khúc khuỷu trên núi cao , nhìn ra Biển Đông . Thỉnh thoảng lại hiện ra một bãi biển vắng không người - cát trắng mịn - nước trong xanh - đẹp tuyệt vời . Đoạn đường từ Vịnh Vĩnh Hy đi ra quốc lộ 1A ở Ngả 3 Mỹ Thanh dài 30km , vẫn còn tốt và phong cảnh rất đẹp .

Thành phố Cam Ranh trải dài hơn mười mấy cây số theo trục Bắc-Nam . phía bắc Cam Ranh có Ngả 3 Bưu Điện Mỹ Ca , quẹo phải ra hướng biển và phi trường . Đường này được thiết kế rất rộng , có đoạn vòng vèo trên đèo núi Cù Hin , một bên là núi cao một bên là Biển Đông , thỉnh thoảng thấy có một khu du lịch cao cấp nhiều sao , trước khi về đến Nha Trang , sau 40km từ Ngả 3 Bưu Điện Mỹ Ca - quốc lộ 1A .

 
Đại lộ Nguyễn Tất Thành , từ phi trường Cam Ranh dẫn về thành phố Nha Trang . Hai bên đường toàn Resort và khách sạn , nhiều khu căn hộ cao cấp nhưng vắng như chùa Bà Đanh .

Nha Trang thì ai cũng biết và có lần ghé qua nên không cần kể thêm trong bài này . Mình nghỉ ngơi ở đây vài ngày rồi tiếp tục hành trình đi về phương Bắc . Đoạn đầu đi ven biển Nha Trang ra Ngả 3 Lương Sơn , rồi đi trên quốc lộ 1A nhưng cũng được đi ven biển , đúng hơn là ven theo Vịnh Nha Phu , qua thị xã Ninh Hòa , bán đảo Hòn Hèo , thị trấn Vạn Giã , đến thăm ông bạn Nguyễn Văn Thiện ở Tu Bông .

Bạn từ thời tiểu học Mai Xuân Thưởng - Qui Nhơn , cũng là bạn hàng xóm , thường cùng đi tắm biển mỗi buổi sáng sớm . Sau khi tốt nghiệp "trường cải tạo" , Thiện về quê Ông Nội - cụ Chánh Tổng Tu Bông xưa kia , lập gia đình và sống yên ổn cho tới bây giờ , không chịu đi Mỹ theo chương trình HO .

Vừa rời Tu Bông là gặp ngay đèo Cổ Mã - bán đảo Đầm Môn - bãi biển Đại Lãnh - đèo Cả . Bán đảo Đầm Môn sở hữu rất nhiều bãi biển cát trắng - nước trong - hoang sơ - xinh đẹp và xứng đáng có riêng một bài giới thiệu thiên nhiên nơi đây . Đèo Cả dài 12km và đã an toàn hơn xưa . Đi gần hết đèo Cả sẽ gặp Ngả 3 quốc lộ 29 , rời quốc lộ 1A quẹo phải để xuống Vũng Rô .

Đường Ven Biển , xuyên làng chài Vũng Rô , qua Khu tượng đài kỷ niệm những Chuyến tàu Không số , hải đăng Mũi Điện - Điểm thấy bình minh - mặt trời mọc sớm nhứt trên đất Việt Nam . Gần đó là biển Bãi Môn và Bãi Tiên hoang sơ - vắng vẻ - tuyệt đẹp . Đoạn từ Ngả 3 trên đèo Cả gặp quốc lộ 29 , về đến Tuy Hòa đẹp và dài 42km . Nghỉ đêm cuối ở Tuy Hòa trước khi về quê nhà Qui Nhơn .

 
Bãi Môn , dưới chân núi hải đăng Mũi Điện , nơi đón bình minh sớm nhứt trên đất liền Việt Nam.

Tuy Hòa phát triển khá trể so với nhiều nơi khác , nên vẫn còn vô số khu đất rộng và đẹp ven biển , có rất nhiều cơ hội tốt để qui hoạch xây dựng thành phố nhưng vẫn thấy nơi đây ì ạch chưa "vươn hình hài lớn dậy" . Từ Tuy Hòa có quốc lộ 25 và quốc lộ 29 , dẫn lên Cao nguyên Trung phần , đến Pleiku - Kon Tum - Ban Mê Thuột rất thuận tiện .

Con đường dọc theo biển của Tuy Hòa , dẫn mình đi về hướng bắc , quanh co len lỏi xuyên nhiều thôn - xóm - làng - xã , qua Đầm Ô Loan với sò huyết ngon nổi tiếng , đến Khu du lịch Gành Đá Dĩa , được chiêm ngưỡng hiện tượng vô cùng độc đáo của núi lửa phun trào cách đây hàng triệu năm .

Gần ra đến quốc lộ 1A , khách ghé tham quan nhà thờ cổ kính Mằng Lăng , đã được nhiều trăm năm tuổi . Phía sau nhà thờ có Cô nhi viện Mằng Lăng , đang cưu mang dạy dỗ các cháu mồ côi , thường được khách ghé thăm và giúp đỡ .

 
Nhà thờ cổ kính Mằng Lăng

Qua Vịnh Xuân Đài , thị xã Sông Cầu , đi thêm một đoạn sẽ gặp Ngả 3 cầu Bình Phú - chắc là ghép từ Bình Định và Phú Yên . Đây là Đường Ven Biển , có hơn 20 năm nay và cũng là đường tắt để về Qui Nhơn , có đoạn đi ven trên lưng chừng núi , nhìn xuống Biển Đông , thấy cù lao Xanh hiện ra trước mắt rất gần , chỉ cách khoảng 9km . Thỉnh thoảng có một Resort - khách sạn cao cấp , bên cạnh là cát trắng biển xanh . Sau 30km , về đến trung tâm Qui Nhơn .

Lần này về Qui Nhơn , ông bạn Nguyễn Tấn Việt có dặn là đừng ở khách sạn mà đến nhà bạn , trong khu dân cư mới , gần cầu Đống Đa - sông Hà Thanh . Bạn đang dưỡng bệnh , đau cột sống cổ và cột sống lưng , mỗi buổi sáng bơi ngoài biển và siêng tập vật lý trị liệu , ở một mình trong căn nhà lầu rộng mênh mông .

Thời tiết lý tưởng - nắng ráo - sóng êm biển lặng nên hai đứa lên chương trình đi chơi một chuyến ra cù lao Xanh , sau . . . 50 năm . Xin phép được ôn lại những kỷ niệm trước đây , từ 3 lần "đổ bộ" lên hòn đảo xanh tươi xinh đẹp này .

Cuối năm 1970 , đang sinh hoạt Hướng Đạo . Lần đó cả thiếu đoàn Đống Đa thuộc liên đoàn Quang Trung - đạo Bình Định - châu Trường Sơn Hạ của tụi mình đi trên tàu há mồm , loại tàu đổ bộ LST - Landing Ship Tank . Cả bọn ngồi ở sàn tàu , tới cù lao Xanh , mũi tàu bật ra hạ xuống - há mồm , làm thành lối đi để mọi người "đổ bộ" lên bãi biển Cù lao Xanh . Chuyến này đi lúc sáng sớm và buổi chiều về lại Qui Nhơn nên không còn nhớ nhiều .

Lần thứ nhì ra cù lao Xanh , khoảng hè 1971 . Cũng đi cả thiếu đoàn Đống Đa nhưng do 4 anh đội trưởng các đội Sư tử - Hổ - Hươu - Beo , dẫn anh em xuống xóm chài khu 1 , thuê thuyền chở mấy chục đứa vượt biển , đi thám du hòn đảo này .

Tới cù lao Xanh , cả bọn đều đồng phục chỉnh tề , tay nắm gậy thiếu sinh , vai mang ba lô , đi theo hàng một , băng qua bãi biển , đến cuối làng , đi ngang qua mấy khoảng đất ruộng vườn , rồi bắt đầu trực chỉ theo con đường ven núi , lên ngọn hải đăng trên cao .

Hải đăng nằm ở một khoảng đất bằng trên núi cao , bên cạnh là một ngôi nhà đúc bê tông 2 tầng to lớn rất kiên cố , được xây từ thời Pháp thuộc , dùng để quản lý và vận hành hải đăng . Đặc biệt có một tầng hầm sâu vài thước ngay dưới nền nhà , rộng cả trăm mét vuông , chứa nước mưa , dùng không bao giờ hết .

Bốn đội chia nhau án ngữ bốn góc , dưới mấy cây bàng cổ thụ , dựng lều trại , kê mấy hòn đá hoặc cắm cọc làm bếp . Mình vẫn còn nhớ mấy con sâu róm xanh lè , to gần bằng ngón tay út , từ trên mấy cây bàng rớt xuống chỗ cắm trại rất nhiều . Đội hình thiếu đoàn Đống Đa thời gian này rất mạnh , toàn là những Hướng Đạo Sinh giỏi chuyên môn về kỹ năng để sống sót tồn tại trong thiên nhiên , học hành siêng năng - chăm chỉ - gương mẫu .

Đội trưởng nhứt Hoàng Kim Hùng , Giáo sư thạc sĩ đang dạy học ở thủ đô Nouméa - Nouvelle Caledonie gần nước Úc . Đội trưởng sư tử Lê Đình Long đang sống nhàn hạ bên California . Đội trưởng hổ Tô Bá Tùng nay là doanh nhân thành đạt ở Qui Nhơn , chủ khách sạn , cỡi mô tô phân khối lớn đi chơi khắp nơi . Đội trưởng hươu Nguyễn Thọ , hưu trí bên Mỹ , vẫn dồi dào sức khỏe , tung tăng khắp nơi , hoạt động hăng say trong hội Liên Trường Qui Nhơn .

Ở kỳ cắm trại này , mình đã là đội phó đội beo , anh Phan Thanh Thảo là đội trưởng . Đáng buồn là anh Thảo đã ra đi mãi mãi trong đêm lửa trại định mệnh tối 8 tháng 1 năm 1972 tại sân vận động Qui Nhơn . Lần đó , lựu đạn nổ ngay trước mặt mình , cách chỉ vài thước mà được may mắn thoát chết . Năm mươi mấy năm vừa qua , lần nào về Qui Nhơn mình đều ghé nghĩa trang Phật Giáo viếng mộ và thắp hương , tưởng nhớ đến người đàn anh tài ba - hiền hòa - dễ mến nhưng vắn số .

Phá phách nhứt là đội trưởng Tô Bá Tùng - đội hổ . Có một đêm , tất cả anh em đội beo đang ngủ say trong lều bổng đều choàng thức dậy vì mũi bị cay quá xá không chịu nỗi , nhảy mũi hách xì liên tục . Sau đó , "điều tra" thì tội phạm chủ mưu là đội hổ , đã khéo léo rắc tiêu vào mũi mấy đứa đội beo , trong đó có mình , bị cay quá trời luôn ! Lần tới về Qui Nhơn chắc phải gặp anh Tô Bá Tùng - đội hổ , đòi "bồi thường thiệt hại" cho sự cố cù lao Xanh .

Còn một kỷ niệm nữa . Hàng ngày , có một thằng bé nhỏ xíu , chỉ chừng 5 - 6 tuổi , chăn con bò cái thường gặm cỏ lẩn quẩn quanh hải đăng . Một hôm mình thấy thằng bé ngồi ngậm vú con bò , tỉnh bơ bú sữa bò ngon lành . Hồi đó chỉ có Phan Văn Thịnh - đội beo , có máy chụp hình 36 thành 72 tấm , nên bây giờ mình chỉ còn những hình ảnh này trong trí nhớ .

Lần thứ 3 , cũng trong năm 1971 vào dịp cuối mùa hè , cũng 4 đội của thiếu đoàn Đống Đa . Mấy anh đội trưởng đã lớn nên rời thiếu đoàn và hoạt động ở kha đoàn , tụi mình được đôn lên một bậc , đều là đội trưởng , đội hình cũng giỏi giang vững vàng gồm : Văn Công Mỹ - đội sư tử , Nguyễn Ngọc Hội - đội hổ , Nguyễn Ngọc Châu - đội hươu và Hoài Nhơn - đội beo .

Lúc về Qui Nhơn , ghe tàu khởi hành rất sớm nên cả 4 đội xuống núi , dựng lều trại phía cuối làng chài gần mấy cánh đồng cỏ , sáng sớm lên tàu cho tiện . Mình nhớ nhứt là buổi tối ngoài biển có ánh sáng lóng lánh từ dưới biển chiếu lên , đẹp lung linh - huyền bí - ma quái .

Tìm hiểu thì nguồn sáng này có từ những con sò , những rạn san hô hoặc rong rêu có chứa chất lân tinh - Phosphor , tạo những vệt sáng , cũng giống như một số vỏ cây trong rừng hoặc đom đóm có mang chất lân tinh phát sáng trong đêm tối .

Giờ đây biển không còn san hô nữa vì có một thời gian dài sau 1975 , đời sống khó khăn thiếu thốn nên dân nơi đây đã ra tay "tận dụng - tận diệt - tàn sát" những rạn san hô đẹp tuyệt vời chung quanh đảo để nung thành vôi !

Từ đó , và nhứt là sau 1975 , cuộc đời chia như những nhánh sông , mỗi người phiêu bạt trôi dạt mỗi ngả theo giòng đời . Bây giờ có dịp mà không nắm bắt ngay cơ hội thì biết bao giờ sẽ trở lại Cù lao Xanh vì đối với người có tuổi thì "Chuyến đi nào cũng có thể là chuyến cuối cùng" .

Muốn viết về chuyến đi cù lao Xanh thời nay mà lại lạc đường , mê mẩn kể toàn chuyện thời xưa lòng thòng dài dòng quá , xin lỗi các bạn ! Đành xin hẹn tới bài sau , truyện tàu gọi là "Hạ hồi phân giải" .

Nguyễn Chi Hoài Nhơn

Photos: https://photos.app.goo.gl/UFG3wY92JHJueRHQ6

 

Thêm bình luận