Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • hinhCu 1200
  • CD4 1200
  • DaiThinhDuong1200
  • NhaGiuXe1200

Hà Nội : 4 ngày.

Từ tháng 10 trở đi, khí hậu ở miền Bắc rất thích hợp để đi du lịch, mùa thu thì vàng và cái rét đầu đông hiu hiu giá lạnh rất dễ chịu !

Những địa điểm nằm trong chương trình thăm quan là : Lăng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Lịch Sử, Bảo tàng Cách mạng, Bảo tàng Mỹ Thuật, Bảo tàng Dân tộc học…

Ban ngày thì đi thăm các công trình văn hóa, chiều và tối thì đi la cà, lang thang khắp 36 phố phường, thế nào cũng gặp những quán café dễ thương, những quán ăn đặc sản Hà Nội…


Ngày 12 tháng 12.1998 , đã đem xe ra phố Phủ Doãn, phố xe mô tô của Hà Nội để sạc đầy 1 bình điện, thế là lên đường QL.6 hướng về Điện Biên Phủ , 480 km.

Ở ngoài Bắc không có trạm cung cấp xăng pha nhớt, lại cũng không có chai 250 cl như chai xá xị để làm đơn vị đong đếm, nên xe bị tắt máy liên tục, phải xả hết xăng ra và pha thật chính xác là 5% nhớt hòa với xăng. Vì đã bị trễ nên hôm nay chỉ đi được quá thành phố Hòa Bình, qua khỏi dốc cao, rẻ trái về hướng nam một đoạn là đến bản Lát – Mai Châu.

8 giờ tối có tiếng cồng chiêng nổi lên mời mọi người tham gia một cuộc gặp gở ở nhà sàn số 17…

Tối hôm đó có một đơn vị quân đội, một đoàn làm film với chàng diễn viên nổi tiếng và…mình, “lữ khách cô đơn” . Có một sự nhầm lẫn rất đáng yêu đó là các cô gái Thái xinh đẹp tưởng lầm mình cũng là “tài tử ciné ” nên nhiều cô hăm hở đến … xin chữ ký !!

Đây là lần đầu tiên và là lần duy nhất trong cuộc đời mình được các người đẹp “xin chữ ký “ , thật là vui !!!

Uống rượu cần

(Uống rượu cần với diễn viên Lê Tuấn Anh và các cô người Thái. Ảnh: Ng:Chí Hoài Nhơn)

Buổi tối thì được ngủ tại nhà sàn số 1, nệm được nhồi bằng cỏ lau thiên nhiên rất ấm và dễ chịu. Ngủ rất ngon !
Đường còn rất dài nên sáng hôm sau phải luyến tiếc lên đường. Hướng ra Quốc Lộ 6 đi Sơn La để lại “những bông hoa rừng, đời đời không tàn với khúc nhạc lòng tôi “ !

Thời tiết không còn là “Thu quyến rũ “ nữa mà đã là “cái rét đầu đông” ! Vậy là có bao nhiêu  quần áo đem ra mặc hết, áo lót, áo ka ki, áo da và thêm cái “áo mưa” ngoài cùng nữa !

Đôi giày săn-đan "hở hang" đã để lại Hà Nội, thay vào đó là một đôi giày cao tới  mắt cá chân và tất dày cộm cho ấm. Cuối cùng là phải có đôi bao tay để khỏi bị lạnh cóng mấy ngón tay !

Đoạn đường Mai Châu-Sơn La, 235 km là đọan đường dài nhất trong chuyến đi.

Sơn La xưa kia nổi tiếng với trại tù rất khắc nghiệt, nơi đã giam cầm, tra tấn những người yêu nước của ta rất dã man !

Sơn La-Điện Biên Phủ, 140 km, đường xấu, hẹp và nhiều dốc. Khởi hành sớm, trời lạnh, nhiều sương mù. Qua khỏi Thuận Châu là đến đèo Pha Đin quanh co 32 km, nhiều khúc cua rất nguy hiểm ! Đèo Pha Đin là cửa ngõ để vào Điện Biên Phủ nên đã bị phi cơ của Pháp đánh bom vô cùng ác liệt trong chiến dịch Biện Biên Phủ lịch sử năm 1954.

Đường đến Điện Biên

(Đường đến Tuần Giáo, Điện Biên. Ảnh: Ng:Chí Hoài Nhơn)

Xuống đèo Pha Đin là thị trấn Tuần Giáo, rẽ trái 70 km là tới Điện Biên Phủ, hai bên đường đầy tràn màu vàng của hoa dã quỳ.

Điên Biên Phủ, 2 ngày 14, 15.12.1998 . Nổi tiếng khắp thế giới với chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng !

Chặng Điên Biên Phủ - Lai Châu 100 km, đường rất xấu, rất vắng và ... cũng rất đẹp. Vẻ đẹp hoang sơ của rừng già, thấp thóang xa xa là những bản làng của người dân tộc thiểu số.
Lai Châu – Mường Lay là thị xã đang chờ để nằm dưới độ sâu vài chục mét của thủy điện Sơn La !

Điện Biên Phủ

(Đồi A1,cứ điểm Điện Biên Phủ. Ảnh: Ng:Chí Hoài Nhơn)

Hôm xuống đèo Bạch Mã thì bị đứt dây côn, hôm nay tới Phong Thổ cũng thế và phải thay dây côn mới … nhưng lại gặp rắc rối với bộ phận điện. Vậy là phải ghé Tam Đường để nghỉ và sạc điện cho tốt để hôm sau vượt dãy Hoàng Liên Sơn đến Sapa, Lào Cai.

Tam Đường – đèo Ô Quy Hồ - Sapa 80km. Đây là đọan đường chủ yếu vượt dãy núi Hng Liên Sơn đi từ tỉnh Lai Châu qua tỉnh Lào Cai. Suốt 80 km, đường lúc nào cũng quanh co, ngoằn ngòeo, khúc khủyu, dốc cao, vực sâu !

18 tháng 12 năm 1998, đến kịp Sapa vào dịp cuối tuần để coi thử Chợ tình ở Sapa nó ra làm sao !

Sapa nằm ở độ cao 1.600m, khí hậu luôn luôn mát mẻ, mùa đông thường rất lạnh, có lúc xuống 0oC, có cả tuyết rơi ! Thị xã nhỏ, đồi núi phố xá chập chùng, vài con đường quanh co trong phố, đặc biết là có rất nhiều người dân tộc Dao đỏ, người H’mông đi chợ, cũng như là “xuống phố” chơi ! Sapa có khu du lịch Hàm Rồng ngay trong thị xã, ở trên núi lên chơi rất tiện. Ngoài ra còn có một bãi đá cổ với nhiều tảng đá lớn cùng với những ký tự mà cho tới giờ vẫn chưa ai giải mã được !

Từ Sapa chỉ cần tuột dốc 35 km từ độ cao 1.600 m xuống đồng bằng là tới Lào Cai , thành phố ở ngã 3 sông Hồng và sông Nậm Thi, giáp với biên giới với thị trấn Hà Khẩu của Trung Quốc bên kia ngã 3 sông.

Sông Nậm Thi

(Hoài Nhơn trên sông Nậm Thi-Lào cai. Ảnh: Ng:Chí Hoài Nhơn)

Việc qua lại giữa 2 nước
Việt Nam và Trung Quốc khá dễ dàng. Như vậy tại sao không qua Tàu chơi  một chuyến ? Tình cờ lúc đang đi chơi bên Hà Khẩu gặp một  anh người Hoa ở Chợ Lớn ở bên này rất lâu, anh vui tính và đã thuyêt phục mình lưu lại ở Hà Khẩu 1 đêm !

Đi “chuyến đò vĩ tuyến” qua sông Nậm Thi về lại Việt Nam. Rời Lào Cai để đi 170 km đến Yên Bái. Phố xá của Yên Bái trải dài, lại thấy cờ xí rợp trời, treo khắp nơi mới sực nhớ lại hôm nay là ngày 22 tháng 12, kỷ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Ngày hôm sau cũng là một chặng đường 170 km, đi từ Yên Bái qua những đồi cây cọ của tỉnh Phú Thọ, ghé thăm đền Hùng, xong xuôi về tỉnh Vĩnh Phúc, đi dưới chân của dãy núi Tam Đảo, xong đến sân bay Nội Bài, rẻ phải vào xa lộ Nội Bài - Hà Nội 29 km. Đi trên cây cầu rất dài bắc qua sông Hồng. Vào ngày 8 tháng 12 mình đến Hà Nội theo Quốc lộ 1A từ phía nam ra, lần này đến Hà Nội từ phía bắc.

Hà Nội ngày 23, 24 tháng 12.1998.

Sài gòn ăn Noel rất lớn chứ vào thời điểm 1998 thì Hà Nội ăn Noel lặng lẽ thôi, thời tiết vẫn đẹp...
Ngày 25.12.1998, rời Hà Nội đi Hải Phòng qua Quốc lộ 5, 105 km. Thành phố lớn thứ nhì của miền Bắc, có khu nghỉ mát Đồ Sơn chỉ cách 22 km.

Đồ Sơn có rất nhiều bãi tắm, có nhiều đồi thông rất đẹp. Đặc biệt có cả 1 biệt thự của Vua Bảo Đại, có thể mua vé vào thăm quan.

Từ Hải Phòng đến vịnh Hạ Long, năm 1998  còn phải qua 2 cái phà. Phà Bính ngay Hải Phòng và phà Rừng. Qua khỏi phà Rừng có lối rẻ vào bãi cọc Bạch Đằng, một trong những địa điểm mà quân và dân Việt Nam đã đánh tan giặc Nguyên xâm lược vào thế kỷ 13.

Cô gái Trung Quốc

(Du ngoạn Vịnh Hạ Long. Ảnh: Ng:Chí Hoài Nhơn)

Đến Hạ Long, ngủ ở Bãi Cháy và có dịp được “Du ngoạn vịnh Hạ Long” với 1 đoàn các cô gái Trung Quốc, vì là “lữ khách cô đơn” nên được ghép vào đn các cô này !

Từ Hạ Long lên Lạng Sơn, thường thì tất cả các loại xe đều đi vòng qua Bắc Giang xa lắm ! Mình thử phiêu lưu nên đã chọn Quốc lộ 279, đi xuyên qua rừng Hà Bắc, đi thẳng qua Quốc lộ 1 để đến Lạng Sơn và hậu quả là …đi lạc trong rừng, vào các mỏ than và xe bị …hư, không nổ máy được !

May mà đón được xe chở than, chở giùm qua đèo Hạ My, nghỉ đêm và sửa xe tại thị trấn An Châu. Hôm sau đi ngay hồ Cấm Sơn ra Quốc lộ 1, về Lạng Sơn.

Quá giang xe than

(Quá giang xe chở than. Ảnh Ng:Chí Hoài Nhơn)

Đã đến Lạng Sơn thì đi 15 km lên Đồng Đăng, biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Thành phố không lớn lắn, có động và chùa Tam Thanh ngay trong phố.

Ngày cuối năm 31.12.1998, về xuôi. Đi ngang qua ải Chi Lăng, nới tướng giặc Liễu Thăng đã bị chém mất đầu. Lạng Sơn- Bắc Giang - Bắc Ninh - Hà Nội trên Quốc lộ 1 – 155 km, đường tốt, khí hậu nắng ráo, đi đường rất vui vì hôm nay kịp về Hà Nội để ăn tết Tây !

Ở chơi tại Hà Nội thêm vài ngày đầu năm 1999. Ngày 04.01.1999, cho xe mô tô lên ga Hàng Cỏ để chuyển vào Sài Gòn. Tối ngày 04.01.1999, mình từ giã Hà Nội, bay vào Sài Gòn, kết thúc chuyến đi vòng quanh đất nước Việt Nam 50 ngày, 4.000 km, đi qua 35 tỉnh, 3 lần bị tai nạn.

Viết xong tại Sóc Trăng, ngày 29 tháng 10 năm 2009
Nguyễn Chí Hoài Nhơn

Tái bút :
Lúc đang viết những hàng chữ này thì mình đang trên chuyến phiêu lưu mới : Hôm nay là ngày thứ 3 của chuyến đi Việt Nam –Kampuchea –Lào, dự định là 100 ngày sẽ về kịp SàiGòn để ăn tết Âm lịch 2010 !


Thêm bình luận


Đăng Nhập / Đăng Xuất