Havana, thủ đô của Cuba, là một trong những thành phố lớn trong vùng biển Caribbean, đã từng có một quá khứ huy hoàng khi đế quốc Tây Ban Nha xử dụng là cứ điểm gom thâu hàng hóa cuối cùng ở châu Mỹ trước khi được hộ tống về Âu Châu. Havana có các di tích lịch sử, kiến trúc thời thuộc địa vào thời thế kỷ 16 như lâu đài, nhà thờ và các công trình nghệ thuật cao cấp. Rất tiếc các di tích lịch sử ở đây đã không được chăm sóc đúng mức thời gian dài đã xuống cấp trầm trọng. Ngay giữa thành phố có những căn nhà bị sập đổ nhưng không có dấu hiệu đang được xây dưng trở lại.
Havana 14

Vụ mùa chính yếu ở đây là mía đường, nhưng thời gian đó (1998) giá đường trên thế giới xuống thấp, kinh tế Cuba lại thêm phần khó khăn. Kỷ nghệ du lịch đã cứu Cuba, mang lại một lượng ngoại tệ đáng kể và cần thiết nhất là sau khi không còn được sự trợ giúp của Liên Xô. Du lịch là con gà để trứng vàng, để bảo đảm an toàn cho du khách, mỗi góc đường ở trung tâm thành phố có một công an cầm súng đứng gác. Người dân đi lại trên đường phố không nhiều và nếu để ý trên những khuôn mặt thiếu vắng nụ cười thường có của người dân vùng Caribbean. Tuy là trung tâm thành phố nhưng không nhiều các cửa hàng buôn bán. Vào một cửa hàng buôn bán vật gia dụng, các quầy hàng trống trơn chỉ lèo tèo môt hai món hàng chất lương rất thấp. Cửa hàng này bán không cần tem phiếu nhưng dân Cuba phải trả bằng US dollars , thời gian này người dân còn được phép giữ tiền Mỹ. Người nào có bà con thân nhân nước ngoài tiếp tế sẽ có một đời sống dễ chịu hơn. Để nắm hầu bao của người dân chặt hơn và thâu vào tối đa ngoại tệ, hiện nay Cuba đã xử dụng tiền CUC (Cuba Convertible Peso) thay cho us dollars, du khách đến Cuba thường phải đổi và xài tiền CUC, dân trong nước xài tiền CUP (Cuban Peso).
Havana 1
Havana có một nghĩa địa và cũng là một địa điểm tham quan du lịch không nên bỏ qua khi viếng thăm Havana. Nghĩa trang Kha Luân Bố (Cemetario de Colon) là một trong những nghĩa trang nổi tiếng thế giới, hài cốt của Kha Luân Bố đã từng được di dời về đây từ Dominican Republic trước khi chuyển về Seville Tây Ban Nha. Du khách thường đến đây chụp hình và nghe kể lại như những câu chuyện về những ngôi mộ. Nổi tiếng nhất là ngôi mộ La Milagrosa, mộ của cô Amelia, vào năm 1901 Amelia Goyre de Hoy đã chết khi sinh con, hai me con được chôn chung với nhau với đứa bé được để dưới chân mẹ, vài năm sau khi bốc mộ người ta phát hiên ra đứa bé nằm trong vòng tay của mẹ. Người dân Cuba rất tin tưởng vào sự hiển linh của ngôi mộ này, họ thường đến đây cầu nguyện cho sự an lành đến với con cái và gia đình họ.

Với số lượng lớn tác phẩm nghệ thuật và đền thờ chất lượng cao, người ta cho rằng nghĩa địa này là một viện bảo tàng lộ thiên cũng không quá đáng. Có một bài báo viết chính phủ Cuba đã từng đem một số tượng trong nghĩa trang này qua Liên Xô trả nợ, không biết thực hư thế nào nhưng nếu có dịp bạn nên ghé thăm và tôi tin bạn sẽ không thất vọng.
Havana 2

Havana - Tha Hương Ngộ Cố Tri


Resort nằm trên một trong những bãi biển chính về hướng đông thủ đô Havana. Từ resort đến trung tâm thành phố đi xe khoảng 20 phút, đường đi vào trung tâm thành phố hai bên đất rẫy, cũng bụi chuối, rào tre, đàn gà dẫn con đi ăn, những hình ảnh rất thân quen ở thôn quê ở Vn. Đi trên đường tôi có cảm tưởng đang đi trên QL1 ngang qua tỉnh lỵ Xuân Lộc ngày xưa. Có khác chăng ở những ngã ba, ngã tư hàng trăm người đứng quá giang xe dọc đường. Do hệ thống chuyên chở công cộng yếu kém, Cuba có luật bắt buộc xe cộ phải ngừng lại chở những người quá giang trên đường, xe chở du khách không phải tuân thủ theo luật này.
Nghiên cứu trước ở Havana có một nhà hàng vn, gia đình tôi tìm đến đến ủng hộ đồng bào, trời đã trưa nhà hàng vẫn đóng cữa im lìm, chẳng một tấm biển thông báo giờ mở cữa, có lẽ chúng tôi đã không có duyên với nhà hàng đồng hương. Ở đây cũng có phố tàu, cơ ngơi khiêm tốn nhiều so với phố tàu ở các thành phố Bắc Mỹ. Những người buôn bán ở đây chẳng một ai da vàng mũi tẹt, nếu nhìn kỹ chỉ thấy một hai nét đông phương mờ nhạt trên khuông mặt họ. Dân tàu buôn bán ở đây đã cao bay, xa chạy trước cách mạng 1959. Bỏ sót lại đây đám con cháu đã lai nhiều đời.
Havana 12

Một hôm lang thang trong thành phố, tình cờ tôi gặp một chợ nhỏ như một chợ xổm quê mình. Trời đã trưa, người bán và người mua thưa thớt. Nhưng một hình ảnh quen thuộc đập mạnh vào mắt tôi, một bà lão ngồi bên lề đường, không gian hàng, không sạp gụ, trước mặt là tấm nylon với những nải chuối sứ. Chuối sứ vn, thứ trái cây tôi ưa thích, thời bấy giờ trái cây chưa được nhập cảng qua Bắc Mỹ nhiều và đa dạng như bây giờ. Dân ngoại giao Cuba biết người, biết của nên đã đem giống chuối này về nước trồng và nhân giống. Đưa ra một đồng us dollar hỏi bà, bà đưa ra 6 ngón tay, thế là tôi và bà đã làm một cuộc trao đổi mặc dù chẳng hiểu được tiếng nói của nhau, sáu nải chuối giá 1 dollar, bỏ vào túi xách 3 nải chuối còn lại cho bà. Thời bấy giờ tiền us dollar rất lớn ở Cuba, nhân viên làm trong resort bận rộn cả ngày, tối đến phải ca hát, nhảy múa giúp vui cho khách, một tuần làm 6 ngày, lương 12 dollars/tháng. Nhưng họ là những người may mắn, không phải ai cũng được nhận vào làm những công việc được tiếp xúc với người ngoại quốc.
Havana 11

Phải công nhận họ đã đem về Cuba chuối sứ vn giống ngon, những năm gần đây người việt mình đã trồng nhiều chuối sứ ở Florida nhưng chuối sứ Florida không ngon bằng chuối sứ Cuba. Vậy là tôi có chút duyên với chuối sứ vn ở xứ lạ quê người. Năm 2013 trên đường đi từ Varadero đến Havana dọc đường tôi thấy mấy người nông dân đưa nguyên buồng chuối sứ mời khách đi đường giống như mời khóm khi qua cầu Bến Lức. Các bạn nếu có dịp đi Cuba đừng quên tìm mua chuối sứ ngon hương vị vn chính cống ủng hộ nông dân Cuba.

Kim Trần