Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • CD4 1200
  • NhaGiuXe1200
  • DaiThinhDuong1200
  • hinhCu 1200

Cuba 1
Photo : Kimtran
Một tuần thăm dân cho biết sự tình ở Havana rồi cũng qua mau, tưởng rằng mình sẽ nhìn thấy một nước XHCN khác hơn, tốt đẹp hơn nơi mình đã ngậm ngùi bỏ lại sau lưng. Nhưng điều mình nhận ra các nước XHCN cùng có một mẫu số chung với những phiên bản khác nhau. Thiên đường cs nơi mọi người bình đẳng, thế giới đại đồng, làm theo khả năng, hưởng theo nhu cầu chỉ là một cái bánh vẽ to tướng. Để cướp được chính quyền các nước XHCH đã xử dụng bạo lực cách mạng. Bao nhiêu máu và nước mắt đã đổ ra, nhưng khi cách mạng thành công, người dân được gì hay là vẫn đói, vẫn khổ, chẳng có được cơm no, áo ấm như mong đợi.  Đó đây, tôi nhìn thấy hình ảnh của mình, của quê hương mình  khi mọi ước mơ đều sụp đổ, một đất nước với một tương lai đen tối, bất định, con người không thể sống thực với người chung quanh và ngay cả với chính mình.

Chiếc xe chở khách ra phi trường đến trễ gần một tiếng đồng hồ. Bề ngoài chiếc bus trông sáng sủa hơn những chiếc xe chạy trên đường phố nhưng không thể che dấu được một cơ thể già nua qua nhiều năm tháng làm việc. Để tranh thủ thời gian, bác tài tăng tốc chẳng quan tâm đến tình trạng chiếc xe già yếu và con đường không được bằng phẳng, thân xe rung lên từng cơn khi bác tài nhấn ga hay qua nhưng khúc quanh. Đang chạy ngon trớn bỗng một tiếng nổ lớn, thân xe rung chuyển mạnh, chao đảo, cuối cùng dừng lại đuợc ven đường. Một chiếc bánh sau bị nổ tung, thật là may mắn xe không lạc tay lái qua hướng đối diện hay đụng phải ai. Đã trễ bây giờ lại phải chờ đổi xe, mọi người vẫn kiên nhẫn chờ đợi, vì biết có phàn nàn cũng không đuợc gì và cũng chẳng ai có câu trả lời.
Cuba 2
Photo Kimtran
Xe đến được phi trường 1 giờ trước giờ bay. Sau khi làm xong thủ tục giấy tờ và gửi hành lý, mọi người thở phào nhẹ nhỏm, không vì chuyện xe cộ phải trể chuyến bay. Nhưng mọi việc không xuôi thuyền mát mái như mọi người mong đợi. Hành khách được thông báo chuyến bay đã bị hủy bỏ, các quan lớn đã trưng dụng chiếc máy bay đi công tác, đám hành khách ngẩn ngơ nhìn nhau lắc đầu, không tin được những gì đang xảy ra. Đám nhân viên hãng máy bay gãi đầu, bứt tóc, mặt mày nhăn nhó tìm cách giải quyết cho đám hành khách đang bực mình vì bị coi thường và đối xử tệ hại. Tối cùng ngày, có một chuyến bay đi Toronto, ai cũng mong được sắp xếp ra đi, nhưng khi danh sách được đọc lên chỉ có 5 gia đình. Sự kiên nhẫn của mọi người đã được thử thách quá mức giới hạn, như giọt nước cuối cùng làm tràn ly, mọi người cùng nhau to tiếng phản đối, ngỡ ngàng trước phản ứng bất ngờ của khách hàng, nhân viên hãng máy bay chưa biết phải xử lý thế nào, may thay có một quan lớn từ trong văn phòng nghe ồn ào ra hỏi chuyện, sau khi được trình bày sự việc, ông yêu cầu mọi người hãy bình tỉnh và hứa sẽ giải quyết. Số ghế trên máy bay có giới hạn, để chở thêm một số lượng lớn khách hàng chỉ có một phương cách duy nhất, họ phải hủy chuyến đi của những hành khách Cuba nhường chỗ cho khách nước ngoài. Thường dân Cuba là những người cô thế, thấp cổ bé miệng, sống và hiểu thân phận bé nhỏ của mình nên mọi sự phó mặc cho sắp xếp của nhà nước.

Trên máy bay, ngồi cùng hàng ghế với tôi là hai anh người Nam Mỹ, trong suốt chuyến bay, cả hai cười nói rất phấn khởi, cho nhau xem những hình ảnh trong các cuốn album. Như chưa đủ, anh ngồi kế bên cho tôi xem các hình ảnh gia đình anh ở Cuba. Anh là người Nam Mỹ hiện đang làm công nhân xây dựng bên Mỹ, vợ anh người Cuba. Do chính sách cấm vận của Mỹ, mỗi năm vài lần anh phải đi vòng qua Canada về Cuba thăm gia đình. Theo anh, chỉ cần gửi cho vợ con $500 US một năm, gia đình anh ở Cuba có thể sống thoải mái, vào thời điểm đó (1999) món tiền tương đương bốn lần mức lương trung bình. Nhìn lại phụ nữ Cuba cũng có cái khổ của riêng mình, lấy chồng xa xứ nhưng vẫn còn nhiều may mắn, có bà con thân nhân gần kề khi tối lửa tắt đèn. Không như nhiều cô gái xứ mình bây giờ, nhắm mắt đưa chân lấy chồng xứ lạ, mặc cho số phận nổi trôi.Cuba 3
Photo Kimtran
Dân Canada hiểu nỗi khó khăn ở Cuba nên họ kêu gọi nhau giúp đỡ, mỗi chuyến bay đến từ Canada, khách du lịch mang theo những vali đầy ắp áo quần cũ, cuốn tập, cây viết, cục tẩy, miếng xà phòng, bánh kẹo... và cả tấm lòng của mình. Họ đã hình thành một cầu không vận không chính thức vượt qua cấm vận của Mỹ để đem chút quà đến xoa dịu bớt nỗi nhọc nhằn, khó khăn cho người dân đất nước này. Tôi nghĩ đó là một trong những lý do người dân Cuba có được áo quần tươm tất và đa dạng trong hoàn cảnh khó khăn.
Cách đây khoảng nửa năm, Trung Quốc muốn gửi thông điệp cho Mỹ, tàu chiến TQ vẫn có thể lãng vãng ở sân sau của Mỹ khi xin Cuba cho tàu chiến viếng thăm hữu nghị. Nhưng không ngờ Cuba đã thẳng tay từ chối. TQ lại một phen bẻ mặt trên diễn dàn quốc tế, nhưng điều này chẳng có gì lạ với một quốc gia không còn chút sĩ diện và tự trọng. Cuba đang từng bước ngoảnh mặt với chủ nghĩa xã hội. Khi Liên Bang Xô Viết tan rã, Cuba mất đi một bạn hàng và nhà tài trợ lớn. Cuba kinh tế lại khó khăn hơn khi Hugo Chávez, môt nhà tài trợ, lãnh tụ tả phái ở Venezuela mất đi. Dầu thô mất giá, kinh tế Venezuela lệ thuộc vào xuất khẩu dầu, họ đang khốn đốn cho chính mình, chính quyền tả phái còn đâu tiền để trợ giúp cho Cuba.

Việc Cuba chính thức từ bỏ XHCN chỉ là thời gian. Hiện nay Mỹ và Cuba đã bình thường hóa ngoại giao. Nhưng lệnh cấm vận hiện nay vẫn chưa được bãi bỏ, cựu chủ tịch Fidel Castro nói Cuba đáng nhận được bồi thường từ Mỹ do hậu quả cấm vận hơn nửa thế kỷ qua nhưng Fidel Castro quên rằng sau khi cách mạnh thành công, Fidel Castro đã quốc hữu hóa toàn bộ tài sản của công dân Mỹ ở Cuba. Nếu bình thường hóa ngoại giao, công dân Mỹ tất nhiên sẽ đòi lại tất cả những gì đã từng là của họ. Việc này chỉ là một trong những viên đá cản đường khi Cuba quay trở lại với cộng đồng thế giới. Việc khó khăn bao nhiêu cũng sẽ vượt qua được nếu đó là sự mong muốn của lãnh đạo của Cuba và Mỹ.
Cuba 4
Photo Kimtran
Người dân Cuba hiền lành chất phát, họ rất có cảm tình với người vn (cám ơn hệ thống tuyên truyền của nhà nước), khi biết tôi là người gốc vn, những lời chào hỏi và nụ cười không chỉ là xã giao, tôi có thể nhìn thấy sự chân thành, thân thiện trong từng lời nói, nụ cười. Mong rằng một ngày nào đó, họ sẽ có được một cuộc sống mới tự do, no ấm, sung túc và có thể định đoạt tương lai của chính mình.

Trần Quang Kim
Thêm bình luận


Đăng Nhập / Đăng Xuất