Mặc dù tôi không phải là con cháu Thái Dương Thần Nữ (Amaterasu Oomikami) của Nhật, nhưng tôi rất “hâm mộ” mặt trời! Tôi thích đi tản bộ khi nắng lên và chiêm ngưỡng ánh mặt trời sắp lặn với những tia nắng còn hoi hóp cuối chân trời. Mỗi lần thấy ánh mặt trời, dù chỉ là một vạt nắng nhỏ nhoi, tôi cũng cảm thấy một “năng lực mới” như đang bừng sống dậy trong tôi. Ánh mặt trời rực rỡ, nồng nàn và vi diệu làm sao đó! “Nắng đổ thật nhiều/Nắng đổ thật tươi/Nắng trong nụ cười/Nắng rộn tim tôi/Nắng hắt xuống đời/Giọt nắng buông lơi/Nắng mang sức sống/Cho đời thêm vui/”
Tôi“đi theo vạt nắng” qua những thành phố lớn nhỏ, những con đường rộng hẹp- có lúc gập ghềnh sỏi đá, có lúc nhẵn nhụi trơn tru-, gặp gỡ nhiều khuôn mặt có xa lạ, có thân quen trong suốt hành trình “đời”. Tôi đã sống trong niềm vui trọn vẹn, ngụp lặn trong nỗi buồn da diết và say đắm trong hạnh phúc tràn đầy. Ngày tháng trôi qua như “bóng câu qua cửa sổ”! Còn vài tuần nữa chúng ta đón Tết Tân Sửu. Đây là năm tuổi của tôi và là cái Tết lần thứ 72 trong đời! Để đánh dấu mốc điểm thời gian này và để ghi lại vài kỷ niệm về những tháng năm qua, tôi xin mạo muội chọn đề tài “Đi Theo Vạt Nắng” cho loạt bài tôi dự định viết. Trong số này chúng tôi xin viết về O’ahu, một trong hai hai đảo lớn nhất ở Hawai’i. Chúng tôi chỉ trình bày ở đây vài bãi biển gần nơi tôi ở trong thời gian viếng thăm O’ahu thuộc vùng North Shore và dự định sẽ tiếp tục viết về những bãi biển khác như Sunset Beach, Kailua Beach và Turtle Beach trong những số tới nếu thích hợp.
Nắng theo chân tôi đó
Nắng rôn bước chân về
Nắng huyền thoại nhỏ to lời thỏ thẻ
Nắng trong đời
Nắng ngập cả hồn tôi.
Cùng với nắng, biển là một hình tượng rất gần gũi đối với tôi. Từ lúc bé khi còn mài đỉnh quần trên ghế nhà trường ở thành phố biển Qui Nhơn, qua sáu năm ở Nam California, những lần thăm viếng Vịnh Mễ Tây Cơ, biển Địa Trung Hải, tôi có thói quen thích ngồi trên ghềnh đá hay bãi biển để nghe tiếng sóng vỗ. Tiếng sóng khi lên bỗng, lúc xuống trầm; lúc thấp lúc cao như ru tôi vào giấc mơ mộng mị. Thế nên trong suốt thời gian gần hai tháng sống ở O’ahu, tôi rất thích đến “tìm người bạn cũ” để tâm sự chuyện trò. Ở đây có nhiều nắng, nhiều đồi thông vi vu, có vùng biển sóng cao, cũng có vùng biển sóng thầm thì như hơi thở. Greater Honolulu nằm trên đảo O’ahu bao bọc chung quanh bởi Peal Harbor về phía tây, Kaahala ở hướng đông, Nu’uanu hướng bắc và Ala Moana về hướng nam. Chỗ chúng tôi ở nằm trên đường Nukui gần bãi biển Ala Moana và campus của Hawai’I Pacific University.
1. Buổi sáng ở Ala Moana và Waikiki
Một trong những hoạt động thể dục của tôi trong ngày là chạy bộ về hướng Ala Moana và tắm ở bãi biển Ala Moana hay Waikiki Beach. Không khí buổi sáng trong lành và gió mát dễ chịu. Gió biển ở đây không rít mùi muối như một số vùng biển tôi đã đi qua.
Từ đường Nukui, tôi đi dọc theo Fort Street xuyên qua hàng cây Hong Kong orchids trong campus của Hawai‘i Pacific University. Loại cây này cao khoảng 10-20 feet, hoa màu hồng năm cánh trông như những cánh bướm tung bay trong gió ban mai. Vì còn sớm nên ngoài dăm ba người quét dọn và vài chú chim nhảy nhót tìm mồi, tôi chẳng thấy bóng dáng cô cậu sinh viên nào cả. Tôi đi ngang qua khu vườn trồng đủ loại hoa : có những loại hoa tôi nhận ra ngay như bông bụt (hibiscus), bông giấy (bougainvillea), red/blue ginger, allamanda, và birds of paradise. Hoa bông bụt ở đây có màu, vàng, đỏ, trắng và xanh lam đua nhau khoe sắc thắm. Riêng bông giấy thì màu sắc phong phú hơn với màu đỏ, hồng, cam, vàng tím rực rỡ mỗi khi nắng lên. Có nhiều loại hoa nhiệt đới khác tôi ít thấy như gardenia và heliconia tỏa hương thơm ngát. Cũng có nhiều loại hoa tôi chưa thấy bao giờ. Có lẽ O‘ahu là một hòn đảo nên những thực vật và hoa ở đây khác hẳn đất liền như hoa Ohi’a Lehua có hàng chục cánh hình sợi tủa ra với màu đỏ hay vàng hay hoa Milo có cánh trắng với khoảng 5, 6 nhụy màu đỏ trông rất đẹp mắt. Ở đây những cây lớn được cắt tỉa theo lối “giant bonsai“ (tôi chỉ đoán vậy thôi!) và với sức gió của biển; qua thời gian có những hình thù trông rất ngoạn mục.
Đến cuối đường Fort, tôi quẹo trái ở Ala Moana Avenue, đi ngang qua Ala Moana Tower dọc về hướng biển. Aloha Tower đã được sửa sang lại và thay đổi rất nhiều. Tôi đi ngang qua những tòa nhà cao tầng bên ngoài làm bằng kính.
Có những ngôi nhà.
Đủ sắc, đủ màu.
Đang khẽ trườn lên
Triền đồi xanh lá.
Vạt nắng ban mai
Theo làn gió lạ
Dịu ngọt trong lành
Mát lịm tâm thân.
Tôi tiếp tục bước chân. Đi ngang qua vài tiệm Starbucks (sao nhiều thế!), bến xe bus và hàng phượng vĩ đỏ ối. Người đứng đợi ở bến xe bus khá đông. Chợt nhìn tôi có cảm tưởng như mình đang ở một góc đường nào đó ở Sài Gòn hay Osaka vì hầu hết những người đợi bus đều có nét Á Châu và vài người có vóc dáng mảnh khảnh, khuôn mặt hóm hém với làn da “bánh mật “ rất quê hương! Như một thói quen (và hình như có một sức hút vô hình nào đó!!); tôi bước lại gần và nghe lóm được nhiều ngôn ngữ khác nhau trong đó có tiếng Việt, tiếng Tàu và tiếng Nhật. Đi dưới hàng phượng vĩ, tôi cứ ngỡ là đang ở giữa một ngày nắng hạ ở “miền gió cát, mưa chang và nắng cháy“ Qui Nhơn mặc dù đất trời đang đi vào tháng 11. “Em về phượng đỏ tươi trên áo/Nắng hạ tròn ôm bóng ngã dài/ Tháng tám trời cao, muôn mộng ảo/ Biển xanh bọt trắng sóng trôi về/ Mùa này trường vắng chợt buồn ghê! /Bè bạn còn đâu tiếng giỡn đùa/ Chạy nhảy tung tăng ong vỡ tổ/ Lòng non rộn rã một trời mơ! /Lưu bút trao lời chuyện nhỏ to/ Dòng thơ lai láng tuổi học trò/ Chín mươi ngày ấy sao lâu quá! /Lối nhỏ một mình ai dưới mưa?!/
Ngày mới lên
Ala Moana nắng ấm
Gót âm thầm
Nhè nhẹ vuốt chân quen.
Phượng đỏ màu thương
Vài cánh rụng bên đường
Gợi kỷ niệm
Thắm hương xưa ngày cũ.
Bãi biển loáng thoáng với người đi, chạy bộ, paddle boarding, hoặc kayaking. So với những bãi biển khác ở vùng này như Sandy Beach, Sunset Beach hay Kailua Beach; bãi biển Ala Moana khá yên lặng và ít sóng.
Những tảng đá bóng đen nhấp nhô trên mặt biển
Như những hải đảo con nằm chờ đợi nắng lên
Từng đợt sóng gối đầu lên nhau như đàn cá
Cố lội vào bờ tìm chỗ tạm nghỉ chân...
Bãi biển lặng yên. Người chào hỏi ân cần
Ngôn ngữ dù thân quen, đôi lúc còn xa lạ
Trắng, đỏ, vàng, đen: người người gọi nhau vồn vã
Chiếc cầu vòng nhân loại buổi sáng sắp khai hoa!
Tôi tiếp tục chạy dọc theo bãi biển về hướng thành phố Waikiki, ngang qua Apuakehau Channel nơi có bãi cỏ xanh mướt và vài chiếc ghế đá nằm chễm chệ đợi khách viếng thăm. Chẳng mấy chốc, Waikiki Beach với Diamond Head hiện ra trước mắt và hàng chục khách sạn nối đuôi nhau trên đại lộ Kalakaua. Tôi tiếp tục chạy vòng theo bờ sóng vỡ. Đôi giày trở nên nặng chình chịch! Đôi lúc tôi dừng lại để lấy những hòn sõi cát ra rồi chạy tiếp.
Vạt nắng nhẹ rơi vùng biển sóng
Xanh xanh bọt trắng bóng cây dừa
Đôi chân thoăn thoắt mòn gót cũ
Chồng chất in khằn dấu tháng năm.
Đường Alawai ít xe cộ lại qua. Hầu hết các tiệm quán còn đóng cửa vì trời hãy còn sớm. Một vài người chủ tiệm xịt nước rửa sân và luôn tiện để giảm bụi đường,
Cỏ xanh còn ướt màn sương
Quán hàng đóng cửa, phố phường lặng yên
Đôi chân đều nhịp bước “Thiền“
Thăng trầm hơi thở dịu êm lối về.
Chênh vênh vạt nắng mãi mê
Ngọn đồi trước mặt ai nghe nhạc buồn!?
Lung linh gió gọi mùa thương
Trinh nguyên mơn mởn bên đường lá rơi.
Khoảng một giờ sau, tôi trở lại Ala Moana. Tôi thích nhất bãi biển này vào buổi sớm khi mặt trời vừa mới nhú lên từ phía chân trời. Cảm thấy mệt sau môt hồi bơi lội, tôi nằm xoài người gối đầu trên triền cát để những đợt sóng thì thào tấp vào như chiếc mền trắng kéo lại đắp đôi chân tôi. Nhìn những con chim hải âu trắng muốt lao đầu xuống nước tìm mồi rồi lại nhao lên cao.Tung cánh bay xa để lại tiếng hót khàn và đục.
Gối đầu trên biển sóng
Nhìn trời xanh mênh mông
Mây bay vài cụm trắng
Nắng mai se sẻ lòng.
Những con sóng bạc màu con nước đến từ xa; lúc cao lúc thấp; nhưng khi vào gần đến bờ thì trở thành trầm lặng, hiền hòa. Từng chặp lại từng chặp, sóng vuốt ve và vỗ về thân tôi. Tôi nghe tiếng sóng nhẹ nhàng như thủ thỉ nỗi niềm tâm sự.
Nằm nghe sóng vỗ từ bến xa
Tiếng sóng êm êm, nhẹ hiền hòa
Bọt trắng vuốt ve da bánh mật
Cát từng cụm nhỏ cuốn trôi xa.
Nằm nghe hơi thở làn nước xanh
Bọt sóng lên môi chát mặn mà
Đẩy nhẹ mái chèo theo tiếng trẻ
Thuyền xanh đỏ trắng lướt trôi xa.
Bãi biển Ala Moana buổi sáng thật yên bình và vi diệu! Mặt trời càng lúc càng lên cao, chẳng mấy chốc, rực rỡ như một cái nia đỏ ối khổng lồ. Cả vùng biển nắng bừng lên với muôn ngàn ánh sao sa. Và nắng trở nên gắt hơn!
Tháng mười một
Trời xanh màu nắng hạ
Gió thì thầm
Mang ngọn sóng từ xa.
Nằm thênh thang
Sóng dồn dập thiết tha
Nhìn trời rộng
Chợt thấy lòng bỗng rộng.
Hàng dừa xanh
Vươn cao tìm sức sống
Mây thẹn thùng
Từng cụm nhỏ trôi xa.
Nhìn đồng hồ : mới đây mà đã 8:30 sáng rồi!
Tôi tắm rửa, thay quần áo, đi về nhà để bắt đầu “một ngày mới”. Khi bước ra khỏi phòng tắm, tôi cảm thấy những giọt nước rơi trên tóc. Lúc đầu tôi tưởng là nước còn sót lại lúc tắm; nhưng thực ra là những giọt mưa. Mưa ở đây thường kéo dài một khoảng khắc ngắn rồi tạnh và nắng lại lên và đôi khi mưa và nắng xảy ra cùng một lúc “Mưa lại mưa/ Và nắng cũng rơi/Tiếp tục rải xuống lòng đời/Mưa rộn rã mát tươi/Nắng hong khô làn tóc/ Ngày bắt đầu/Vang vọng rộn hồn thơ!”
Rộn rã tiếng ai cười trong bầu trời xanh xanh
Vội vã bước chân về. Từng hạt mưa nhanh nhanh
Biển xanh ngày lên phố lạ
Tôi đi về qua phố Ala Moana.
Vài vạt nắng hiền hòa đuổi theo giọt mưa sa
Nhảy múa với cung đàn điệu nhạc xa từ xa
Cơn gió nhẹ mơn man làn sóng vỗ
Người đi dưới mưa. Tôi cũng rảo bước trong mưa.
2. Sandy Beach
Hình 1. Buổi sáng ở Sandy Beach lúc mặt trời đã lên cao. Biển bình yên lời thỏ thẻ ngọt ngào. Như muốn gửi trao bao nỗi niềm tâm sự!
Để thay đổi không khí, chúng tôi quyết định lái xe đi Sandy Beach để nhìn mặt trời mọc. Bãi biển này nằm cách chỗ chúng tôi ở khoảng 8 miles. Chúng tôi đi dọc theo Highway H1 (ở O’ahu chỉ có ba highways chính H1, H2 & H3; H là chữ đầu của Hawai’i). Vì highway tương đối có ít lằn đường nên thường dễ bị kẹt xe vào giờ cao điểm. Mất gần nửa giờ chúng tôi mới đến biển (Hình 1). Sandy Beach nằm gần hai địa danh nổi tiếng nữa ở O’ahu là Hanauma Bay và Halona Blowhole. Không giống như bãi biển Ala Moana, sóng ở Sandy Beach khá cao. Thế nên có nhiều người trượt sóng và ít người bơi, paddle boarding hay kayacking. Những người này nằm trên ván bơi ra nơi có sóng; và khi ngọn sóng cao đến, họ leo lên trên đỉnh con sóng để bị cuốn tròn trong cái ống sóng. Trò chơi cưỡi sóng này trông có vẻ nguy hiểm thật! Có vài người bị bắn tung ra, người một nơi và ván trượt sóng (surfing board) một nơi; cũng may là có sợi dây cột tấm ván với chân; nếu không có thể họ sẽ bị rơi xuống sâu và va chạm với đá ngầm nằm ở dưới và có thể bị thương. Họ tiếp tục trò chơi với chu kỳ này nhiều lần mà hình như không tỏ ra một vẻ mệt mỏi nào cả! Người địa phương cho tôi biết là loại ván trượt sóng này khá nhẹ, do người bản xứ Hawaian tạo ra lâu rồi và có tên là Papa Hele Nalu, lúc đầu làm bằng gỗ như gỗ Kao (một loại gỗ xưa nhất ở đảo này!). Những ván trượt sóng tân thời thường được làm bằng bọt polyurethane hay bọt polixtiren (polyurethane or polystyrene foam) và được bao bọc bên ngoài bằng nhiều lớp fiberglass, polyester, sợi cacbon hay keo epoxy. Quý bạn đọc nào muốn biết chi tiết hơn về môn thể thao “cỡi sóng” cổ truyền và hấp dẫn này, xin xem “North Shore”; một phim Mỹ hoàn thành vào năm 1987, thuật lại câu chuyện của một thanh niên trẻ tên là Rick Kane ở Arizona, đi đến vùng North Shore của O’ahu để thử thời vận xem mình có thể trở thành một người trượt sóng chuyên nghiệp.
Sóng cao
Phủ đầu
Những con người cỡi sóng
Da ngâm đen
Giỡn cợt với tử thần.
Họ cuộn tròn
Trong những ống sóng cao
Đang gầm thét kêu gào
Giận dữ trong cơn thịnh nộ!
Rồi vài phút trôi mau
Biển bình yên trở lại
Người cỡi sóng đứng chờ
Ngọn sóng cao tiếp theo.
Ngồi trên bãi cát, tôi nhìn những đợt sóng trắng xóa đua nhau tấp vào ghềnh đá, rồi biến mất trước khi một đợt sóng khác ập tới theo quá trình “tự sinh ra rồi tự diệt”. Từng chặp, nước từ dưới đất phun lên cao từ Halona Blowhole trông rất đẹp mắt!
Đợt sóng trước
Cõng đợt sóng sau
Những bọt trắng
Như đua nhau đuổi bắt.
Vòi nước tung lên cao
Giữa không gian trong vắt
Con gió thổi vội vàng
Nước vung vãi tứ tung.
Mặt trời bắt đầu lên, làm sáng cả một vùng biển. Thấy sóng lớn và dòng nước ở đây khá mạnh, tôi không “dám“ bơi. Thay vì thế, tôi xuống ngâm mình trong nước biển một thời gian ngắn rồi đi bộ dọc theo bờ biển. Tình cờ hôm nay tôi thấy được vài chú còng nhỏ màu trắng. Hình như biển ở bãi biển này ít còng và không thấy hải âu. Sunrise ở đây tuyệt đẹp! Mặt trời lên đỏ ối từ phía chân trời tạo nên những vùng nước lấp lánh lan rộng cuốn vào thành những con sóng lớn vươn cao trên mặt nước trong suốt màu xanh. Bầu trời cũng màu xanh với những cụm mây trắng có những hình thù khác nhau. Tôi có cảm tưởng như bầu trời và mặt biển phản chiếu và ôm quyện nhau rất ân cần, thân thiết. Tôi đi dần theo những dấu chân trên cát, theo tiếng sóng, lúc thấp, lúc cao; nhưng lúc nào cũng dịu dàng triều mến. Thỉnh thoảng tôi dừng lại, ngước nhìn ánh mặt trời chói chang, để những tia nắng buổi sáng ấm nồng buồng phổi. Hiện diện với tôi bây giờ có sóng biển, gió biển, núi và mặt trời, nên lòng cảm thấy thật nhẹ nhàng, trầm lắng, thảnh thơi.
Tháng này nắng ấm nồng hương đời
Tháng này biển xanh tắm người tôi
Sandy Beach sáng nay giang vòng tay rộng
Aloha ân cần đón khách về chơi!
Tháng này người nói với người cười
Tháng này trời xanh thắm mây trôi
Lảng vảng theo sau vài vạt nắng
Bóng dừa ngã xuống bóng người tôi.
3. Makapu’u Beach
Sau khi ăn “dim sum” xong (dim sum ở đây có mỗi ngày từ sáng đến chiều), chúng tôi lái xe đi đến Makapu’u Light House. Ngọn hải đăng này nằm ngay trên đỉnh núi Makapu’u nhìn xuống Makapu’u Beach . Ở đây tập nập với người đi, kẻ chạy bộ; có người dẫn theo cả chó; còn lại là khách du lịch từ khắp nơi về ; đi thư thả và nói cười vui vẻ. Mọi người có vẻ thân thiện, và thường trao nhau lời chào hỏi và nụ cười thân thương.
Tôi và nhà tôi thư thả đi lên dốc nằm thoai thoải quanh núi (có gì đâu mà phải vội vàng?!). Hai bên đường có những chú robin nhảy nhót kiếm mồi và nhiều loại hoa rực rỡ sắc màu. Cũng có những loại cây khá đặc biệt như hoa Iilima Papa màu vàng [Hình 2(a) ] và Aloe medicine plant [Hình 2(b) ]. Đối với người bản xứ, loại cây Aloe này thường được dùng để trị những vết thương. Có người bảo tôi là khi có vết trầy với đá san hô ngầm, dùng loại Aloe này xức vào, sẽ không để lại vết sẹo sau này! Đây là kinh nghiệm dân gian! Có thể đúng vì tôi thấy nhan nhãn loại thuốc dựa vào loại Aloe này ở nhiều tiệm quán ở đây!
Hình 2. Vài loại cây mọc dọc theo triền núi trên đường đến nhà đèn Makapu’u: (a) hoa Ilima Papa và (b) cây làm thuốc Aloe.
Hoa vàng nhụy đỏ cười tươi cạnh sườn đồi
Khoe sắc thắm bên cánh lá xanh ứ tròn hy vọng
Thanh thản, ung dung nằm trên những hòn đá sỏi
Với vẻ đẹp tự nhiên, chân chất, mặn mà
Mơn man tắm mình dưới màu nắng còn tươi.
Hoa vàng dại như đùa giỡn vui chơi
Thấm nét dịu dàng, đoan trang, hiền hậu
Như những cô gái quê tuổi vừa mới lớn
Phảng phất mùi dừa, hoa bưởi, hương cau.
Với ước mơ giản dị, không hào nhoáng sắc màu.
Không dám đòi bòng cao sang, giàu có
Chỉ muốn có hai bữa cơm no
Một mái nhà ngày hai buổi đi về
Nồng ấm tình người, đùm bọc, yêu thương.
Cáng về trưa, hơi nóng càng gắt. Mồ hôi bắt đầu chảy nhễ nhại trên trán, trên lưng. Chúng tôi tiếp tục đi. Thỉnh thoảng dừng lại nhìn những con đường xe chạy quanh rặng núi phía dưới và nhìn biển xanh rực rỡ dưới ánh mặt trời.
Con đường hai lane chạy ngoằn ngoèo quanh sườn núi
Nhỏ lớn những chiếc xe nhanh qua lại, đi về
Cỏ cây mướt màu xanh . Hàng cây đang ngủ mê
Theo điệu gió mơn man trong một ngày nắng ấm...
Makapu’u hôm nay biển xanh màu nét đậm
Bọt trắng đuổi theo nhau từng đợt sóng vào bờ
Âm điệu êm như tiếng ru mộc mạc nên thơ
Ru con ngủ mơ say thắm giấc nồng nắng lạ.
Khoảng 15 phút sau, chúng tôi đến khoảng giữa đoạn đường, và nghỉ chân ở địa điểm người ta thường đứng nhìn cá humpback whales trở về (thường thì từ tháng mười hai đến tháng năm). Tôi cố nhìn về phía xa xem thử có “duyên may” nào không; nhưng thay vì thấy cá voi tôi chỉ thấy vài con thuyền nhỏ trôi bồng bềnh về phía chân trời. Người bộ hành đứng nghỉ cùng chỗ với tôi cho biết là khi trời đẹp, người ta có thể thấy những đảo khác ở Hawai’i như Molokai , Maui và Lanai. Một lúc sau chúng tôi lại tiếp tục đi và lên đến chân ngọn hải đăng- đứng sừng sững ở một góc đồi với màu đỏ chói. Từ trên cao nhìn xuống, con đường dốc chúng tôi vừa đi qua, chạy quanh co như con rắn uốn mình quanh sườn núi; sóng trắng từng đợt lại từng đợt đua nhau vỗ vào gềnh đá màu đen để lại những bọt trắng như đang đùa chơi với ngàn tia nắng rớt.
Đỉnh dốc nơi Makapu’u Light House tọa lạc cũng là nơi nghỉ chân của khách bộ hành trước khi xuống núi. Những người đến từ nhiều nơi nói cười, trao nhau những mẫu chuyện bên lề. Không khí thật thân thiện và vui vẻ! Trong khi người lớn bận rộn nói chuyện, tranh cải với nhiều đế tài khác nhau, một cậu bé con với đôi má hồng như trái táo, lẩm đẩm chạy theo chơi với con chó mực cao tới đầu cậu. Thỉnh thoảng con chó dừng lại chờ cậu bé gần đến rồi lại tiếp tục chạy như muốn thử thách cậu bé “ You can’t catch me!”.
Xa lạ rồi thân quen
Nói chuyện cười vui vẻ
Như chim hót líu lo
Mẫu chuyện đời xuôi ngược.
Cậu bé nhỏ chạy quanh
Theo sau con chó mực
Má hồng càng đỏ thêm
Ngày lên trời nóng bức.
4. Hanauma
Sau khi rời Makapu’u Light House, chúng tôi tiếp tục lái xe đến Hanauma cách ngọn hải đăng khỏang nửa mile. Địa thế vùng này rất đặc biệt với bãi biển bao bọc bởi rặng núi hình cung (Hình 3).
Hình 3. Hanauma Bay nhìn từ trên cao. Ngọn đồi hình cung như đang khum khum ôm trọn bãi biển cát trắng vào trong vòng tay (Google Image).
Bãi biển Hanauma đẹp với mặt biển có những màu xanh khác nhau . Hanauma còn là một nơi tốt cho snorkeling.
Rặng núi có hình cung vòng móng ngựa
Giang hai tay ôm chầm bờ cát trắng
Đủ loại màu xanh hòa quyện bên nhau
Bầu trời xanh, rực sáng nắng muôn màu.
Du khách mới đến Hanauma lần đầu như chúng tôi bắt buộc phải dự một lớp hướng dẫn kéo dài khoảng 15 phút. Người phụ trách giới thiệu vài nét về Hanauma Beach và cho chúng tôi xem video về sinh thái ở đây. Sau đó chúng tôi mang masks, dụng cụ snorkeling đi về hướng biển để tập lặn. Mới đầu tôi nghĩ môn thể thao này có vẻ đơn giản, nhưng khi bắt đầu lặn, tôi mới thấy “mình tệ quá!”: nước biển cứ từ từ vào cái mask và vì thế tôi thấy khó thở và tôi không thể lặn lâu được; một điều nữa là không thể đứng lại ngay được vì có thể tôi sẽ dẫm trên đá san hồ ngầm – một điều không nên - . Phải mất tôi một thời gian mới quen dần dần. San hô ở đây sinh sôi nẩy nở tốt vì địa thế của Hanauma lý tưởng , thế nên có rất nhiều loại cá sinh sống ở đây. San hô ngầm mới nhìn tưởng là những tảng đá, nhưng thực sự đây là sinh vật để cung cấp thức ăn cho các loại thủy sản. Vì Hanauma Beach nằm trong cái vịnh nên ít gió, sóng cũng thấp với bãi biển hình vòng cung và nước cạn thuận tiện cho việc hấp thụ ánh sáng mặt trời cần thiết cho việc sinh trưởng của san hô. Nhiều loại cá đủ màu trông rất ngoạn mục. Có một loại cá được chọn là biểu tượng của tiểu bang Hawai’i có tên rất dài Humuhumunukunukuapua’a (trigger fish with a snout like a pig) , đôi khi còn gọi là Humuhumu (trigger fish). Từ này khá dài; tôi phải líu lưỡi vài lần mới phát âm đúng được! (Hình 4).
Hình 4. Hawai’i trigger fish (Google Images).
Sau một ngày “vận động” tôi bắt đầu thấm mệt! Tôi nàm sải rộng trên bãi cát vừa nghe sóng vỗ, vừa lim dim đôi mắt để thư giãn thân thể. Nhìn đàn chim bay theo hình chữ V về phía chân trời, tôi cảm thấy một sự tự do đang trào dâng trong tôi ở giây phút này. Không có sự ràng buột. Không quỵ lụy chung quanh. Một niềm vui “trọn vẹn” đang tràn dâng trong huyết quản!
Chiều về nắng vỡ trên cây
Nằm nghe chim hót bên đời
Hàng palm thắm màu hy vọng
Trời xanh mây nhẹ êm trôi.
Biển chiều buồm trắng ra khơi
Thuyền theo con nước gọi mời
Cuối trời sáng màu đỏ rực
Ngước nhìn năm tháng tàn vơi.
Ngày cũng sắp tàn. Mặt trời từ từ lặn dần ở cuối chân trời tỏa ra một màu đỏ ối. Nhìn những em bé đùa chơi thật hồn nhiên làm tôi chạnh nhớ lại những ngày ấu thơ của mình ở bãi biển Qui Nhơn.
Lãng đãng cuối cụm mây vũng mặt trời đỏ ối
Mặt nước đổi màu theo. Ngoan ngoãn ngọn hải triều.
Bầy trẻ nhỏ tung tăng đùa chơi trên cát mịn
Bóng đổ theo dòng triều mến một ngày sắp qua.
5. Ko Olina
Ko Olina cách thành phố Waikiki khoảng 17 miles và được biết là bãi biển rất đẹp vào lúc mặt trời lặn. Lúc chúng tôi rời nhà, trời hơi âm u với vài đám mây xám chầm chậm trôi về hướng núi (mauka/hướng bắc theo cách nói của người bản xứ). Từ Honolulu, chúng tôi lái xe trên H1 Freeway đi về hướng phi trường. Đường hôm nay không bị kẹt xe nên khoảng 25 phút sau chúng tôi đến Ko Olina Resort (Hình 5). Nơi đây còn nổi tiếng có bốn lagoons với nước màu xanh biếc. Những lagoons này do Herbert Horita và Takeshi Sekiguchi, hai nhà kinh doanh người Mỹ gốc Nhật thiết kế và xây lên vào thập niên 80’s. Dọc theo lagoons là một bãi cát mịn dài gần 1.5 miles. Nước trong và cạn nên du khách có thể lội bộ ra xa (Hình 6). Có nhiều hoạt động ở đây từ snorkeling, sunset cruises đến sailing và ngay cả deep sea fishing.
Trời bắt đầu mưa. Cơn mưa cuối ngày làm ướt biển với những vòng xoắn tung tăng. Một số người tìm cách chạy vào mấy chiếc lều trốn mưa. Chỉ còn tôi và vài người khác ở lại. “Thế nào rồi cũng ướt; ướt thêm một chút nữa có mất mát gì đâu!”, tôi tư nhủ thầm. Người đi trong mưa thì tôi cũng tắm dưới mưa, cái thú của thời thơ ấu mà tôi tưởng chừng đã quên đi từ lâu… Một cảm giác thật nhẹ nhàng và dễ chịu. Mát thịt da, mát cả lòng người. Bãi biển lúc này im lặng. Tôi chạy theo những đàn cá trắng sáng, đùa chơi với những người bạn mới quen này.
Mưa rơi tươi mát nụ cười
Mưa về mang lại niềm vui
Giọt mưa thắm hồng đôi má
Bé cười tuổi mộng thăng hoa.
Mưa rơi từng giọt kiêu sa
Chiều mưa gió nhẹ hiền hòa
Biển êm vài người đi lại
Sóng thầm vuốt nhẹ chân qua!
Khoảng chừng 10 phút sau, cơn mưa lại tạnh. Mặt trời lại lên chói lọi. Màu biển, màu trời và màu nắng êm! Tôi lên ngồi trên chiếc ghế đá bên cạnh Ko Olina Beach Club của khách sạn Mariott để tìm vài phút giây yên lặng. “Lòng chợt lắng nghe lòng! Chiều nắng vỡ bên song”. Tôi lắng nghe giọng hát theo điệu nhạc từ đàn ukulele thánh thót , réo rắt lên bỗng xuống trầm nghe thật du dương và rung cảm lòng người. Người ca sĩ với nước da ngâm ngâm đậm nét của người bản xứ, đang say mê trong điệu hát và hình như không để ý đến những gì đã xảy ra chung quanh!
Hình 5: Một trong bốn lagoons ở Ko Olina (Google Image)
Hình 6: Bãi biển Ko Olina. Nước trong đến nỗi người ta có thể nhìn thấu đáy (Google Image)
Tôi và nhà tôi đi trên con đường xi-măng, một bên là bãi cỏ xanh mướt và một bên là bãi biển với những con sóng trắng tung tăng vỗ vào bờ dưới bầu trời xanh thẳm trông đẹp như một bức tranh. Chúng tôi đi chầm chậm, vừa đi vừa nói chuyện, ôn lại những kỷ niệm xa xưa như “muốn nhặt lại những năm tháng đời mình”.
Em về thuở ấy xanh màu áo
Thắm đậm trời cao gót ngọc ngà
Thèn thẹn hàng cây thôi ngưng gió
Ngại ngùng giọt nắng thoảng trôi qua.
Chân bước đường xa. Lê bước xa.
Chiều nay một buổi chiều xa nhà.
Cỏ nghiêng khe khẽ lên triền núi
Mây trắng lụa là dáng thướt tha.
Mặt biển ở đây có nhiều màu xanh, từ xanh nhạt , xanh lơ, xanh đâm đến màu xanh lá cây già, xanh lá cây non làm lòng người cảm thấy lâng lâng, thư thái. “Xanh cuộc đời/ Xanh cả màu trời/ Xanh những mộng đời/ Lúc ngập ứ, lúc vơi.”
Koolina hàng cây xanh màu lá
Gió bên đường rộn rã bước chân qua
Vài cụm mây đùa ngọn cỏ hiền hòa
Vai thon nhỏ thướt tha chiều nắng vỡ.
Ngày bắt đầu dần tàn và chuyển mình sang đêm. Mặt trời lặn từ từ về phía chân trời sáng cả một vùng với dãi mây vàng mượt mà như dãi lụa. Từ xa nhìn giống như một con đường rực sáng nối liền chân trời với bãi biển, thắm đậm với màu đỏ chói trên mặt biển hòa lẫn với màu nâu của bãi cát, tỏa những tia sáng màu vàng nhạt lân tinh trên bọt sóng. Bóng dừa in hình như những bóng đen đi lang thang trên bãi biển! Cơn gió về thổi mạnh làm tàu lá dừa phần phật đu đưa như mái tóc của những cô thôn nữ bồng bềnh trong gió (Hình 7).
Hình 7: Hoàng hôn trên bãi biển Ko Olina.
“…Tôi nói gì với biển, cho cánh bồ câu trắng tung bay chiều nay?
Tôi nói gì với cụm mây trôi, cho màu xanh nước mặn khằn thấm bao ngày?
Hàng dừa ngã mình, uốn éo đu đưa theo cơn gió mới
Hòa nhịp với điệu nhạc từ chiếc đàn ukele điệu buồn vời vợi
Khi bổng lúc trầm vang lên đánh thức khách về thăm đang còn ngủ mê say…”
6. Kết từ
Mỗi bãi biển ở O’ahu có mỗi sắc thái riêng: Ala Moana thì yên lặng, nhẹ nhàng; Sandy Beach với sóng cao; Hanauma với nhiều màu xanh khác nhau. Tất cả đều đẹp là “những vùng biển nắng” huyền ảo, nhẹ nhàng và thân thương triều mến. Tùy theo thời gian trong ngày, có lúc sóng vỗ cao gào thét, lúc thì thầm như muốn trao đổi niềm tâm sự riêng tư. Đứng trong vùng đất trời lồng lộng này, chúng tôi có cảm tưởng như đang nghe một bản nhạc giao hưởng tuyệt diệu giữa lòng thiên nhiên.
Theo thời gian tôi “đi theo vạt nắng”
Lê bước chân qua bao thành phố con đường
Mỗi ngày về khi nhìn bóng chiều buông
Hy vọng xoe tròn đón một ngày mai tới!
Buổi sáng về. Trinh nguyên và diệu vợi
Hoa lá xinh tươi, cùng cây cỏ đón chào
Đôi chim chuyền cành bay nhảy nhót trên cao
“Theo vạt nắng” lao xao. Liễu dài xỏa tóc.
Theo thời gian bước chân tôi ngang dọc
Sóng vỗ theo dòng, mang chứng tích yêu thương
Con gió về đây thoang thoáng điệu u buồn
Tiếng người nói, tiếng cười, dấu hằn cát biển.
Theo thời gian tôi “đi theo vạt nắng”
Theo áng mây trôi bàng bạc giữa khung trời
Xanh thắm màu tươi dãi lụa trắng chơi vơi
Lạc lõng hướng về trong lòng đời vô định.
February, 2021
Trần Trí Năng