Honolulu Marathon 2013 (hình: https://4travel.jp/travelogue/10898112)
Những âu sầu thành lệ đắng
Những muộn phiền thành nổi đau sâu
Có những vết thương rỉ rích mãi thời gian
Có những hoang phế bao trùm cả không gian, che lấp vùng dĩ vãng.
Ngày trở về theo tiếng trống rền vang
Con phố bừng lên với tiếng chó rủ nhau sủa vội vàng
Cỏ ướt mịn giọt sương mai còn lóng lánh
Anh sáng lăn tăn trên màu con nước trắng bạc phau.
Lòng cảm thấy nao nao khi nhìn vầng trăng lưỡi liềm âu yếm ngọt ngào
Lẽo đẽo theo sau con thuyền chòng chành sóng nước
Gió mát vạt áo thưa người đi qua lũ lượt
Dưới đám mây treo đủng đỉnh rất gần.
Tiếng cười em bé đứng cạnh mẹ bên quầy bánh mì nghe chân chất thân thân
Đôi mắt em chứa đựng một vũng trời bao la tình nghĩa ân cần
Da nám sạm đen khuôn mặt ngây thơ làm áo quần thôi bẩn
Đưa tay vẫy chào mọi người về đón ngày lễ hội hôm nay.
Hơi nóng của chiếc lò làm đôi má em đỏ hây hây
Tiếng nhạc, tiếng loa át cả tiếng người bán mua đổi chác…
Năm 2013, chúng tôi đi Hawaii để ủng hộ hai đứa con tham dự Honolulu Marathon. Đây là một trong những marathon lớn nhất của Mỹ. Honolulu Marathon có một hành trình dài 26.2 mile ( 42.2 km), được tổ chức mỗi năm vào ngày chủ nhật thứ hai của tháng 12 và rất thịnh hành đối với những người mới chạy marathon lần đầu. Ngày này xảy ra ngay sau National Pearl Harbor Rememberance Day. Gọi là để kỹ niệm! Để hội nhập thứ tha. Để quên đi những thảm kịch đã qua. Và cùng đón chào một ngày mới! “Những âu sầu thành lệ đắng/ Những muộn phiền thành nổi đau sâu/ Có những vết thương rỉ rích mãi thời gian/ Có những hoang phế bao trùm cả không gian, che lấp vùng dĩ vãng.”
Năm 2013, Marathon này nhằm vào ngày 8 tháng 12 với gần 30 ngàn người tham dự, trong số đó gần một nửa là du khách từ Nhật, những người còn lại đến từ nhiều nơi trên thế giới, từ nội địa Mỹ và những đảo lân cận. Cũng có những vận động viên marathoner nổi tiếng đến tham dự. Chưa có marathon nào ở nội địa mà đông người Á Châu như thế này! Cơ quan tài trợ chính của marathon là Japan Airlines và số tiền lợi tức cho kỳ marathon năm này ước lượng khoảng 135 triệu đô-la. Nói về lịch sử thì Honolulu Marathon do thị trưởng Frank Fasi sáng lập vào năm 1973, mô phỏng theo Chicago Marathon. Lúc mới bắt đầu Marathon chỉ thu hút vỏn vẹn được 167 người tham dự; con số này lên đến 34.434 vào năm 1995 và sau đó giảm xuống nhiều hay ít tùy theo từng năm; nhưng vẫn nằm trong vòng khoảng 30 ngàn người trong những năm 2016-2019.
Cuộc chạy bắt đầu gần Ala Moana Beach Park đối diện với Ala Moana Center; đi về hướng tây dọc theo water front ngang qua thành phố Honolulu, chạy ngược về hướng đông xuyên qua Waikiki, bọc quanh Diamond Head rồi đi về hướng ngoại ô của Honolulu, qua Hawaii Kai trước khi trở về finish line ở Kapiolani Park [Hình 1, bên trái]. Cũng nên ghi nhận ở đây là Ala Moana Center và Kapiolani Regional Park (300 acre) là shopping mall và công viên lớn nhất của Hawaii. Kapiolani Park được đặt theo tên hoàng hậu Kapiolani, bao gồm Waikiki Shell và Honolulu Zoo nơi marathon chấm đứt. Những con đường marathon phần lớn chạy bọc theo biển và những ngọn đồi cỏ mọc xanh mát mắt. Vì thế, một số người đi bộ một cách thư thả dọc theo hành trình marathon để tận hưởng không khí trong lành của buổi sáng. Lâu lắm mới có cơ hội này! Con dường trống trơn; không có xe cộ qua lại. Thành phố hôm nay trở thành “thiên đường của người đi bộ”! Năm 2013 , người chạy nhanh nhất là Gilbert Chepkwony của Kenya với 2:18:46 (phái nam, Hình 1, bên phải) và Ehitu Kiros của Ethiopia với thời gian là 2:36:02 (phái nữ). Trung bình mỗi năm, có khoảng 25.000 người chạy hết marathon này từ đầu đến cuối. Năm nay có 22.054 người về tới đích trong số dó 11.769 phái nam và 10.285 thuộc về phái nữ [1].
Hình 1. Người viết đứng “chụp ké” trước bản lịch trình của Honolulu Marathon. Cuộc chạy Marathon này bắt đầu từ Ala Moana Beach Park, ngang qua thành phố Waikiki, đi về hướng Diamond Head rồi quay vòng lại theo Kalakaua Avenue và ngừng ở trạm cuối cùng (finish line) tại Kapiolani Park (hình bên trái); Chepkwony của Kenya chạy về nhất với thời gian 2:18’:46”; tính trung bình 11.40 mile (hay 18.3 km)/giờ. Người đâu mà chạy nhanh thế! (hình bên phải).
Hình 2. Một cặp vợ chồng trẻ với bộ áo cưới cũng đến tham dự. Họ đi “giung giăng giung giẻ” trên đường; nhìn họ mà tôi cũng cảm thấy vui lây! Gần họ, một người đàn bà và cháu bé chạy hớn ha hớn hở về hướng khởi hành (chắc sợ bị trễ hẹn!?) (hình bên trái). Khán đài bắt đầu hoạt động từ lúc 4:30 sáng (hình bên phải). Đèn đuốc sáng trưng. Cả khu phố hình như đang bừng sống dậy! Hai ngôn ngữ chính dùng ở đây là tiếng Anh và tiếng Nhật. Nếu ngôn nghữ thêm một chút “dịu dàng” thân mật, tôi tưởng chừng như đang ở Fukuoka!
Chúng tôi thức dậy vào lúc 3:00 sáng, lái xe về hướng Ala Moana Park, đậu nhờ tại nhà một người quen rồi bắt đầu đi bộ về hướng khởi hành của marathon. Gió mát lạnh cả mặt nhưng cảm giác rất thoải mái. “Ngày trở về theo tiếng trống rền vang/Con phố bừng lên với tiếng chó rủ nhau sủa vội vàng/ Cỏ ướt mịn giọt sương mai còn long lánh/ Ánh sáng lăn tăn trên trên màu con nước trắng bạc phau.” Con đường sáng nay không có xe chạy, chỉ có đoàn người bộ hành nối đuôi nhau đi. Người đến đây từ nhiều nơi, ở những lứa tuổi khác nhau và thuộc nhiều thế hệ: từ những người “già” đến những em bé còn ngồi trên xe mẹ đẩy. Đến đây để chung vui cùng mọi người, để “have fun”!
Thời gian thắm mượt đời tôi
Sáng nay rộn rã tiếng cười
Hương gió biển, hương cỏ cây, đồng nội
Cùng về đây “Aloha” đón mời.
Thậm chí có những cặp tân hôn với bộ áo mới cưới cũng nắm tay nhau đi “giung giăng giung giẻ” trên đường phố [Hình 2, bên trái]. Hình như mỗi người về đây đều có một tâm sự và niềm vui riêng. Về đây để hưởng thụ! Về đây để tạm quên đi những khó khăn, dằn vặt trong cuộc sống. Về đây để bắt đầu! Về đây để cùng ghi lại một kỷ niệm!
Đêm chưa qua, mà ngày hình như đã đến
Người vồn vã chào người. Sương còn ướt đẫm cỏ cây.
Leo lét vài đốm sao, cùng ánh điện hao gầy.
Cành trĩu nặng, hàng dừa nghiêng nghiêng bóng.
Gió thổi mơn man. Đất trời lồng lộng
Từ khắp nơi người người rủ nhau về
Sắc áo màu tươi, rảo bước chân lê
Về hướng phố có tiếng loa vang vọng.
Không biết người đến từ đâu? Bắt đầu chừng vài người. Rồi chục người. Trăm người. Người ùn ùn đến từ khắp nẻo, muôn nơi! Góc phố, con đường, người càng lúc càng đông. Họ cứ đến. Hình như đã hẹn trước!
“…4 giờ sáng. Ngày còn “non tươi rói”! Giọt sương rơi. Nghiêng ngã cánh lá khô. Trên triền cỏ chênh vênh. Con gió nhẹ khe khẽ lên. Ngỡ ngàng. Se sẻ lạnh. Tiếng lá lao xao hòa với tiếng cười. Qua mau. Người đến, người đi. Người ùn ùn đến từ nhiều hẻm phố. Những khuôn mặt đọng đầy niềm vui tươi. Vồn vã trong giọng nói điệu cười. Mọi người đến đây để trải nghiệm một cái gì rất “mới”! Nhịp sống trở nên nhẹ nhàng dần dần theo ngày sang! Chú chó màu nâu hổn hễn chạy theo người đi xe đạp. Ngơ ngác nhìn mọi người và ham vui góp phần với vài tiếng sủa. Vài chú chó trong nhà cũng đáp lại. Sủa vang! Âm hưởng khàn khàn. Đôi lúc chói tai! Hai cậu bé rảo bước chân mau. Vài cô cậu nắm tay nhau như muốn sưởi ấm lòng trong con gió lạnh. Buổi sáng cuộc đời! Trong trắng trinh nguyên lan tỏa khắp nơi...”
Pháo bông đủ sắc màu làm sáng cả một vùng trời còn leo lét ánh sao. “Lòng cảm thấy nao nao khi nhìn vầng trăng lưỡi liềm âu yếm ngọt ngào/ Lẽo đẽo theo sau con thuyền chòng chành sóng nước? Gió mát vạt áo thưa người đi qua lũ lượt/ Dưới đám mây treo đủng đỉnh rất gần.”
Tiếng máy phóng thanh từ khán đài át hẳn tiếng cười nói của mọi người [Hình 2, bên phải]. Hai bên đường, các quầy hàng tập nập vời người mua kẻ bán. Có đủ các loại thức ăn từ takoyaki, okonomiyaki, bento, những bọc chips, cơm chiên đến musubi. Đặc biệt tôi để ý đến một cậu bé khoảng 8-9 tuổi người bản xứ cũng chịu khó dậy sớm đến giúp mẹ bán những ổ bánh mì còn nóng hổi thơm ngon. “Tiếng cười em bé đứng cạnh mẹ bên quầy bánh mì nghe thật thân/ Đôi mắt em chứa đựng một vũng trời bao la tình nghĩa ân cần/ Da nám sạm đen khuôn mặt ngây thơ làm áo quần thôi bẩn/ Đưa tay vẫy chào mọi người về đón ngày lễ hội hôm nay.”
Pháo bông nổ tung làm sáng một vùng trời còn tối
Đủ sắc màu tươi với những tiếng “tạch đùng”
Tiếng kèn thổi lên như xé nát không trung
Em bé cảm thấy thích thú, nhìn mẹ cười khúc khích.
Người xướng ngôn viên nói tiếng Anh xong rồi chuyển qua tiếng Nhật vì du khách Nhật quá đông. “Nếu ngôn ngữ thêm dịu dàng thân mật/ Tôi tưởng chừng như đang ở Fukuoka!” Tôi có cảm tưởng là đang đứng giữa phố Fukuoka, miền nam nước Nhật vào dịp Hakata Dontaku Minato Matsuri vào tháng năm hay Hakata Gion Yamakasa vào tháng bảy mỗi năm ở phố Tobata. Nếu ở đây có thêm vài quán “Yatai” nữa thì tuyệt!
5:00 sáng: Marathon bắt đầu.
Mọi người bắt đầu tham dự Honolulu Marathon
(Trong cuộc chơi này không có người thua lỗ!)
Tất cả đến đây để vui chơi; để sống trọn một ngày
Chuyện thắng thua như cơn gió nhẹ sáng nay.
Ai để ý và ai cần gì để ý!?
Hai đứa con chúng tôi cũng đi sắp hàng tham dự. Vì số người tham dự đông như thế này, chúng tôi không thấy start line ở đâu cả; tôi đoán phải mất ít nhất 10 -15 phút mới ra khỏi điểm khởi hành! Có những người có khuôn mặt rất nghiêm trang muốn “dành phần thắng”, nhưng phần lớn “take it easy” và’ have fun”. Dù sao đi nữa đây cũng là dịp để thử thách với chính mình sau những tháng ngày “huấn nhục”!
5 giờ sáng. Pháo bông rực sáng đầy trời. Phút giây bắt đầu sự thử thách và chấm dứt những đợi chờ từ bấy lâu nay! Những năm tháng ráng công rèn luyện giờ sắp trôi qua trong phút chốc! Còn lại đây vài khoảnh khắc hồi họp mong chờ! Tiếng nói từ khán đài. Diễn văn khai mạc. Mạnh người người nói. Mạnh ai muốn nghe cứ nghe. Vài người trong ban tổ chức đứng bên đường với chiếc loa hét đến khan cả cổ. Người người về đây hôm nay. Cùng nhau tận hưởng phút giây này!
Khoảng chừng một tiếng đồng hồ sau, trời bắt đầu nóng và hơi oi bức. Theo mấy đứa con chúng tôi cho biết, lúc đầu người tham dự đông nghẹt đến nổi khó tìm chỗ chen chân. Lúc đó, công việc chính là tránh không giẫm lên chân người khác. Khi gần tới mốc 11 Mile gần con dốc đi lên Diamond Head thì người đã thưa dần và ở mốc 23 Mile trên hướng về thì hình như con đường trở nên rộng thênh thang. Đoàn người chạy ngang qua Đại lộ Kalakaua hướng về finish line. Trong thời gian chờ đợi, tôi và nhà tôi cũng theo hàng người đến ủng hộ những người tham dự. Những trạm cung cấp nước nằm nhan nhãn khắp nơi. Những dấu hiệu “shaka sign”* và “high fives” , những cánh tay trao những bọc pretzels, bánh và chuối đã làm tăng thêm tinh thần nhiều người giờ đã mệt nhoài, cố “lê lết” bước chân gắng đi về tới đích… Khoảng vài tiếng đồng hồ sau khi máy phóng thanh loan báo người đầu tiên về tới đích (Gilbert Chepkwony), chúng tôi thấy số người cũng bắt đầu trở về. Chúng tôi đi từ từ dọc theo những hàng cây Banyan trong công viên. Loại cây này rất nhiều ở đây và có những hình thù rất đặc biệt, với rễ cái, rễ con buông thỏng xuống và ôm trọn vào nhau như muốn bảo vệ và đùm bọc cho nhau. Đoạn đường khá dài với núi đồi và biển sóng; có người chạy, có người đi bộ để lấy lại sức; nhưng hầu hết quyết tâm sẽ về tới đích [Hình 3].
Hình 3. Chạy mệt rồi lại đi (hình bên trái); nhưng cuối cùng cũng về gần tới đích. Mồ hôi chảy nhễ nhại trên trán, trên vai người tham dự (hình bên phải).
Đại lộ Kalakaua hôm nay
Mọi người về đây cùng chung sống một ngày
Hưởng trọn gió mây, biển xanh sóng nước
Núi đồi cao cây cỏ rộn sắc hương.
Người chạy nhanh. Người đi chậm trên đường
Chân cứ bước theo những bước chân. Cùng bước
Đôi dày cũ hình như đà thấm mệt
Uể oải gắng lê bước từng bước đi qua.
Trời nắng chang chang, ngã bóng cây la đà
Người đến ủng hộ lắm màu đủ sắc
Nước uống, trái cây, lời trao vồn vã
Phấn khởi niềm tin, thắm đậm tình người.
Chỉ thấy nơi đây đầy rẫy tiếng cười
Mồ hôi nhễ nhại, nhưng chắc lòng vui sướng lắm!
Vài giờ sau, hai đứa con chúng tôi cũng về tới đích! Tôi cũng cảm thấy vui lây khi nhìn khuôn mặt hồ hởi và nụ cười nở trên môi của chúng; mặc dù khá thấm mệt với mồ hôi chảy nhễ nhại trên trán dưới khí trời nóng gắt của hải đảo O’ahu [Hình 4]
Hình 4. Hai đứa con chúng tôi chụp chung với mẹ trước khi khởi hành vào lúc 4:39 sáng (hình bên trái); và sau khi về tới finish line ở Kapiolani Park (hình bên phải). Có mệt mà vui! Mission accomplished! (Dấu hiệu với ngón cái và ngón út chỉa thẳng ra, trong khi ba ngón còn lại cuộn tròn về hướng lòng bàn tay. Dấu hiệu này biểu lộ tinh thần “Aloha” của người bản xứ và có nghĩa là “Take it easy!”, không có gì phải vội vã và lo lắng cả. Còn có nghĩa là “Things are great”, “Hang loose” và “Right on”).
Kết từ
Honolulu Marathon dành cho những ai muốn “đến để chung vui”! Không chỉ riêng những người chạy bộ chuyên nghiệp mà cho tất cả mọi người! Họ đến đây từ mọi nơi, thuộc nhiều thành phần và nhiều thế hệ khác nhau. Ai muốn đến thì Marathon mời đến; người muốn về chẳng có ai muốn giữ chân! Đến để tìm vui trong tình nghĩa ân cần. Trong nụ cười ánh mắt. Đến để sống trong tình người siết chặt. Để hy vọng thăng hoa và niềm tin lan tỏa. Đến để cùng chia sẻ niềm vui. Để gặp gỡ nhiều người dù quen, dù lạ. Trong cuộc sống đầy “bon chen kiếm sống”, có một ngày sinh hoạt ngoài trời với trời mây gió nước như thế này thì còn gì thú vị cho bằng!
Niềm vui trong chốc lát
Sẽ mang theo trong đời
Ngày vui tuy rất ngắn
Nhưng hương nồng muôn nơi.
Hôm nay trời rất nắng
Sóng trắng nhịp đầy vơi
Mùi cây rừng ngai ngái
Thảnh thơi an hưởng đời…
Trần Trí Năng
May 1, 2021
Tài liệu tham khảo
[1] http://www.marathonguide.com/results/browse.cfm?MIDD=480131208