Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • DaiThinhDuong1200
  • hinhCu 1200
  • CD4 1200
  • NhaGiuXe1200

EastWestCenter
Center for Cultural and Technical Interchange Between East and West  (Sophia McCullough / Hawaii Public Radio)

Khu đại học nằm yên trong tĩnh lặng

Nắng ban mai hít thở nhịp chân đều
Cô cậu học trò lê gót nhỏ liêu xiêu
Dựa bóng ngã đi theo cùng vạt nắng.

Cây cỏ xanh tươi núi đồi trầm lặng
Gió ban mai lồng lộng má em hồng
Chú sóc nhỏ đang đùa vui. Bỗng ngóng
Nhìn khách về nên bỏ lỡ cuộc chơi!

Băng ghế đá thong dong, bóng lẽ giữa trời
Từ tốn giăng đôi tay ôm chầm cụm nắng tươi xanh biếc
Mơn mởn, thanh tao thảm cỏ xanh diễm tuyệt
Khe khẽ nghiêng nghiêng trườn vạt nắng cuối đồi.

Yên lặng hôm nay. Giọt nắng tinh khôi
Xuyên kẽ lá nhẹ rơi đều tiếng thở
Gió khẻ động lay nhánh cây ngờ ngợ
Nguồn sống tái sinh sinh diệt luân hồi.

Jefferson Hall sừng sững bóng chơi vơi
Trôi nhè nhẹ theo dòng con suối nhỏ
Sei En đó với ba tầng thác đổ
Kiếp nhân sinh lúc trẻ, lớn rồi già.

Dòng vô thường khi gần gũi, lúc xa
Cõi tạm nơi đây dừng chân đời ghé bến
Thời gian mênh mang. Hưởng phút giây trọn vẹn
Ngây ngất tung tăng. Thiên nhiên rộng vô bờ.

Thơ người. Thơ đời. Vạt nắng nên thơ
Tôi đã đến. Tôi đi rồi sẽ đến!
Quá khứ tương lai hiện tại cùng hò hẹn
Có có không không cùng môt kiếp người!

Ngọn cỏ mơn man nắng rực trắng chân tôi!

1. Vài nét về East-West Center

Sau khi xong một vài công việc ở University of Hawai’i, Manoa, sẵn còn nhiều thì giờ nên tôi và nhà tôi đi dạo tìm một quán cà phê trong campus để ngồi tán dóc.

So với những campus của các trường đại học khác trong nội địa thì campus này thuộc cỡ nhỏ- trung. Những tòa nhà, con đường được gói ghém một cách ngăn nắp dễ thương. Ở đây sinh viên vóc dáng Á Châu và ở các đảo lân cận như Samoa. Guam, hình như khá đông. Lác đác đó đây vài cô cậu đi lại nói cười vui vẻ. “Khu đại học nằm yên trong tĩnh lặng/ Nắng ban mai hít thở nhịp chân đều/ Cô cậu học trò lê gót nhỏ liêu xiêu/ Dựa bóng ngã đi theo cùng vạt nắng.”

Ngày xanh vạt nắng ngoan hiền
Người qua lối nhỏ bình yên ngõ vào
Tưởng chừng mộng cũng bay cao
Hàng cây ngã gió lào xào bóng mây.

Thẹn thùng má đỏ hây hây
Ngất ngây gói trọn thanh âm ru hồn
Tuổi mơ, cõi mộng nhẹ vươn
Một bông hoa nở sáng nay với đời!.

Thả hồn theo mộng dong chơi
Ngày lên vời vợi nắng vàng réo vang
Chân ai cất bước dịu dàng
Thời gian hòa quyện không gian mỉm cười.

Đi được một đoạn đường chúng tôi vẫn không tìm được quán cà phê (chắc nằm trong tòa nhà dành cho sinh hoat của sinh viên chẳng hạn như Student Union Building!?). Nhưng một phần “làm biếng” hỏi đường; một phần chúng tôi cũng không muốn “khuấy động” không khí hồn nhiên với tiếng nói cười vui vẻ của các em!. Thay vào đó chúng tôi tình cờ khám phá ra một khu vực với cây cối cắt xén rất đẹp và có vẻ “rất Nhật”. Tò mò, chúng tôi thử ghé lại xem thì được biết đây là East-West Center, một trung tâm nổi tiếng của đại học. Đây đúng là một “khám phá ngẫu nhiên và thú vị”! Tên chính thức của trung tâm này là The Center for Cultural and Technical Interchange Between East and West.Trung tâm do Quốc Hội Mỹ thiết lập vào năm 1960 với mục đích là trao đổi giáo dục, văn hóa giữa các nước trong vùng Thái Bình Dương, Châu Á và Mỹ. Trung tâm này trong vài năm đầu gồm có tất cả 6 tòa nhà: Edmondson Hall (bốn tầng với lớp học và phòng thí nghiệm), Kennedy Center (dùng cho các hội nghị lớn, hòa nhạc với 800 chỗ ngồi), Hale Kuahine (cư xá nữ, bốn tầng), Lincoln Hall (4 tầng , cư xá dành cho học giả và cán bộ giảng huấn), Jefferson Hall (bốn tầng gồm có phòng hội nghị, cafeteria và văn phòng của ban quản lý) và Hale Manoa (13 tầng, cư xá nam- từ 1990 cư xá này dành cho cả nam lẫn nữ, Hình 1). Cư xá và một số tòa nhà khác trong campus do kiến trúc sư Ieoh Ming Pei hay thường gọi tắc là I.M.Pei thiết kế. Nên ghi chú ở đây là I.M. Pei là một kiến trúc sư người Mỹ gốc Tàu nổi tiếng đã lãnh giải Pritzker Prize (tương đương với Nobel Prize về ngành kiến trúc); ông cũng đã thiết kế nhiều tòa nhà trên thế giới trong số đó có J.F. Kennedy Library, National Gallery of Art, Louvre Pyramid (Pháp) và Miho Museum (Nhật). Ngoài chính phủ liên bang và tiểu bang Hawai’I ra, còn có hơn 22 hãng Nhật và một số quốc gia trong khu vực hổ trợ tài chánh cho các hoạt động của trung tâm này [1].

2. Chashitsu Jakuan

Nằm sau Jefferson Hall [Hình 2] là một khu vườn Nhật có tên “Seien” (Serene Garden, Hình 1 & 2). Khu vườn được bao bọc chung quanh bởi những hàng cây cao vươn cành xòa lá thành cái lộng che nắng cho khách bộ hành đi qua. Từ lâu lắm lận, chúng tôi mới lại có cơ hội viếng thăm một khu vườn Nhật nhỏ bé và xinh xắn như thế này!

Chúng tôi đi dọc theo con suối Manoa. “Jefferson Hall sừng sững bóng chơi vơi/ Trôi nhè nhẹ theo dòng con suối nhỏ/ Sei En đó với ba tầng thác đổ/ Kiếp nhân sinh lúc trẻ, lớn rồi già.” Con suối này có ba tầng thiết kế giống như dòng sông bắt nguồn từ trong núi; chảy xuyên qua vùng đồng bằng và chảy chậm lại khi ra gần đến biển. Theo triết lý của người Nhật, ba tầng này biểu hiện ba giai đoạn trong cuộc đời con người: bắt đầu chảy nhanh với nhiều vòng xoắn tượng trưng cho những “bầm dập” thăng trầm lúc còn trẻ; hiền hòa, điềm đạm, chín chắn lúc trưởng thành; rồi dần dần chậm lại, trở nên trầm lặng hơn lúc tuổi càng về già. Mặt nước yên tĩnh của con suối đôi lúc bị giao động với đàn cá “koi” (Japanese carp) đủ màu; một biểu tượng của sự kiên trì và dũng cảm vì theo truyền thuyết, những con cá này phải đấu tranh cố bơi ngược dòng nước chảy để trở về nguồn.

Đi khoảng vài trăm mét, chúng tôi thấy một ngôi nhà trà đạo với tấm bản khiêm nhường đề tên Chashitsu Jakuan (Cottage of Tranquility) (Hình 3). Ngôi nhà “chanoyu” này nhỏ, xinh xắn làm tôi nhớ lại những tea house có cái tên En ở Gion, nằm cạnh Chionin Temple ở Kyoto. Đối với người Nhật, chữ En có nhiều nghĩa: En có nghĩa là “duyên”/số, “viên”/mãn , “yến”/tiệc, “viện”/ trợ và “diễn”/ xuất. Riêng hai chữ “duyên” và “viên” có tính cách triết học và tôn giáo, nhất là về thiền học: Chữ duyên có nghĩa là cơ duyên, còn chữ “En” là “tròn/marui”, có nghĩa là một vòng tròn không có bắt đầu và cũng không có chấm dứt; không có khiếm khuyết mà cũng không có sự hoàn hảo. Một kết nối liên tục như dòng đời sinh tử, tử sinh.

Lúc chúng tôi đến Chashitsu Jakuan, một số sinh viên thực tập đang chuẩn bị pha trà cho quan khách. Chúng tôi quan sát cử chỉ và sự di động của người chủ (teishu) trong bộ áo kimono sặc sỡ và quan khách (giáo chức, nhân viên và sinh viên) ăn mặt rất “casual”. Trước tiên khách đi vào phòng trà qua một cánh cửa” nijiriguchi” nhỏ và thấp nên buộc phải cúi đầu; rồi người chủ lần lượt cúi đầu chào từng người khách một khi họ bước vào-một cử chỉ biểu hiện sự “khiêm tốn” và “kính trọng” đối với mọi người bất luận địa vị và hoàn cảnh của họ trong xã hội. Thêm vào đó, không khí trong phòng trong sáng và thanh tịnh, nhằm thực hiện tinh thần Wa (harmony), Kei (respect), Sei (purity), Yaku (tranquility), và cái đẹp “Wabi-Sabi” của người Nhật. Buổi lễ bắt đầu với người chủ lau sạch và chuẩn bị các dụng cụ cần thiết. Cử chỉ và các điệu bộ di động của cô rất chậm rãi, khoan thai và thoải mái; hình như cô đang chánh niệm, tỉnh thức theo dõi từng động tác của mình. Bên cạnh cô là một chiếc hộp đựng dụng cụ làm trà (chaki), hộp trà (chabako), bình nấu nước nóng bằng sắt (kama) được đặt trên chiếc lò (furo). Bình có nắp chứa nước sạch (mizusashi), đồ dụng cụ gọi là chasen kusenaoshi làm bằng ceramic dùng để giữ đồ khuấy trà (chasen), một cây quạt (sensu) và một tấm vải bằng lụa màu tím (fukusa) được xếp lại thành hình tam giác. Không khí trong phòng im lặng đền nỗi chúng tôi có thể nghe rõ mồn một tiếng nước sôi từ chiếc bình nấu nước. Sau thủ tục làm sạch các dụng cụ, cô ta chuẩn bị pha trà bằng cách múc ba muỗng trà xanh (matcha green tea) với cái muỗng xúc trà có tay cầm dài (chashaku) và đổ vào cái bát (chawan) cho mỗi vị khách. Cô thêm nước nóng vào chawan bằng cái muỗng tay dài bằng tre (hishaku) và khuấy với đồ khuấy được chẻ ra thành cộng từ một miếng tre (chasen) đến khi thành một lớp trà xanh mỏng hiện lên trong chawan. Người chủ mang từng bát trà đến người khách bằng cách vừa quỳ vừa xê dịch bằng hai đầu gối; chủ khách cúi đầu chào nhau. Mỗi động tác diễn ra rất chậm- hình như mỗi người cố theo dõi từng động tác của mình. Người khách đầu tiên nhận chén trà, quay chén trà ba lần theo chiều kim đồng hồ, rồi bắt đầu uống. Sau đó, người khách lau vành bát trà, và quay ngược lại ba lần để đưa tách trà về vị trí ban đầu, rồi chuyển sang người khách bên cạnh. Những động tác này cứ tiếp tục cho đến người khách cuối cùng. “Nhất cử nhất động” đều chậm rãi, từ từ; không có gì phải vội vã! Mọi người hình như chú tâm (kokoroire) vào những gì đang làm! Sau khi tất cả người khách uống xong, người chủ rửa chawan, chasen và chashaku. Trong lúc này khách có cơ hội quan sát những dụng cụ dùng trà; một số được truyền lại qua nhiều đời, nên khá hiếm và quý. Cảnh tượng này làm tôi nhớ lại những “chanoyu” khác và “chaji” tôi có dịp tham dự trước đây lúc còn đi học ờ Fukuoka và Osaka. “Chaji” là một hình thức trà đạo có thể kéo dài hàng giờ, có dọn thêm thức ăn (cha kaiseki) và rượu sake. “Trà đạo” có nhiều tên như Chanoyu, Sado hay Ocha, được du nhập từ Trung Quốc khoảng 1,000 năm trước và được người Nhật “hoàn thiện” thành một nghệ thuật phù hợp với truyền thống Zen.

image003
Hình 1. Hale Manoa Dormitory, do I.M.Pei thiết kế (hình bên trái)
và nhà uống trà, tháp chín từng và đàn cá “koi” trong khu vườn Seien có lối kiến trúc theo kiểu Nhật (hình bên phải).

image005
Hình 2. Jefferson Conference Hall (hình bên trái) và khu vườn Seien Nhật (hình bên phải).

image007
Hình 3. Chashitsu Jakuan với lối kiến trúc phản ảnh một phần triết lý “Wab-Sabi” và “Ma” của người Nhật (Google Image).

Sau khoảng 30 phút “tham dự” và “chiêm ngưỡng” nét văn hóa của lễ trà đạo, chúng tôi tiếp tục hành trình “khám phá” khuôn viên trường. “Cây cỏ xanh tươi núi đồi trầm lặng/ Gió ban mai lồng lộng má em hồng/ Chú sóc nhỏ đang đùa vui. Bỗng ngóng/ Nhìn khách về nên bỏ lỡ cuộc chơi!”.

Giữa đất trời lộng lộng, gió mát trong lành, tôi cảm nhận được một nguồn tự do mênh mông. “Yên lặng hôm nay. Giọt nắng tinh khôi/ Xuyên kẽ lá nhẹ rơi đều tiếng thở/ Gió khẻ động lay nhánh cây ngờ ngợ/ Nguồn sống tái sinh sinh diệt luân hồi.” Chúng tôi đi chậm hơn như cố hưởng trọn không khí trong lành của vùng biển đảo! Vừa đi tôi vừa niệm trong đầu “Tâm hồn ta thanh thản/ Như con suối hôm nay/ Để ngàn tia nắng vỡ/ Len vào hồn ta say” để tỉnh tâm bắt đầu đi vào Thiền hành. Tôi nhớ lại những ngày “gasshuku” ở Koyasan lúc còn học ở Osaka, trung tâm Phật giáo của trường phái Shingon tọa lạc trên núi Koya, thuộc huyện Wakayama ở Nhật. Trường phái Shingon được Thiền sư Kobo Daishi (còn có tên là Kukai) du nhập vào nhật vào năm 805. Trong thời gian ở Koyasan, ngày nào chúng tôi cũng dậy sớm, ăn chay (shojin ryori), hành thiền và đi bộ quanh núi! Chúng tôi thường đi qua nghĩa địa Okunoin; nơi có lăng mộ của thiền sư Kukai (Kobo Daishi) và Tướng quân Tokugawa ở đó. Cách đó không xa, có Tháp Năm Vòng (Gorintoo) đang đứng đón chào du khách vào thăm: từ trên nhìn xuống, chúng ta sẽ thấy đầu tiên là chữ “Không”, tiếp đến chữ “Phong” khắc trên tảng đá hình bán nguyệt; rồi chữ “Hỏa” trên một hình tam giác; kế đến chữ “Thủy” trên tảng đá hình tròn; và phía dưới cùng là chữ “Địa” khắc trên một khối đá hình chữ nhật.

Có mệt nhưng vui và lòng lúc nào cũng thanh thản, nhẹ nhàng! Một cảm giác trong sáng và thanh tịnh. Những cát bụi trong đời hình như lắng đọng…có lúc cạn, có lúc sâu…Về đâu? Đi về dâu trong kiếp người hữu hạn trong lòng thiên nhiên rộng lượng vô cùng? Mở mắt hít thở khí trời trong lòng thiên nhiên mênh mông…Cỏ cây mơn man trong làn gió nhẹ…

“…Giữa đất trời trải rộng thênh thang muôn nơi, ru nhịp đời mênh mang trong tôi; người người trở về trong cánh rừng nhỏ thầm kín ngàn đời.

Koyasan sáng nay thông reo ngút ngàn, cụm mây trắng nhẹ nhàng lướt bay trong bầu trời xanh sâu thẳm; mọi vật bao trùm với ngàn tia nắng nồng nàn sưởi ấm tâm thân.


Người cúi đầu chào người nhẹ bước thong dong, nghe hơi thở nhịp nhàng theo từng điệu thở. Chim trao nhau lời hát, cánh hoa là tứ đại sắc thắm tươi cười, hòa nhịp đều cùng tiếng chuông chùa ngân xa, khi bổng lúc trầm. An hưởng phút giây, tránh những tạp niệm phóng tâm và quên đi những mẫu chuyện quá khứ tương lai qua dòng năm tháng …”

3. Thai Pavilion và Center for Korean Studies

Tôi lắng nghe tiếng thời gian ngân vang. Lúc dồn dập, lúc dịu dàng. Âm điệu nhịp nhàng một ngày mới đến. Vài cô câu sinh viên ngã đầu bên gốc cây hò hẹn. Tâm sự một thời, một giờ, một phút trôi qua… Và cuối cùng chúng tôi đến ngồi nghỉ chân trên một băng ghế đá màu trắng; chung quanh là những bụi hoa bông bụt, hoa cúc ruộm vàng dưới nắng. “Băng ghế đá thong dong, bóng lẽ giữa trời/ Từ tốn giăng đôi tay ôm chầm cụm nắng tươi xanh biếc/ Mơn mởn, thanh tao thảm cỏ xanh diễm tuyệt/ Khe khẽ nghiêng nghiêng trườn vạt nắng cuối đồi.

Băng ghế này nằm gần Thai Pavilion và Center for Korean Studies, hai biểu tượng văn hóa do quốc vương Thái và chính phủ Đại Hàn tặng cho East-West Center (Hình 4). Thai Pavilion còn có tên gọi là “sala”, có nghĩa là “cái nhà, chòi “ để tu tập trong triết lý Phật Giáo. Sala này rất thịnh hành dưới thời của Vajiravudh (tức là vua Rama VI -1881-1925). Sala này trông na ná giống những Pavilion trong Đại học Chulalongkorn , một đại học lâu đời nhất của Thái với tổng số sinh viên khoảng 37 ngàn người. Ngôi đền của vua Rama VI được đặt tại công viên Lumphini, nằm phía bên kia đường đối diện với trường đại học. Công viên này lúc nào cũng tấp nập với người đi/chạy bộ, tập Taichi hay nhiều sinh hoạt khác. Ở đây còn có một loại thằn lằn mà trước đây tôi chưa từng thấy bao giờ (Hình 5). Có con dài tới khoảng hơn một mét. Từ xa trông giống như những con cá sấu. Chúng nằm khắp nơi trong công viên, bận rộn với những hoạt động hàng ngày của chúng. Tôi còn nhớ buổi sáng chạy bộ trong công viên và những chiều tôi đi bộ trong campus, bắt đầu từ trường y khoa rồi đi ngang qua trường nhân văn và xã hội và chấm dứt ở sân vận động xanh tươi màu cỏ. Rải rác đó đây một vài cô cậu sinh viên trò chuyện, nói cười vui vẻ. Cái nét hồn nhiên của tuổi trẻ vẫn còn phảng phất đâu đây. Đôi khi có một cơn mưa phùn đến, khí trời trở nên mát và dễ chịu hơn, cho tôi một cảm giác thật nhẹ nhàng giữa lòng thành phố Bangkok đông người!

image009
Hình 4: Thai Pavilion, quà tặng của quốc vương Bhumibol và hoàng hậu Bhumibol Adulyadej của Thái vào năm 1967. Đây là bản sao của một sala của nhà vua King Rama VI (trị vì Thái từ năm 1910 đến năm 1925). Sala này được tu sửa trờ lại vào năm 2000 (hình bên trái). Center for Korean Studies, xây năm 1979. Thiết kế bởi Chong In-guk và Na Sang-gi, Jo Paul Rognstad và Vernon Kim. Lối kiến trúc giống như một phần của cung điện dùng để đăng quan nhà vua. Vật liệu xây cất chính như gỗ, mái nhà và những bức tranh vẽ đều được mang đến từ Đại Hàn. Phần bên ngoải được nới rộng và tu chỉnh vào năm 1998 (hình bên phải).

image011
Hình 5. Một nhóm người tập Taichi (hình bên trái) và hai con thằn lằn khổng lồ (hình bên phải) trong công viên Lumphini, Bangkok. Ở trước công viên này, còn có một khu chợ trời, mở cửa mỗi ngày từ 5 giờ sáng. Thức ăn của Thái vừa rẻ lại vừa ngon.

Riêng về The Center for Korean Studies, chính phủ Đại Hàn khởi công xây cất tòa nhà vào tháng 7 năm 1974; và chính thức hoàn thành vào năm 1979. Trong khoảng thời gian từ 1998- 2001, bên ngoài của Center được nới rộng và tu chỉnh thêm. Trung tâm được thiết kế bởi hai kiến trúc sư Đại Hàn Chong In-guk và Na Sang-gi, và chỉnh sửa lại bởi hai kiến trúc sư ở Hawai’i Jo Paul Rognstad và Vernon Kim. Lối kiến trúc giống một phần của cung điện dành để làm lễ đăng quan nhà vua. Vật liệu xây cất chính như gỗ, mái nhà và những bức tranh vẽ đều được mang đến từ Đại Hàn. Nổi bật nhất là bức tranh “Ch’onhwadae” của Min-Kyong-gap (Yusan) treo ngay giữa cầu thang trên đường đi lên lầu hai của khu nhà chính. Yusan đã đến rặng núi Sorak nằm ở vùng biển phía đông để khảo sát và ở đó sáu tháng để hoàn thành bức tranh [2]. Cả Thai Pavilion và Trung Tâm Nghiên Cứu Văn Hóa Đại Hàn đưa du khách về thăm thời đại vua chúa huy hoàng xa xưa- một cái gì mơ mơ màng màng tiềm tàng trong tâm thức!

4. Kết từ

Chúng tôi đi chầm chậm dọc theo con suối Manoa chảy ngoằn ngoèo ôm kín bờ đá rêu phong xanh theo màu năm tháng. Tôi theo từng hơi khí hít vào và thở ra. Ghi nhận từng bước chân giẫm theo vạt nắng hiền hòa. “Hít vào hơi thở mênh mang/Thở ra âm điệu nhịp nhàng/Lá rơi xanh nền thảm cỏ/Chim non lời gọi âm vang”. Tai tôi có “nghe”, mắt tôi có “thấy”; nhưng rồi những gì “nghe- thấy” cũng thoảng qua mau theo dòng sinh diệt. Vài tạp niệm và khó chịu “tâm thân” cũng dần dần biến mất vì cái “tôi” bây giờ cũng không phải là tôi! Giữ cho mình trạng thái “định/samadhi” dù chỉ trong một giây phút ngắn ngủi. Thời gian như dừng lại. Và không gian yên lặng lạ thường. Dòng sống , dòng đời vẫn tiếp tục luân lưu! “Dòng vô thường lúc gần gũi, lúc xa/ Cõi tạm nơi đây dừng chân đời ghé bến/ Thời gian mênh mang. Hưởng phút giây trọn vẹn / Ngây ngất tung tăng. Thiên nhiên rộng vô bờ/ Thơ người. Thơ đời. Vạt nắng nên thơ/ Tôi đã đến. Tôi đi rồi sẽ đến/ Quá khứ tương lai hiện tại cùng hò hẹn/ Có có không không cùng môt kiếp người!”

Để kết thúc bài viết này, xin ghi lại đây một bài thơ tôi viết “Samadhi” ở một thời gian tuy có khác nhưng không gian cũng tương tự như hôm nay:

Samadhi
Chiều lên trên hồ vắng
Bầu trời xanh
Chim tung cánh bay về
Mặt trời cao
Tắm trong dòng nước biếc
Nét an bình
Nhè nhẹ áng mây trôi.

Samadhi
Buổi sáng về tươi mới
Tâm, thân này
Hòa hợp. Nhẹ đôi chân
Muôn sắc hoa
Bướm ong về khai lối
Ngát thơm nồng
Tứ đại tỏa hương yêu.

Samadhi
Chớm thu về muôn điệu
Trắng, xanh, hồng
Má đỏ rộn trời mơ
Người bên người
Bình an về muôn nẻo
Yêu thương đời
Cho mộng ước bay cao.

Samadhi
Cây lá tiếng rì rào
Gió nhẹ nhàng
Ve vuốt điệu ca dao
Cơn mưa qua
Mát tươi màu nắng mới
Tiếng trẻ cười
Vũ trụ đẹp muôn nơi.
(2000)

Trần Trí Năng

[1] https://en.wikipedia.org/wiki/East%E2%80%93West_Center
[2] http://www.hawaii.edu/korea/pages/about/building.html