Chùa Bạch Mã nằm giữa Mang Sơn và Lạc Thủy, là một tòa cổ sát có tự ngàn năm, kiến tạo khoảng năm 68, cũNg là một nơi phát nguyên của Phật giáo, là ngôi chùa đầu tiên lúc đạo Phật mới truyền nhập vào Trung Nguyên. Tương truyền năm thứ bảy Vĩnh Bình thời Đông Hán, Hán Minh Đế Lưu Trang ban đêm nằm mộng thấy một kim nhân thân cao một trượng sáu, đeo vòng bạc quanh cổ, bay vòng chung quanh cung điện, hôm sau vua bèn chiêu tập quần thần hỏi ý, đại thần Bác Nghị tấu rằng:
- Phương tây có thần, tên gọi là Phật, hình dạng như lời bệ hạ đã thấy trong mộng.
Thế là Hán Minh Đế bèn phái trung lang tướng Tần Cảnh mười mấy người đi Thiên Trúc tìm Phật pháp. Bọn Tần Cảnh đi đến nước Đại Nguyệt Thị, gặp hai học giả Phật giáo trứ danh là Thiên Trúc cao tăng Nhiếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan, bèn mời hai người về nước truyền giáo. Năm 67, hai vị cao tăng dùng ngựa trắng tải kinh Phật và tượng Phật của Thích Ca Mâu Ni về tới Lạc Dương, đem kinh Phật dịch ra tiếng Hán, truyền đạo bắt đầu từ đó. Hán Minh Đế chiếu theo dạng thức của cung điện của Thiên Trúc xây dựng chùa chiền ngoài thành Lạc Dương cho hai vị cao tăng cư trú, phía ngoài khắc tượng hai con ngựa trắng để kỷ niệm công lao hai con ngựa tải kinh, và đặt tên cho chùa là Bạch Mã. Nhiếp Ma Đằng và Trúc Pháp Lan hai người lúc ở chùa Bạch Mã đã từng bị Đạo giáo chống đối, hơn sáu trăm gã đạo sĩ cùng dâng sớ lên Hán Minh Đế xin bãi bỏ chuyện truyền đạo Phật đuổi hai người đi, Hán Minh Đế không biết làm sao, cuối cùng bèn lấy pháp thuật ra quyết định chuyện bãi bỏ Phật giáo, vua tuyên bố trong ngày đầu năm sẽ thiết pháp đàn ở chùa Bạch Mã, dùng biện pháp hỏa thiêu kiểm nghiệm đạo Phật, Đạo giáo kinh thư, pháp lực bên nào giả bên nào thật. Thế là ngày đầu năm đó, ngoài chùa Bạch Mã bách tính quần thần ai nấy nhốn nháo đua nhau lại xem nhiệt náo. Phía đông pháp đàn để Tứ Thập Nhị Chương Kinh và tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, phía tây để kinh thư Đạo giáo hơn sáu trăm quyển. Hán Minh Đế hạ lệnh, lập tức hai bên lửa cháy lên bừng bừng, hai bên đều cất tiếng tụng niệm, kết quả phía tây ngoài bộ Đạo Đức Kinh ra, tất cả đều bị thiêu rụi ra tro bụi, còn phía đông kinh Phật và tượng Phật vẫn hoàn hảo, không những thế còn phản ánh kim quang trong lửa đỏ, thành tường quang ngũ sắc, ai nấy đều vô cùng thán phục, thế là đạo Phật hưng thịnh. Đến đời nhà Đường, Đường Huyền Trang pháp sư lấy kinh từ Thiên Trúc về, cũng dịch kinh Phật ra ở chùa Bạch Mã, do đó chùa Bạch Mã trở thành ngôi cổ sát nổi tiếng gần xa, hương hỏa không ngớt từ đời này sang đời khác. Trụ trì chùa bấy giờ là Liễu Không đại sư là một vị cao tăng đắc đạo thâm thông Phật pháp, Dương Thông đã từng nghe Đoàn Nhị đề cập đến, Liễu Không đại sư được dân chúng trong vùng ái mộ tôn trọng, mỗi lần Hoàng Hà ngập lụt, nhà sư đem đồ dự trữ trong chùa ra chẩn tế người dân bị nạn.