Thôn Bình Thạnh và Hưng Thạnh nằm ở phía bờ Tây đầm Thị Nại. Một nhánh của sông Hà Thanh chảy qua địa phận phường Nhơn Phú, vào hồ Phú Hòa (Nhơn Phú), rồi thoát ra đầm Thị Nại qua ngả Cầu Đôi, làm ranh giới cho hai thôn này.

Đơn vị hành chánh cấp thôn, ấp mang tên Bình Thạnh và Hưng Thạnh đã có từ lâu, có thể trong thời Chúa Nguyễn, nhưng bằng chứng mà ngày nay còn lưu giữ được là Địa Bạ Triều Nguyễn, Gia Long lập năm 1815. Và địa danh Bình Thạnh tồn tại suốt trong 2 thế kỷ (19 và 20), còn Hưng Thạnh đến năm 1930 thì bị giải thể.

Cũng như một số các thôn trong huyện (phủ, quận) Tuy Phước, Bình Thạnh và Hưng Thạnh đã trải qua các thời kỳ cải tổ hành chánh như sau:

01/ Căn cứ vào Địa Bạ Triều Nguyễn tỉnh Bình Định, lập năm 1815, niên hiệu Gia Long thứ 14, đã có ấp Hưng Thạnh nằm trong tổng Vân Dương, huyện Tuy Viễn. Và ấp Bình Thạnh nằm trong thuộc [1] Thời Tú, huyện Tuy Viễn [2]

02/ Năm 1832, Minh Mạng thứ 13, cải tổ hành chánh các tỉnh phía Nam, từ Quảng Nam trở vào: bỏ các danh hiệu trấn, thuộc, ấp thay vào gọi là tỉnh, tổng, thôn; đồng thời lập nhiều huyện, tổng, thôn mới.

Trong chiều hướng đó, tách một nửa huyện Tuy Viễn để lập huyện Tuy Phước, trực thuộc phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định [3]. Huyện Tuy Phước xuất hiện từ thời điểm này, nằm về phía Đông Nam của phủ. Giới cận: Đông giáp biển, Tây giáp huyện Tuy Viễn, Nam giáp huyện Đồng Xuân (Phú Yên), Bắc giáp huyện Phù Cát. Huyện mới lập này, coi 3 tổng [4]: Vân Dương, Tuy Hà, Thời Tú; gồm 146 thôn và 1 trang.

Thôn Hưng Thạnh không còn nằm trong tổng Vân Dương nữa, được chuyển sang tổng Tuy Hà. Và thôn Bình Thạnh không còn nằm trong tổng Thời Tú nữa, cũng được chuyển sang tổng Tuy Hà. Lúc ấy Tuy Hà gồm có 53 thôn, trong đó Bình Thạnh và Hưng Thạnh được Địa Bạ ghi giới cận như sau [5]:

- Bình Thạnh: Đông và Nam (2 mặt) giáp sông dài. Tây giáp thôn An Thạnh, quan lộ làm giới. Bắc giáp thôn Lương Nông, bờ ruộng làm giới.

- Hưng Thạnh: Đông giáp thôn Cẩm Thượng và đầm Thị Nại. Tây, Nam, Bắc (3 mặt) giáp sông.

03/ Năm 1906, huyện Tuy Phước được cải đặt làm phủ, trực thuộc tỉnh Bình Định, không lệ vào phủ An Nhơn nữa, và coi 4 tổng với 147 thôn [6].

'
H 1: Trích Bản đồ tỉnh Bình Định, khoảng năm 1930.

04/ Ngày 30-4-1930, Toàn quyền Đông Dương là Pierre Pasquier ra Nghị định nâng cấp thị xã Qui Nhơn lên thành phố cấp 3. Vì thế Qui Nhơn mở rộng diện tích, sáp nhập thêm thôn Hưng Thạnh từ phủ Tuy Phước. Địa giới của Hưng Thạnh, Đông giáp thôn Cẩm Thượng và đầm Thị Nại, Tây và Bắc (2 mặt) giáp sông Hà Thanh, Nam giáp núi Bà Hỏa [7].

Như vậy, Hưng Thạnh không còn thuộc tổng Tuy Hà, phủ Tuy Phước nữa (kể từ ngày 30- 4- 1930; vì đã sáp nhập vào thành phố Qui Nhơn và đổi thành Khu 5 (nay là phường Đống Đa) [8].

05/ Ngày 25-3-1948, Sắc lệnh số 148- SL của Chủ tịch Chính phủ VNDCCH, bãi bỏ các danh từ phủ, châu, quận là những đơn vị hành chánh trên cấp xã và dưới cấp tỉnh, đồng loạt gọi là cấp Huyện [9]. Phủ Tuy Phước kể từ Sắc lệnh này, chính thức dùng danh hiệu huyện thay cho phủ.

06/ Đầu năm 1946 (có tài liệu nói cuối năm 1946), cải tổ hành chánh:

Bãi bỏ đơn vị hành chánh cấp tổng, duy trì thôn (có từ xưa) để lập xã. Cứ chừng ba thôn liền nhau, hợp thành một xã. Phủ Tuy Phước có 121 thôn, họp thành 41 xã. Trong đó, xã Đôn Hậu có 4 thôn: Bình Thạnh, Lương Nông, Phú Hòa, Phú Vinh.

07/ Khoảng đầu năm 1948 (có tài liệu nói tháng 7-1947), thành lập xã lần thứ nhì; chừng 2 hoặc 3, cùng lắm là 4 xã nhỏ hợp thành một xã lớn. Việc đặt tên xã, theo thể thức, lấy chữ cuối của địa danh huyện là "Phước" làm chữ đầu cho tên xã.

Huyện Tuy Phước, lúc ấy có 16 xã:

01/ Xã Phước An: 6 thôn.

02/ Xã Phước Châu: Cù lao Xanh.

03/ Xã Phước Hải: Bán đảo Phương Mai.

04/ Xã Phước Hậu: Đông giáp đầm Thị Nại, Tây giáp xã Phước Long, Nam giáp Qui Nhơn, Bắc giáp Phước Thuận; gồm 12 thôn, hợp từ 3 xã nhỏ.

- Xã Thanh Hương có 5 thôn: An Thạnh, Nhơn Mỹ, Phụ An, Tường Vân, Vân Hà.

- Xã Khánh Lộc có 3 thôn: An Định, Lạc Trường, Thuận Nghi.

- Xã Đôn Hậu có 4 thôn: Bình Thạnh, Lương Nông, Phú Hòa, Phú Vinh.

An Định chia thành hai thôn: Đông Định và Tây Định. Sau khi điều chỉnh, Phước Hậu có 13 thôn và tồn tại cho đến ngày 30-9-1970, bị giải thể và sáp nhập vào Qui Nhơn.

05/ Xã Phước Hiệp: 8 thôn.

06/ Xã Phước Hòa: 10 thôn.

07/ Xã Phước Hưng: 7 thôn.

08/ Xã Phước Long: 9 thôn.

09/ Xã Phước Lộc: 11 thôn.

10/ Xã Phước Nghĩa: 8 thôn.

11/ Xã Phước Sơn: 9 thôn.

12/ Xã Phước Quang: 12 thôn.

13/ Xã Phước Tấn: 3 thôn.

14/ Xã Phước Thành: 9 thôn.

15/ Xã Phước Thắng: 9 thôn.

16/ Xã Phước Thuận: 5 thôn.

(Năm1948, chưa có Phước Lý, vì các thôn Hưng Lương, Xương Lý thuộc xã Cát Xương (Phù Cát). Khoảng cuối năm 1949, hai thôn này nhập vào xã Phước Hòa.

Ngày 22-12-1960, Nghị định số 1811- BNV/NC8/NĐ của Tổng Thống VNCH, thành lập xã Phước Lý; trên cơ sở trích 3 ấp Hưng Lương, Xương Lý và Hội Lộc của xã Phước Hòa để lập xã mới [10]).

08/ Ngày 30-9-1970, Sắc lệnh số 113- SL/ NV của Thủ Tướng Chính Phủ VNCH, giải thể 3 xã Phước Hải, Phước Hậu, Phước Tấn, sáp nhập vào Qui Nhơn để thành lập thị xã, chia làm hai quận: Nhơn Bình, Nhơn Định [11].

a/ Quận Nhơn Bình, gồm:

- Một phần xã Qui Nhơn cũ có các ấp: Cường Để, Đào Duy Từ, Ghềnh Ráng, Hải Cảng, Hàm Nghi, Lê Lợi, Nguyễn Du, Nguyễn Huệ, Xuân Quang.

- Xã Phước Hải có các ấp: Hải Đông, Hải Giang, Hải Nam, Hải Ninh.

- Xã Phước Tấn.

b/ Quận Nhơn Định, gồm:

- Một phần xã Qui Nhơn cũ có các ấp: Bạch Đằng, Huyền Trân, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu, Tháp Đôi (tức thôn Hưng Thạnh cũ).

- Xã Phước Hậu có các ấp: An Thạnh, Bình Thạnh, Đông Định, Lạc Trường, Lương Nông, Nhơn Mỹ, Phú Hòa, Phú Vinh, Phụ An, Tây Định, Thuận Nghi, Tường Vân, Vân Hà.

09/ Ngày 11-6-1971, Nghị định số 494-BNV/HCĐP/26/ĐT/NĐ của Tổng trưởng Nội vụ VNCH, chia 2 quận Nhơn Bình và Nhơn Định của thị xã Qui Nhơn (tỉnh Bình Định), làm 16 khu phố [12].

Quận Nhơn Định có 6 khu phố: Trung Chánh, Trung Kiệt, Trung An, Trung Thiện, Trung Hậu, Trung Nghĩa.

- Trong Khu phố Trung Hậu gồm các ấp: Bình Thạnh, Lương Nông, An Thạnh, Phú Vinh và Phú Hòa thuộc xã Phước Hậu cũ.

- Trong Khu phố Trung Thiện có ấp Tháp Đôi (Hưng Thạnh cũ)

10/ Ngày 22-8-1972, Nghị định số 553/BNV/HCĐP, đổi danh xưng khu phố ra phường. Thị xã Qui Nhơn có 16 khu phố, nay là 16 phường [13].

11/ Sau năm 1975 lập xã Nhơn Thạnh từ đất của Trung Hậu và Trung Nghĩa. Chưa tìm ra tài liệu để xác định ngày và số Nghị Định thành lập xã này.

12/ Ngày 23-9-1981, Quyết định số 80-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, chia xã Nhơn Thạnh thành 2 xã lấy tên là Nhơn Phú và Nhơn Bình [14]. Thôn Bình Thạnh thuộc xã Nhơn Bình, thị xã Qui Nhơn.

13/ Theo số liệu thống kê của Sở Địa Chánh tỉnh Bình Định, tính đến tháng 4 năm 1999, ghi trên bản đồ tỉnh Bình Định [15], thành phố Qui Nhơn có 20 đơn vị hành chánh, gồm 16 phường và 4 xã. Trong đó:

- Xã Nhơn Bình (có Bình Thạnh) trở thành phường Nhơn Bình.

- Phường Đống Đa là đất của phường Trung Thiện cũ tức ấp Tháp Đôi (Hưng Thạnh ngày xưa).

14/ Cũng theo bản đồ tỉnh Bình Định [16] phát hành tháng 12- 2001, phường Nhơn Bình chia làm 9 khu vực. Nhìn trên bản đồ, suy đoán, vùng đất thôn Bình Thạnh (ngày xưa), nay là Khu vực 1 của phường Nhơn Bình, thành phố Qui Nhơn.


H 2: Trích chụp từ Bản Đồ tỉnh Bình Định, năm 2001.

Tóm tắt sự kiện:

- Năm 1815, ấp Bình Thạnh nằm trong thuộc Thời Tú, ấp Hưng Thạnh trong tổng Vân Dương, cùng huyện Tuy Viễn, phủ Qui Nhơn.

- Năm 1832, thôn Bình Thạnh và Hưng Thạnh cùng chung tổng Tuy Hà, huyện Tuy Phước, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định.

- Ngày 30-4-1930, thôn Hưng Thạnh bị giải thể, trở thành khu Năm của thành phố Qui Nhơn. Trong lúc thôn Bình Thạnh vẫn nằm trong phủ Tuy Phước.

- Năm 1946, thôn Bình Thạnh thuộc xã Đôn Hậu, phủ Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

- Năm 1948, thôn Bình Thạnh thuộc vào xã Phước Hậu, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

- Ngày 30-9-1970 ấp Bình Thạnh thuộc xã Phước Hậu (cũ), quận Nhơn Định, thị xã Qui Nhơn.

- Ngày 11-6-1971, ấp Bình Thạnh thuộc khu phố Trung Hậu, ấp Tháp Đôi (Hưng Thạnh cũ) thuộc khu phố Trung Thiện, cùng quận Nhơn Định, thị xã Qui Nhơn. Đến ngày 22-8-1972 đơn vị khu phố đổi thành phường.

- Ngày 23-9-1981, thôn Bình Thạnh thuộc xã Nhơn Bình, thị xã Qui Nhơn.

- Tháng 4 năm 1999, địa phận Bình Thạnh nằm trong phường Nhơn Bình. Hưng Thạnh ngày xưa thuộc phường Đống Đa.

- Tháng 12-2001, Bình Thạnh bị xóa tên thay vào là Khu vực 1 (căn cứ trên bản đồ).

Thay lời kết

Có thể nói Bình Thạnh và Hưng Thạnh là cặp song sinh, cùng xuất thân từ vùng sông nước, nằm kế cận nhau, tên đặt cùng chung chữ "Thạnh", có thời gian dài cùng tổng tổng Tuy Hà, và rồi (kẻ trước người sau) bị giải thể sáp nhập vào Qui Nhơn.

Việc khảo sát lịch sử một vùng đất không những tra cứu trong cổ thư, căn cứ vào sách vở, tài liệu cập nhật, mà còn phải đến tận nơi để tiếp xúc phỏng vấn nhiều người có gốc gác sống lâu đời ở đó.

Thành thật mà nói, với hoàn cảnh hiện tại của chúng tôi, khi viết bài này gặp nhiều trở ngại, vì chỉ căn cứ vào số tài liệu ít ỏi, và thiếu phần khảo sát trên thực địa.


San Jose, ngày 15-6-2013
ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG

GHI CHÚ

[1] Thuộc là đơn vị hành chánh cấp cơ sở gồm nhiều ấp hợp lại. Dưới thời chúa Nguyễn, những vùng đất mới khai phá, nơi gần núi hay ven biển của các tỉnh miền Nam Trung phần, đều lập làm thuộc. Thời ấy, phủ Thăng Hoa có 15 thuộc, phủ Điện Bàn 4 thuộc, phủ Quảng Ngãi 4 thuộc, phủ Qui Ninh 13 thuộc, phủ Phú Yên 38 thuộc, phủ Bình Khang 20 thuộc, phủ Diên Ninh 14 thuộc, phủ Bình Thuận 20 thuộc (Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, bản dịch của Tổ Phiên Dịch Viện Sử Học, nxb Giáo Dục 2007, tập 1, trang 140). Dưới thời Gia Long (1802- 1819) và đầu đời Minh Mạng vẫn còn gọi đơn vị hành chánh này là "thuộc". Năm 1832, Minh Mạng thứ 13, đổi "thuộc" thành "tổng".
[2] Nguyễn Đình Đầu; Nghiên Cứu Địa Bạ Triều Nguyễn - Bình Định I (Sài Gòn, nxb TP/HCM, 1996); trang 114, 120.
[3] Thành lập huyện Tuy Phước: Quốc Sử Quán Triều Nguyễn; Đại Nam Thực Lục, bản dịch của Tổ Phiên Dịch Viện Sử Học, tập 3 (Đà Nẵng, chi nhánh nxb Giáo Dục, 2007); trang 393.
[4] Quốc Sử Quán Triều Nguyễn; Đại Nam Nhất Thống Chí, bản dịch của Phạm Trọng Điềm, tập 3 (Huế, nxb Thuận Hóa, 1992); trang 11.
[5] Nguyễn Đình Đầu; Nghiên Cứu Địa Bạ Triều Nguyễn - Bình Định II (Sài Gòn, nxb TP/HCM, 1996); trang 806, 811.
[6] Nguyễn Đình Đầu; Nghiên Cứu Địa Bạ Triều Nguyễn - Bình Định I sđd; trang 129 và bổ túc bởi các tài liệu rải rác khác.
[7] Dương Trung Quốc; Việt Nam Những Sự Kiện Lịch Sử 1919- 1945 (Hà Nội, nxb Giáo Dục, 2001); trang 186. Đỗ Bang; Lịch Sử Thành Phố Qui Nhơn (Huế, nxb Thuận Hóa, 1998); trang 98 và 106.
[8] Đỗ Bang - Nguyễn Tấn Hiểu; Lịch Sử Thành Phố Qui Nhơn; trang 106-107.
[9, 10, 11, 12] Nguyễn Quang Ân; Việt Nam Những Thay Đổi Địa Danh Và Địa Giới Các Đơn Vị Hành Chính 1945-1997 (Hà Nội, nxb Văn Hóa - Thông Tin, 1997); các trang: 24, 138, 216, 220-221.
[13] Trần Đình Thái; Ai Có Về Qui Nhơn (Qui Nhơn, Tủ Sách Đẹp Quê Hương xuất bản, 1973); trang 13.
[14] Nguyễn Quang Ân; cùng tác phẩm; trang 320.
[15, 16] Tổng Cục Địa Chánh; Tỉnh Bình Định – Bản Đồ Hành Chính, địa hình tỷ lệ 1: 25.000, gồm 4 tấm, mỗi tấm khổ 77 x 107 cm (Nxb Bản Đồ, tháng 12- 2001); tấm 3.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

BẢN ĐỒ; Thành phố Qui Nhơn và vùng phụ cận, khoảng năm 1930.
DƯƠNG TRUNG QUỐC; Việt Nam Những Sự Kiện Lịch Sử 1919-1945; Hà Nội, nxb Giáo Dục, 2001.
ĐỖ BANG; Lịch Sử Thành Phố Qui Nhơn; Huế, nxb Thuận Hóa, 1998.
NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU; Nghiên Cứu Địa Bạ Triều Nguyễn - Bình Định I & II; Sài Gòn, nxb TP/HCM, 1996.
NGUYỄN QUANG ÂN; Việt Nam Những Thay Đổi Địa Danh Và Địa Giới Các Đơn Vị Hành Chính 1945- 1997; Hà Nội, nxb Văn Hóa - Thông Tin, 1997.
QUỐC SỬ QUÁN TRIỀU NGUYỄN; Đại Nam Nhất Thống Chí, bản dịch của Phạm Trọng Điềm, tập 3; Huế, nxb Thuận Hóa, 1992.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . ; Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, bản dịch của Tổ Phiên Dịch Viện Sử Học, tập 1; Đà Nẵng, chi nhánh nxb Giáo Dục, 2007.
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . ; Đại Nam Thực Lục, bản dịch của Tổ Phiên Dịch Viện Sử Học, tập 3; Đà Nẵng, chi nhánh nxb Giáo Dục, 2007.
TÒA HÀNH CHÁNH BÌNH ĐỊNH; Địa Phương Chí Tỉnh Bình Định; Qui Nhơn, 1966.
TỔNG CỤC ĐỊA CHÁNH; Tỉnh Bình Định – Bản Đồ Hành Chính; Không đề nơi, nxb Bản Đồ, tháng 12- 2001.
TRẦN ĐÌNH THÁI; Ai Có Về Qui Nhơn; Qui Nhơn, Tủ Sách Đẹp Quê Hương xuất bản, 1973.