truong-song Dong_1
Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây - ai đã từng đi cung đường này

1- Đường Trường Sơn Đông
Ngày 5/9/2005 đã xây dựng thêm tuyến đường nằm giữa QL 1A và Đường HCM gọi là Đường Trường Sơn Đông có điểm xuất phát tại TT Thạnh Mỹ - Quảng Nam và kết thúc tại cầu Suối Vàng (Đà Lạt). Đường TSĐ dài khoảng 700km chạy qua 18 huyện thuộc các tỉnh miền núi : Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đăk Lăk và Lâm Đồng. Phần lớn tuyến đường được nâng cấp từ các đường có sẵn; có 1 đường lưỡng dụng - có thể đáp máy bay -; 2 hầm xuyên núi ở Hiệp Hòa (Quảng Nam) và Yang Mao (Đăk Lăk).
yang_nam
Con đường này đã thông xe từ Quảng Nam đến Đăk Lăk; hiện còn 2 điểm khó nhất tại tỉnh Đăk Lăk đang thi công là đường qua VQG Chư Yang Sin và đường hầm xuyên núi tại xã Yang Mao, huyện Krông Bông, Đăk Lăk,
lam_dong
Đoạn đi qua các tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk) và Lâm Đồng con đường uốn lượn xuyên các cánh rừng thông rất đẹp.
Đường Trường Sơn Đông qua tỉnh Lâm Đồng dài khoảng 93km, hiện đang thi công đoạn 40km từ Đam Rông đến xã Đưng K'Nớ (Lạc Dương ); tuyến đường từ cầu Suối Vàng (Đà Lạt) qua Cổng Trời, Lán Tranh đến Đưng K'Nớ đã thông xe từ năm 2016; toàn tuyến có thể được thông xe trong năm nay (2017).

diem-cuoi-Loc Ninh
2- Đường Trường Sơn Tây
Từ tháng 5/1959, để chi viện cho chiến trường miền Nam, QĐND Việt Nam đã thành lập Đoàn 559, mở tuyến “Đường Hồ Chí Minh-Đông Trường Sơn” từ Tân Kỳ, Nghệ An men theo phía Đông dãy Trường Sơn vào Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ.
ba-do-truong-son
Do địa hình hiểm trở nên tuyến đường này thực sự là con đường mòn; việc chi viện chỉ có thể thực hiện bằng sức người và các phương tiện thô sơ; ta không thể làm cầu cho xe cơ giới vì rất dễ bị máy bay phát hiện đánh phá.
dat_ban_1
Cuối năm 1960 phía Lào hoàn toàn ủng hộ Việt Nam mở đường Hồ chí Minh phía Tây Trường Sơn và năm 1961 ta bắt đầu triển khai từ tỉnh Mường Phìn (Đường 9) đến Attapeu (Nam Lào).

Sau khi hoàn thành, các loại xe cơ giới và khí tài từ cảng Vinh theo các cửa khẩu qua Lào; đa số hàng hóa được vận chuyển trên QL 8 (thuộc Hà Tĩnh); qua cửa khẩu Cầu Treo rồi đi sâu xuống tỉnh Attapeu, Nam Lào. Trước kia ta có xây dựng cột mốc Km0 Đường Hồ chí Minh tại Bãi Vọt để kỷ niệm làm nơi xuất phát.
Lang_laos
Đường Trường Sơn Tây hoàn toàn nằm trong lãnh thổ nước bạn Lào là huyết mạch vận chuyển bộ đội, khí tài từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Đường Trường Sơn Tây trên đất Lào chạy qua 7 tỉnh của Lào là Bô-li-khăm-xay (Borikhamxay), Khăm-muộn (Khammuan), Sa-vẳn-na-khệt (Savanakhet), Cham-pa-sak (Champasak), Se-koong (Sekong), Sa-la-van (Salavan) và At-ta-pư (Attapeu). Theo giới chức bên Lào thì đường HCM-Trường Sơn Tây trên đất Lào cùng các nhánh nối có tổng chiều dài trên 20.000km.
dat_Ban_2
Nước bạn Lào đã có sáng kiến lưu lại một đoạn đường Tây Trường Sơn làm bảo tàng ngoài trời và xây tượng đài Km0 Đường Trường Sơn Tây tại TT Mường Phìn (trên Đường 9) cho khách tham quan.
sénsor
3- Đường mòn Sihanouk
Lãnh đạo nước bạn Kampuchia lúc ấy là hoàng thân Sihanouk cũng đồng ý cho ta nối dài đường HCM-Trường Sơn Tây từ tỉnh Stung Treng (giáp Lào) đến Kratie, Snuol và các tỉnh miền Đông Kampuchia; từ đây có các đường nhánh đâm sâu vào các tỉnh Tây nguyên như Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk đến Đăk Nông .... của Việt Nam.

Trên đất Kam-pu-chia đường HCM-Trường Sơn Tây còn có tên gọi khác là Đường mòn Sihanouk. Trước năm 1970 có đường nối từ cảng Sihanoukville đến Svay Rieng (Xoài Riêng), Neak Luong (Hố Lương), Krek, Memot, Chup ... Cảng Sihanoukville là cảng nước sâu lớn nhất của Kampuchia và là điểm tiếp nhận các loại hàng viện trợ cho Việt Nam từ các nước XHCN, sau đó khí tài theo nhiều con đường khác tỏa ra các chiến khu sát biên giới Nam bộ như mật khu Trà Tiên (Kiên Giang), Mỏ Vẹt (Đức Huệ, Long An), Xa Mát, Lò Gò, Ka Tum (Tây Ninh), Lộc Ninh, Bù Gia Mập (Bình Phước) ......
champsak
Tháng 3-1970 Lon Nol đảo chánh trong lúc ông hoàng Sihanouk đang công du ở nước ngoài và Lon Nol trở thành tổng thống đầu tiên của Kampuchia. Lon Nol có khuynh hướng thân Mỹ nên ra lệnh đóng cửa tất cả các điểm tập kết khí tài; cảng Sihanoukville và đường mòn Sihanouk kể từ lúc đó đã chấm dứt sứ mệnh lịch sử của mình.

Sau hiệp định Paris năm 1973 ta không sử dụng đường Trường Sơn Tây nữa và con đường nhanh chóng thành hoang phế do không được duy tu bảo dưỡng và bị mưa lũ phá hỏng. Sau gần nửa thế kỷ, Đường TST huyền thoại ngày nào giờ đang mất dần dưới những tán rừng rậm trong đại ngàn Trường Sơn cùng hàng ngàn tấn bom đạn chưa nổ vương vãi đó đây... Hiện nay chỉ còn rất ít đoạn đường có dân sinh sống và phế tích chiến tranh vẫn còn hiện diện trong sân các ngôi nhà ven đường.
cau_treo
Một số hình ảnh đường Trường Sơn Tây được lấy từ internet.

Nguyễn Trí Dũng