Nguồn: Giai Phẩm Tây Sơn, trường Trung học Tư Thục Tây Sơn, Qui Nhơn, Bình Định(*)

Nhà văn, ông đứng ở đâu?

Câu hỏi đơn sơ nhưng có thể đã làm cho nhiều người cầm bút kinh ngạc. Đặt câu hỏi như vậy là đã dám nghi ngờ phẩm giá của nhà văn rồi. Nhiều người đã giật mình gắt gỏng: Hỏi gì kỳ vậy? Không thấy sao? Ta đứng ở đằng trước, ở đằng trước đám đông.

Nầy đây, đám người sống chui rúc trong một khoảng trời nhỏ hẹp tối tăm, thức dậy theo mặt trời, chảy mồ hôi cho những miếng ăn và ngủ dài theo bóng tối. Họ có đâu biết thế nào là lễ nghĩa đạo đức. Phải cho họ hiểu lẽ cương thường, tôn ti trật tự. Họ đâu có biết uyên nguyên của đời sống. Từ hỗn mang, thái cực hiện ra như một chân lý độc nhất, nguyên thủy. Rồi thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng...

Sao? Hỏi làm sao cơm no và áo đủ mặc ư? Trần tục vậy. Ta bận nghe lời rao giảng của Khổng Khưu, bận đọc kinh mây của Trang Chu. Ta đang quan sát luồng chính khí lưu hành trong vũ trụ nầy. Chính cái phần chân nguyên trong các ngươi, cái phần tạo ý nghĩa của cuộc đời tầm thường nhỏ mọn nầy, bắt nguồn từ chính khí vận hành bóng trăng, gió thoảng xuân thu.

Đấy, những nỗi bực mình gay gắt của nhà văn nho học. Nghiêm túc, đĩnh đạc, tự cao tự đại, họ long trọng tuyên bố:

Có một người: Khí dạng trâm anh, nết na chương phủ. Hơi miệng sữa, tuổi còn giọt máu, nét hào hoa chừng ná Tân, Dương! Chòm tóc xanh vừa chấm ngang vai, lời khí khái thì thầm Y, Phó.

Nghiên gợn sóng vẽ vời điển tịch, nét nhạn điểm lăn tăn! Bút vén mây dìu dặt văn chương, vòng thuyền khuyên lỗ chỗ.

Nhà văn đứng ở đâu? Trả lời: trên đây, cao hơn hết, trên hơn hết đám quần chúng nheo nhóc cùng khổ.

Một kinh nghiệm cay đắng cho nhà văn tự đại tự tín. Những cuộc thăng trầm phế hưng qua bao thế kỷ tuy có vùi dập nhà văn nầy, tôn vinh nhà văn khác, nhưng nhìn chung chưa có độc giả nào dám chắn ngang lối đi, bạo dạn nhìn thẳng vào mặt nhà văn hỏi lớn: Bây giờ ông làm gì? Văn ông có ích gì? Phải đợi đến lúc một nền văn minh khác từ phương Tây đến, đem vũ lực dồn nhà văn vào cái thế phải nhìn ngay thực tế, phải nhìn xuống bản tướng. Tội nghiệp Nguyễn Khuyến, nhà văn đầu tiên thẹn cho sự hiện diện vô ích, thừa thãi của mình, bất lực trước diễn tiến lịch sử nghẹn lối và băng hoại. Đỉnh cao đã hạ thấp. Chỗ đứng khiêm nhường giữa đám đông đang ngơ ngác trước vận hội mới cũng không còn xứng đáng. Nhà văn cồng kềnh quá, bỏ thì thương mà vươn thì tội. Nguyễn khuyến hỏi mình, mà đồng thời hỏi luôn các nhà văn đồng hội đồng thuyền:

Ông đứng làm chi đấy hỡi ông?

Và nước vẫn chảy. Mặt trời vẫn mọc. Lớp nhà văn già nua mất hết niềm tin lần lượt về Trời thì lớp nhà văn trẻ thoáng chốc lớn lên. rồi một nỗi hăm hở non dại nhà văn lại đặt vấn đề. Sửa lại câu hỏi. Chia thành đề mục. Nào là: Viết là gì? Nào là Vì sao viết? Nào là Viết cho ai? Động từ Viết trong ba câu hỏi đập vào trí người đối thoại, viền đậm, tô hoa. Viết, sáng tạo, đâu phải chuyện chơi. François Mauriac còn đi xa hơn, dám phong cho tiểu thuyết gia là một Thượng Đế Toàn Năng vì nó có quyền tọa dựng sự sống, quyết định phương hướng một đời. Độc giả thì thời nào cũng trầm lặng, vậy mà họ khôn lanh ra phết, có khác gì nhau đâu?

Thời trước thì nào là Nghiên gợn sóng vẽ vời điển tịch, nào là Bút vén mây dìu dặt văn chương. Bây giờ, trong thời buổi logic, người ta lý luận một cách logic. Người ta phân biệt các bộ môn nghệ thuật. Nhà văn khác họa sĩ, nhạc sĩ, điêu khắc gia ở đâu? Rồi chính vì nó sử dụng ngôn từ. Sứ mệnh của nó tự nhiên như vậy rồi không thể trốn tránh. Có lẽ Sartre là người đầu tiên nhấn mạnh chữ ENGAGER: dấn thân. Trong Les Temps Modernes, ông kết án những nhà văn đi trước và đồng thời là những bọn vô trách nhiệm. Lấy trường hợp Voltaire và Zola làm mẫu mực ( đã từng lên tiếng trong các vụ án thời danh Calas và Droyfus ) Sartre nặng lời kết án Flaubert và Goncourt.

Tôi cho rằng Flaubert và Goncourt phải chịu trách nhiệm về những cuộc đàn áp đẫm máu sau Công Xã Ba Lê, vì họ không viết lấy một chữ để phản đối, ngăn cản cuộc tàn sát ( Situation II trang 13 ).

Viết là gì? Viết cho ai? Vì sao viết? Ôi, chữ Viết trang trọng cao quý chừng nào; cũng vén mây gợn sóng lắm, rồi từ đó suy ra để trả lời cho câu hỏi đặt ra từ đầu. Ở đâu ư? Nhà văn ở đâu ư?

Ở đây: ở ngay giữa dòng lịch sử, ngay giữa đám đông đang xâu xé và chịu đựng xâu xé, nhà văn cắn môi nhận làm giác thức cho thời đại. Cứ rảo mắt nhìn các tạp chí phơi trên viả hè Sài gòn, xem có tên tạp chí nào không tự nhận là đôi mắt sáng rỡ của nhân chứng thời đại không?

Vẫn cái mửng cũ. Nhà văn vẫn tự đội vương miện cho mình; tự xếp một chỗ ăn trên ngồi trước. Mà thói thường, ở trên cao thì cheo leo, và đi quá đàng trước thì lẻ loi. Cho nên dù ngạc nhiên khi thấy nhà văn bây giờ viết với một cảm giác cô độc đáng sợ. Dương Nghiễm Mậu với niềm đau nhức của khoảng trống. Con đường của Nguyễn Đình Toàn lạnh lẽ đìu hiu, và Vòng tay học trò của Nguyễn thị Hoàng là nỗi run sợ giá băng của một kinh nghiệm làm người. Những nhà văn điềm tĩnh hơn thì càng ngày càng công nhận mình là lẻ loi giữa thế giới xa lạ. Võ Phiến lâu nay thấy không đi theo lối viết cũ, mà đi sâu vào cái thấm thía, cái đau chung của kiếp sống bềnh bồng : Tập Phù Thế của ông là một tập hợp những suy tư chung theo dấu Ôn Như Hầu:

Nghĩ thân phù thế mà đau.
Bọt trong bể khổ bèo đầu bến mê.

Khởi hành bằng tất cả nỗi hăm hở dấn thân, để rồi cuối cùng lạnh lẽo cô độc như vậy sao?

Bây giờ đã tới lúc chờ bóng đêm, tắt cho hết mọi cái chóa lòa giả tạo, tắt cho hết tiếng xe cộ rập rình của trào lưu này trào lưu nọ, nhà văn Việt Nam nên đặt lại câu hỏi cũ, khiêm nhường hơn:

Anh cầm bút, bây giờ anh đứng đâu?

Vâng, nghệ thuật là nhu cầu biểu lộ thiết yếu tương quan của con người và thực tại. Trong Ý Thức số 2, Châu Văn Thuận đã viết vậy. Ông Thuận cũng viết rằng: Sáng tạo nghệ thuật khẩn thiết nói lên ý nghĩa của một sự có mặt, nhà văn trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng phải cảm thấy mình có tham dự, và một nhà văn ý thức đầy đủ thiên chức của mình nhận thấy liên đới trách nhiệm trước thực tại đang sống. Nhà văn như vậy qui định rằng mình và quần chúng là một, mình và thời đại là một.

Nhưng tại sao chúng ta vẫn cảm thấy đang đứng trong cái thế chông chênh bập bồng? Một nhóm bạn trẻ ý thức trách nhiệm của người cầm bút đối với đám đông, góp chút tiền mọn còn lại của một cuộc đời vốn cay cực để ra một tạp chí. Lời viết ra đời như một gửi gắm thiết tha. Rồi tiếng nói tan loãng vào hư không. Độc giả im lặng thờ ơ. Người viết kẻ trước người sau cảm thấy rã rời. Một số lớn những nhà văn uy tín thế hệ 1960 bây giờ quay cuồng trong sinh kế, ít thấy lên tiếng. Những tạp chí văn học nghệ thuật ra vài số rồi sống dở chết dở, rồi thành một đấu trường chánh trị để lôi cuốn đám đông, rồi thành chỗ gặp gỡ của những mầm non văn nghệ, hay thành nghĩa trang văn nghệ quốc tế.

Thứ nhất, chữ Viết chúng ta vẫn còn tô hoa điểm bướm lòe loẹt quá. Chúng ta vẫn còn cái ảo tưởng, cái ngụy tín làm văn học nghệ thuật. Việc gì mà phải trân trọng đặt vấn đề: Viết là gì? Viết cho ai? Vì sao viết? Trong khi các phương tiện truyền thông càng ngày càng phát triển và tối tân, phải công nhận văn học là một thứ phương tiện khó khăn nhất. Mà đám đông thì càng ngày càng ít thì giờ rỗi. Sau khi lau vội mồ hôi nhễ nhại trên một thân thể rã rời, người ta thích nghe một bản nhạc, xem một Show văn nghệ tạp lục; đọc những tin chó chết trên nhật báo, hơn là nhăn mặt nhíu mày nặn óc tìm sứ điệp của nhà văn. Viết là gì ư? Viết là Viết. Viết cho ai? Cho độc giả. Vì sao Viết? Vì nhu cầu cảm thông. Quan niệm đơn giản như vậy. Văn chương, nghĩ cho cùng, cũng chỉ là một thứ để tiêu thụ. Có nhà văn nào dám bảo là không cần sự thông cảm của độc giả làm một thứ ZARATHOUSTRA? Nhà văn, nhà tiên tri? Nhưng khốn nỗi Nietsche có muốn làm nhà tiên tri đâu? Ông đau xót cô độc vì sự thờ ơ của độc giả, chán nản và tuyệt vọng.

Thứ hai, có lẽ chúng ta đã không hiểu nhiều về đám đông quanh ta, đám đông mà ta đòi làm người phát ngôn chính thức. Họ, vốn là người bình thường sống cuộc đời bình thường. Ta có thể mượn một đoạn của Lâm Ngữ Đường để xác nhận bản tính của họ:

Họ yêu đời lắm, yêu cõi trần nầy lắm, điểu đó không còn nghi ngờ gì nữa. Họ đã yêu cái kiếp trần rất đỗi bi thảm mà cũng rất đẹp nầy, thỉnh thoảng mới có chút vui phù du, càng phù du lại càng quý. Họ yêu cõi trần có đủ nào vua nào chúa, nào hành khất nào đạo tặc và tăng đồ, ma chay cưới hỏi, sinh lão bệnh rồi tử, những đêm mưa tầm tã, những bình minh rực rỡ, cảnh nô nức khi hội hè tết nhất, và cảnh ồn ào trong các ca lâu tửu quán. ( Nhân sinh quan và thi ca Trung Hoa. Nguyễn Hiến Lê dịch )

Họ chấp nhận đời sống nguyên vẹn nỗi thống khổ và niềm hân hoan. Những diễn dịch siêu hình cực đoan do logic dẫn đường quá xa cách tâm hồn họ. Cuộc đời vốn vậy, họ cam chịu cay đắng và hồn nhiên chấp nhận những phút vui qua. Cho nên thật dễ hiểu khi độc giả đón nhận ngọt ngào những chuyện ngắn tràn đầy sự sống của Võ Phiến, Lê Tất Điều, Y Uyên, Trần Hoài Thư, Ngụy Ngữ... và xa lạ với cái vẻ trí thức làm dáng của Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Thị Hoàng, Huỳnh Phan Anh... "Cuộc đời thuần phát và đẹp não nùng như vậy đáng được tả tỉ mỉ từng chi tiết, đáng được chiếm một chỗ trong văn học vì không có gì là quá vật chất, quá thông tục."

Thành thử đừng ngạc nhiên khi thấy đám đông bỏ ta và say mê chuyện Tàu: từ Tam Quốc Chí , Thủy Hử cho đến Tiếu Ngạo Giang Hồ, Lộc Đỉnh Ký. Chưa bao giờ một nhà văn Trung Hoa lớn lối xem mình là trí thức sáng ngời của dân tộc mình. Họ viết như người ta ca hát nghêu ngao trong gió chiều hay khề khà uống rượu say ở tửu quán. Câu chuyện họ kể từ đứa trẻ cho đến các bậc triết nhân đều đọc được. Họ mua vui, nhưng sau cái dáng dấp của những Hồng Thất Công, Nhạc Bất Quần, Lệnh Hồ đại ca, có ấn dấu sứ điệp nào, thì việc khám phá tìm tòi là việc của độc giả. Các nhà văn Trung Hoa trước sau chỉ nhận mình là một bọn du ca.

Xin đừng quan trọng hóa những điều vốn dĩ đơn giản. Ngay cả cuộc chiến hiện tại cũng vậy. Đau đớn chết chóc lâu, tâm hồn người Việt trở nên chai lì. Cái gì rồi cũng thành thói quen. Rồi trên những nền hoang bừa bộn gạch ngói, nếu nhà văn liên kết chặt chẽ với thực tại, chắc sẽ thấy trẻ con hồn nhiên nô đùa, lấy gạch vụn mài bi chọi nhau trong nắng.

Bây giờ nhà văn vẫn thiết yếu biểu lộ tương quan giữa con người và thực tại, vẫn liên đới trách nhiệm về thực tại. Nhưng nhìn thực tại và tha nhân, xã hội không phải với ý niệm không tưởng duy lý, mà phải nhìn một thứ thực tại đúng nghĩa của nó. Thực tại Việt Nam hôm nay, trong niềm vui còn lại giữa những nỗi đau đớn tủi nhục vì chinh chiến, thực tại văn chương trong hoàn cảnh khó khăn của một thứ phương tiện truyền thông bắt đầu lỗi thời.

Nghĩa là phải hiểu chữ Viết trơ trọi, không đậm nét và không tô hoa.


Nguyễn Mộng Giác

20-10-1970

 

(*) Chú thích của trang web: Bài này được đánh máy lại từ bản thảo cũ của tác giả, không rõ đã đăng lên Giai Phẩm Tây Sơn năm nào, bạn nào biết xin chỉ dùm. Xin cám ơn trước.