Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • hinhCu 1200
  • CD4 1200
  • NhaGiuXe1200
  • DaiThinhDuong1200

1. Hữu Loan, tác giả bài thơ bất hủ Màu tím hoa sim, sinh ngày 2 tháng 4 năm 1916, tại làng Vân Hoàn, xã Nga Linh ( Nga Sơn, Thanh Hoá ). Là con nhà nghèo, không được cắp sách đến trường như bạn bè cùng trang lứa, Hữu Loan được cha là một tá điền nhưng có tư chất thông minh hơn người kèm cặp từ nhỏ, lớn lên tự học để đến năm 1938 ra Hà Nội dự thi và đỗ tú tài khi mới 22 tuổi. Thuở ấy, bằng tú tài Tây rất quý hiếm, người đỗ đạt đếm không quá năm đầu ngón tay, năm sáu chục năm sau người ta còn nhớ những cái tên Nguyễn Đình Thi, Trịnh Văn Xuân, Hồ Trọng Gin, Đỗ Thiện và Nguyễn Hữu Loan.(1)

Không có ý định xuất chính để sống giàu sang phú quý, Hữu Loan về Thanh Hoá dạy học và làm gia sư tại nhà ông tham tá Lê Đỗ Kỳ là Tổng thanh tra canh nông Đông Dương. Ngày Hữu Loan đến nhận việc, mẹ gọi mãi cô học trò 8 tuổi Lê Đỗ Thị Ninh mới chịu ra chào thầy giáo, chào xong cô bé mở to đôi mắt nhìn thầy và đôi mắt đen láy tròn xoe như có ánh chớp ấy đã in sâu vào tâm trí Hữu Loan. Dù nhỏ tuổi nhưng ăn nói khôn ngoan và ứng xử như một người lớn, em Ninh đã bỏ học để nằm lì trong phòng suốt một tuần lễ khi biết Hữu Loan gọi đùa mình là "bà cụ non". Đến khi bà tham tá dẫn Hữu Loan vào phòng, được nghe thầy giáo nói chuyện và ngâm thơ, trò Ninh mới ngồi dậy, chịu ăn uống trở lại, đến hôm sau, đòi thầy giáo đưa lên chơi ở khu rừng thông để cùng nhìn xuống sườn đồi tím ngát một màu sim...

Cuối mùa đông năm ấy, bất chấp lời can ngăn và hứa hẹn của bà tham Kỳ, như Quang Dũng và nhiều chàng trai cùng thế hệ, Hữu Loan đã "Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh" , để lại ở đàng sau bóng hình người học trò nhỏ đứng vẫy tay tiễn biệt ở đầu làng.

Từ năm 1943 đến năm 1945, Hữu Loan xây dựng phong trào Việt Minh và tích cực tham gia cách mạng tháng Tám ở quê nhà. (2)

Trong kháng chiến chống Pháp, Hữu Loan gia nhập quân đội nhân dân Việt Nam, phục vụ trong sư đoàn 304.

Khoảng thời gian này, khi đã được 15 tuổi, có nhiều trai làng đến dạm hỏi nhưng cô Ninh chối từ bằng cách ngồi mãi ở trong phòng.

Chín năm sau ngày giã từ gia đình ông tham Kỳ để đi kháng chiến, năm 1947, Hữu Loan trở về Nông Cống và người học trò nhỏ ngày xưa nay đã trở thành cô thiếu nữ 17 tuổi xinh đẹp. Hữu Loan và cô Ninh có tuổi tác chênh lệch, hai gia đình lại không "môn đăng hộ đối", nhưng ông bà tham Kỳ đã chủ động sắp xếp để lễ thành hôn được tổ chức một cách đơn giản trong thời chiến. Hữu Loan bàn việc may áo cưới, nhưng "bà cụ non" Thị Ninh đã gạt đi : "Yêu nhau, thương nhau cốt cái tâm và cái tình bền chặt là hơn cả." Chú rể khi đó có tuổi gần gấp đôi tuổi cô dâu, lại có dáng người cao lớn, đẹp trai, học giỏi, thơ hay nên được cô dâu gọi là ông chồng độc đáo.

Hai tuần phép - hai tuần yêu thương tràn đầy hạnh phúc - trôi nhanh, Hữu Loan phải trở về đơn vị. Hôm tiễn chân, cô Ninh lại ra đứng ở đầu làng, chỗ hai người đã chia tay năm xưa...

Ba tháng sau Hữu Loan hay tin người vợ trẻ đã qua đời một cách bi đát : Mang áo quần ra giặt ở sông Chuồng ( ấp Thị Long, Nông Cống), vì đưa tay chụp lấy cái áo bị nước cuốn trôi nên cô Ninh đã trượt chân té xuống sông và bị chết đuối! Hữu Loan phải giấu nỗi khổ đau mãnh liệt tận đáy lòng trong một thời gian dài, vì nói ra sợ ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu của đồng đội. Hơn một năm sau, khi đang đóng quân ở Nghệ An, trong một đợt chỉnh huấn, được cấp chỉ huy cho phép giãi bày tâm sự, Hữu Loan mới có thể giải toả nỗi đau bị dồn nén của mình. Nước mắt lưng tròng, ngồi lặng ở đầu làng với giấy bút trên tay, nhà thơ để cho nỗi lòng theo câu chữ mộc mạc mà tuôn trào một cách tự nhiên:

"Nàng có ba người anh đi bộ đội
Những em nàng
Có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh"

(...)

2. Vào những năm đầu của thập niên 50, khi đất nước còn chia cắt, nhiều nam nữ học sinh thế hệ chúng tôi đã say mê đọc Màu tím hoa sim của Hữu Loan và cảm thông sâu sắc nỗi khổ đau vô cùng của tác giả . Từ đó về sau, bài thơ lay động tâm hồn nhiều thế hệ độc giả, vì đó là "tiếng khóc của người chồng cho người vợ xấu số, là một tiếng kêu cho tình yêu trong thời đạn lửa, là lời phẫn uất trước số mệnh phũ phàng của con người". (3) Bấy nhiêu tâm trạng, bấy nhiêu nỗi niềm đã được chuyển tải qua một bài thơ dài hơn 400 từ với một màu tím yêu thương - màu tím của tình duyên và số kiếp - bàng bạc từ đầu đến cuối văn bản :

"Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
Áo nàng màu tím hoa sim
(...)
Màu tím hoa sim
Tím chiều hoang biền biệt
(...)
Chiều hoang tím có chiều hoang biết
Chiều hoang tím tím thêm màu da diết"

Những năm đầu của thập niên 70, giảng dạy bút pháp và hành văn tại Đại học Sư phạm Huế, chúng tôi có dịp tìm hiểu kỹ hơn giá trị nghệ thuật của tác phẩm.

Trong Lý thuyết về nghệ thuật và văn loại , tác giả người Pháp là Jean Suberville đã định nghĩa "nghệ thuật là chọn lựa". (4) Viết Màu tím hoa sim, Hữu Loan đã chọn lọc để đưa vào thơ những chi tiết đặc sắc, độc đáo của tình yêu thời chiến, làm cho bạn đọc thời bình phải tê tái lòng vì thấy có sự khác biệt, mâu thuẫn đến xót xa :

"Ngày hợp hôn / nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân / đôi giày đinh / bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh / bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi
(...)
Một chiều rừng mưa
Ba người anh trên chiến trường đông bắc
Được tin em gái mất
Trước tin em lấy chồng"


Dù không mấy dụng công khi hoàn thành tác phẩm, nhưng khi cần Hữu Loan cũng cân nhắc chọn lựa từ ngữ. Có khi chỉ cần khéo dùng một từ mà tác giả diễn tả một cách có nghệ thuật điều muốn nói. Bi kịch của chuyện tình Màu tím hoa sim là "người trai khói lửa" nơi tiền tuyến không chết vì bom đạn mà "người gái nhỏ hậu phương" lại chết vì dòng nước hiểm nguy, bất trắc và chảy xiết ở quê nhà. Cái sự thật quá đau lòng ấy, nhà thơ không miêu tả với đầy đủ chi tiết mà chỉ gợi tả bằng một từ láy điệp phụ âm đầu :

"Gió sớm thu về rờn rợn nước sông"

Với mùa thu thì cái gì cũng dịu nhẹ mơ màng. Nhưng đặc biệt ở đây, gió thu không "gờn gợn" nước sông mà "rờn rợn" nước sông mới thể hiện đúng cái tâm trạng của người chồng / người anh khi nhìn dòng nước của sông quê đã lạnh lùng và tàn nhẫn cướp đi sinh mạng của người vợ / người em gái rất đỗi yêu thương của mình.

Những sách lý thuyết về sáng tác đều xác nhận sự giản dị và tự nhiên là đỉnh cao của nghệ thuật. Điều kiện cần và đủ để nhà văn, nhà thơ đạt đỉnh cao nghệ thuật ấy là tình cảm chân thành. Trong lịch sử văn học nước nhà, nhờ cảm xúc chân thành, mãnh liệt mà có không ít nhà thi sĩ đã trở thành bất tử với một bài thơ. Đó là trường hợp của tác giả Màu tím hoa sim. Có thể nói rằng Màu tím hoa sim là đau thương hoá thành ngôn từ và vần điệu. Như đã nói trên, khi được giãi bày nỗi khổ sau nhiều ngày câm nín, bằng ngôn ngữ dung dị, Hữu Loan đã viết Màu tím hoa sim một cách dễ dàng và tự nhiên:

"Từ chiến khu xa
Nhớ về ái ngại
Lấy chồ
ng thời chiến chinh
Mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về
Thì thương / người vợ chờ/ bé bỏng chiều quê"

3. Chúng tôi được biết trên bàn thờ gia tiên, tác giả Màu tím hoa sim chỉ để một chữ Tâm. Đó là "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài" của thi hào Việt Nam có tầm cỡ thế giới là Nguyễn Du. Trong một chừng mực nào đó, chúng ta có thể nói thờ chữ Tâm tức là Hữu Loan đã thờ Phật, bởi vì "Phật tức Tâm, Tâm tức Phật, Tâm trai thành Phật". (5)

Bằng chữ Tâm ấy, ngoài tác phẩm nổi tiếng Màu tím hoa sim , Hữu Loan sáng tác những bài thơ hay như Đèo Cả, Hữu Loan khóc Nguyễn Sơn, Hoa lúa, Cây gỗ vuông,v.v. Chính nhà thi sĩ đã đề cao cái tâm khi "lý luận" về sáng tác : Làm thơ phải có cái tâm mà phải là cái tâm linh thật thiêng liêng thì mới có thơ hay. (6)

Bởi vì tôn thờ chữ Tâm của đạo lý phương Đông mà khoảng năm 1956, giống như Bạch Vân cư sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm trước đó bốn thế kỷ, Hữu Loan đã giã từ chốn thành thị "lao xao" để trở về sống ở nơi "vắng vẻ" là quê nhà. Khác một điều là nếu tác giả Bạch Vân quốc ngữ thi đã được sống thư nhàn nơi quy ẩn thì trái lại, tác giả Màu tìm hoa sim đã chịu vô vàn gian khổ, phải lao tác nhọc nhằn hơn cả một nông dân thứ thiệt, phải đốn củi, đập đá, thồ gỗ và gánh đá để nuôi sống bản thân và gia đình...

Sống với chữ Tâm ấy, Hữu Loan đã mở rộng vòng tay nhân ái để che chở, đùm bọc, cưu mang người con gái mồ côi lạc loài đói khổ vì bị xã hội ruồng bỏ ...Đó là cô thiếu nữ đáng thương 17 tuổi Phạm Thị Nhu, người sau này trở thành vợ thứ của nhà thơ. Như ánh nắng chiều nghiêng xuống túp lều tranh, người phụ nữ xấu số kém Hữu Loan 19 tuổi này đã chịu thương chịu khó chia sẻ gian nguy với chồng, thuỷ chung gắn bó với chồng, bữa no bữa đói đùm bọc nhau vượt qua thử thách, để cuối cùng có với nhau 10 người con và 30 cháu nội ngoại.

Không riêng một mình Hữu Loan mà cả gia đình nhà thơ đều sống với chữ Tâm "Tam điểm như tinh tượng, hoành câu tự nguyệt tà" (7). Cho nên, ai có dịp tiếp xúc với "gia đình văn hoá" ấy đều nhận thấy : "Tính cách của ông bà và những người con đều giống nhau ở chỗ cái chất trí thức thanh tao vẫn còn đó, không hề bị lôi cuốn theo những cám dỗ vật chất. Cuộc sống thanh bần nhưng không cần thiết thở than chi nhiều..." (8)

Cuối cùng, nhờ biết trở về với thiện tâm là Phật tính có sẵn ở lòng người mà khi còn sống, "Hữu Loan lúc nào cũng có một nụ cười thảnh thơi như hiền triết" (9), đến lúc gần đất xa trời thì thân không bệnh khổ, tâm được an vui để có một phút lâm chung mà người con Phật nào cũng mơ ước : Trước ngày mất một tuần, Hữu Loan còn ngồi nói chuyện bằng tiếng Pháp và đọc thơ với các giáo viên từ Đà Nẵng đến thăm. Cách hôm qua đời ba ngày, bữa cơm nào nhà thơ cũng nhắc con cháu cúng tổ tiên trước. Sáng 18 tháng 3, lão thi sĩ giục con cháu may cho mình một bộ quần áo dài trắng, vào chiều tối ngủ một giấc dài và nhẹ nhàng xả bỏ thân tứ đại vào lúc19 giờ ngày hôm ấy. (10)

Để kết thúc bài tưởng niệm thi sĩ Hữu Loan - một nhân cách lớn - vừa vĩnh biệt chúng ta, xin chép lại ở đây bài Thơ tặng cụ Tú Loan của thi sĩ Nguyễn Duy :

"Ngang tàng ... ngang trái ... nghênh ngang
Hồn sim tím một chiều hoang bên đời
Người thơ bận việc làm người
Một mai thánh hoá lên trời làm sao"


Hà Thúc Hoan
TP.HCM, 23.3.2010

Chú thích
(1) Các chi tiết này, cũng như phần lớn thông tin khác, chúng tôi đều trích dẫn từ lời tự thuật của Hữu Loan, được Lê Thọ Bình công bố trên báo Pháp luật, số Xuân năm Giáp Thân (2004).
(2) Có tài liệu ghi : Khi cách mạng tháng Tám nổ ra trên đất nước, Hữu Loan làm Phó chủ tịch Uỷ ban khởi nghĩa huyện Nga Sơn, sau làm Uỷ viên văn hoá trong Uỷ ban hành chánh lâm thời tỉnh Thanh Hoá.
(3) Phạm Xuân Nguyên, Hữu Loan – cây gỗ vuông màu tím, nhật báo Tuổi trẻ, số ra ngày 20.3.10, tr.13.
(4) L'art est un choix.
(5) Vế đối chúng tôi đã đọc tại một ngôi chùa ở Ngũ Hành Sơn ( Đà Nẵng).
(6) Nhà thơ Hồ Dzếnh cũng có quan điểm tương tự khi viết hai câu thơ : "Phút linh cầu mãi không về / Bâng khuâng giấy trắng chưa hề mực đen."
(7) Người xưa chiết tự và miêu tả chữ Tâm ( ) gồm ba chấm như ba ngôi sao và một móc câu nằm ngang như mặt trăng khuyết.
(8), (9) Nhận xét của Lê Văn Chính, giám đốc công ty điện tử Vitek VTB – đơn vị mua bản quyền bài thơ Màu tím hoa sim với giá 100 triệu đồng năm 2004 ( báo Tuổi trẻ , sđd, tr. 13).
(10) Lời kể của Nguyễn Hữu Vũ, con trai thứ của Hữu Loan ( báo Tuổi trẻ, sđd, tr.13).

Thêm bình luận


Đăng Nhập / Đăng Xuất