Tôi ở tù ra, phải đi kinh tế mới ở huyện Bình Long tỉnh Sông Bé, rồi bỏ về Sài Gòn sinh sống. Quãng đời thầm lặng, mượn tiếng chim, màu hoa khuây khỏa nỗi buồn:

Sân nhỏ, mảng trời, mấy khóm hoa
Lai rai bạn nhớ đến chơi nhà
Mười hai năm ở âm thầm đó
Hỏi đất Sài Thành có trách ta.
(Việt Thao – Lòng Khách)

Dịp Tết, nhà thơ Hồng Tâm, một đồng hương ở huyện Phù Mỹ đến thăm. Anh trịnh trọng đặt cuộn giấy trên bàn rồi chậm rải trải ra. Mắt tôi hoa lên. Bức tranh thủy mạc, đường cong sông núi? Không! Vẽ hoa? Cũng không! Ồ, chữ viết, viết ở dạng đặc biệt. Viết như vẽ. Đúng thế. Vẽ chữ, gọi là thư họa (Shu hua).

Tôi đã đọc qua vài tài liệu về thư pháp, đã xem nét viết chữ Việt của Đông Hồ. Nhưng lần này, tôi ngây ngất trước bức hoành phi này.

VuHoi image001
H 1: Lần đầu thấy thư họa Vũ Hối.

Mãi say sưa ngắm từng nét, từng chữ, hồi lâu tôi mới hỏi đến xuất xứ. Được biết, Hồng Tâm làm câu đối, nhờ Vũ Hối viết, mang đến tặng tôi trong dịp đầu Xuân. Cảm xúc tột cùng trước tác phẩm có sự đóng góp của hai người và bái phục nét bút Vũ Hối, tôi hứng khẩu câu đối:

Tứ thơ kết tụ say thần bút
Hồng - Vũ tương phùng dậy thánh nhân.

Thật vậy, ngày xưa Tô Thức (1036 - 1101) người tỉnh Tứ Xuyên (Si Chuan), mới 20 tuổi đỗ Tiến sĩ, giỏi thư pháp, nổi tiếng viết chữ đẹp. Đời Tống Thần Tông (1068 - 1085), Tể tướng Vương An Thạch (Wang An Shi) làm nhiều việc táo bạo. Tô Thức (Su Shi) thuộc nhóm Cựu đảng, phản đối chính sách cải cách. Ông bị cách chức và lưu đày ra đất Hoàng Châu (nay là Hoàng Giang, tỉnh Hồ Bắc), ở sườn núi phía Đông nên đặt hiệu là Đông Pha Cư Sĩ, người đời gọi Tô Đông Pha (Su Dong Po). Sau được tha, trên đường từ Hoàng Châu (Huang Zhou) về Bắc Kinh (Bei Jing), mỗi trạm dừng chân nghỉ đêm, dân chúng sắp hàng từ sáng sớm để đón ông, và xin cho được thủ bút lưu niệm. Ở mỗi trạm, hàng ngàn người chờ đợi, ông chỉ kịp viết cho mỗi người một chữ, thế mà đêm nào cũng đến khuya mới xong.

Trong nền Văn học Việt Nam cận đại, truyện ngắn Chữ Người Tử Tù trong tác phẩm Vang Bóng Một Thời của Nguyên Tuân, cũng nói sự kính nể của dân chúng đối với những người có nét chữ tài hoa, mặc dù họ là tên tù trọng tội của triều đình, chờ ngày hành hình, sách đã dẫn, từ trang 106:

“Trái với phong tục nhận tù mọi ngày, hôm nay viên quan ngục nhìn sáu tên tù mới vào với cặp mắt hiền lành. Lòng kiêng nể, tuy cố giữ kín đáo mà cũng đã quá rõ rồi. Khi kiểm điểm phạm nhân, ngục quan lại còn biệt nhỡn đối riêng với Huấn Cao...

Rồi đến một hôm, quản ngục mở khóa cửa buồng kín, khép nép hỏi ông Huấn:

- Đối với những người như ngài, phép nước ngặt lắm. Nhưng biết ngài là một người có nghĩa khí, tôi muốn châm chước ít nhiều, miễn là ngài đừng làm quá. Sợ đến tai lính tráng họ biết, thì phiền lụy riêng cho tôi nhiều lắm. Vậy ngài muốn gì xin cho biết. Tôi sẽ liệu...

Đêm hôm ấy, lúc trại giam tỉnh Sơn chỉ còn vẳng có tiếng mõ trên vọng canh, một cảnh tượng xưa nay chưa từng có, đã bày ra trong một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, tổ rệp, đất bừa bãi phân chuột và gián.

Trong một không khí khói tỏa như đám cháy, ánh sáng đỏ ngòm của một bó đuốc tẩm dầu rọi lên ba cái đầu đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ. Khói bốc tỏa cay mắt, làm họ dụi mắt lia lịa.

Một tên tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng phẳng trên mảnh ván. Tên tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng. Và cái thầy thơ lại gầy gò, thì run run bưng chậu mực. Thay bút con, đề xong lạc khoản, ông Huấn Cao thở dài, buồn bã đỡ viên quản ngục đứng thẳng người dậy và đĩnh đạc bảo:

- Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chỗ ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng trẻo với những nét chữ vuông vắn rõ ràng như thế...Ta bảo thực đấy; thầy Quản nên tìm về quê nhà mà ở đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi...

Ba người nhìn bức châm, rồi lại nhìn nhau.

Ngục quan cảm động, vái tên tù một vái và nói một câu mà giọng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào:

- Xin bái lĩnh.”

Đấy, xưa nay người ta quan niệm Thư pháp (calligraphy) không chỉ đơn thuần nghệ thuật mà chính là Đạo, người Tàu nói “Thư pháp giả đạo,” ở Nhật gọi là “Thư đạo.” Từ đời Hán, thư pháp được liệt vào giáo khoa với lý luận bài bản, gọi là thư học. Ở nước ta, các chữ Nho như “Thần, Phật,...” được viết đại tự, thờ ở đình, chùa, miếu. Những người viết chữ đẹp, dân chúng tôn sùng như bậc thánh nhân.

Tôi cũng thế, quá ngưỡng mộ nét chữ tài hoa, câu đối lại cảm tác trong lúc cao hứng, không khỏi tứ thơ có sự cường điệu. Dù sao, cũng bày tỏ xúc động chân thành của tôi, lần đầu thấy thư họa Vũ Hối.

VậyVũ Hối là ai? Trong Văn Học Từ Điển, trang 349- 350, Thanh Tùng viết về anh như sau:

“Vũ Hối là tên thật. Ông sinh ngày 22 tháng 11 năm 1932 tại Tam Kỳ Quảng Nam, hiện là Hội trưởng Thi Văn Đoàn Cao Nguyên, hội viên Trung Tâm Văn Bút Việt Nam và Hội Nhà Văn Việt Nam. Ông là một nhà thơ, một họa sĩ đã từng là giáo sư hội họa tại trường Trung Học Thủ Đô (Hậu Giang), đã trúng giải nhất Hội Họa Quốc Tế “Kennedy” với sự tham dự của 32 quốc gia tổ chức tại Hoa Kỳ, được mời vẽ chân dung Tổng thống Kennedy và xuất dương triển lãm tác phẩm tại các nước Hoa Kỳ, Pháp, Ý, Anh, Đại Hàn, Phi, Đức. Ngoài ra, ông còn được Trung Tâm Vô Tuyến Truyền Hình Columbia mời nói chuyện về Hội họa và Thi ca Việt Nam tại thính đường Cựu Kim Sơn năm 1963.”

Tôi thường đến thăm anh tại nhà số 413/ 18b đường Lê Văn Sĩ, tức Trương Minh Giảng cũ, quận 3, Sài Gòn. Với bản tính hiếu khách, anh niềm nỡ đón tiếp, nói năng ôn tồn, lại vui tính xề xòa. Biết được Vũ Hối vừa ở tù ra, tôi càng cảm mến, tặng anh 4 câu lục bát, nối tiếp bài viết của Thanh Tùng. Ngồi tiếp khách trong phòng tranh, sẵn bút mực, anh viết bài thơ ấy qua thư họa, và trao cho tôi xem:

VuHoi image002
H 2: Viết thư họa dễ dàng như viết chữ thường.

Anh dùng mực Tàu mài trong nghiên. Mực loãng, chữ không sắc nét. Mực keo, đường bút không ngon trớn. Mài thỏi mực, đòi hỏi cử chỉ thong thả, đều đặn để có nước mực đủ sánh, đủ dẻo, đủ trơn. Chấm mực vào bút lông cũng thể hiện một phong thái kiệm ước. Bút thấm nhiều mực, khó điều khiển nét lớn nhỏ theo ý muốn, mất vẻ thanh thoát. Bút thiếu mực, đường bút khô cạn giữa vời, nét chữ xơ xác, phải tiếp mực nối nét mất vẻ tự nhiên. Tùy chữ dài ngắn, mức độ thấm mực nhiều hay ít, miễn sao mỗi chữ vừa viết xong thì cũng vừa hết mực. Anh lăn tròn bút lông trên nghiên, gạn bớt mực trên thành nghiên, vê bút no tròn cho đến khi thấy vừa đủ mới bắt bắt đầu viết. Vận bút trải 3 công đoạn: chấm mực, vê bút, viết chữ đã thành thói quen, nhuần nhuyễn, khiến anh có phong thái an nhiên tự tại với quan niệm “tri túc, đãi túc.” [1].

Dạo ấy, chúng tôi làm được bài thơ ngắn nào đều nhờ anh viết vào giấy, vào lụa. Tôi được xem nhiều mẫu thư họa của Vũ Hối trên trướng, trên hoành, trên khổ giấy sách vở và cả trên đĩa. Anh có một thư pháp vững vàng, nhất quán với một số quy tắc: Mỗi chữ một lần lấy mực. Mỗi chữ là một nét liên tục. Và không bao giờ sửa nét.

Đức tính đó, nét bút của anh trôi chảy tự nhiên, lúc mềm mại như mái tóc huyền, lúc cứng và sắc như một thanh gươm, lúc uyển chuyển bồng bềnh như dải mây trời, lúc huyền ảo tuyệt vời như đêm trăng hạ huyền.

VuHoi image003
H3: Vũ Hối trong phòng vẽ,

tại nhà 413/18b Lê Văn Sĩ, Sài Gòn.

Ngày tháng trôi nhanh, được tin anh sắp xuất cảnh. Trước khi chia tay, tôi hân hạnh được anh trao tặng thiếp thư họa đầy ý nghĩa lưu niệm đề ngày 22 tháng 6 năm 1992. Đó là bài thơ Ru Trăng của tôi, được anh viết bằng que cọ tự tạo vì văn phòng tứ bảo, anh đã đóng gói trong hành lý rồi. Lại một lần nữa tôi ngạc nhiên, thư họa của anh vẫn điêu luyện, đường bút vẫn tài hoa, tuy không được sắc nét vẹn toàn so với ngòi bút lông.

Tôi cảm tạ và bùi ngùi tiễn anh qua bài thơ:

Cánh chim về với đất trời
Rồng mây gặp hội thỏa lời ước mong.
Ngàn trùng trái đất nửa vòng
Mừng cho chim đã thoát lồng bay cao [2].

VuHoi image004
H 4: Ảnh chụp tại nhà Vũ Hối (Sài Gòn), năm 1992, từ trái sang phải:
Hồng Tâm, Vũ Hối, Đào Đức Chương, Nha (em Vũ Hối).

Tháng 7 năm 1993 gia đình tôi sang Mỹ định cư tại San Jose, anh từ tiểu bang Maryland gửi tặng tôi thiếp thư họa 2 câu thơ đượm vẻ nghĩa tình:

Tha hương lại gặp cố tri
Bá Nha xưa với Tử Kỳ là đây.

Phần lạc khoản anh ghi: Thân tặng anh Đào Đức Chương (bên trái), Vũ Hối 93 (bên mặt). Cả hai đều có ấn chương màu đỏ bên trái đi kèm.

Xứ lạ quê người, gặp được bạn thân ngày xưa, nỗi mừng không xiết. Lại được bạn tặng thơ, quý hóa vô cùng; nhưng nhân vật Tử Kỳ quá lớn, làm sao tôi dám nhận. Anh ơi!

Tháng 6 năm 2001, tôi gửi tặng anh bài Nguyên Đán Tân Tỵ Cảm Tác. Anh biết tôi thích thư họa, nên viết lại bài ấy tặng tôi và kèm theo thư có đoạn:

“Với nét bút này, Vũ Hối mãi mãi có mặt trong tập Vần Thơ Xướng Họa Lưu Niệm của Việt Thao.”

VuHoi image005
H 5: Thư họa Vũ Hối ở hải ngoại.

Nhận được thư anh kèm theo bản thư họa, tôi viết thư cảm ơn đề ngày 6 tháng 8 năm 2001, có đoạn:

“...Nhìn bài thư họa Anh viết, tôi thấy đủ 10 hình thái trong luật thư pháp. Từ nét dương đá lên, bút lực Anh mạnh mẽ ngang tàng. Ức là nét nhấn xuống, sắc cạnh như một thanh gươm. Đốn là nét dè dặt, đường bút Anh không chút ngập ngừng rụt rè. Tỏa là nét hạ xuống, nhẹ nhàng như cánh chim sà bãi đáp. Trì là nét chậm rãi, Anh biểu lộ sự khoan thai. Hoàn là nét trả, điêu luyện như thân rồng uốn khúc. Tốc là nét nhanh, Anh phóng bút như lằn chớp giữa trời không. Khẩn là nét vội vã gấp gáp nhưng tầm bút Anh không bao giờ quá đà, đuối sức. Trọng là nét nặng, Anh dùng cho dấu nặng và tận cùng của nét nhấn, tựa hồ như quả tạ nghìn cân. Khinh là nét nhẹ phớt, ở cuối chữ Anh kéo dài tầm bút nhạt dần như dải tơ trời mất hút cuối trời xa. Tôi biết lúc Anh dùng thư họa viết bài thơ tôi, Anh vì tình tri kỷ mà cảm xúc tột cùng:

Hoa tiên sông núi rồng bay lượn
Dòng chữ tâm tình bạn gửi thăm [3].

Anh đã đạt đến độ Tâm bút hợp nhất, khoảnh khắc đó thuật ngữ thư pháp gọi là Xuất thần. Cám ơn Anh đã gửi tặng tôi thiếp thư họa quý giá ấy.”

Tháng 2 năm 2002, con gái tôi trúng giải Hoa Hậu Áo Dài Bắc California. Trong ngày lễ đăng quang, anh đến dự và tặng cho gia đình tôi hai câu thơ do anh sáng tác và viết thư họa trên đĩa:

Tóc cài vương miện long lanh,
Dáng duyên tà áo đậm tình Việt Nam.

Trình bày trên đĩa, càng bị ràng buộc bởi khuôn khổ. Ví như một võ sĩ múa kiếm trong căn phòng chật chội, vướng mắc đồ đạc. Anh chia chữ, ghép nhóm, ngắt câu, xoay xở trong lòng đĩa cố định. Mỗi hàng, tùy khuôn khổ, các con chữ phải đạt sự cân đối và cách đều. Ở mỗi cuối hàng, trong hoàn cảnh bó buộc này, anh vẫn an nhiên tự tại đưa tầm bút cong vút vừa tạo sự hài hòa vừa trang sức cho con chữ thêm phần duyên dáng.

Tưởng rằng, với diện tích tròn, hẹp, khó cho nhà thư pháp “hoa tay thảo những nét như phượng múa rồng bay.” [4]. Thế nhưng, anh đã vượt qua dễ dàng, lại còn tỏ ra hứng thú trước sự khó khăn. Hai câu thơ lục bát hay thất ngôn, đủ cho anh thể hiện tài hoa trong lòng đĩa, vừa trang trọng vừa quý phái, xứng đáng trưng bày ở phòng khách.

VuHoi image006
H 6: Mẫu thư họa trình bày trên đĩa.

Ngày xưa, có Vương Hy Chi (303- 361), người thời Đông Tấn, nổi tiếng viết chữ Hán theo lối hành, đẹp nhất Trung Hoa, được người đời tôn “Thiên Hạ Đệ Nhất Hành Thư.” Theo Phan Thế Phiệt, ngày 3 tháng 3 năm 353, Vương Hy Chi (Wang Xi Zhi) cùng Tạ An (Xie An), Tôn Xước, nhóm 10 người tụ tập ở Lan Đình [5] làm thơ ngâm vịnh, gom thành Lan Đình Tập. Bài tự tập thơ này do Vương Hy Chi viết, gồm 28 hàng, 324 chữ, người đời gọi là Lan Đình Tự. Nguyên bản thiếp Lan Đình là báu vật của Trung Hoa, được vua Đường Thái Tông (627- 649) đưa vào nội phủ. Khi Thái Tông mất, nguyên bản cũng mất [6].

Sau có nhiều người theo trường phái Hành Thư, cũng nổi tiếng như: Vương Hiến Chi (Wang Xian Zhi) đời Đông Tấn (317- 420), Lý Ung và Nhan Chân Khanh đời Đường (618- 907), Dương Ngưng Thức đời Ngũ Đại (907- 960), Tô Đông Pha đời Bắc Tống (916- 1125), Triệu Mạnh Phủ đời Nguyên (1279- 1368). Sang đời Thanh (1664- 1911) trường phái Hành Thư có Chúc Duẫn Minh, Đổng Kỳ Xương, Hà Thiệu Cơ, Hoàng Đạo Chu, Lưu Dung, Nghê Nguyên Lộ, Tống Khắc, Văn Chính Minh đều thành công rực rỡ, nhưng không ai vượt trội Vương Hy Chi, vì Nhan Chân Khanh khá nhất trong nhóm cũng chỉ đạt được danh hiệu “Thiên Hạ Đệ Nhị Hành Thư.”

Với Vũ Hối cũng thế, trước anh có vài người đem thư pháp vào chữ Việt như Đông Hồ, Trụ Vũ nhưng phải đợi đến Vũ Hối sáng lập trường phái Thư họa, mới phô bày hết cái tinh hoa vào thư pháp chữ Việt. Hiện nay có nhiều người theo lối thư họa của anh, như Song Nguyên, Phương Nam, nhưng chỉ đạt được dạng tự, còn thần tự không thể sánh bằng anh được. Mặc dù phong trào thư pháp chữ Việt đang lên, xuất hiện nhiều cây bút tài hoa như Chính Văn, Mặc Vị Nhân, Thanh Sơn, Tuấn Hải, Y Sa mỗi người một vẻ nhưng thư họa Vũ Hối vẫn có giá trị lịch sử như thiếp Lan Đình Tự của Trung Hoa.

VuHoi image007
H 7: Trong những lần Hội Tết, đồng hương đến xin thư họa Vũ Hối.

Quảng Nam có 5 hòn núi tượng trưng cho Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, kết thành Ngũ Hành Sơn, nổi tiếng vùng Địa linh nhân kiệt, xuất hiện nhiều nhân tài. Khoa Mậu Tuất (1898), niên hiệu Thành Thái thứ 10, tỉnh Quảng Nam có 5 người đỗ đại khoa, được phong danh hiệu Ngũ Phụng Tề Phi, gồm:

- Phạm Liệu, người xã Trừng Giang huyện Diên Phước, đỗ Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân, lúc 26 tuổi.
- Phan Quang, người xã Phước Sơn huyện Quế Sơn, đỗ Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân, lúc 26 tuổi.
- Phạm Tuấn, người xã Xuân Đài huyện Diên Phước, đỗ Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân, lúc 47 tuổi.
- Ngô Truân, người xã Cẩm Sa huyện Diên Phước, đỗ Phó bảng lúc 26 tuổi.
- Dương Hiển Tiến, người xã Cẩm Lâu huyện Diên Phước, đỗ Phó bảng lúc 33 tuổi.

Quảng Nam, đại khoa cùng lúc đến 5 người, nhưng trường phái thư họa chỉ có Vũ Hối khởi xướng. Xin tặng anh và xứ Quảng địa linh nhân kiệt câu đối:

Ngũ phụng đăng khoa còn vọng tiếng
Nhất danh thư họa mãi ngời tăm [7].

VuHoi image008
H 8: Vũ Hối từ Maryland đến San Jose, ghé thăm (11- 2- 2012). Nhà văn Ngọc An (bên trái), và Vũ Hối ngồi giữa vợ chồng tôi.


ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG


GHI CHÚ

[1] Thơ Nguyễn Công Trứ trong bài “Chữ Nhàn” có câu:

Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc,
知 足 便 足, 待 足 何 時 足,
Tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn?
知 閒 便 閒,待 閒 何 時 閒?

Nghĩa là:

Biết đủ tức là đủ, đợi cho đủ biết bao giờ mới đủ,
Biết nhàn tức là nhàn, đợi cho nhàn biết bao giờ mới nhàn?

[2] Lấy ý trong ca dao.

[3] Thơ Việt Thao trong bài Cảm Họa Mến Tặng Vũ Hối (6- 8- 2001)

[4] Thơ Vũ Đình Liên trong bài Ông Đồ.

[5] Tên của ngôi đình, một danh thắng trên núi Lan Chữ ở Cối Kê (Hui Qi).

[6] Phan Thế Phiệt; Thư Pháp Trung Hoa Dành Cho Người Việt Nam (Sài Gòn, nxb Đại Học Quốc Gia TP/HCM, 2001); trang 10.

[7] Xem ghi chú số 3.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

- HOÀNG XUÂN CHỈNH (Bác sĩ); Từ Điển Nhân Danh, Địa Danh Và Tác Phẩm Văn Học Nghệ Thuật Trung Quốc; Texas, tác giả xuất bản, 2000.

- LÊ ĐỨC LỢI; Tự Điển Thư Pháp; Sài Gòn, nxb Văn Nghệ và Trung tâm Nghiên Cứu Quốc Học, 2000.

- NGÔ ĐỨC THỌ chủ biên; Các Nhà Khoa Bảng Việt Nam; Hà Nội, nxb Văn Học, 1993.

- NGUYỄN THANH SƠN; Sổ Tay Thư Pháp; Sài Gòn, nxb Văn Nghệ TP/HCM, 2001.

- NGUYỄN TUÂN; Vang Bóng Một Thời (tập truyện ngắn), tái bản; Sài Gòn, nxb Văn Nghệ, 2001.

- PHAN KHOANG; Trung Quốc Sử Lược; Sài Gòn, nxb Văn Sử Học, 1970.

- PHAN THẾ PHIỆT; Thư Pháp Trung Hoa Dành Cho Người Việt Nam; Sài Gòn, nxb Đại Học Quốc Gia TP/HCM, 2001.

- THANH TÙNG; Văn Học Từ Điển, tái bản; Los Alamitos (CA), nxb Xuân Thu, 1990.