Trong diễn văn cảm tạ của đại diện giáo sinh khóa Nguyễn Du, thủ khoa của khóa là anh Nguyễn Văn Thọ2 đã khẳng định:
“Vàng ấy, ngọc ấy là sư thanh cao của lòng người, niềm tin tưởng vô biên vào ý nghĩa của đời sống, sự cao quí của nghề giáo sư, sự tận tụy đối với nhà trường và sau nữa là sự liên đới trách nhiệm của những kẻ có trách nhiệm đối với sư tồn vong của thế hệ mai sau.”
Sau diễn văn cảm tạ của giáo sinh thủ khoa, đặc san đăng bài tùy bút có tiêu đề là Cảm nghĩ của Hà Sinh, bút hiệu của chúng tôi. Trong năm trang giấy in , chúng tôi trình bày những cảm xúc và suy nghĩ của một người bắt đầu sống với nghề dạy học, thể hiện những ưu tư và trăn trở có xen lẫn nỗi tự hào và nỗ lực vươn tới cái thanh cao từ cuộc phong trần của tác giả Truyện Kiều:
“Dù sao anh cũng có quyền sung sướng và tự hào ít nhiều về hướng đi của mình. Có thể hiện tại anh là một người tầm thường và lỗi lầm nhiều hơn kẻ khác, nhưng trong tương lai anh có cái may mắn đến, vinh dự: phải tập sống, phải cố sống, phải gắng sống cho ra Thầy. Điều ấy rất khó thực hiện đối vơi anh , nhưng không phải vì thế mà anh có quyền chán nản. Rất có thể là đi đến cuối đường của hướng đời đã chọn, anh vẫn chưa sống cho “ra Thầy”. Tuy nhiên điều đó không đáng làm anh e ngại, trái lại, đấy có thể là một hạnh phúc vì suốt đời anh sẽ có một nhãn giới ở đằng xa để đi lên.”
Tiếp theo sau đoản văn của chúng tôi là Bài thơ cho Pretty của một sinh viên lớp Anh văn là chị Hoàng Tâm 3. Tác giả bài thơ “dễ thương” này muốn “xếp (…) vào một phía những lo âu về bài vở mùa thi” để đi tìm “vàng”, “ngọc” của mình là “Pretty, bông hoa hồn nhiên muôn ngàn trong trắng của một thời hoa mộng.” Bài thơ kết thúc bằng nỗi buồn chia ly, rất thích hợp với tâm trạng bâng khuâng, man mác của sinh viên trong lễ mãn khóa năm ấy:
“Pretty ơi !
Điệu nhạc chia ly dường văng vẳng
Chúng mình sắp xa nhau rồi
Em có nhớ gì…?
Em có thương chi …?
Đừng bao giờ nhé,. Pretty
Dần quên những buổi chiều đi vào hồn…”
Nguyễn Mộng Giác 4, người đỗ đầu ban Việt Hán khóa Nguyễn Du, đã góp nhiều công sức cho sự hình thành của Gìn vàng giữ ngọc. Sau kỳ thi tốt nghiệp, trong khi hầu hết bạn bè đang bận rộn với nhiều việc riêng tư , Nguyễn Mộng Giác một mình âm thầm làm nhiều việc chung để chuẩn bị cho sự ra đời của đứa con tinh thần: nhắc nhở các bạn gởi bài, chọn lựa và sắp xếp các bài báo, thu góp đủ tiền bạc để in báo, liên hệ công tác với nhà in, v.v… Nguyễn Mộng Giác, với hai bút hiệu là Mộng Nguyễn và Nguyễn Văn, đã đóng góp cho đặc san tốt nghiệp hai bài viết có đầu đề là Nói chuyện trong đêm và Bóng tối. Đọc lại hai bài văn này, chúng tôi đã nhìn thấy “bóng dáng” của tác giả Sông Côn mùa lũ sau này. Những chuyện nhỏ nhặt có tính đời thường ở nhà trọ, ở trường học đã trở nên hấp dẫn qua lối viết dung dị mà sâu sắc của anh. Nguyễn Mộng Giác không viết “hiền lành” như chúng tôi là một sinh viên sư phạm mới ra trường mang nhiều hoài bão và ước mơ. Nhà văn tương lai Nguyễn Mộng Giác đi vào ngõ ngách của “đêm” đen và “bóng tối” để phát hiện và phơi bày mặt trái của giáo giới, của cuộc đời, từ đó phê phán, kết án cái xấu mà nhắc nhở bạn đọc gìn giữ cái đẹp, cái thanh cao của những tâm hồn còn trẻ.
Có lẽ vì đặc san tốt nghiệp thiếu bài viết của những sinh viên đàn anh học năm thứ ba nên người chủ trương phải nhờ đến sự góp sức của những sinh viên đàn em học năm thứ nhất. Tuy gọi là đàn em nhưng trong số này có cây bút đã thành danh là nhà thơ Tường Phong Nguyễn Đình Niên 5, tác giả các tập Trăng phương đông và Thơ ngợi ca tình yêu. Qua bài thơ Hãy để tôi yêu quê hương tôi và truyện ngắn Bên ngoài cổng trường, đặc san Gìn vàng giữ ngọc đã giới thiệu với độc giả sinh viên cây bút trẻ dữ dội và hết mình vì lý tưởng Trần Quang Long.
Bài thơ Hãy để tôi yêu quê hương tôi được in lại trong Trần Quang Long, cuộc đời và tác phẩm. Nhưng truyện ngắn Bên ngoài cổng trường không thấy xuất hiện trong tuyển tập này. Với bút hiệu Trần Nhân, Trần Quang Long mở đầu Bên ngoài cổng trường bằng “cái vẻ trang nghiêm chết chóc của trường Đại học”. Ở đó, chàng sinh viên tên Quang đi qua “Sân trường vắng ngắt”, nhìn vào lớp học, chàng thấy “Cửa mở, phòng trống không. Cái bảng đen nằm vô tri, sạch sẽ.” Còn ông giáo sư thì “Bước chân sẽ bên cao bên thấp một cách nặng nhọc như ôm cả sứ mạng văn hóa của nước nhà.” Tất nhiên là nhân vật Quang - một hóa thân của nhà văn sinh viên có tinh thần phản kháng và tranh đấu Trần Quang Long - không thể yên ổn học tập trong một ngôi trường như thế. Chàng ra khỏi cổng trường để “thấy dễ chịu”. Chàng “chạy vội về phía nhà Bưu điện” và gặp Diệp 6. “Hai cái răng khểnh của Diệp cười nũng nịu; cái cằm tròn như một quả mơ.” Diệp vào bưu điện để bỏ thư cho người yêu là Tâm. Vì bưu điện “Đông quá, mua tem không được.”, Diệp trở lại với Quang , cùng “đi bên nhau đến trường” để nghe Quang say sưa “diễn thuyết”: “Quyển vở Diệp cầm ở tay kia chỉ có công dụng độc nhất và đáng kể nhất là để đựng lá thư tình kia. Còn cái mớ triết lý chết trong đó không làm sao so sánh được với lời rao khàn giọng của một chị bán hàng rong áo vá.” Kết quả là Quang “cô đơn trong đam mê” đã thuyết phục được người con gái “nhỏ nhắn như một con gà con vừa thảy mỏ và trong sạch như những giọt sương đọng trên mạng nhện buổi mai”, cô bỏ học hai giờ triết để dạo chơi trên đường Trương Định “rất buồn”, để nghe Quang tâm sư : “Lớn lên, anh không có được một người bạn, (…) Anh chưa được biết đến bàn tay một người đàn bà, (…) Những lưỡi lê nhọn của thực tế đã đẩy anh vào đời sớm hơn tuổi phải vào đời, (…) Nhưng anh vẫn còn nguyên vẹn vì còn trái tim. Anh còn biết thương yêu…” Sau một hồi thơ thẩn trên đường, cả hai trở lại nhà bưu điện bây giờ đã trở nên vắng vẻ. Diệp “mở quyển vở, lấy phong thư đưa” cho Quang bằng “những ngón tay run run như sắp khóc”. “Rồi Diệp vụt quay đi”, để Quang “bàng hoàng đứng lặng” với ba câu hỏi: “Chạy theo Diệp ?”, “Vào Bưu Điện bỏ thư ?”, Hay "chui vào cái cổng trường như thường ngày ?”.
Cũng trong năm 1963 ấy, trường đại học mang “cái vẻ trang nghiêm chết chóc” kia đã bừng lên một sức sống mãnh liệt: rất nhiều sinh viên đã bãi khóa để tranh đấu cho sự bình đẳng của tôn giáo, độc lập của dân tộc và công bằng của xã hội; nhiều giáo sư đã từ chức, đã ra tuyên ngôn để phản đối sự đàn áp dã man của một chính quyền không còn chỗ đứng trong lòng dân. Những nhà trí thức trung thực ấy, sau chính biến tháng 11 năm 1963, “Một số ít vào Sài Gòn làm xe pháo mã cho một ván cờ chưa biết ai là tướng. Hầu hết ở lại Huế làm báo. Làm nhiệm vụ gìn vàng giữ ngọc cho lương tâm.” 7
Sau năm 1963, qua phong trào đấu tranh đô thị của sinh viên và học sinh miền Nam, Trần Quang Long đã trưởng thành, đã bỏ qua hoa mộng của một thời làm thơ Nghiêng nón 8 , đã dấn thân để không còn phải đứng phân vân ở nhà bưu điện với ba câu hỏi. Từ năm 1963 đến 1968, anh đã đi học, dạy học, làm thơ, viết văn, làm báo, xuống đường, ở tù…Tháng 10 năm 1968, tại biên giới Tây Ninh – Campuchia, trong một trận oanh tạc dữ dội, anh hi sinh khi mới 27 tuổi 9. Bi thiết và hào hùng, Trần Quang Long đã “gìn vàng giữ ngọc” để đạt đến đỉnh điểm của sự thanh cao bằng cái chết vinh quang của người chiến sĩ – nghệ sĩ.
Sẽ là thiếu sót nếu viết về đặc san tốt nghiệp của khóa Nguyễn Du mà không nhắc đến “nhà thơ sinh họat” Lê Vàng 10. Anh Lê Vàng học ban Việt Hán với chúng tôi nhưng lớn hơn các bạn cùng lớp khoảng từ 5 đến 7 tuổi. Anh đã lập gia đình, phải “cơm đùm gạo bới” từ Quảng Ngãi ra Huế theo học Đại học Sư phạm. Dù hoàn cảnh có khó khăn, nhưng anh vẫn học tập tốt, sống thân ái, hòa đồng với mọi người. Không riêng gì lớp Việt Hán mà hầu hết sinh viên khóa Nguyễn Du đều có cảm tình với anh, vì anh có tài xuất khẩu thành thơ trong những sinh hoạt ngoại khóa. Gìn vàng giữ ngọc đã dành 5 trang cuối để đăng hai bài thơ của anh: Bài viết về sinh hoạt của trại hè Mỹ Khê và bài “tiểu luận” viết về đề tài nấu cơm ở trại Thuận An.
Tham dự các sinh hoạt ngoại khóa, sinh viên trong một lớp phải phân tán để có mặt trong nhiều đội. Vì vậy, khi các đội thi đua thuyết trình về đề tài nấu cơm, “lính” Việt Hán có mặt trong mỗi đội phải “ra trận” như những đối thủ với nhau và người viết bài này đã trở thành “nạn nhân” của tài xuất khẩu thành thơ của anh Lê Vàng.
Anh Lê Vàng “đăng đàn diễn thuyết” trước chúng tôi. Anh mở đầu bài “tiểu luận” bằng bốn câu thơ:
“ Nấu cơm là chuyện nữ nhi,
Tu mi nào có biết chi luận bàn.
Nhưng lòng đã trót đa mang,
Nên đem góp mặt với làng văn chương.”
Mới nghe qua “khúc nhạc dạo đầu” các bạn đã vỗ tay ào ào. Nhờ vậy thuyết trình viên hưng phấn đọc lưu loát hơn 70 câu thơ có xen lời dẫn giải bằng văn xuôi, trình bày nhiều hiểu biết có liên quan đề tài nấu cơm, từ thời hồng hoang tiền sử đến hiện tại, với nhiều tài liệu văn chương và lịch sử lấy ra từ tục ngữ, ca dao, truyện Nôm Tống Trân & Cúc Hoa và sự tích anh hùng Tiết Nhân Quý đời Đường “từng là một hỏa đầu quân đắc lực". Mọi người đều “bái phục” tài làm thơ và kiến thức “uyên bác” về nấu cơm của anh Lê Vàng. Còn chúng tôi thì tự nghĩ nếu không có tài xuất khẩu thành thơ thì làm sao anh có thể sáng tác bài thơ dài trong một thời gian ngắn chưa bằng một buổi sáng.
Đăng đàn sau anh Lê Vàng, biết là bất lợi, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng lấy bình tĩnh để mở đầu bài “thuyết trình” bằng một câu văn xuôi có nhiều màu sắc: “Lấy một ít gạo trắng, bỏ vào một cái nồi đen, nhen lên một ngọn lửa đỏ, thế là một lát sau chúng ta đã có những hạt cơm vàng…” Đọc xong nhập đề, chúng tôi lấy làm đắc ý và tự nghĩ thế nào cũng được các bạn nữ ở các lớp ngoại ngữ khen hay! Nào ngờ một số bạn nam nghịch ngợm đã nói lớn: “Cơm vàng là cơm khê! Cơm khê! Cơm khê!” Thế là mọi người cười ầm lên và “thuyết trình viên” không còn nhuệ khí để tiếp tục ăn nói có duyên, tự nhiên và lưu loát như “nhà thơ” Lê Vàng của đội 6 nữa.
Kể lại mẩu chuyện vui sinh hoạt này, chúng tôi muốn gởi lời cám ơn anh Lê Vàng, vì nhờ những bài thơ ứng tác của anh mà hơn 40 năm sau người đọc còn có thể tìm lại “ngọc”, tìm lại “vàng” của thời sinh viên với những tháng năm đẹp nhất của một đời người.
Từ 1957 đến 2007, trải qua khoảng thời gian dài nửa thế kỷ, Đại học Sư phạm Huế nói riêng và Đại học Huế nói chung đã có nhiều phát triển và đổi thay. Những sinh viên sư phạm khóa Nguyễn Du ngày ấy, nay có người đã trở về với cát bụi, có người tóc đã trắng như bông. Nhưng ước nguyện “gìn vàng giữ ngọc” của những giáo sinh sư phạm trẻ trung năm xưa vẫn còn đồng vọng cùng lời thơ Nguyễn Du để nhắc nhở những nhà giáo hôm nay và mai sau nhiệm vụ gìn giữ và phát huy cái tốt đẹp, cái thanh cao của tâm hồn người Việt Nam:
“Gìn vàng giữ ngọc cho hay ,
Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời.”
( Nguyễn Du , Truyện Kiều )
SG, 20.12.2006
Hà Thúc Hoan
Chú thích:
1 Khóa thường xuyên: Khóa chính quy. Sinh viên học tại trường, đúng niên hạn (không bị cách quảng hoặc rút ngắn)
2 Nguyễn Văn Thọ là giảng viên của Đại học Sư phạm Huế, từ khi tốt nghiệp cho đến lúc hưu trí. Anh mới qua đời trong năm 2006, tại Huế.
3 Hoàng Tâm đi học ở nước ngoài từ năm 1963, mãi đến năm 2006 chúng tôi mới liên lạc được với chị. Hiện chị đã nghỉ hưu, thường làm thơ Thiền bằng tiếng Việt và tiếng Anh, thỉnh thoảng có về quê nhà làm công tác xã hội.
4 Nguyễn Mộng Giác dạy trường Đồng Khánh - Huế từ năm 1963. Hai năm sau chuyển công tác vào Quy Nhơn, làm Giám học, làm Hiệu trưởng, cuối cùng vào Sài Gòn làm thanh tra và viết văn. Nhà văn Việt kiều Nguyễn Mộng Giác, là tác giả trường thiên tiểu thuyết lịch sử Sông Côn mùa lũ ( NXB Văn học, Hà Nội, 2003).
5 Nguyễn Đình Niên dạy trường Võ Tánh – Nha Trang từ năm 1965, sau chuyển công tác về trường Đồng Khánh, Huế, nghỉ dạy đã nhiều năm, hiện sống thanh bạch ở thành Nội – Huế.
6 Diệp là một người đẹp của Đại học Văn khoa.
7 Cao Huy Thuần, Nắng và hoa, NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2003, tr.100.
8 Nghiêng nón là bài thơ tình hay nhất của Trần Quang Long. Bài thơ được sáng tác vào năm 1960, có mấy câu mở đầu đã được nhiều bạn trẻ học thuộc lòng:
Sao em biết anh nhìn mà nghiêng nón,
Chiều mùa thu mây che có nắng đâu.
Nắng sẽ làm phai mái tóc xanh màu,
Sẽ làm khô làn môi em dịu ướt.
Còn đôi mắt anh,
Có sao đâu mà em từ khước.
Nếu nghiêng nón có nghĩa là từ khước,
Sao mười ngón tay em bỗng cuống quýt đan nhau?
(…)
9 Theo Nguyễn Hữu Ngô, Trần Quang Long, cuộc đời và tác phẩm , NXB.Thuận Hóa, Huế, 2005, tr.6.
10 Lê Vàng dạy học ở trường Trần Cao Vân – Tam Kỳ từ năm 1963, rồi được đề bạt làm Giám học ở đó. Sau năm 1975, anh phải giã từ phấn trắng bảng đen để về quê làm ruộng ở huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.