Mới vừa bước vào nhà sau một ngày làm việc mệt nhọc, cái xách còn nằm trên vai, Bi chạy tới ôm tôi và thủ thỉ:  "Mẹ ơi, con không thích mặc cái áo dài mẹ may ở Việt Nam. Mẹ đo không đúng, rộng lắm, không có co eo gì cả, mặc vào trông kỳ quá".

Tôi tròn mắt, miệng há hốc, hỏi: "Vậy chớ con mặc áo dài nào cho đám cưới của chị Sương cuối tuần này?".

"Con muốn cái áo khác", Bi nói với vẻ mặt tỉnh bơ.

"Sao con không nói sớm, bây giờ còn có một tuần nữa là đám cưới chị Sương rồi, làm sao gửi về Việt Nam may cho kịp", tôi bực mình trách.

"Thì mẹ may.", Bi trả lời chắc nịch nhưng tôi thì thất kinh hồn vía: "Trời đất, mẹ may? May áo dài? Con có nói giỡn chơi không đó, từ nhỏ đến lớn giờ mẹ có may áo dài lần nào đâu, làm sao may được".

Tôi nhớ hồi mới qua đây, quần áo cỡ nhỏ cho những người thấp bé như tôi chưa có hay cũng có thể chỉ có ở một vài tiệm đặc biệt mà thôi. 

Cách đây gần 30 năm, rất ít người Việt ở đây, tôi đoán chừng một vài ngàn mà thôi. Người Châu Á nói chung tính ra cũng ít ỏi lắm, với lại việc buôn bán với người Tàu lúc ấy cũng rất hạn chế, nên cái gì cũng mắc mỏ. Tôi thấy đồ dùng bây giờ rẻ hơn hồi xưa. Mua quần áo, giày dép lúc bấy giờ khó khăn lắm; vừa đắc, vừa không có cỡ của mình. Mua quần áo của trẻ nít thì mặc vừa nhưng kiểu cách không phù hợp. Mua cỡ người lớn thì quá rộng, quá dài. Tôi có tí nị, còi, đẹt; mặc vào trông giống mấy bà đầm xoè, kỳ cục quá. Vậy là tôi đi ra tiệm bán đồ cũ, rinh về một cái máy may. Lôi những bộ quần áo quá khổ ra, hì hục tháo chỉ, cắt bớt, thu vào, nới ra, nhiều lúc mất cả buổi mới xong, mệt đừ. Sau một thời gian, tôi nghĩ ngó bộ đi mua vải về cắt may chắc đỡ tốn thì giờ hơn. Thế là tôi trở thành thợ may không mong đợi cho chính tôi từ dạo ấy. Nhớ lại những ngày tháng đó cũng thấy vui và kính nể mình quá ơi là chừng!

Khoảng mười lăm năm trở lại đây, người Châu Á mỗi lúc một đông, thị trường tiêu thụ của những người nhỏ con như tôi càng lớn, nên áo quần size nhỏ ra đời với nhiều model rất đẹp. Thêm vào đó, giờ đã "phì nhiêu" hơn xưa nên tôi bắt đầu lơ là chuyện may vá. Với lại vào những lúc đại hạ giá, mua quần áo may sẵn rẻ hơn là mua vải về may. Đôi khi, nhớ "nghề nghiệp" cũ thì cũng khâu cái này, sửa cái kia cho vui thôi, chứ không còn mặn mà may vá như mấy năm đầu mới qua đây.

Thật tình, tôi cũng học lóm chút đỉnh qua sách vở; may cái áo, cái quần tạm được để có mà mặc cho đàng hoàng với thiên hạ thôi chớ có đẹp đẽ gì đâu, nói chi đến chuyện may áo dài. "Mẹ chịu thua, không may được. Mặc áo cũ đi, nhiều chuyện !", tôi bắt đầu quạu quọ với Bi.

Bỏ xách xuống là tôi đi thẳng vô bếp, tròng cái tạp dề vào. Bắt đầu làm bổn phận của bà nội tướng. Vậy mà trong khi nấu nướng, nhớ lại cái gương mặt tiu nghĩu của Bi, tự nhiên thấy thương quá! Chắc Bi đã lớn? Hay là Bi bắt đầu có những mắc cỡ rất riêng? Lòng thấy buồn buồn. Tôi bắt đầu xa vắng mông lung, hay là làm liều, may đại. Rồi tự hỏi, mà may bằng cách nào đây. Nghĩ ngợi lung tung một hồi, lòng như chùng xuống nhưng chưa dám nói với Bi. Vì sợ, lỡ nói ra rồi thì như đinh đóng cột. Bi sẽ theo chèo chẹo cả ngày, chắc chết!

Sau khi ăn uống, dọn dẹp xong xuôi, tôi lựa lời nói với Bi để có đường tháo lui "Hay là mẹ may đại cho con một cái, lỡ xấu thì con mặc áo cũ nhé! Mẹ muốn con mặc áo dài vào ngày đặc biệt này, hứa với mẹ là mặc áo cũ nếu mẹ may hư, thì mẹ mới may". Chắc Bi tin tưởng vào tài lẻ của tôi hay sao mà mặt mày nó sáng rỡ, đồng ý liền.

Ông xã đang đọc báo, nghe tôi nói, giật bắn mình, ngẩng đầu lên hỏi: "Em nói sao? Em may áo dài cho con? Có được không đó? Coi chừng tốn công, tốn sức. Mà chỉ còn mấy ngày nữa là đám cưới rồi. Thôi đi em!". Tôi nhìn ông xã, lòng bán tín bán nghi khả năng của mình. Bất ngờ ông xã nói: "Ừ! Mà anh tin vào tài nghệ của em. Hồi mới lấy nhau, em có may cho anh cái quần tây màu nâu đó, em có nhớ không? Em cứ may áo dài cho con đi, cơm nước để anh lo". Thấy hai cha con đặt niềm tin nơi mình quá và ông xã ủng hộ hết mình, nên tôi cũng mạnh dạn hơn, quyết chí làm chuyện động trời này. Thế là mấy ngày trời, cả nhà ăn hết trứng luộc rồi lại xơi trứng chiên giã bữa với pizza!

Lại nhớ lúc mới lấy nhau, ông xã cũng gầy nhom, cái bụng xẹp lép. Lúc ấy cái bụng có 27" (68,5cm). Bên hàng quần áo người lớn làm gì có ni vòng bụng 27. Mà phía bên gian hàng thanh thiếu niên thì vừa bụng lại không vừa mông và đùi. Thành ra tôi cũng mày mò lấy cái quần tây cũ ra, rồi cứ dựa vào đó mà may cho ổng. Trời ơi, cũng trần ai một thuở. Cũng thức đêm, thức hôm. Lần đó nhìn tác phẩm đầu tiên của mình, không nhịn được cười. Vậy mà ông xã cũng mặc; mặc hoài, mặc cho đến rách mới chịu bỏ. Chắc tại ổng thấy cái công, cái tình tôi lớn quá chăng? Phải chi tôi giữ lại cái quần rách đó để làm kỷ niệm, để làm bằng chứng với con cháu mai sau về lòng dũng cảm của hai ông bà ! Vậy mà hơn 10 năm rồi, cái vòng bụng ông xã cũng tăng size như tôi, nên tôi cũng thất nghiệp luôn!

Ngay tối hôm đó, hai mẹ con vội vàng chạy ra tiệm vải. Bi thích màu xanh ngọc xen kẽ chút vàng. Lựa mua vải cũng là vấn đề lớn, mất cả tiếng đồng hồ mới chọn được. Nào chỉ cho tiệp màu, nào kim may cho hợp với loại vải, nào nút cài khuy áo...

Về đến nhà đã 10 giờ tối. Tôi có tật, muốn gì là làm liền chứ không thể chần chờ. Thế là lui cui trải vải ra. Nhìn tấm vải trải dài trên bàn, lòng lo muốn toát mồ hôi, vì không biết bắt đầu từ đâu; cắt làm sao, rồi may làm sao đây! Tôi ngồi thừ ra cả tiếng đồng hồ. Cuối cùng quyết định đi ngủ, mai tính tiếp. Nhưng nào có ngủ được đâu, trằn trọc mãi. Tôi nảy ra ý nghĩ đem cái áo dài cũ của Bi ra, đo từng chút một rồi vẽ lên giấy trước, xem thử ra sao. Tưởng tượng đủ cách trong đầu, mệt quá ngủ lúc nào không hay.

Sáng hôm sau đi làm, cái đầu đâu có yên. Cái áo dài cứ chờn vờn, lởn vởn trước mặt. Vậy là vào Google tìm thử có bài nào viết về cách may áo dài hay không? Sau một hồi tìm kiếm, một website giới thiệu may áo dài xuất hiện. Mừng quá! Nhưng đọc kỹ thì mới biết là họ chỉ bày cho mình cách đo áo, chọn kiểu, chọn vải rồi gởi số đo đến để họ may. Tôi thật sự thất vọng.

Về đến nhà, không vào bếp như mọi ngày, tôi chạy ngay xuống tầng hầm, bắt tay vào việc cắt may theo sáng kiến đêm qua. Đo từ áo dài cũ, giảm vòng eo nhỏ lại chút xíu, giảm vòng ngực...giảm, giảm....nói chung là giảm mỗi nơi mỗi chút...Lúc đầu Bi nói Bi muốn áo dài có cổ. Tôi loay hoay cả tiếng đồng hồ nhưng không biết làm cách nào. Thế là tôi nói với Bi: "Chịu khó mặt áo cổ thuyền đi con, mẹ không may được áo có cổ đâu. Nếu con cứ nằng nặc đòi mặc áo có cổ, mẹ đầu hàng". Lời thuyết phục này tôi nghĩ chắc không xong. "Mà mẹ thấy con mặt cổ thuyền chắc đẹp hơn cổ cao đó, thử nghen", tôi vừa như ra lệnh vừa như năn nỉ Bi. Bi xiêu lòng chắc vì trông mẹ tội nghiệp quá chăng? Bi nói: "Mẹ à, cũng được, vậy mẹ có chắc là mẹ may được áo dài cổ thuyền không?" Trời ơi ! Làm sao mà dám chắc đây. Đã mất hai đêm rồi mà cái mẫu áo chưa thành hình kia mà!

Nhưng rồi, sau một buổi vật lộn, cái mẫu áo dài bằng giấy cũng xong. Nhưng khi đặt trên vải để cắt, mới khó khăn làm sao! Mẫu giấy cứ chạy lui, chạy tới không nằm yên một chỗ. Bực quá, tôi như muốn khóc. Suy nghĩ một hồi. Tôi đi kiếm một miếng vải dư. Tôi vẽ lên vải phần trên của chiếc áo thôi, nghĩa là qua khỏi eo chút xíu, không có tà áo. Tôi bắt đầu thấy có chút hy vọng. Tinh thần tôi lạc quan hơn. Cắt xong thân trước, thân sau, hai tay....Mà lòng cảm thấy phơi phới....Tôi bắt đầu ráp thử trên mẫu vải, rồi bắt Bi ướm thử. Giảm vào, nới ra, ôi thôi! Thiệt là đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Đến khi tạm ổn, tôi tháo hết ra và đặt vào vải áo của Bi. Bàn tay cầm kéo ướt đẫm mồ hôi; cái kéo cứ nhấp lui nhấp tới. Rồi thì từng mảnh, từng mảnh cũng ra đời, nằm gọn trên bàn và cũng là lúc tôi phải đi ngủ để ngày mai còn dậy đi làm, tiếp tục một ngày mới!

Vậy mà lên đến hãng, cũng có làm việc được đâu. Cái áo dài ám ảnh tôi mọi lúc. Nó không để tôi làm việc, nó cứ đến quấy rối tôi. Ngồi làm việc mà cứ nhìn đồng hồ, mong cho đến 5 giờ chiều. Thấy sao mà một ngày nó dài lê thê! Về đến nhà, lại chui xuống tầng hầm ngay.

Đêm thứ ba, ngồi vào ráp. Tưởng công đoạn cắt là khó khăn nhất. Không đâu các bạn ơi. Ráp vào cũng khó không kém. Tôi cứ tháo ra, may lại, riết rồi miếng vải muốn nát bét. Tôi bắt Bi không được đi đâu hết, ngồi gần tôi để chút chút tôi bắt Bi mặc vào coi sao. Riết rồi Bi cũng oải mà tôi thì xấc bấc xang bang. Hai đêm rồi, tôi thức không trước 2 giờ sáng. Nay là đêm thứ ba. Mệt quá. Cái đầu cứ đơ ra. Nhưng khi Bi nói: "Thấy mẹ vất vả quá ! Hay thôi, đừng may nữa, con mặc áo cũ cũng được"...Thoạt tiên nghe Bi nói thế, tôi cảm thấy nhẹ người, nhưng hình như có một điều gì đấy bên trong tôi đang thúc giục, động viên tôi nên tôi đã không bỏ cuộc nửa chừng và cuối cùng thì cái áo có hình, có dáng hẳn hoi. Nhưng làm nút bấm sao khó quá, phải có nẹp vào bên hông áo. Nên tôi quyết định dùng dây kéo (la fermeture), chắc dễ hơn. Nhưng dây kéo thì không có sẳn mà tôi thì cũng buồn ngủ quá rồi!

Hôm sau, trên đường về nhà, tôi ghé tiệm vải mua dây kéo, và cũng như lần trước, lần này cũng không cơm nước gì cả. Tôi chạy xuống hẩm tiếp tục may đến 2 giờ sáng. Ba cha con lại ăn cơm với trứng chiên! Sau một hồi lược vào tháo ra với dây kéo, cái áo cũng hình thành. Nhìn cái áo treo lủng lẳng trên tường, niềm vui trong tôi vỡ oà. Nhưng chưa xong đâu, còn cái mục luông hai cái tà và cái cổ nữa, nhiêu khê lắm. Nhưng tôi biết công đoạn này chỉ mất thì giờ chứ không khó đối với tôi. Lòng tôi dường như thấy lâng lâng. Hạnh phúc đang chực chờ reo vui. Tôi đi ngủ và đêm đó, một giấc mơ đẹp đã đến trong tôi bạn ạ. Tôi thấy Bi và tôi, hai mẹ con mặc hai cái áo dài giống nhau như đúc, giung giăng giung giẻ đi chơi trên đường phố quê nhà. Trong mơ, Bi hỏi tôi: "Ủa! Mà sao chỉ có hai mẹ con mình mặc áo dài vậy mẹ?" Tôi không nhớ là tôi trả lời như thế nào với Bi. Mà nếu có, chắc tôi đã trả lời: "Đời sống thay đổi, con ạ!" Như bây giờ đây, tôi chỉ được mặc Áo Dài vào những dịp lễ cưới mà thôi! Tiếc nuối một thời!

Đêm thứ năm, sau khi luông xong, tôi ủi hai tà áo, cái cổ áo, ủi bốn cái chít eo cho thẳng nếp rồi tôi trịnh trọng treo nó lên tường và nhìn ngắm tác phẩm năm đêm của tôi. Và đêm ấy là một đêm tuyệt vời. Trong tôi như có ngàn tia nắng chiếu rực rỡ, dù rằng đêm đã quá khuya.

Một niềm vui khó tả tràn ngập hồn tôi khi Bi mặc vào và nói: "Mẹ ơi, chưa có cái áo dài nào mà con mặc và thấy đẹp như cái áo này". Ôi trời ơi! Tôi có nghe lầm không đây. Bi ôm ghì tôi và lần này hôn tới tấp lên mặt tôi, chắc hơn chục cái! Bi còn nói thêm: "Con biết là mẹ may được mà, mẹ giỏi quá". Hễ mỗi lần tôi làm điều gì Bi thích là Bi cứ nói: "Mẹ giỏi quá!", không biết học của ai?. Tôi nghĩ chắc Bi đã nhìn thấy cái tình của tôi trong từng đường kim, sợi chỉ; trong những đêm thức đến 2 giờ sáng, nên Bi thấy cái áo nó đẹp và thấy tôi giỏi đó thôi, chứ theo cái nhìn của cặp mắt nhà nghề thì chắc bạn không dám mặc và bạn cũng sẽ thấy tôi dỡ tệ! Tôi có bao giờ nghe ai khen tôi đâu ngoài trừ hai cô con gái của tôi! Hình như dù lớn đến đâu, được nghe những lời khen tặng cũng thấy ấm lòng hơn những lời chê bai. Vậy thì tiếc gì một lời khen, bạn hỡi! Lòng thì vui mà đôi mắt cay xè!

Rồi bất ngờ, Bi nói: "Mẹ à, vậy thì con nghĩ là mẹ không còn phải sợ thất nghiệp nữa. Nếu mà mẹ thất nghiệp, mẹ ra mở tiệm may áo dài, mình sẽ giàu đó mẹ". Một câu phát biểu thật ngây ngô của cô con gái 14 tuổi làm tôi bật cười. Tôi hết sợ bị thất nghiệp từ đấy! Bạn có tin không?

Và tôi nghĩ chiếc áo dài màu xanh ngọc tôi may cho Bi là một tác phẩm vĩ đại nhất đời tôi. Chắc bạn sẽ đồng ý với tôi? Và giờ đây bạn có muốn xem tác phẩm của tôi không?

Nguyễn Kim Tiến
04 tháng 2 năm 2010