Câu chuyện "Thử -bằng- tiền" viết về một đứa bé đần độn, ai cho đồng xu thì nó lấy, ai cho tờ bạc giấy (giá trị lớn hơn đồng xu nhiều) nó vứt đi. Ai cũng bảo thằng bé ngu ngốc, nhưng khi đếm tổng số đồng xu người ta mang đến để thử nó, mới biết là thằng bé "khôn". Logic của chuyện là: mọi người bất ngờ trước cái khôn của thằng bé, nhưng cuối cùng đều hiểu được, giải thích được hành vi của nó. Nên không gọi là chuyện cắc cớ.
   
Chuyện cắc cớ là những câu chuyện nghiêm túc, có thật, nhưng khác thường, "hơi bị lạ" của những người chung quanh ta hoặc những người mà ta biết. Gọi chuyện cắc cớ là chuyện trời ơi cũng được là vì có Trời mới hiểu được, lý giải được vì sao. Chẳng hạn 10 năm trước đây ai nói tổng thống Mỹ sẽ là người da màu là nói chuyện cắc cớ, nhưng bây giờ đó là chuyện thật, là chuyện cắc cớ có thật, thế thôi.

* * *

Chuyện lấy vợ:

- Tuổi 20, chàng xuống tàu đi tập kết, 20 năm xa quê không chịu lấy vợ, sau ngày giải phóng về quê hương làm việc thêm 20 năm nữa cũng không lấy vợ, nghe đồn chàng có vấn đề về sinh lý. Đến 60 tuổi về hưu, lúc thiên hạ tưởng là chàng ngủ yên vĩnh viễn, bỗng nhiên chàng lấy vợ, sinh con, chiều chiều chàng đạp xe đèo con đi dạo biển. Hết biết!

- Tuổi 20 bạn tôi xuất ngoại, gần 40 năm ở nước ngoài chàng không lấy vợ, thiên hạ nói chàng hâm. Gần 60 tuổi chàng hồi hương, bỗng dưng lấy vợ. Hồi xuân ư?

- Chàng nàng yêu nhau, nàng theo gia đình xuất cảnh, chàng ở vậy không yêu ai, không lấy vợ cho đến nay- chàng về hưu. Cổ tích tình yêu thế kỷ 21... Lấy vợ khó lắm thay? Bó tay!

Chuyện vợ bỏ:

- Chàng Việt Kiều sồn sồn về nước lấy một nàng sồn sồn, bỏ tiền của mua đất cất nhà cho hai vợ chồng, để nàng đứng tên. Chàng trở ra nước ngoài, nàng đưa người tình về sống chung. Chàng quay lại, ly dị nàng, đòi lại nhà. Ra tòa, nàng yêu cầu chàng trả chi phí nàng phục vụ cho chàng trong thời gian chung sống như sau: a đồng*n đêm = A đồng. Số tiền A suýt soát giá trị căn nhà. Thế là chàng mất trắng cả vợ lẫn nhà. (0-1)

-Y là người miền núi/thượng/dân tộc ít người đi làm rể phía vợ ở khác làng, một thời gian sau Y bị vợ chê trả về. Nhà vợ đòi Y trả lại của hồi môn (trâu, bò, chinh, ché...), Y hỏi ý kiến Già làng mình, Già làng bày Y yêu cầu nhà vợ trả lại "nước sướng" của Y bỏ ra trong thời gian ở rể thì Y sẽ trả lại của hồi môn. Nhà vợ lấy đâu ra "nước sướng"? Bó tay! (1-0)

Chuyện vượt biên:

- Cô gái quê Phú Thuận, vượt biên 17 lần không lọt, trở thành "bạn hàng" của công an, lần thứ 18 trót lọt. Ra nước ngoài kinh doanh thành đạt, một ngày đẹp trời bà Việt Kiều yêu nước trở về, mời tất cả công an địa phương tới nhà hàng chiêu đãi. Lý do...? Biết chết liền!

- Năm 1978, người Việt gốc Hoa bỏ nước đi nhiều. Con Khùng (đã bị khùng lâu năm ai cũng biết) đi lang thang, chui vô một chiếc đò máy chuẩn bị vượt biên. Đêm đó đò vượt biên trót lọt, con Khùng qua bển bỗng dưng hết khùng, làm ăn khấm khá gửi tiền về cho cha mẹ xây nhà. Hết biết !

Chuyện... cắc cớ hư cấu:

Còn chuyện sau đây là chuyện do tôi bịa ra, xin gọi là chuyện cắc cớ vì nó rất như thật mà cũng rất... cắc cớ.

Con học lớp 3 hỏi mẹ là nhà văn đang ngồi sáng tác:
- Hư cấu là gì hả mẹ?
- Là tưởng tượng ra một câu chuyện.
- Là nói dối hả mẹ?
- Ừ!
- Thế sao mẹ nói dối mà được giải thưởng?
- Vì mẹ hư cấu giỏi.
- Sao bố không được giải thưởng?
- Vì bố mày không biết nói dối.

Bố đang xem TV, ngoảnh lại:
- Bố mà nói dối ấy à, lĩnh cả giải Nô Ben! (= siêu hư cấu)

* * *

Lan man đàm:

Chuyện cắc cớ thường xảy ra không theo logic thông thường, nó vượt không gian, vượt thời gian, nó không phục vụ cho lợi ích của người trong cuộc lẫn người ngoài cuộc và nhiều khi bất chấp ý muốn hay sở thích của họ. Nó xảy ra ngoài dự đoán hay phán xét của số đông. Nhưng xem kỹ lại ta có thể phát hiện một vài đầu dây mối nhợ nào đó. Ví dụ như câu chuyện Con Khùng vượt biên: vì khùng nên cô gái dễ được mang theo- người Á đông tin là người khùng đem may mắn đến cho họ nên "thôi kệ, cho nó đi luôn", vì khùng nên cô gái vượt biên không tốn tiền-ai đi lấy tiền người khùng-, cuối cùng em Khùng đi tới bến như ai, sau đó bỗng dưng hết khùng. Lạ chưa! Đúng là chuyện... cắc cớ trời ơi!

* * *

Có thể Bạn đọc cắc cớ nào đó sẽ hỏi tôi: "kể chuyện cắc cớ để làm gì?". Câu trả lời rất trời ơi là "không để làm gì hết, kể cho vui, chuyện cắc cớ mà!".

Biết đâu một hôm trời đẹp nào đó tôi/bạn bỗng dưng trở thành nhân vật chính của một câu chuyện cắc cớ- trời ơi: đang đi ngoài đường bỗng xuất hiện một nam/nữ lạ hoắc ôm chầm lấy, khóc nức nỡ như gặp lại cố nhân. Còn tôi/bạn thì đứng trân mình chịu trận, cố gắng "browse" tất cả bộ nhớ bắt đầu gỉ sét của mình ra coi thử mình quen với cố lão/con mẻ này hồi nào vậy cà? Lục tìm mãi không ra. Bó tay!

Xuân Phong

TB: Chuyện cắc cớ không nhằm ám chỉ, mỉa mai bất kỳ ai. Mong bạn đọc chỉ giáo ở mục Lời Bàn - TG