Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • NhaGiuXe1200
  • hinhCu 1200
  • DaiThinhDuong1200
  • CD4 1200

Chuyến bay từ Melbourne bỏ chúng tôi xuống Darwin sau gần năm giờ bay, người phi công lên tiếng chào giả từ hành khách như thường lệ và ngập ngừng thông báo thời tiết Darwin tối nay nhiệt độ vào khoảng 9 độ C và giờ địa phương "...khuya rồi!". Tôi thầm nghĩ có lẽ Darwin vẫn bị ảnh hưởng cơn gió lạnh bất thường vào dịp giáng sinh năm nay như ở Melbourne – Sydney. Hớn hở vác hành lý lên vai đẩy cửa bước ra ngoài, hơi nóng nhiệt đới áp vào mặt tôi mới biết là người phi công đùa với hành khách chứ Darwin thì bao giờ cũng vậy, nhiệt độ gần như đồng đều quanh năm ban ngày khoảng 34 độ và giữa khuya có hạ xuống chút đỉnh. Khoảng tháng mười lãnh thổ địa đầu này chấm dứt mùa khô và bắt đầu những ngày mưa gió. Khí hậu giống như Việt nam, mùa mưa và mùa khô.



Hàng năm vào bắt đầu từ tháng mười những cơn mưa từ biển Timor đổ bộ vào bờ và đến khoảng cuối năm thường thì bão lớn. Với người ở xa thì Darwin chỉ có hai mùa mưa nắng. Nhưng với người thổ dân thì họ nhìn thời tiết và cảnh vật trên miếng đất mà họ đã từng làm chủ hơn bốn chục ngàn năm có phần khác hơn người da trắng. Mỗi năm ở đây có sáu mùa và dịp cuối năm là những ngày mưa to gió lớn kéo dài khoảng từ đầu tháng một cho đến cuối tháng ba, mùa mưa Gudjewg.

Mùa Gudjewg mưa rất nhiều, sông nước dâng cao, thác ghềnh cuồn cuộn chảy xiết, những vùng đất thấp nước ngập lai láng và tất cả mọi vật đều hồi sinh. Đây là mùa ngổng trời làm tổ, thổ dân đi lượm trứng. Nước ngập tràn mọi nơi, rắn rít quấn quanh những bụi dứa cao ngang đầu tránh lụt. Nước lũ mang theo một sức sống mới rất mãnh liệt trên vùng đất địa đầu này. Mùa này có rất ít du khách từ xa lại nhưng có lẻ là mùa đẹp nhất trong năm. Phố Darwin cây cỏ xanh tươi tràn ngập hoa sứ tỏa ngát mùi hương sau những cơn mưa chiều. Hoa dâm bụt nở rất nhiều trong mùa này và nó cũng là biểu tượng của Darwin trong mùa giáng sinh. Tiếp nối mùa này là mùa Banggereng vào dịp tháng ba, đây là mùa hoa trái thiên nhiên nở rộ, Sấu con nở, nước sông hồ trong hơn, thiên nhiên mưa bão vẫn đập mạnh cú chót trước khi ngừng nghỉ. Mưa to gió lớn làm ngã rạp những cánh đồng cỏ cao ngập quá đầu, mùa này được gọi là "knock'em down storms" banggereng.

Trước mùa mưa Gudjewg là mùa Gunumeleng, mùa này kéo dài từ đầu tháng mười cho đến cuối tháng mười hai, những ngày cuối mùa Gunumeleng rất oi bức không khí ngột ngạt như những ngày nắng tháng tám của miền trung Việt nam. "Nắng tháng tám rám trái bưởi". Ở đây không thấy người ta trồng bưởi nhưng có trồng xoài và mít dọc theo đường số 1 Stuart highway và đường Arnhem đi về hướng lâm viên Kakadu. Tuy xa xôi và chuyên chở khó khăn nhưng nghề trồng xoài đang phát triển vì ở đây cung cấp những trái xoài đầu tiên cho mùa xoài rất dài của thị trường Úc. Người Việt ở những thành phố miền nam nước Úc như Adelaide, Melbourne và Sydney được hưởng mùa xoài kéo dài hơn bốn năm tháng. Xoài bắt đầu chín từ vùng địa đầu Northern Territory rồi theo ánh mặt trời chói chang từ từ kéo xuống hướng nam dọc theo chiều dài hơn hai ba ngàn cây số của tiểu bang Queensland, từ miền cực bắc Cape Tribulation kéo dài xuống Byron Bay của tiểu bang New South Wales.

Thành phố Darwin rộn ràng làm ăn với làn sóng người du lịch từ phương nam kéo lên trong mùa Gurrung vào giữa tháng tám đến cuối tháng chín. Dân du lịch kéo về đây để tránh những cơn gió buốt người thổi về từ nam cực. Mùa Gurrung này khí hậu nóng nhưng độ ẩm rất thấp và rất thích hợp với những người sinh ra và lớn lên từ những thành phố phương nam thích nắng ấm của mặt trời nhưng chịu không nổi với những ngày ẩm ướt của những áp thấp nhiệt đới. Mùa hè Gurrung rất ổn định, trời không mưa, đất khô ráo và tất cả những đường mòn đất đỏ nối liền khắp nơi trong lâm viên Kakadu đều mở cửa cho khách nhàn du đi đến những nơi hẻo lánh xa xôi.

"Mùa đông" Wurrgeng kéo dài từ đầu tháng sáu đến giữa tháng tám. Đây là mùa "lạnh" nhất trong năm. Những kiều nữ Darwin có dịp khoác lên người những chiếc áo ấm mỏng "co ro" trong những ngày lạnh nhưng đối với khách phương xa thì nhiệt độ ấm áp thích hợp cho những chiếc áo thun dạo phố. Mùa này du khách tha hồ leo núi băng rừng mà không sợ toát đổ mồ hôi như những ngày mùa mưa gudjewg.

Thành phố Darwin đầu mùa mưa Gudjewg rất vắng, cảnh vật êm đềm nhà cửa công thự ẩn trong những vườn nhiệt đới xanh ngát, đi đâu cũng thấy những cây cọ cao vút, cau này có nhiều loại, thân trắng với những chùm cau trái nhỏ mầu đỏ rực. Hoa sứ sau cơn mưa rụng trắng cả góc vườn tỏa hương thơm thoang thoảng. Thân sứ cao hơn nhiều nơi khác và gần như nhà nào cũng trồng sứ chen với hoa trang, hoa dâm bụt đỏ, hoa hoàng lan và rất nhiều loại dây leo vàng xanh quấn vào thân cau làm nổi bật những mầu sắc trang nhã của vườn hoa nhiệt đới.

Ở Darwin, người ta không trồng hoa phượng trong sân trường, có lẻ ở đây không có những mối tình học trò bịn rịn từ biệt trong những ngày tan trường. Hoa phượng được trồng dọc đường rất nhiều nhất là những công viên chạy bọc vịnh Darwin. Bây giờ là cuối mùa hoa phượng, ngoài phố hoa vẫn còn nhưng không còn đỏ rực như dọc đường chạy quanh bờ biển ở công viên Centennial, từ vịnh Fannie xuống đến Dudley Point. Ở công viên này hoa tàn muộn, phượng vẫn còn đỏ thắm chen lẩn trong tàn lá xanh mướt đan kín lối đi bộ hẹp trãi dài năm bảy cây số dọc theo bờ biển.

Trời ngã bóng, gió từ biển kéo vào báo hiệu cơn mưa chiều. Gió xào xạc trên cây cuốn theo những cơn mưa hồng, đường phượng bay mù hoen lối vào... không gian tĩnh mịch của công viên vắng với thảm phượng đỏ phủ lối, hai bên đường những hàng cau xanh mướt với những thân trắng cao vượt lên bầu trời đang lập loè những vạch sét chạy ngang dọc báo hiệu ngày nắng Darwin sắp hết. Ngoài kia biển đang đổi mầu, vài người đi câu vội vã trở lại xe.

Darwin buổi sáng trời mát dịu, êm đềm không một tiếng ồn như những thành phố lớn khác, Tôi ngồi uống cà phê ngoài vườn, mở laptop để xem lại những tấm hình chụp hôm qua, chờ trời sáng và chờ cả nhà thức dậy chuẩn bị cho một ngày mới. Khung cảnh tĩnh mịch, gió thổi hiu hiu mát thổi từ vịnh vào và cứ như thế cho đến khoảng mười một giờ sáng trời bắt đầu nóng và oi bức.

Phố vắng, chỉ có vài người du khách và thỉnh thoảng có vài người dân địa phương cầm những cây dù rất lớn băng nhanh qua đường. Như những phố khác ở vùng lãnh thổ địa đầu, người thổ dân lang thang ngoài phố rất nhiều, họ đen đúa đi chân không trong những bộ quần áo nhàu nát của dân vô gia cư. Họ ngồi bất động hoặc lang thang vô định, thỉnh thoảng đưa tay xin tiền du khách.

Cơn mưa chiều vụt đến rất nhanh, mưa nặng hạt và kéo dài hơn một tiếng đồng hồ. Chúng tôi tấp vào tiệm rượu dọc đường Mitchell, quán lộ thiên, bàn ghế để ngoài mưa bao quanh tàn cây thật lớn, hơn nữa chổ ngồi có mái che bằng vật liệu nhẹ nhưng kiến trúc rất thẩm mỹ. Quầy bia rượu và quầy bán đồ ăn trong nhà với hàng cửa mở rộng nhìn ra phố. Quán này tập trung rất nhiều du khách, có người đi "lỡ đường" gặp mưa như gia đình tôi nhưng phần lớn là khách từ trên những khách sạn đổ xuống để thưởng thức bia lạnh trong con mưa đầu mùa. Ở đây người ta chỉ uống bia là chính, không có vừa uống vừa nhậu như ở những thành phố Á châu khác. Khi uống xong họ kêu một phần ăn cho buổi tối. Ngồi ở beer garden nhìn mưa rơi, mưa nhiệt đới nặng hạt làm dịu hẳn khí trời đang oi bức là một điều rất thú vị. Cái cảm giác này cũng thư giãn như ngồi trong Pub uống ly rượu bên lò sưởi củi của những ngày mùa đông trên phố nhỏ Warburton gần nơi tôi sinh sống. Mưa tạnh, bia cạn chúng tôi tản bộ về nhà, đường phố sau cơn mưa hè xanh biếc, hương thơm thoang thoảng từ những ngôi vườn nhà ai.

Hôm sau chúng tôi lái xe ra cầu tàu Stokes Hill ăn tối. Ở đây có nhiều hàng quán bán đồ ăn đa số do những người di dân Á châu làm chủ. Ngồi bên chiếc bàn nhỏ được kê sát lề không có lan can ngăn lối, nhìn xuống mực nước thật sâu do thủy triều ở đây thay đổi lớn. Vừa ăn vừa nhìn những đàn cá rất lớn bu quanh theo ánh đèn sáng dọc theo những trụ cầu. Đàn cá đủ loại từ những con cá đối, cá lưởi trâu và snapper vùng vẫy trong nước chờ mồi. Ngồi ăn bên cầu tầu này thật là thú vị vì khung cảnh giản đơn của một thành phố nhỏ không bị ràng buộc câu nệ vì những vấn đề an toàn như những nơi khác. Darwin với những cơn dông buổi chiều mang theo những chớp sét rực rỡ lập loè trên bầu trời, ngồi ở đây là chổ tốt nhất để chụp những tia sét dọc ngang trên bầu trời phía bên kia biển.

Ngày hôm nay cả nhà lên xe chạy về hướng Barry Springs để tìm mua vài trái mít, lên đây mới biết là mùa xoài đã hết, tất cả những nông trại trồng cây nhiệt đới đều đóng cửa nghỉ tết. Sở dĩ tôi chọn lên vùng này là trong bản đồ có chỉ lối vào vườn trái cây nhiệt đới. Dù biết rằng đây chỉ là nông trại kinh doanh nhờ vào khách du lịch. Họ trồng cây Á châu, không chủ ý sản xuất, họ chỉ buôn bán và chỉ dẩn cho những người chưa biết loại trái cây này nhưng tôi vẫn chạy về hướng Barry Springs với hy vọng sẽ tìm ra "Saigon's Farm" và từ đó chắc chắn XB sẽ gặp người quen. Hơi thất vọng vì vùng này rất ít nông trại, phần đông chỉ là những cánh rừng đất đỏ hoang sơ như cảnh vật Việt nam những năm 60's. Trên đường về tôi tìm ra được một nông trại của người đồng hương. Tôi chắc chắn trại này là của người Việt vì trước trại có tượng Quán Thế Âm Bồ tát và hàng cây mít bọc quanh.

Anh Bé nghe tiếng chó sủa chạy ra mời khách vào. Nông trại đơn sơ nghèo nàn, sống đơn giản như những người làm rẫy ở Long Khánh. Sau một hồi nói chuyện mới biết chủ nhân từ Kew một vùng giàu có của Melbourne lên đây làm rẫy. Hơn ba năm đầu nhiều lúc chỉ sống có một mình trên vùng đất rất hoang vu, hàng ngày chỉ nói chuyện một mình, nhìn đám mây trời trôi vế phương nam, đơn độc trơ trọi. Nông trại bỏ hoang mấy năm trước khi anh mua nên cỏ lau mọc kín, cỏ mọc tràn bít cả cửa chính vào nhà. Heo rừng và chó sói Dingo cũng từ từ giãn ra khi thấy có bóng người trong trại.

Chủ nhân ở tuổi quá trung niên nhưng vẫn còn sức lao động từ tờ mờ sáng đến chiều tối, quần quật quanh năm không ngừng nghĩ. Ở đây không có ý niệm về thời gian và không gian đó là những điều rất khác xa với cuộc sống ở thành phố Kew sang trọng của anh ngày trước. Nông trại của anh bây giờ chủ yếu là trồng đậu bắp, loại hoa mầu mà người Việt rất chuộng trong món canh chua. Loại đậu bắp này thích hợp với vùng đất Darwin, sản phẩm được gởi về chợ trái cây bán sĩ Footscray trên một đoạn đường hơn bốn ngàn cây số.

Trại của anh lớn khoảng một ngàn sào đất, hiện phân nửa bỏ hoang. Ngày trước trại có hơn một ngàn gốc xoài nhưng chủ nhân đốt cỏ và gió đổi chiều nên anh đã "lỡ tay" đốt luôn cả cơ nghiệp, bây giờ anh cũng đang trồng lại một ít mít, xoài giống mới và một ít trái cốc chua.

Chủ nhân là người điển hình Việt nam, thân thiện cởi mở, hào sảng và rất dễ tin tưởng vào người đồng hương. Anh có mời chúng tôi ở lại ăn cơm chiều nhưng tôi cố từ chối vì còn phải trở lại Darwin trong ngày. Ngồi dưới hai gốc cây trứng cá sau hiên nhà, gió thoảng mát dịu, tôi không chủ tâm nhưng cũng không khỏi mường tượng mơ hồ lý do anh trôi dạt lên vùng đất heo hút này. Anh kể chuyện khá rành rẽ những sinh hoạt của những "đại gia" của đường Victoria, Richmond, những cơn khủng hoảng của người Viêt khởi đầu với khu đen đỏ Crown Casino rồi vụ dẹp bỏ hãng xưởng kỹ nghệ may vá to lớn do người Việt nam làm chủ và cú sốc cuối cùng là vụ dựt hụi lớn đến mười hai triệu đô la. Nhiều đại gia phải trở về với cuộc đời tay trắng.

Đến khi chia tay tôi vẫn không hỏi trong nhóm người đó có anh không?



Khi tiễn ra cổng anh tặng tôi một bao cốc lớn nhỏ đủ cở, một trái mít cuối cùng còn sót lại cuối mùa và hẹn cố trở lại lần sau anh sẽ tặng cây "Thiên tuế" để mang về Melbourne làm kỷ niệm cho một chuyến đi.

Tắm suối

Lâm viên quốc gia Litchfield cách Darwin khoảng hơn một giờ lái xe, chạy dọc theo đường số 1 Stuart Highway xuôi nam rồi quẹo phải hướng về phố nhỏ Batchelor. Cũng như tất cả mọi nơi trên vùng Bắc lãnh này, đi đâu cũng thấy những ổ mối cao ngất, kiên cố và chịu đựng với mưa gió trong nhiều năm. Người thổ dân dùng những thân cây bị mối đục rổng ruột, tạo thành nhạc cụ didgeridoo độc đáo. Tiếng nhạc rù rì trầm bổng đôi lúc nghe như tiếng ong bầu vo ve trong trưa hè. Trong lâm viên này có ba con suối lớn, tất cả đều tắm được không bị giới hạn vì vi phạm lãnh thổ của những chú cá sấu thân dài hơn ba bốn thước. Suối Florence cách bãi đậu xe khoảng hai mươi phút lội bộ qua những bậc cầu thang được dựng giửa những tàn cây lớn dọc bên suối. Nước ấm và trong xanh với hai con suối đổ ầm ầm xuống từ đỉnh cao. Điều ngạc nhiên là trong suối có nhiều cá lớn nhỏ tắm chung với du khách, có con lớn bằng lóng tay trỏ, bơi tung tăng bên người và thỉnh thoảng rỉa vài cái làm quen. Có rất nhiều con lớn hơn cá ngoài sông, dài hơn hai ba tất. Đây là loại cá Ludrick mà người Việt gọi là cá hanh đen chuyên ăn mồi bằng rong xanh. Cũng như người Thượng, người Thổ dân ơ đây săn cá bằng cách dùng mủ cây đướt mọc dọc suối. Chất nhựa trắng trong vỏ cây tỏa ra một chất độc làm cá ngây ngất và nổi lên mặt nước. Chất độc này sau đó tan trong nước mà không tích tụ như những loại hóa học mà người thành phố thường dùng.



Quá năm giờ chiều, trời đã ngã bóng nhưng du khách vẫn còn bơi lội trong suối, thỉnh thoảng có tiếng những thiếu nữ trẻ cười ré lên trong không gian tĩnh mịch của núi rừng vì bị cá sờ soạng đâu đó.

Phố nhỏ Batchelor nằm trên đường về, phố lèo tèo chỉ có một cây xăng và vài căn nhà nho nhỏ. Những ngày trong đệ nhị thế chiến phố đông dân hơn do nhu cầu tiếp tế chiến trường. Cũng như những phố nhỏ chung quanh, Batchelor là hậu phương của "chiến trường" Darwin. Sau khi nhóm người Tàu thôi không trồng rau cải cung cấp cho chiến trường, phố co rút lại chỉ còn vài căn nhà. Sau năm 45, cuộc chiến tàn và mang theo sự sống của phố nhỏ này. Công viên của phố rất đẹp, cây lá xanh mướt và được giử gìn cẩn thận. Phần đông dân phố này là người thổ dân sống vào kỹ nghê du lịch và trợ cấp chính phủ. Người thổ dân ở đây có cuộc sống tươm tất hơn rất nhiều người lang thang ngoài phố Darwin nhờ họ còn lề lối của cộng đồng và sống trong sự chừng mực của những già làng trưởng tộc.

Lâm viên Kakadu

Lâm viên Kakadu rộng gần hai chục ngàn cây số vuông, ngoài những tụ điểm để du khách dừng chân, phần còn lại vẫn nét đơn sơ nguyên thủy. Phần lớn đều là rừng cây, thác nước, sông hồ, núi đá với những tác phẩm nghệ thuật vẽ trên đá của người thổ dân đã hiện diện trên miếng đất này từ hơn bốn chục ngàn năm trước.



Cả nhà thức dậy sớm hơn thường lệ để trực chỉ Jabiru. Chỉ cần hơn mười phút là xe đã ra khỏi nội thành Darwin rong ruỗi xuôi nam dọc đường Stuart highway rồi đổi hướng Arnhem highway. Dọc đường Arnhem, ở vùng Humpty Doo hiện ra rất nhiều nông trại trồng xoài và trái cây nhiệt đới. Nông trại ở đây to lớn và trù phú chứ không có vẻ nghèo nàn như bên Barry Springs. Xoài và thanh long được trồng rất nhiều để cung cấp trái cây đầu mùa cho toàn nước Úc. Tôi dừng xe lại bên đường để mua một ít thanh long, chôm chôm và mãng cầu xiêm. Cô bán người Thái còn rất trẻ, dáng người thon thả trong làn da đậm mầu. Đường vắng ít người qua nên tôi không chắc đến cuối ngày cô bán được bao nhiêu? Giá trái cây bán cho khách du lịch dọc đường nên cũng không rẻ lắm, sau này gặp người đồng hương trong quán phở độc nhất ở Darwin có chỉ dẩn chổ mua rẻ hơn, chợ "trời" Parap. Chợ này bán rất nông phẩm nhiệt đới và bây giờ đang vào mùa thanh long, tôi không đi chợ "phiên" này được vì chợ chỉ nhóm vào ngày thứ bảy.

Trái thanh long nổi danh là nhờ mầu sắc đỏ tía rực rỡ bên ngoài và mầu trắng bên trong với những hột đen nhỏ và đều như hột é. Lên đây tôi mới biết bây giờ người ta đang trồng thêm trái thanh long mầu vàng.

Xe vượt qua cổng lâm viên Kakadu, như vậy sẽ không còn vườn cây ăn trái, không còn những thiếu nữ ngồi bán trái cây dọc đường. Chốn này là xứ sở của cá sấu, dòng sông con suối nào cũng có. Sấu nhiều hơn ngoài Darwin có lẽ vì hoang vắng hơn. Lâm viên rộng bao la với những tụ điểm thắng cảnh rãi rác mọi nơi cách nhau khoảng chừng năm sáu chục cây số. Muốn ngoạn cảnh lâm viên một cách đầy đủ du khách cần phải có xe 4WD lội rừng, xuồng ca nô nhỏ và một bộ chân dẻo dai hơn mức bình thường, nếu thiếu những yếu tố trên thì chỉ còn cách thưởng ngoạn ít hơn ở những tụ điểm dọc theo đường tráng nhựa.

Thổ dân trong lâm viên không còn săn bắn và lang thang đi kiếm bush tuckers như những ngày trước. Ngay cả những bộ tộc cũ tồn tại cho đến cách đây chỉ hơn một trăm năm nay cũng không còn, ngôn ngữ ngày xưa đã biến mất theo cuộc sống vong quốc. Thổ dân không còn bám rừng để sống nên thiên nhiên cũng thay đổi nhiều hơn, hàng năm tới mùa khô rừng cháy dữ dội hơn vì ngày trước thổ dân có lối chăm sóc rừng độc đáo hơn người chủ mới. Người thổ dân có thói quen đốt rừng hàng năm bằng những đám cháy nhỏ, lửa rừng làm cho cây cối mọc xanh tươi hơn và nhiều loại cây ở đây cũng chỉ nẩy mầm nhờ "lửa". Rừng được quét dọn bằng lửa đều đặn hàng năm nên không tích tụ nhiều củi khô như bây giờ dể gây nên những trận cháy rừng dữ dội.

Người thổ dân ở đây cũng có lối sống đặc thù mà người ở phố thấy rất lạ. Họ không có thói quen chào hỏi "Hello" nên cũng đừng ngạc nhiên là họ không chào khách, họ không thích chụp hình vì sợ linh hồn sẽ bay mất đi, niềm tin này vẫn còn trong đám trẻ con thổ dân khi tôi gặp ngoài suối nước nóng. Người thổ dân không dạn dĩ và cũng chẳng thích nhìn thẳng vào mặt khi nói chuyện. Họ trọng người lớn tuổi trong gia tộc, bộ tộc và không thích kêu "tên tộc" như người tây phương, nhưng có một điểm tương đồng là khi quen biết rồi thì từ giả bằng cách vẫy gọi "boh boh" tức là bye bye.

Địa điểm dừng chân đầu tiên dọc theo đường tráng nhựa là điểm cao nhìn xa "Window of the wetlands". Bây giờ là đầu mùa mưa nên mọi vật đều hồi sinh, cả vùng rộng lớn cỏ mọc xanh rì, cò trắng và ngỗng trời tụ về đây rất nhiều. Người thổ dân vẫn còn săn ngỗng trời hàng năm. Thịt ngỗng thơm ngon nhưng phải nấu lâu hơn vì thịt dai hơn thịt gà tây rất nhiều, tiếc rằng tôi không có dịp thưởng thức những món ăn độc đáo đia phương như ngỗng trời, thịt sấu, thịt trâu, thịt kangkaroo... dọc đường họ chỉ bán món đặc biệt là barra burgers, món cá barramundi đã hiện hữu trên thực đơn của vùng Bắc lảnh từ thời hồng hoang sơ khởi, từ lúc dreamtimes trời đất mới được tạo dựng nên những nghệ sĩ thổ dân còn để lại những bức tranh độc đáo trên vách đá...chung chung những sinh hoat thời đó cũng như bây giờ, tranh vẽ barramundies, wallabies, kangkaroos và những người nữ với đôi bồng đảo chãy dài hơn trái mướp. Cảm nhận về nét ngà thay đổi theo thời gian, không biết mười nghìn năm sau người ta có bật cười khi nhìn thấy toà thiên nhiên của Elle Macpherson ngày hôm nay không? Tranh vẽ bằng lớp sơn tự tạo từ bột đá nghiền ra trộn với mủ cây, đơn giản như vậy mà nó giúp người nghệ sĩ đó chuyển những sinh hoạt hàng ngày từ thời hồng hoang đến cho tôi thưởng ngoạn, một người hậu sinh tới đây trể hơn bốn chục ngàn năm.

Xe dừng lại sông Alligator, trời đang giữa trưa nóng chang chang, oi bức chỉ cần đứng ngoài trời khoảng hơn mười phút là mồ hôi đổ dầm dề ướt đẩm quần áo. Thú vật hoang rất nhiều, nơi đây không "yên lặng" như những chổ hoang vu khác, trên trời đủ loại chim rừng vần vũ, bầy cookatooes trắng kêu gào, tiếng chim nhắc nhở du khách đây là một lảnh thổ khác, một nơi mà sự tranh thủ sống còn rất mãnh liệt, mọi sự đều ở một cường độ mãnh liệt hơn, qui luật sống là... sức mạnh. Dưới nước dòng sông thật rộng cuồn cuộn chảy với dòng nước đục ngầu mầu phù sa trắng đục.

Tới đây tôi lại nhớ đến Sơn Nam trong Hương Rừng Cà Mau, vắng vẽ cô quạnh chỉ có chim trời, thú rừng và cá sấu dầy đặc dưới sông. Đôn ngần ngại không muốn ngồi câu ở bờ sông vì cái bản "Achtung" lớn quá, cảnh báo là cá sấu nước mặn ở đây không dể chơi như những dòng sông khác. Chắc chắn là dòng sông này rất nhiều cá barramundi nhưng thôi đành nhịn vì tiếng chim cookatooes thét lên khi thấy người lạ không phải là lối chào hỏi bình thường mà nghe như một lời thét gọi báo nguy.



Chúng tôi trực chỉ Jabiru, bỏ qua nhiều thắng cảnh khác. Phải đến Jabiru lo ổn định chổ ở trước khi trời tối. Mùa này lâm viên du khách vắng vẻ và thời tiết khắc nghiệt nên "khách sạn ngàn sao" của khung trời Bắc lảnh không đủ sức đưa ra những lời mời mọc kêu gọi.

Thoạt mới nhìn qua cái bush bungalow chìm trong những vườn cây xanh mướt, tôi thấy hấp dẫn quá. Nhà được dựng theo lối thiên nhiên, nữa nhà nữa trại, mái bằng loại canvas chống mưa, chung quanh là loại tôn mầu được đục những lổ nhỏ li ti để thông gió nhưng chống côn trùng. Nhà sàn cao hơn mặt đất hai mét và cứa ra vào rất thấp, phải cúi người bước vào như khi cắm trại. Bên trong giường ngũ rất sạch sẽ, mầu sắc trang nhã và tươm tất hơn cả khách sạn bốn sao ngoài phố Darwin.

Mặc dù chiếc quạt trần đang quay ở tốc độ lớn nhưng không đủ sức đẩy ra ngoài hơi nóng hầm hập của căn nhà trại giửa buổi trưa hè, nóng và ngộp quá, chắc chắn là sẽ không ngồi trong "nhà" được lâu hơn nữa tiếng, chúng tôi lại nhảy lên xe, mở máy lạnh và trực chỉ Yellow Water nơi cách Jabiru khoảng năm chục cây số. Trên đường có tiếng điện thoại di động, lạ tai bởi loại âm thanh mà mới hôm qua vẫn còn rất quen thuộc và cần thiết cho cuộc sống. Tôi không muốn nhận nhưng Đôn cho biết số gọi từ vùng Bắc lảnh và chắc đây là cú gọi cần thiết. Nhắc lên mới biết là Jeton gọi cáo lổi không thể bay về Darwin để gặp tôi như hẹn hôm trước ở Melbourne, hầm mỏ nơi Jeton đang thực tập cần người làm dài giờ hơn để tranh thủ mùa mưa tới và sẽ cho nhân viên về Cairns để dưỡng sức thay vì về Darwin như thường lệ, không gian ở đây thật vô tận, khoảng cách di chuyển một ngàn cây số chẳng có là bao!

Bàu Sen

Bàu sen Yellow Water rộng bát ngát, trong xanh rực rỡ trong đầu mùa mưa, thuyền chở du khách trôi rất chậm dọc theo cái billabong to lớn này. Làn nước trong vắt với đủ các loại cá lớn nhỏ bơi lội dưới những đám bèo xanh. Nước từ Jim Jim Falls chảy qua bàu sen Yellow Water trước khi nhập vào sông Alligator South rồi đổ ra vịnh Diemen. Cá Sấu ở đây rất nhiều, trên một đoạn đường sông ngắn mà đã hơn bẩy tám con. Dọc bờ Sấu làm tổ trên những ụn rơm lớn, trứng ấp rất nhiều nhưng chỉ nở vài con như một định luật quân bình, thiên nhiên kiềm chế vì khi sấu con trưởng thành thì gần như là chúa tể của bạo lực trên vùng sông nước này.

Thường thì sấu lặn xuống nước khi thấy tàu rẽ tới nhưng cũng có con bơi lội vẫy vùng thị oai trên một đoạn đường dài. Người lái thuyền cho biết đôi khi cảnh thư hùng tranh dành lãnh thổ giửa hai con sấu già diễn ra rất ác liệt. Thỉnh thoảng sấu ngậm một con wallaby như mình ăn một cái burger. Hàng năm vùng Bắc lảnh cũng có vài người bị sấu kéo đi mất dạng vì bước gần ra mé nước hóng gió trong những đêm hè. Người dân địa phương có vẻ kính nể Ông Sấu nhưng đám dân trồng xoài bạt mạng người Việt vẫn có cái nhìn diễu cợt, họ vẫn tà tà câu cá, bắt cua, vợt tôm đất dọc quanh những bờ sông vắng như nhắc nhở ông sấu là trên thế gian vẫn còn nhiều Hà bá dữ dằn hơn ông.



Không như cái cảm giác đe đoạ bên dòng sông đục Alligator, buổi chiều trên chiếc thuyền con trôi trên bàu sen này trông thật thanh bình, Sen hồng tuy không giửa mùa nhưng vẫn còn nở rất nhiều, sen nguyên thuỷ hoang sơ không nhiều loại như trong những hồ sen người trồng. Lá sen xanh biếc và thon thả bên những mực nước sâu, sen hai bên bờ lớn hơn và mầu xanh thẩm như ta thường thấy bên những đầm sen cạn. Hoa súng ở đây có phần độc đáo hơn nhiều, bẩy tám loại chen mầu và có những lá to hơn cái nong tre che tràn mặt nước. Những con chim chân xoè Jacana thong thả từng bước trên những lá súng xanh biếc. Trời không có dấu hiệu mưa nhưng chuồn chuồn vẫn bay lượn trên mặt nước trong.

Chim bói cá ở đây rất nhiều đủ loại như chim cánh xanh kookaburra cười sằng sặc trên cao nhưng đặc sắc nhất vẫn là cò Jabiru mầu sắt độc đáo đang lững lờ trên không. Ở đây có gần ba trăm giống chim đủ loại kể cả giồng ngỗng trời hàng năm thiên cư lên những vùng xa xôi bắc bán cầu. Tre ở đây cũng lạ. mọc gần bờ nước và cứ khoảng ba mươi năm nở hoa một lần rồi tàn rụi.



Ngồi thơ thẫn nhìn làn nước Yellow Water với cặp chuồn chuồn kim bay lượn bên những cánh chuồn khác mầu đỏ sậm to lớn dồ dề, tôi cảm thấy sao giống quá cảnh bàu sen trong ký ức ấu thơ. Hai mùa, nước ngập nước cạn nhưng cảm giác lúc nào cũng an bình khi nhìn đám rong xanh lẫn vào mây trời phản chiếu trên dòng nước lặng lờ trôi.

Mùa Yegge từ tháng ba đến tháng tư với những buổi sáng sương mù phủ trên mặt nước cạn của mùa khô, sen và súng ở đây nở tràn mặt nước, có lẻ nó rất đẹp vào những đêm trăng hè nhưng có rất ít người ghi lại cảnh hồ sen Yellow Water trong đêm trăng rằm. Ở đây hoang vu quá không có "Lý Bạch" uống rượu chờ trăng toả sáng hồ sen. Muốn hưởng hương sen trong đêm trăng yegge chắc phải rủ thêm vài người bạn giang hồ crocodile dundees ở những trại xoài ngoài kia làm bạn đồng hành.

Khi tôi trở về Jabiru thì trời đã đang chuyển cơn dông, căn nhà trại hầm hập hơi nóng hồi trưa nay trở thành thơ mộng trong cơn mưa đêm hè. Mệt quá tôi nằm lỳ nghe tiếng mưa đổ trên mái, tiếng XB và Đôn chạy dỡn rần rật trong mưa đêm. Sau cơn mưa khu vườn này là một thế giới khác, một thế giới của âm thanh với những tiếng ểnh ương, tiếng thằn lằn tắc lưởi phụ hoạ với tiếng kỳ nhông tắc kè. Tiếng dơi ăn đêm vổ cánh thật mạnh như sát bên gối. Nhiều tiếng chim lạ nữa mà tôi không biết. Khoảng gần bốn giờ sáng khi trời vẫn còn tối om đám gà rừng đã gáy canh tư đánh thức đám cookatoo vổ cánh, kêu gào huyên náo. Nhiều đám chim lạ bay lượn vần vũ cho đến khi trời sáng hẳn.

Katherine Gorge

Phố Katherine nhỏ và vắng vẽ trong buối chiều cuối năm, chỉ còn vài giờ nữa là bước qua một năm khác, thêm một dấu vệt nhỏ trong cái chuỗi thời gian hun hút trên miếng đất này. Phố đìu hiu chỉ có xe của chúng tôi băng qua và đám thổ dân tụ tập từng nhóm nhỏ dưới những tàn cây, gió trưa hè nóng bức trên những làn da đen đổ trên mầu đất đỏ như một biểu tượng đặc thù outback.

Nơi tôi đến hiện ra như một ốc đảo, nó chìm giữa vườn xoài ngày xưa, bây giờ cây đã thành cổ thụ. Thân xoài to hơn vòng ôm của hai người, tàn rộng to lớn mà ngưới ta không còn tìm thấy kích cở như vậy trong những nông trại. Khuôn viên dược chăm sóc cẩn thận, những hàng cau đủ loại cao vút thẳng hàng, me xanh đã hết mùa với tàn lá non đang đâm chồi xanh mướt, tôi thầm nhũ ngày mai sẽ ăn tết bằng cá kho lá me xanh.

Ngày đầu của năm 2007 gia đình tôi cùng với đám du lịch trẻ Âu châu đi ngoạn cảnh dọc Katherine Gorge, nơi đây là thắng cảnh của Úc châu. Đầu mùa mưa nên nước bắt đầu dâng cao và đến tháng hai nước sẽ dâng rất cao, thuyền vượt thác sẽ nhỏ và nhiều mã lực hơn. Đây là nước của dòng sông Katherine chảy về từ thượng nguồn Kakadu, đến đoạn nầy dòng sông phải bằng qua hai vách núi dựng đứng như Vu sơn, Dương tử. Đoạn sông băng qua hai vách núi đá vôi rất dài và người bơi canoe phải vượt qua mười ba thác nước lớn nhỏ. Chúng tôi đi bằng thuyền lớn gắn động cơ và chỉ đi đến đầu thác thứ hai mà thôi.



Thuyền luồn lách qua những mõm đá nhọn bơi ngược dòng lên thượng nguồn, hai bên là vách núi bắt đầu cao hơn. Khi đến thác số một, du khách phải xuống thuyền đi bộ qua một đoạn thác khoảng chừng nửa cây số để qua chiếc thuyền thứ hai. Càng lên cao vách núi đá vôi hai bên càng dựng đứng cao vời vợi. Ở đây không khí trong lành với những giọt nước trong suốt thánh thoát nhỏ đều xuống phiến đá mọc đầy cây dương xĩ vơi hai màu xanh đỏ, giọt nước rất tinh khiết vì phải mất một năm thẩm thấu qua những lớp đá vôi.

Đến đoạn ngã ba nhìn thẳng vào hai vách đá nhỏ hẹp long lanh mầu đỏ đặc thù của Bắc lảnh tương phản trên nền trời xanh, lãn đãng vài gọn mây trắng trên đỉnh đầu, người lái thuyền tắt máy ngồi yên lặng một hồi rất lâu. Du khách Âu châu đưa mắt nhìn cám ơn cho cái khoảnh khắc vô giá thưởng ngoạn âm thanh của sự yên lặng quí báu nầy. Trên thế giới có còn bao nhiêu chổ để con người ngồi lặng yên nhìn bóng thời gian!

We of the Never Never

Bắc lãnh, vùng đất huyền thoại của the never never land, khung trời bao la vẫn còn chìm ngập hình ảnh của những ngày hồng hoang sơ khởi. Miền đất chẳng bao giờ bắt đầu và chẳng bao giờ chấm dứt. Thời gian như đứng yên trong cơn trôi dài vô tận. Miền đất mà quan niệm sở hữu của con người đượm nhiều nét khôi hài khi ngồi đếm có bao nhiêu người gọi mình là chủ nhân trên cái chiều dài đằng đẳng gần sáu chục ngàn năm. Người trước đến đây rong chơi, nhìn trời nhìn mây, nhìn con cá barramundi rồi ghi lại trên vách đá, tôi cũng đến đây rong chơi như anh đã đến, nhìn những cái của anh đã nhìn, không gian cảnh vật vẫn như ngày ấy. Trong khoảnh khắc tôi mường tường như anh mới đến nơi này hôm qua. Khoảng thời gian mấy chục ngàn năm tưởng chừng chỉ dài như cái nháy mắt bọc quanh cái không gian trầm tịch này. Anh và tôi cùng gặp gỡ trên bức hình anh để lại trên vách đá. Rồi trôi mãi trong cái cõi never never.
Cũng như anh, tôi cũng sẽ rời vùng đất nầy nhưng ký ức sẽ còn đọng mãi trong tâm thức.

Nitmiluk 2007
Ngô Tấn Bình
  
Thêm bình luận


Đăng Nhập / Đăng Xuất