Tin Quê & Tin Bạn

Bán đảo Nhơn Lý nằm về phía Đông Bắc thành phố Qui Nhơn, Bình Định, nếu đi theo đường đất liền, rẽ ở ngã ba Bà Di, đến Tuy Phước, ngang qua xã Phước Thuận và Gò Bồi, quê hương của ông hoàng thơ tình Xuân Diệu, băng qua một trảng cát dài chừng 5km, gặp bờ biển và tiếp tục len lỏi sâu vào xóm chài Nhơn Lý, đi theo đường biển, chỉ cần đi từ thành phố Qui Nhơn, băng qua cây cầu vượt biển Thị Nại dài 2km, tổng chiều dài đoạn đường chừng 6km cách Qui Nhơn. Nhưng, đời sống giữa hai nơi tưởng là rất gần về mặt địa lý này lại có mức độ chênh lệch đáng sợ.


Đất lở lói vì khai thác titan bừa bãi.

Người dân Nhơn Lý đang kêu cứu

Nếu như mức sống ở thành phố Qui Nhơn tương đối cao với nhiều nhà hàng, quán xá, trường học, bệnh viện, trường đại học... được xây dựng khang trang, theo chuẩn hiện đại, thì ngược lại, Nhơn Lý chỉ có một trường tiểu học, một trường trung học cơ sở, một chợ cá, một chợ tạp hóa, một ngôi chùa, một tịnh xá, ngoài ra, đời sống của gần 10 ngàn dân ở đây chỉ biết vừa làm quần quật, đầu tắt mặt tối vừa cố gắng chống chọi với những cổ máy công nghiệp đang liếm dần những phần đất sinh tồn nhỏ nhoi của mình.

Ông Chức, 79 tuổi, cư dân lâu năm ở Bãi Nồm, Nhơn Lý, than thở với chúng tôi rằng gần ba năm nay, dân xóm ông chẳng còn yên tâm để làm ăn, một phần thì biển bây giờ dữ quá, chuyện ra khơi trở thành mối lo, nỗi bất an hằng ngày. Nhưng điều đó không đáng sợ bằng những chiếc xe ủi, xe múc đang ngày đêm đục xẻo da thịt của các đồi cát, những mảnh vườn và không ngoại trừ nghĩa trang. Nhiều công ty đến đây để đào bới, khai thác quặng titan. Và cuộc đào bới của họ không dừng ở những đồi cát hoặc bãi trống, nhà dân bị đe dọa.

Một người phụ nữa tên Dung, nhà chị gần Eo Gió, chị cũng là người suốt ba năm nay đã cùng bà con trong thôn căng bạt, che lều ngoài bãi cát, chịu mưa chịu nắng để đấu tranh không cho xe múc, xe ủi vào khai thác cát trong rừng dương vì đó là nơi quá gần khu nghĩa trang của xã Nhơn Lý và là đồi phi lao của dân trong xã đã trồng để chắn gió, phòng bão. Nếu như rừng phi lao này bị chặt đi, gió bão sẽ thốc thẳng vào khu dân cư, những mái tôn cũ kĩ và những ngôi nhà cấp bốn tạm bợ sẽ bị cuốn đi ngay tức khắc.

Mà trên bán đảo Nhơn Lý, hơn 40% nhà cửa xây tạm bợ, vá víu. Trong khi đó, việc khai thác quặng titan sẽ dẫn đến hàng loạt phi lao bị bứng gốc, tiếp theo nữa là những hố cát sâu hoắm, dẫn đến sụt lở, nhà dân chung quanh khu vực khai thác cũng bị ảnh hưởng theo. Nhưng, vấn đề bức xúc nhất vẫn là mội trường. Bà con đang sống trong điều kiện môi trường tự nhiên, sạch sẽ và thoáng mát, những chiếc xe ủi đến thải khói, rơi vãi xăng dầu khắp lối, cát qua xử lý hóa học để lọc quặng cũng là một loại chất thải gây độc cho môi trường.

Một người già 80 tuổi, yêu cầu giấu tên, cũng như nhiều người phụ nữ góa bụa vì chồng con mất tích ngoài khơi, chồng con bà mất tích gần hai mươi năm nay, bà sống trong một căn nhà tuềnh toàng, rách nát, than thở với chúng tôi rằng gần đây có nhiều người đến gạ gẫm bà mua đất, họ hứa sẽ không bứng nhà bà đi, vẫn để nguyên chỗ ở cho bà, họ chỉ lấy cát đen về lọc quặng. Bà không đồng ý vì sợ làm thế sẽ hỏng mất căn nhà trú mưa trú nắng.

Những tưởng như vậy đã xong, không ngờ, vài hôm sau, bà phát hiện cát chung quanh nhà mình đã bị đào trộm sâu hoắm, móng nhà trơ ra, nguy cơ nhà sập sau một trận mưa nằm trong gang tấc. Bà báo chính quyền địa phương, họ hứa sẽ điều tra bắt kẻ trộm và sẽ liên lạc với bà sau. Sau mấy ngày ôm đơn lên ủy ban xin giúp đỡ, tìm cách lấp lại móng nhà nhưng không được, bà tự mang chiếc thau nhôm ra bãi múc cát về lấp móng nhà, mỗi ngày một ít, cuối cùng, mặt nền bằng cát đen được thay thế bằng cát vàng, bà vẫn chưa hết lo vì phía dưới lớp cát vàng vẫn còn cát đen, kẻ trộm có thể đào bỏ lớp cát vàng để đào cát đen, như vậy, nguy cơ sụp nhà trong lúc đang ngủ, chết không biết giờ là rất cao.

Bà buồn rầu nói rằng ba năm nay, bà xuống gần mười ký, trước đây, bà bốn mươi sáu ký, bây giờ, bà còn ba mươi bảy ký hơn, không ngủ được vì lo, cũng không đi ra bãi mua một mẻ cá về ngồi bán cho đến trưa để kiếm chút lãi sống qua ngày, bà chỉ còn biết buôn một tủ thuốc lẻ ngay trong nhà để mua gạo sống qua ngày, bữa đói bữa no.

Cái giá phải trả của sự quản lý thiếu khoa học

Bà kể thêm rằng kể từ ngày các công ty khai thác khoáng sản đến Nhơn Lý để khai thác titan đến nay, các thanh niên trong xã trở nên chây lười, thay vì ra khơi đánh bắt thì chúng chỉ ham cờ bạc, rượu chè, chơi bời, hết tiền thì lại mang bị đi đào cát đen để bán.

Một ký lô cát đen bán với giá 5 đô la, tương đương một trăm ngàn đồng Việt Nam, chỉ cần chở một bao nhỏ chừng ba chục ký lô cát có sẵn ở đâu đó trong vườn hoặc thềm nhà của một ai đó sơ hở, là kiếm được hơn ba triệu đồng, tiêu xài phung phí cũng được vài ngày. Bà lắc đầu thở dài, than thở về sự vô tâm của những kẻ trộm cắp cát nhà bà vì chúng thừa biết bà quá nghèo, lẽ ra nên giúp người già, đằng này lại đi ăn trộm của bà.

Cũng xin nói thêm, về nguồn khoáng sản hắc xa, tức là cát đen dùng để lọc quặng titan, bán đảo Nhơn Lý, Bình Định thuộc vào diện giàu có nhất nhì trên cả nước. Và, đây cũng là bán đảo có ít nhóm ngành nghề nhất, phần đông dân trên đảo hoặc là lên thuyền vượt biên trong những năm đầu thập niên 1980 hoặc là bám biển, người có vốn một chút thì mở vựa làm nước mắm, nhưng con số này đếm trên đầu ngón tay.

Từ những ngày chiến dịch khai thác quặng titan khai triển ở Nhơn Lý đến nay, nạn trộm cắp, xì ke, ma túy tăng cao. Đó là chưa muốn nói đến hàng loạt mâu thuẩn, tội ác phát sinh sau khi dự án qui hoạch khu Nhơn Hội, Nhơn Lý trở thành điểm du lịch sinh thái, giá đất tăng cao, sự tranh giành và kiện tụng nổ ra khắp nơi.

Như lời một vị thầy giáo đã về hưu, ở Nhơn Lý nói: "Đó là cái giá của sự quản lý thiếu khoa học, qui hoạch và đầu tư dựa vào lòng tham và tính vô văn hóa của phe nhóm. Tội ác sẽ tiến xa hơn nữa, xã hội sẽ lụn bại hơn nữa một khi tiền đầy túi mà não bộ trống rỗng và u ám, một loại bi kịch quốc gia!".

Uyên Nguyên, thông tín viên RFA, Việt Nam
3/6/2013

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/nh-ly-bi-di-by-tita-tourist-06032013074331.html