Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • DaiThinhDuong1200
  • hinhCu 1200
  • CD4 1200
  • NhaGiuXe1200

Buổi chiều thứ bảy một ngày mùa hè năm chín mươi, có bà khách bất ngờ ghé nhà tôi. Bà là người bà con xa định cư bên Mỹ khá lâu và là lần đầu về nước. Như mọi cuộc thăm viếng khác, chúng tôi hỏi thăm nhau sức khỏe người này người nọ, chuyện làm ăn sinh sống bên này bên kia. Câu chuyện nhạt dần nhưng bà khách vẫn nấn ná khiến tôi hiểu còn điều gì đó chưa được nói ra. Tôi lặng nhìn chút nắng vàng rọi về từ dãy núi Vũng Chua sau nhà đang tan trong tách trà mà bà khách chưa một lần đụng đến. Trong không khí oi ả của buổi chiều hè, chúng tôi lặng đi trong suy nghĩ riêng tư.của mỗi người. Bỗng tiếng cổng sắt hen rỉ của khu nhà tập thể mở ra rít lên ken két. Âm thanh chói tai ấy báo hiệu ngày đã hết khi những người lao động mệt mỏi trở về qua cánh cổng ấy. Bà khách như chợt tỉnh, vội vàng lấy trong túi xách xấp phong thư đã ố vàng rồi nhờ tôi đưa bà tìm người trong thư. Như đoán được ý định khước từ của tôi khi liếc nhìn địa chỉ, bà nghiêm nghị nói đây là việc cấp thiết mà tôi phải giúp bà. Tiễn khách về, buông mình trên ghế tôi cố hình dung địa chỉ của cô gái ở khu kinh tế mới nào đó. Những năm tháng đầy biến động làm thay đổi nhiều làng quê nên chuyến đi này không mấy hy vọng. Hơn nữa, việc này thật khó khăn và phiền phức khi đi với Việt kiều tìm một người không quen biết ở một nơi hẻo lánh. Nhìn dấu bưu cục và địa chỉ người gửi thì thư được gửi từ một trại tỵ nạn mà lẽ ra phải đến từ mười năm trước. Tôi băn khoăn vì sao hôm nay những lá thư lại quay về từ Mỹ thật muộn màng? Biết còn ai mong chờ lá thư này?

Sau bao lần vất vả hỏi thăm chúng tôi cũng tìm được vùng đất ấy. Khu kinh tế mới ngày xưa giờ đã là vùng quê bát ngát màu xanh mỡ màng của những rẫy mì tít tắp đến tận chân đồi. Những mái nhà tranh lác đác chìm khuất trong biển lá tươi xanh cứ lao xao mãi khi những cơn gió núi mát lạnh lướt qua. Tôi bối rối lần theo con đường mòn vắt qua những vạt đất badan tươi đỏ mà không sao tìm được tấm bảng chỉ địa giới nào. Những ngôi nhà ven đường mà tôi ghé vào hoặc vắng người hoặc chỉ có những cụ già hay lũ trẻ con ngơ ngác. Biết phiêu lạc phương nào những lưu dân ngày ấy ! May sao, trong lần nghỉ chân ở một quán bên đường, gặp được người chủ quán còn nhớ gia đình của cô gái. Sau khi cha mất, bế đứa con vừa lẫm chẫm biết đi cô chuyển về căn nhà ở ven con lộ trước ủy ban huyện đi Lahai. Quá trưa tôi mới tìm được nhà. Đẩy chiếc cổng tre khép hờ bước vào sân tôi chẳng gặp ai. Tuy vậy, tôi cảm thấy căn nhà đầy sinh khí như thể vừa mới đây thôi tiếng kéo ai đó lách cách tỉa cành cho hàng chè tàu đều tăm tắp, tiếng cần vọt kéo nước kẽo kẹt tưới đẫm giàn mướp đầy hoa vàng bên hiên nhà...Ngồi tựa lưng vào gốc khế ngước nhìn những chùm hoa trắng lấm tấm tím như những cánh sao đêm tôi đắm chìm trong bầu không khí yên bình của vùng quê miền trung ngày hè. Tôi ngỡ rằng nếu nhắm mắt lại sẽ được trở về những ngày thơ bé. Sẽ nghe thấy tiếng cào cào giẫy cánh lạch xạch trong bụi mía sau hè, sẽ nghe thấy tiếng vỏ đậu vặn mình trên sân phơi cho rơi ra những hạt đậu đen nhưng nhức. Và tôi muốn xuôi tay nằm ngủ một giấc dài dưới bầu trời xanh quê hương.

Khi tôi đang mơ màng bà khách đột nhiên lên tiếng: " chuyến đi này là theo yêu cầu của người bạn cũ tình cờ gặp bên đó. Hai người bạn tha hương nước mắt nhạt nhòa kể nhau nghe kỷ niệm vui buồn ngày xưa. Biết tôi sắp về thăm quê, bà bạn nhờ tôi tìm gặp hai mẹ con cô gái trong thư. Thế rồi quãng đời đầy phiền muộn của bà trải dài theo lời tự sự : - chồng không may mất sớm, ở vậy nuôi con đến khi khôn lớn, thành tài. Thật xót xa khi thấy thời cuộc bể dâu dập vùi cuộc đời con mình, tôi tự nhủ sẽ hết lòng bù đắp. Năm tám mươi, học tập cải tạo trở về cháu gặp lại một người trong đơn vị cũ cùng đi kinh tế mới. Trên đó cháu quen cô con gái người này rồi sống với cô ấy. Tôi ngăn cản cuộc hôn nhân đó vì không muốn cuộc đời cháu chôn vùi ở nơi heo hút và âm thầm sắp xếp một chuyến đi. Ngày xuống tàu, trước việc đã rồi cháu nài nỉ xin mẹ chăm sóc cô gái và mầm sống đang lớn trong cô. Thật bất ngờ với chuyện của đứa bé nhưng công việc gấp rút tôi cũng đành. Những ngày dài âu lo rồi cũng qua khi nhận thư báo cháu đến nơi bình yên. Tôi giữ lại tất cả thư cháu gửi cho cô gái ấy hầu chôn vùi một ký ức buồn và vun đắp cho một khởi đầu mới tươi sáng. Hơn nữa, tôi cũng đã sắp xếp chuyến ra đi kế tiếp cho mình nên không muốn vướng bận. Số phận thật trớ trêu, vài ngày trước khi tôi lên đường, cô gái bồng đứa bé tìm đến nhà. Nhìn đứa cháu nội bé bỏng tim tôi như thắt lại nhưng không dám ôm nó vào lòng vì sợ nỗi quyến luyến sẽ làm hỏng chuyến đi. Hình ảnh hai mẹ con lần gặp cuối ấy tôi chôn chặt trong lòng. Chuyến hải hành lênh đênh bởi sóng trong lòng và cả sóng biển khơi. Nơi xứ người, những nhọc nhằn vất vả ban đầu làm nguôi ngoai nỗi nhớ. Cuộc sống dần ổn định sung túc hơn nhưng thiếu vắng niềm vui. Chúng tôi day dứt nhớ bờ vai, day dứt nhớ tiếng khóc trẻ thơ mà mình đã lỡ để lại bến bờ kia. Đêm đêm, nằm nghe tiếng thở dài như thôi thúc trở về..."

Câu chuyện làm tôi nặng lòng, thầm trách người con sao yếu đuối, người mẹ sao khắc nghiệt và trách cả cao xanh sao bày chi chuyện hợp tan. Đám mây úa vàng chầm chậm trôi đi rồi khuất dần sau vòm lá mà bóng dáng mẹ con cô gái năm xưa ấy vẫn biền biệt. Chúng tôi hỏi thăm và hay rằng cô đi làm cỏ mướn dăm bữa, còn đứa bé chiều tối mới lùa bầy vịt ở quãng sông cuối làng về. Bà khách đành để lại lá thư và mẩu tin nhắn nhờ chuyển cho cô. Và lá thư lại một lần lỡ làng. Trên đường về ghé lại bờ sông hòng nghe thấy tiếng vịt gọi bầy nhưng chỉ có tiếng gió vi vút lướt qua ngọn cỏ. Giòng sông giờ đã cạn. Đây đó chỉ còn vài vũng nước dập dềnh nắng mỗi khi có chú chuồn chuồn nghịch ngợm thò đuôi vẽ những vòng tròn hư ảo. Chiếc cầu phía đầu sông, có đôi đường ray sóng đôi yên bình xuôi về nam thăm thẳm xa. Dưới bóng cầu, những người Bhana thanh thản trở về buôn làng. Họ có hạnh phúc không với cuộc sống đơn sơ như tổ tiên nghìn năm trước ?

Vài hôm sau hai mẹ con tìm đến nhà tôi. Khi hay tin bà khách đã đi cô thẩn thờ nhìn đăm đăm lên bầu trời vần vũ mây xám. Căn phòng ngột ngạt oi bức khiến tôi như chết lặng trong tiếng tích tắc vô tâm của chiếc đồng hồ cũ. Tôi chờ nghe một tiếng nức nở để trôi đi nỗi bẽ bàng đang đè nặng trong lòng, nhưng chỉ nghe tiếng mái tôle trở mình trong nắng. Một lát sau vài hạt mưa rơi lộp độp, ngập ngừng như dò dẫm rồi lặng im. Rồi cơn mưa sầm sập chạy từng hồi nối tiếp, hối hả rượt đuổi nhau trên mái nhà. Tôi vươn người ra cửa sổ để mặc cho cơn mưa xóa đi những cay đắng. Mưa rơi trên vòm lá, trên mái nhà miên man như tiếng ru vỗ về làm lòng tôi chùng lại, nhẹ nhàng. Cơn mưa dông nhiệt mùa hè vội vã đến, rồi vội vã đi bỏ lại chút nắng ẩm ướt, lóng lánh trên mái hiên. Đột nhiên cô gái thảng thốt kêu: - A ! cầu vồng kìa ! Tôi ngỡ ngàng khi nghe tiếng reo vui - tiếng reo chỉ có từ trái tim trong trẻo của cô gái tuổi đôi mươi. Nỗi hân hoan trẻ thơ hiện trên gương mặt còn ngấn nước long lanh nắng chiều. Một cụm mây xám lướt qua rồi đọng lại trong tiếng thở dài : " Mỗi năm trời lại bắc cầu cho họ gặp nhau, còn chiếc cầu của tôi đâu? " Cô gởi những hoài mong của mình vào mênh mông mây xám. Ngày xưa, Ngưu - Chức đợi chờ nhau có xót xa như tiếng thì thầm của cô gái thiếu phụ tuổi đôi mươi? Tiễn hai mẹ con về, chợt thấy chút trời xanh trong rãnh nước mưa bên hiên nhà, tôi nhớ đến câu thơ cũ:

Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa,
Sao rãnh nước lại trong veo đến thế ? ( *)

Ừ, rãnh nước mưa trong quá và tôi mơ thấy ánh cầu vồng một ngày tỏa sáng vùng quê xa.

Cuối năm ấy, khi đang sửa soạn đón tết thì cậu bé đến biếu ít quà quê. Thật ái ngại khi quà là chục trứng vịt đẫm bao mồ hôi bên quãng sông vắng ấy, mà tôi, khách bên đường, có đáng gì để nhận món quà thơm thảo này. Vài lời thăm hỏi sao an ủi được những ngày dài đợi mong? Tay vân vê chiếc nón bạc mầu khi ra về cháu ngập ngừng hỏi : - Bao giờ ba về đón mẹ con cháu ? Câu hỏi bất chợt làm tôi bối rối, gượng gạo đáp : - chắc cũng sắp rồi ... Lời đãi bôi ấy tôi chẳng hề nghĩ sẽ là nỗi ray rức cho mình ngày sau. Cuộc sống nơi phố biển trầm lặng không vội vã, không mong đợi gì, chỉ là những ngày nắng và những ngày mưa nối tiếp nhau. Từ dạo ấy chẳng thấy thư hồi âm của bà khách kia. Có ai nhớ phố cũ thì chắc chỉ có lũ chim én mỏi cánh quay về đậu từng hàng trên dây điện đường vào những chiều đông. Rồi những lo toan thường ngày che lấp mất chuyện đắng lòng kia. Ít lâu sau tôi chuyển nhà và quên mất giấc mơ trong rãnh nước ngày nào.

Vài năm sau trong phiên chợ tết, tôi tình cờ gặp lại người quen ở khu tập thể ngày trước. Khi nhắc lại những chuyện đã qua nơi khu phố cũ, bất chợt người hàng xóm kể lại một việc khác thường. Năm ấy, có cậu bé nhà quê đến nhà cũ của tôi đi biếu tết, nhưng nhà đóng cửa và người mới dọn đến ở đã về quê ăn tết. Ôm đôi vịt trên tay cậu bé thất thểu trở về. Tết năm sau cũng cậu bé ấy đi tết. Lần này anh ta có nhà và cậu bé mới hay tôi đã chuyển đi. Cháu lặng lẽ ngồi đó,mỏi mòn chờ câu trả lời đãi bôi của tôi buổi chiều cuối năm ấy. Khi đi, tôi không để lại địa chỉ nên chẳng liên lạc được và từ đó cậu bé không trở lại. Bâng khuâng nhìn lên trời cao tôi tìm ánh cầu vồng, nhưng bầu trời cuối năm khô lạnh đầy mây xám. Những đám mây cứ mê mãi trôi cuốn theo tiếng kêu khắc khoải của một cánh chim lạc đàn. Cánh chim kia bay về đâu ?, tôi chẳng biết, nhưng tôi biết ngự trên đám mây xám kia chỉ là hư không thôi. Tự đáy lòng tôi bật lên tiếng kêu: - xin lỗi, xin lỗi cháu, cháu ơi !

Nguyễn Trí Minh

(*) Trích " Phố ta ", thơ Lưu quang Vũ.
  
Thêm bình luận


Đăng Nhập / Đăng Xuất