Hang_Rai
Hang Rái -Photo triman

Quê quán tôi Phan rang, Ninh Thuận. Nghe, bạn bảo, ờ " nắng như phang, gió như rang" chớ gì. Thì đó, bởi do nhiều người nhất là các văn nghệ sĩ bổn xứ thường vẫn thích đưa vào cụm tính từ đằng sau tên quê quán của mình. Hình như người ta thích như vậy lắm. Người ta thích định danh, định tính (tôi muốn nói tính chất chứ không phải chỉ tên họ) một cách dễ dãi như vậy.

Co Thach
Bãi biển Cổ Thạch.Photo triman
Tôi đã từng biết nhiều nơi khác nắng lửa cũng giàn trời như ai chớ chơi đâu. Một buổi trưa Mộc Bài Tây Ninh, một trưa Tịnh Biên, Vĩnh Tế An Giang, suốt dọc hơn trăm cây số đoạn nối Bình Thuận và Đồng Nai, một trưa đứng bóng xứ Gò Công,... Bạn thử chưa? Nắng như đổ lửa chớ thua ai. Và gió, cứ đến mùa gió bấc, nơi nơi mịt mù đâu cứ gì Phan rang. Bạn sẽ ngạc nhiên vì sao tôi "phản ứng" vô lý thế. Không, là do tôi cũng muốn nói về những khó nhọc của xứ mình như một sự đồng cảm, sẻ chia hơn là cho có "phong trào". Thực tình thì quê tôi thời tiết khắc nghiệt hơn nhiều nơi khác. Nên con người phải chấp nhận, một cách kiên cường và nhẫn nại để mà tồn tại, để mà sống một cách bình sinh! Đâu ai vui, lấy làm tự hào vì mình là con nhà nghèo. Nhưng cũng ai đâu chối bỏ gia cảnh nghèo khó và cha mẹ lam lũ hẩm hiu của mình.
hon_Thien
Hòn Thiêng .Photo triman
Tôi ít thích hoặc đúng ra là rất ít khi dùng từ "tự hào". Bởi, trước từ này làm cho người ta liên tưởng đến một sự vàng son nào đó hoặc giả một sự thiệt thòi nào đó. Còn sau nó, người ta ưỡn ngực mà kiêu hãnh rằng tôi đã làm rạng rỡ, hoặc đã giỏi giang vượt qua. Đằng nào, niềm tự hào cũng dễ dẫn con người ta đi về thái cực "nói về mình". Một kiểu "tự sướng" trá hình(!?)

Trở lại với Phan rang. Các văn nghệ sĩ địa phương vẫn thường đem những thắng cảnh ra mà ca ngợi như Vịnh Vĩnh Hy, biển Ninh Chử, Cà Ná, tháp Chàm, đồi Cát Nam Cương, núi rừng Bác Ái,... Và rồi, sẽ có rất nhiều thiếu nữ xinh đẹp bên những vườn nho chín mọng. Trái nho căng tròn như môi em, long lanh như mắt em. Rồi theo em thì mùa nào cũng là mùa xuân về. Xuân về bên vườn nho vườn táo. Xuân về trên bản làng trống hội vỗ ngày đêm,...
Vinh Vinh Hy
trên đèo Vĩnh Hy - Photo triman
Tôi nhớ, khoảng năm 1983, có đọc một bài thơ của thi sĩ Xuân Diệu cho đăng trên tờ Văn Nghệ trung ương. Lâu quá, còn nhớ mang máng một đoạn: "Em cho anh chén nước/anh biến thành rượu nho/rượu triền miên mộng ước/rượu nồng nồng thơm tho...". Lúc bấy giờ quê tôi chưa rộ nghề trồng nho nên nghe mà thơ mộng quá. Cho đến khi bỏ bút cầm cuốc vài năm sau đó, không biết có phải vì mê mẩn bài thơ trên không mà tôi chọn trồng nho... Ôi chao, thế là biết đá, biết vàng, biết thế nào là lễ độ. Nho ư? Một trận mưa giăng lúc trổ bông, một đợt sương muối lúc đâm chồi, một trận mưa to lúc trái chín,... đi tông. Người nông phu vui đó mà buồn đó. Hy vọng đó mà nợ nần cũng đó.

Vinh Hy
Biết vậy, nhưng vẫn sống với nho. Bởi đó là nghề. Bởi đó là nghiệp. Nghiệp cầm cuốc. Thế là người quê tôi cứ sống, cứ đàng hoàng, cứ bình sinh.
song_Dinh
Sông Dinh-Photo triman
Tôi biết, khi đọc những dòng này, khi du lịch Phan rang chắc bạn sẽ yêu nhiều hơn, thông cảm hơn và cũng thấu hiểu hơn. Không có gì vui khi phải sống trên một dải đất khô cằn. Cũng chẳng có gì buồn bã ta thán khi phải đương đầu với những khốn khó của bổn quán mình. Ta hiểu đất, thấu đất và nắm níu đất để cộng sinh. Như tôi đã từng đọc "Đaghétxtan của tôi" của một nhà văn Trung Á. Bình sinh để sống.

Phanrang, 25.4.2016
b ù i d i ệ p