Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • NhaGiuXe1200
  • hinhCu 1200
  • DaiThinhDuong1200
  • CD4 1200

Lăng Gia Long
Lăng Gia Long - Ảnh Nguyễn Trí Minh

Khi đến cố đô Huế, du khách thường không thể bỏ qua dịp thăm viếng lăng tẩm các vua triều Nguyễn. Trong 143 năm trị vì của vương triều, các khu lăng mộ này được xây dựng và một số lăng được bảo tồn tương đối toàn vẹn đến ngày nay. Các lăng tẩm này với cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ đã trở thành danh thắng tuyệt vời của đất nước. Đặc biệt quần thể lăng Gia Long thể hiện đỉnh cao của sự phối hợp giữa nghệ thuật phong thủy trong kiến trúc và phong cảnh thiên nhiên.Vẻ đẹp tĩnh mịch của quần thể khu lăng mộ khiến khách phải sững sờ cho dù thời gian, chiến tranh đã làm hư hỏng nhiều đền đài. Gần đây trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế đã trùng tu, tôn tạo để giữ lại nét đẹp nguyên sơ của lăng. Tiếc rằng không mấy người biết để đến chiêm ngưỡng, dù lăng cách trung tâm thành phố không xa lắm.
 
Phong cảnh trên đường đến lăng Gia Long là cảnh sắc các vùng thôn quê thanh bình bên bờ sông Hương. Xuôi theo đường Điện Biên Phủ đến Đàn Nam Giao, rồi theo hướng đi lăng Tự Đức đến ngã ba đồi Vọng Cảnh. Ngọn đồi này là vị trí tuyệt vời để chiêm ngưỡng dòng Hương Giang mềm mại ôm lấy làng quê, vườn tược. Dưới chân đồi là con đường đi lăng. Con đường băng qua chiếc cầu đúc nhỏ rợp bóng tre, râm ran tiếng ve. Quanh co qua những nếp nhà bình dị với những cây rơm, bờ dậu xanh mát. Đến cuối làng, con đường nhập vào QL49 chạy giữa đồi thông lộng gió và dòng sông lấp lánh nắng vàng. Hàng thông trên đường qua vùng Châu Ê xanh thẳm khiến khách cứ ngỡ đang ở cao nguyên. Đến ngã ba cầu Tuần, đường đi lăng chạy dưới gầm cầu cặp bờ sông Tả Trạch, hợp lưu của sông Hương. Con đường đi qua miền quê Hương Trà với những nếp nhà ẩn mình dưới bóng tre, vang vọng tiếng đò. Đến bến đò Kim Ngọc, đường đi lăng đã dễ dàng hơn vì những con đò mong manh giờ đây được thay bằng cầu phao. Chiếc cầu đã rút ngắn đáng kể thời gian của hành trình và quãng đường đến lăng chỉ còn 4 km. Bên kia cầu con đường vòng quanh ngọn đồi ven sông của làng Định Môn xưa. Đoạn đường đất băng qua làng quê hẻo lánh này là đoạn khó đi nhất vì đường dốc và mấp mô. Đến ngã ba có cột đèn kiểu cách châu Âu là lối rẽ vào lăng. Con đường uốn lượn qua khu rừng thông mênh mông mà đây đó những khu lăng mộ hoàng quyến nằm chìm khuất trong cỏ cây.

Lăng Thiên Thọ Hữu thờ bà Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu (*) tọa lạc ngay bờ hồ. Không gian khu lăng thật u hoài với đôi trụ biểu rêu phong, với ngôi miếu cổ lẻ loi soi bóng hồ sen tĩnh lặng. Đồng cỏ xanh chạy tít tắp đến cánh rừng thông thăm thẳm xa. Giữa hai trụ biểu, ngọn Phụng Sơn nổi lên nền trời đầy mây trắng. Phong cảnh bảng lảng như tranh thủy mặc với tùng bách sơn thủy. Bước lên sân lăng chợt thấy nặng lòng khi nhìn những đôi rồng đá ngả nghiêng trên những bậc cấp sụp lở, những tường gạch đổ nát. Điện Gia Thành gần đấy chỉ còn là nền gạch hoang phế, điêu tàn đầy nỗi niềm như câu thơ cổ: "lối xưa xe ngựa hồn thu thảo, nền cũ lâu đài bóng tịch dương". Thảng thốt đâu đó tiếng chim bắt cô trói cột vang vọng trên thành quách cũ nghe thật ngậm ngùi.

Lăng Gia Long
Lăng Gia Long - Ảnh Nguyễn Trí Minh

Lăng Gia Long còn được gọi là Thiên Thọ lăng, gồm Minh Thành Điện, Lăng mộ và Bi Đình nằm trọn trên ngọn đồi thấp, bằng phẳng ven hồ. Từ bờ hồ sen ngan ngát hương, những đôi rồng đá chạm khắc tinh tế của dãy bậc cấp dẫn khách lên cổng tam quan chính điện. Cổng tam quan đường bệ, rực rỡ nổi bật trên ngọn đồi được xem là biểu tượng của lăng và là kiểu thức mẫu để xây các cổng lăng vua đời sau. Bên trong cổng, hai bên lối vào chính điện là hai tòa nhà Tả Tòng và Hữu Tòng Điện lợp ngói màu xanh lưu ly. Trong chính điện bức hoành phi với chữ Minh Thành Điện và cột kèo sơn son thếp vàng lộng lẫy làm tăng cảm giác uy nghiêm. Bàn thờ nhà vua và bà Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu (**) chẳng còn di vật cổ nào và bài trí quá đơn sơ với bài vị và di ảnh nhà vua, một vị vương mà việc phán xét công tội còn nhiều nghiệt ngã.

Bi Đình (nhà bia) nằm lăng lẽ trong bóng thông râm mát. Những bậc cấp dẫn lên nhà bia được sắp xếp theo hình chữ chi tạo nên cảnh quan đẹp mắt và tránh "trực xung" theo thuật phong thủy. Trong nhà bia là tấm bia bằng đá cẩm thạch cao vút đươc chạm khắc sắc sảo. Tấm bia với danh xưng mỹ miều "Thánh Đức Thần Công" do vua Minh Mạng tạo dựng để ca ngợi công đức vua cha. Thật tiếc là không có bản dịch nghĩa văn bia để hậu thế hiểu được công đức của ngài. Nhà bia và những chổ hư hỏng trên mặt bệ bia do chiến tranh đã được phục chế rất mỹ thuật khá hài hòa với tổng quan của khu lăng,

Khu lăng mộ nằm giữa điện thờ và nhà bia, hướng về ngọn Thiên Thọ Sơn mà lăng lấy tên theo. Khi đi tìm cuộc đất để xây lăng 200 năm trước, thầy địa lý Lê Duy Thanh (***) chắc phải bàng hoàng khi tìm được vị trí đắc địa này. Cuộc đất với tiền án là dãy quần sơn Đại Thiên Thọ che chở, dòng Tả Trạch bảo bọc và minh đường là hồ nước tụ thủy thoáng đãng lại có hậu án và hai bên tả hữu là những dãy núi để nương tựa vững bền. Tiếc rằng phần âm đức của cuộc đất khiếm khuyết nên đời sau phải chịu cảnh huynh đệ tương tàn. Từ sân chầu hai hàng tượng quan văn võ bằng đá cẩm thạch đứng hầu uy nghiêm. Tượng voi, ngựa được tạc rất sinh động, mỹ thuật dầu trải qua hàng trăm năm mưa nắng vẫn còn sắc sảo. Bom đạn cũng làm hư hỏng nhiều nhưng nhờ những người thợ tài hoa nên tượng được phục chế khá hoàn hảo. Nối tiếp sân chầu là 7 tầng sân tế dẫn lên Bửu Thành, nơi an táng nhà vua và chánh cung Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu. Thi hài vua và hoàng hậu được đặt trong hai thạch thất giống như ngôi nhà nhỏ bằng đá. Đây là vị vua duy nhất cho phép hoàng hậu được hiệp táng cùng vua. Hai ngôi mộ nằm sóng đôi đã thể hiện sự thủy chung và tình yêu của nhà vua với người vợ đã cùng chia sẻ gian nan suốt 24 năm bôn tẩu. Ngay khi bà qua đời năm 1814, nhà vua đã ra lệnh xây lăng và 6 năm sau khi vừa xây xong nhà vua cũng băng hà và được an táng bên cạnh. Kiểu dáng hai ngôi mộ được xây giống hệt nhau theo ý nguyện nhà vua. Để phân định phu thê, mộ vua cao hơn một chút và ở vị trí nam tả nữ hữu đúng theo truyền thống. Trải qua bao nắng mưa, rêu phong đã nhuộm màu tang thương lên hai ngôi mộ. Chiếc bàn thờ đá trơ trọi và mộ phần của vị vua đã khai mở một vương triều sao quá đơn sơ, gợi niềm thương cảm về một cuộc đời ít vinh quang nhưng đầy cay đắng.

Vẻ đẹp của Thiên Thọ lăng là vẻ đẹp của phong cảnh thiên nhiên được tô điểm bằng các đền đài xưa cổ. Các kiến trúc thường rất đơn giản không nhiều chi tiết rườm rà tạo nét chấm phá cho cảnh sắc khoáng đãng của lăng. Trong bóng núi rừng trùng điệp xa xa, hai trụ biểu uy nghi vút cao như gọi hồn thiêng sông núi. Đây đó những đền miếu cổ in bóng trên mặt hồ bàng bạc, mênh mang như cảnh đào nguyên. Phong cảnh trầm mặc của lăng với núi sông, đất trời giao hòa đã để lại trong lòng du khách nhiều cảm xúc và niềm tự hào về dải non sông gấm vóc mà tiền nhân đã gầy dựng.

Nguyễn Trí Minh


Ghi chú :
(*) Thân mẫu vua Minh Mạng.
(**) Thân mẫu hoàng tử Cảnh.
(***) Con trai nhà bác học Lê Quý Đôn.

(*) Thân mẫu vua Minh Mạng.
(**) Thân mẫu hoàng tử Cảnh.
(***) Con trai nhà bác học Lê Quý Đôn


Thêm bình luận


Đăng Nhập / Đăng Xuất