Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • hinhCu 1200
  • DaiThinhDuong1200
  • CD4 1200
  • NhaGiuXe1200

song_Lo_1
Về Thanh Thủy - thượng nguồn sông Lô - nhớ cố nhạc sĩ Văn Cao
Sông Lô bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), chảy vào Việt Nam tại xã Thanh Thuỷ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Đến ngã ba Việt Trì (còn gọi là ngã ba Hạc, TP.Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), sông Lô đổ vào sông Hồng.

Sông Lô chảy ở Việt Nam dài 277 km , là một trong 5 con sông dài nhất ở miền Bắc Việt Nam (Hồng, Đà, Lô, Cầu, Đáy).
Sông Lô có hai phụ lưu lớn là sông Chảy, hợp lưu tại thị trấn Đoan Hùng, huyện Đoan Hùng tỉnh Phú Thọ và Sông Gâm, đổ vào sông Lô ở Khe Lau, tỉnh Tuyên Quang.
Ngoài ra còn có các phụ lưu nhỏ khác là sông Phó Đáy, hợp lưu gần Việt Trì và sông Con, hợp lưu tại thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang tỉnh Hà Giang.
Cửa khẩu Thanh Thủy, nơi bắt đầu sông Lô của Việt Nam; có cột mốc 261-2; trên đường từ Hà Nội đến TX Hà Giang (cách HG 20km) có nghĩa trang Vị Xuyên; nơi an táng 1700 liệt sĩ đã hy sinh trong trận chiến năm 1979. Ở đầu nguồn sông Lô, dòng nước chậm chạp chảy vào lãnh thổ Việt Nam vì ở bên kia, Trung Quốc cho xây thủy điện; mùa mưa nước cũng chẳng lớn; câu ca xưa nay đã không còn đúng nữa :
song_Lo_3
Việt Bắc có con sông Lô
Mùa mưa ngập bến, mùa khô cạn dòng

Sông Lô chảy đến trung tâm TX Hà Giang; tiếp tục men theo QL 2 đến huyện Vị Xuyên, Bắc Quang đến cầu Nông Tiến, Bình Ca, Tuyên Quang.
Đến Bình Ca; bến nước đìu hiu vắng người; sông Lô lặng lẽ trôi giữa đôi bờ quạnh hiu xanh rì những bãi ngô, hàng lau vùng Việt Bắc :
Sông Lô, sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u
Sông Lô, sóng ngàn kháng chiến cháy bờ lau thưa đã tàn thôn trang
Song_Lo_1
Qua Bình Ca đến địa phận Đoan Hùng, Phú Thọ; sông Lô giao sông Chảy, ngay giữa ngã 3 sông đó, lịch sử ghi lại trận Chiến thắng sông Lô; nơi đã tạo nguồn cảm hứng để Văn Cao sáng tác bản "Trường ca sông Lô" :
Đến Việt Trì sông Lô qua bến phà Then (đi huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) trước khi đổ vào sông Hồng tại Ngã 3 Bạch Hạc.
NS_Van_Cao
2- Nhạc sĩ Văn Cao
Nhạc sĩ Văn Cao tên thật là Nguyễn Văn Cao, ông sinh ngày 15/11/1923 tại Lạch Tray (nay là phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền), thành phố Hải Phòng trong một gia đình nghèo; quê gốc ở Liên Minh, Vụ Bản, Nam Định.

Thuở nhỏ, Văn Cao học ở trường tiểu học Bonnal, sau lên học trung học tại trường dòng Saint Josef, là nơi ông bắt đầu học âm nhạc.

* Năm 1938, khi mới 15 tuổi, vì gia đình sa sút, Văn Cao bỏ học.

* Năm 1939 Văn Cao bước vào con đường nghệ thuật với tác phẩm đầu tay “Buồn tàn thu” và được Phạm Duy - lúc đó là một ca sĩ - phổ biến trong giới bạn hữu ở Hải Phòng. Hải Phòng khi đó tập trung nhiều nhạc sĩ tên tuổi như Phạm Duy, Lê Thương, Hoàng Quý, Tô Vũ, Canh Thân, Đỗ Nhuận...

* Năm 1940-1941 ông viết tiếp những giai điệu ngọt ngào, sâu lắng với những ca từ đạt đến độ hoàn mỹ : “Thiên thai, Suối Mơ, Bến xuân....". Bên cạnh những sáng tác nhạc trữ tình, Văn Cao còn có những hành khúc hùng tráng viết cho các "Hướng đạo sinh" tại Hải Phòng như “Gò Đống Đa”, "Gió núi" ....
Van-Cao_Pham_Duy
* Năm 1942 Văn Cao rời Hải Phòng lên Hà Nội theo học tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Văn Cao còn làm thơ, viết truyện đăng trên Tiểu thuyết Thứ Bảy, năm này ông sáng tác "Thu cô liêu, Cung đàn xưa"; và đặc biệt ông có nhạc phẩm "Bến xuân" tặng cô gái Hoàng Oanh để gởi gắm mối tình dang dở. Hoàng Oanh sau này kết hôn với nhạc sĩ Hoàng Quý, bạn thân của ông.

* Năm 1943 - 1944, Văn Cao hai lần xuất hiện trong triển lãm Salon Unique tổ chức tại nhà Khai trí Tiến Đức, Hà Nội với các bức tranh sơn dầu: "Cô gái dậy thì", "Sám hối", "Nửa đêm".... . Nhạc phẩm "Trương Chi" , “Thăng Long hành khúc ca” được ông sáng tác cùng năm.
tien-quan-ca
* Năm 1944 ông gia nhập Việt Minh và sáng tác "Tiến quân ca".
* Năm 1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức duyệt "Tiến quân ca" làm quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
* Năm 1946, Văn Cao được cử đi chuyên chở vũ khí và tiền vào mặt trận Nam Bộ; ông hoạt động ở liên khu III và viết cho báo Độc Lập.
* Năm 1947, ông được cử phụ trách một bộ phận điều tra đặc biệt của Liên khu 10 ở biên giới phía bắc. Cùng năm ông sáng tác "Làng tôi" và đặc biệt là bài "Trường ca sông Lô" bi tráng.

* Năm 1948 ông được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương và về lại Liên khu 3 công tác phong trào văn nghệ; ông sáng tác "Ngày mùa" trong năm này.
* Năm 1949, Văn Cao chuyển sang phụ trách Đoàn Nhạc sĩ Việt Nam; thời kỳ này, ông sáng tác các ca khúc "Tiến về Hà Nội".

* Năm 1956 ông tham gia nhóm báo "Nhân Văn - Giai Phẩm"; đến tháng 12 năm 1956 thì cả hai tờ báo này đều bị đình bản. Từ đó tên tuổi của Văn Cao không còn xuất hiện trên các tạp chí văn nghệ ở Hà Nội; tất cả các tác phẩm của ông không được trình diễn, trừ bài "Tiến quân ca"; Văn Cao hầu như không còn sáng tác gì nữa...

Mãi sau giải phóng; cuối năm 1975, Văn Cao viết "Mùa xuân đầu tiên" và nó cũng sẽ chẳng được biết đến nếu tác phẩm này không được chương trình Việt Ngữ tại Moskva cho trình bày; nhờ vậy Mùa xuân đầu tiên đã không bị lãng quên, Nhà nước Liên Xô trả nhuận bút cho tác giả 100 Rúp.
* Năm 1981 ta phát động phong trào cả nước thi sáng tác quốc ca thay thế bài "Tiến quân ca"; tác phẩm dự thi cũng nhiều nhưng sau đó bài Tiến quân ca vẫn là quốc ca của Việt Nam.
2 nghe sy
Cuối thập niên 1980, nhờ chính sách Đổi mới; các tác phẩm của Văn Cao được biểu diễn trở lại.
* Năm 1989, tạp chí National Geographic đã đăng ảnh nhạc sĩ Văn Cao đang ngồi trầm tư bên chiếc đàn dương cầm. Chính ảnh này đã tạo cảm hứng để nhà soạn nhạc đương đại người Mỹ Robert Ashley sáng tác nên bản solo cho piano mang tên Van Cao's Meditation vào năm 1992.
van_cao_hoa_khuc
* Ngày 10 tháng 7 năm 1995, sau một thời gian mắc bệnh, ông mất tại bệnh viện Hữu Nghị, Hà Nội và được an táng tại nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
* Năm 1996, một năm sau khi mất, Văn Cao được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trong đợt trao giải đầu tiên.
Nói đến Văn Cao, người ta không thể không nhắc đến lĩnh vực hội họa; ông là một họa sĩ sử dụng cọ và màu cũng sắc sảo, mặn nồng không thua gì các họa sĩ chuyên nghiệp. Văn Cao còn viết văn xuôi, làm thơ và dù ở lĩnh vực nào, ông cũng gặt hái được những thành công nhất định.
Một số tranh của Văn Cao đã được đưa vào Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Nhiều hoạ phẩm của Văn Cao được giới thưởng ngoạn gần xa đánh giá cao.
Những bài thơ do Văn Cao làm rải rác đó đây - trong sổ tay, bên lề sách, trên vỏ bao thuốc lá, v..v..; với đôi tai âm nhạc và cặp mắt hội họa, Văn Cao phát huy rõ trong thơ như vài dòng lục bát với thủ pháp điệp từ :

Vi vu... Rừng lại sang rừng
Xa xôi tiếng hát cũng ngừng xa xôi.
Nương nương qua tiếp đồi đồi
Áo chàm nàng thổ pha phôi sắc chàm.
Cầu mây treo giữa gió ngàn
Mây bông treo giữa trăng ngàn đêm sương.
Sương lưng chừng núi vấn vương
Tiếng chim lạ cất tiêu thương buồn trời.
Cái gì cũng thấy chơi vơi...

Các nhạc phẩm của Văn Cao được ghi nhận là sự tổng hợp hài hoà của nhạc - hoạ - văn - thơ. Giai điệu, ca từ trong âm nhạc của ông bao giờ cũng mượt mà, uyển chuyển, trầm hùng và sâu lắng.

Hôm 15/7/2016 vừa qua tại Hà Nội, Quốc hội đã long trọng đón nhận bài hát “Tiến Quân ca” từ gia đình nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng cho đất nước. Nhân dịp này Quốc hội đã truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho cố nhạc sĩ Văn Cao.
Tên ông cũng được đặt cho nhiều con phố đẹp ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Nam Định,...
Tấm bia đá trên mộ nhạc sĩ Văn Cao ghi : 15/11/1923 – 10/7/1995; song ông vẫn sống mãi với đất nước, với âm nhạc hào sảng, với thơ ca giàu hình ảnh và với hội họa đậm phong cách riêng.
Pham_Duy
* Giới nghệ sĩ nói về ông :
Phạm Duy : "Văn Cao là một trong những nhạc sĩ lớn nhất về ca khúc trữ tình và ca khúc chiến đấu ở nước ta. Văn Cao cũng là một trong những ngôi sao thế kỷ 20 trên lĩnh vực ca khúc thế giới... Lời ca của Văn Cao vừa cao siêu, vừa trong sáng, vừa thơ mộng, vừa gần gũi với cuộc sống của nhân dân... Lời ca của Văn Cao lấp lánh ánh sáng tư duy cao sâu của một nghệ sĩ bậc thầy về sử dụng tiếng Việt hiện đại."
TCS_Van Cao
Trịnh công Sơn : "Trong âm nhạc, Văn Cao sang trọng như một ông hoàng. Trên cánh đồng ca khúc, tôi như một đứa bé ước mơ mặt trời là con diều giấy thả chơi. Âm nhạc của anh Văn là âm nhạc của thần tiên bay bổng. Tôi la đà đi giữa cõi con người. Anh cứ bay và tôi cứ chìm khuất. Bay và chìm trong những thân phận riêng tư.
Tạ Tỵ : "Nguồn của dòng sông mang tên Văn Cao là tâm hồn phong phú của nhà nghệ sĩ tài ba, trong lãnh vực âm nhạc cũng như thi ca. Sau khi ra khỏi vùng lưu vực hoang vu của tiềm thức, dòng sông tẻ ra ba nhánh trôi miên man trong huyền ảo của khói trắng sương mù."
mo_Van_Cao
Tố Hữu : "Ở Văn Cao, mỗi lời thơ là một hạt ngọc, mỗi tiếng nhạc là mỗi sợi tơ, mỗi màu sắc là một vùng hào quang diễm lệ... Cái không khí “đỉnh cáo sáng tác” mà Văn Cao thèm khát đã trở thành nỗi ước mơ thật sự, ước mơ này chắc anh sẽ đem theo về cõi chết. Dù sao, Văn Cao vẫn hiện diện trong tôi với hình dáng của một tinh cầu giá lạnh, với cô đơn dằng dặc ở cuối khung trời ngăn cách."
Tạ Tỵ : “Phải thừa nhận rằng, nếu không có giọng hát của Phạm Duy, nhạc Văn Cao cũng khó mà phổ biến; trái lại nếu không có Văn Cao, chưa chắc Phạm Duy đã sáng tác! Cả hai hỗ trợ nhau, cùng dìu nhau đi vào bất tử !”

Nguyễn Trí Dũng
Thêm bình luận


Đăng Nhập / Đăng Xuất