Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • NhaGiuXe1200
  • CD4 1200
  • DaiThinhDuong1200
  • hinhCu 1200

Khổng Xuân Hiền

Nguyễn Vinh Quang, tiếng hát tự tình

Có lần trong cà phê sáng, một người bạn nhắc tới ban nhạc sinh viên ở Đại Học Vạn Hạnh của mấy chàng trai quê xứ củ mì. Hát hay không bằng hay hát, vừa mới rộ đã tan theo mùa Xuân năm 75 !

Chuyện cũ giờ mòn hết, còn sót lại trong kí ức về một thành viên hát hay nhất ban nhạc hồi ấy là Nguyễn Vinh Quang, dân Cường Để Quy Nhơn, 1971-1974.


Quang và Nhơn, Đà Lạt, tháng Tư

Xem tiếp...

Một bài toán cũ

Những năm đầu Trung học, tụi mình sợ nhất là những bài toán thầy giáo ra trong cuốn Hình Học của 2 giáo sư Đinh Qui & Lê Nguyên Diệm. Mình chỉ biết hai giáo sư này viết sách giáo khoa cho lớp đệ thất, đệ lục, đệ ngũ thôi. Sách khổ lớn cỡ 18 x 24, mỏng, in typo chữ nhỏ (bạn nào có còn giữ, cho mình mượn dòm một chút cho đỡ nhớ nhé !). Bài tập vừa nhiều vừa khó nhằng !

Có một dạo, thầy Nguyễn Văn Độ vô dạy toán lớp đệ lục tụi mình. Sau mỗi tiết học thầy thường cho bài tập về nhà làm từ cuốn Hình Học Đinh Qui: "Các em làm bài số... trang ...nhé !" Bảo vậy thôi chứ thầy chẳng quan tâm tụi mình có làm, làm được hay không. Thiệt tình, tụi mình chịu không thấu với mấy bài tập trong đó. Nếu không lầm thì tới chương 'Tam giác' hay 'Bất đẳng thức trong tam giác' gì đó, có bài tập như vầy: "Chứng minh rằng trung tuyến xuống cạnh dài thì ngắn hơn trung tuyến xuống cạnh ngắn". Bài toán trông gọn gàng sáng sủa vậy mà tụi mình mò mãi không ra (Có đứa nghĩ quẩn lấy thước ra, đo đi đo lại vẫn thấy đúng như vậy... :-( )

Xem tiếp...

Sách giấy, một thời gấm hoa !

Hồi còn nhỏ xíu, mình có đọc một truyện ngắn thuộc loại viễn tưởng. Nhà văn miêu tả một hiện tượng quá đỗi dị thường: mọi thứ giấy tờ hay các chế phẩm làm từ giấy bỗng nhiên biến thành bột hết. Câu chuyện bắt đầu từ một sáng sớm nọ và mọi người trên trái đất đều nhanh chóng nhận ra sự mục nát lặng lẽ này. Ban đầu là phân vân tự hỏi, sau đó là dáo dác tìm kiếm và chỉ chừng một giờ sau, những tiếng ồn ào từ những bước chân, những chiếc xe gắn máy, xe hơi mới rộ lên từ mọi nẻo đường, theo cùng là những tiếng kêu ra thất thanh hoảng loạn...Một nền văn minh mà loài người đã tích cóp nhiều ngàn năm bỗng chốc bị hủy diệt chỉ trong một đêm !!! Truyện đã làm trí óc non nớt của mình run rẩy lên, đến độ đang đọc giữa chừng phải chạy vô nhà lấy cái hủ bùng binh bằng đất nung ra mà xóc xóc. Chõ mắt dòm vô cái khe nhét tiền bên trên. Khom mình dốc ngược nó lên xem thử bột tiền có đổ ra từ cái khe hẹp chỉ vừa cái que tăm không. Thật may, mọi thứ: sách vở trên bàn học và tiếng sột soạt của tiền giấy lẫn tiền cắc trong cái hủ kia ....tất cả vẫn còn y nguyên như mấy ngày trước nó đã từng như vậy !

Xem tiếp...

Thúy Dung với Hoa Xuân - Phạm Duy

Quý tặng Thầy Cô và các bạn Cường Để 67-74

Hoa Xuân
- Phạm Duy
Tiếng hát: Thúy Dung (12A2, Cường Để 73-74)
Piano: Phạm Nguyễn Anh Vũ

Xem tiếp...

Vinh Quang, tiếng hát tự tình

Có lần trong cà phê sáng, một người bạn nhắc tới ban nhạc sinh viên ở Đại Học Vạn Hạnh của mấy chàng trai quê xứ củ mì. Hát hay không tày hay hát, vừa mới rộ đã tan theo mùa Xuân năm 75 ! 

Chuyện cũ giờ mòn hết, còn sót lại trong kí ức về một thành viên khá nhất ban nhạc hồi ấy là Nguyễn Vinh Quang, Cường Để 71-74. 

Quang và Nhơn, Đà Lạt, tháng Tư

Xem tiếp...

CD “Tango nhung nhớ”, tình khúc Thảo Trang

Đầu năm 2010, Cuongde.org giới thiệu nhạc phẩm Tình xa lưu luyến, sáng tác của một nhạc sĩ người Quy Nhơn, là Thảo Trang. Tên của nhạc sĩ không nhắn gửi điều gì, nếu không lời giới thiệu, hẳn ai cũng nghĩ, đó là ông nhạc sĩ. Nhưng không, là một chị, chị Nguyễn Thị Trang, dân Trinh Vương & Cường Để, năm 65-72.

Cũng lạ, đàn bà con gái xứ Nẫu thích "cầm roi đi quyền" hơn là ngâm vịnh thi ca, nay bỗng nhiên xuất hiện một nữ nhạc sĩ vừa chớm tuổi ... Thu sang ! (Vậy có phải nhạc sĩ Thảo Trang đang trở thành vốn quý hiếm trong vườn nhạc xứ Nẫu ?)

Từ dạo ấy, đều mỗi lần trăng, Thảo Trang gởi lên trang Cường Để & Trinh Vương một vài bản nhạc để các bạn nghe cho vui. Ở mỗi media nhạc, người thưởng thức đều có cảm nhận chung: các ca sĩ đều có chất giọng lạ, rất riêng, long lanh nét nhạc của chị. Phần hòa âm không cầu kỳ, nhưng ăn ý với giai điệu của mỗi bản nhạc. Bản ghi âm thì trong trẻo, sắc nét...(các bản Tình xa lưu luyến, Quê ngoại Quy Nhơn là ví dụ). Để bè bạn vui thôi nhưng Thảo Trang đã chăm chút từng chi tiết cho niềm vui ấy. Thật cảm động !

• Quê Ngoại Quy Nhơn - ca sĩ Thanh Thanh

Xem tiếp...

Maria-Louis Nguyễn Thị Thái Nhĩ: Đạo & Đời

Maria-Louis Nguyễn Thị Thái Nhĩ
Maria-Louis Nguyễn Thị Thái Nhĩ - Nghề nghiệp: dạy học
Sinh ngày 09-02-1924, quê quán Cát Khánh, Phù Cát, Bình Định
Ung thư Lymphoma mất ngày 24-09-2002 tại TP.Quy Nhơn
Con của bạn không là của bạn. Họ là con của giấc mơ Đời.
The Prophet - Kahlil Gibran
Một ít kỷ niệm
Theo thứ bậc trong họ thì cô Thái Nhĩ là bà tôi nhưng ở đây tôi xin gọi bà là cô giống như các cô học sinh ở các trường Nữ Trung Học Quy Nhơn, Trường Trung học Công lập An Nhơn, Lớp dạy nghề ban đêm ở Ty Lao Động Bình Định, Trường Trung Học Sư Phạm Nghĩa Bình… là nơi mà cô Thái Nhĩ đã từng dạy môn học Nữ công-Gia chánh ngày trước.
Với học sinh, tôi biết dù các cô học trò chưa kịp nói lời tri ân tới cô nhưng hình bóng cô không hề phai nhạt trong tâm tưởng họ. Và tận đáy lòng mỗi người đều dành cho cô một tình cảm tốt đẹp đầy biết ơn về sự ân cần và lòng tận tụy dạy học của cô.
Với gia đình tôi, thì vào những năm 50, 60 thế kỷ trước, như ba tôi thường nhắc, cô Thái Nhĩ là người chịu ảnh hưởng sâu nặng cách sống của các soeur người Pháp làm việc tại Quy Nhơn: khiêm cung, nguyên tắc và nhân ái.
Để có thể hình dung về cô, một con người đặc biệt như vậy, tôi có một vài cảm nhận chung về Quy Nhơn vào những năm đó. Sau ngày đình chiến, Quy Nhơn là thị xã duyên hải với “cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia”(Nguyễn Du). Động cát và gai lữ long giăng mắc khắp nơi. Dân cư thưa thớt, hầu hết lao động nghèo lam lũ. Cái ăn mong đừng đói; cái mặc mong được lành. Khuôn mặt hằn lên đó nỗi buồn rầu, khắc khổ. Việc ăn uống cho hợp vệ sinh, nói năng cho ý nhị được xem là thuộc lớp người trưởng giả.
Bởi vậy theo suy nghĩ của ba tôi, cách sống cô Nhĩ là tấm gương để các con ông bắt chước.
Và hằng năm, sau khi đi chơi Chợ Gò mùng một Tết về, khi trên tay chúng tôi còn lếch thếch mấy dây pháo chuột thì ba tôi vội dẫn mấy đứa con qua nhà thăm cô. Đó là căn nhà nhỏ ở góc đường Gia Long-Lê Lợi, là khu buôn bán sầm uất của thị xã Quy Nhơn lúc bấy giờ.
Ngoài đường dù bụi bặm, nắng gắt nhưng trong nhà cô là một không gian khác; dịu mát, sạch sẽ, yên tĩnh. Bước vào nhà, bàn chân tôi mát lạnh bởi nền xi măng sẫm màu, nứt nẻ chân chim, nhưng nhẵn bóng. Đồ đạc trong nhà cô đơn sơ lắm, gian trước chỉ có mỗi cái bàn vuông với bộ ly bằng thủy tinh và chai nước trắng. Mấy cái ghế đẩu và chiếc ghế bố mà mẹ cô thường hay nằm trước nhà mỗi chiều hè để hóng mát. Chỉ có nơi thờ Đức Mẹ bồng Chúa Hài đồng là tươm tất; với hai cây nến trắng và bình hoa huệ, đặt trang trọng trên cao, làm nhà cô khác biệt với các nhà xung quanh.
Dòng họ bên tôi ai cũng theo đạo Phật, vài họ thì thờ cúng ông bà. Chỉ mỗi gia đình cô Nhĩ là theo đạo Công Giáo. Vì sao cô theo Đạo, đó là một câu chuyện dài về nỗi khát khao xoa dịu nỗi đau thương người cơ nhỡ và yêu quý biết bao điều thánh thiện ở trong cô, mà tôi sẽ thuật lại ở sau. Nhưng chắc rằng việc cô đến với Đạo đã gây nên sự xa cách với nhiều người trong họ. May rằng có ba tôi, với mơ ước một nền giáo dục tốt đẹp cho con cái sau này và cũng có thể là hoài nhớ về sự học ở trường Tây dở dang của ông ngày trước, vô tình ông trở thành cầu nối giữa chúng tôi và cô.
Một điều lạ là dù ngày Tết nhưng nhà cô không có không khí Tết, không bánh mứt, không hạt dưa, không thiệp xuân treo trong nhà. Có lẽ vì nếp sống của các soeur đã thấm vào cô từ nhỏ nên Tết cổ truyền không làm cô chú tâm cho lắm, hoặc cũng có thể đó là cách bày tỏ một thái độ sống, lâu dần đã thành nếp ở nhà cô. Nhưng giống như mọi người lớn, lần nào tới thăm Tết, anh em chúng tôi cũng được cô lì xì mỗi đứa một tờ bạc xanh một đồng, còn thoảng mùi long não. Tiền lì xì không nhiều, nhưng khi ấy, tôi luôn có cảm giác trang trọng như cậu học trò nhỏ được bà hiệu trưởng xoa đầu phát thưởng cuối năm với lời bảo ban. Cầm tờ giấy bạc mới tinh trên tay, được cô ân cần thăm hỏi. Tôi vừa rụt rè e ngại vừa thấy ấm áp trong lòng. Cô Nhĩ nói lắp, cô thường nói chậm để kiểm soát giọng nói cho đỡ vấp. Lúc ấy giọng cô nghe như vang vọng xa xôi. Ít lâu sau, gặp cô trên đường đi lễ về, kỳ diệu là tôi không còn nghe cô nói lắp nữa. Hiền, con gái cô cho hay, cô đã kiên trì luyện tập để vượt qua khuyết tật này.
Các cháu đến thăm Tết, được cô đãi một món ăn lạ đựng trong chiếc khay men; những cái hủ nhỏ bằng chai, nắp nhựa, với thứ gì trắng đục ở bên trong. Lần đầu tới thăm cô, lúc ấy tôi chừng bảy, tám tuổi, được cô đem món này ra đãi tôi không lấy làm thích. Nhưng cái dư vị và hình ảnh của nó mà tôi đã trải qua còn đọng mãi trong tâm trí: màu trắng ngà trông giống như đậu hủ chén của mấy bà gánh dạo ngang qua nhà, nhưng món này được ướp lạnh thành kem, hơi béo và chua chua. Thấy chúng tôi tỏ vẻ lơ là không mặn mà gì, cô khuyên: “Ya-ua đó. Các con ăn đi, bổ lắm, dể tiêu hóa lắm !”. Ya-ua, tên của nó gọi lên nghe cũng lạ. Cô bỏ công giải thích mấy cha con tôi giá trị bổ dưỡng của món ya-ua này, với nhiều danh từ khoa học lúc ấy nghe mới mẻ lắm.
Giờ đây, khi ya-ua là một phần không thể thiếu trong bữa ăn gia đình thì tôi không thể nào quên cô Thái Nhĩ là người đầu tiên “nhập khẩu” món ya-ua này cho tôi.
Ít năm sau, Quy Nhơn mất dần nét bình yên hoang sơ. Người Quy Nhơn trở nên khắc khoải lo âu, bởi cuộc chiến lan tràn khắp nơi. Cư dân ở huyện xa đổ dồn về Quy Nhơn ngày một đông. Nhịp sống hối hả, tất bật chộn rộn dần lên. Đạn pháo ầm ì vào thành phố. Chiến tranh như lũ quét cũng đuổi theo người ở quê gieo bất an cho Quy Nhơn.
Gia đình tôi thì rơi vào khó khăn khác. Ba má tôi làm ăn thất bại, phải bán nhà ở phố lùi về vùng ven.
Việc đi chơi Tết chợ Gò thưa dần, để rồi sáng mùng một Tết Mậu Thân 1968, khi chiếc xe lam chưa kịp rời bến đi chợ Gò thì tại trung tâm thị xã, chiến tranh đã ào tới: súng nổ tại lầu bà Đệ và chòi bát giác ở công viên; vài người lính đã ngã gục tại đây. Và năm đó mấy cha con không đi được chợ Gò mua pháo ! Còn tôi, từ dạo ấy cũng không có dịp nào ra thăm cô nữa!
Theo Đạo
Học hành, bè bạn, yêu đương, chiến cuộc đã thu hút hết tâm trí tôi. Thật là nhanh khi thời gian nhạt nhòa qua đi làm tôi không còn nhớ tới cô nữa.
Cho tới 1976, tình cờ tôi được bổ nhiệm về quê nội dạy học, trong một dịp cúng giỗ, câu chuyện một người cô theo Đạo được bà con nhắc tới, làm bao nhiêu kỷ niệm về cô ngày trước bỗng quay về và biết bao chuyện khác nữa từ quá khứ xa của gia đình cô mà tôi được nghe kể lại…
Thân sinh cô Thái Nhĩ sinh sống tại vùng Đề Gi - Đàng Lâm. Ông bà có tất cả 6 người con gái, tên của các cô đều đẹp và ý nghĩa*. Mỗi tên là một tuồng tích lấy từ tác phẩm văn học cổ Trung Hoa. Ví dụ: Thái Nhĩ là tên một loài rau. Đứa con gái hiếu thảo hái rau Thái Nhĩ về cho mẹ ăn để mẹ chóng lành bệnh.
Cha cô, ông Nguyễn Trọng Trinh làm thông phán cho Pháp ở Quy Nhơn. Đời sống công chức làm ông thuyên chuyển qua nhiều nơi, khi thì ra Quảng Ngãi khi vô Tuy Hòa. Quy Nhơn là nơi ông làm việc lâu nhất. Nhưng năm 41 tuổi, ông lâm bệnh mất. Mẹ cô, bà phán Trinh ở lại nhà chồng với các con tại Đề Gi.
Ông mất không lâu, bằng một quyết định mạnh mẽ, dứt khoát, bà đã thay đổi số phận mình và các con bằng cách định cư ở Quy Nhơn. Nhà chồng bà phản đối quyết liệt, vì không tin đứa con dâu chưa đầy 30 tuổi này một mình có thể cưu mang đàn con dại và chống đỡ cạm bẫy chốn thị thành, biết đâu nhẹ dạ rơi vào cảnh làm lẽ, để rồi phải tan đàn sẻ nghé.
Gửi cô con gái thứ, 10 tuổi cho người bác hiếm muộn nuôi. Một sáng sớm mùa hè năm 1930, từ bến cá Đề Gi, người mẹ trẻ giã biệt nhà chồng, cùng năm cô con gái, đứa lớn nhất 12 tuổi, đứa nhỏ nhất còn ẵm trên tay, khăn gói xuống ghe dong ruỗi vào Quy Nhơn.
Làm sao bà vượt qua được mọi trở lực, rủi ro để thực hiện cuộc di cư lớn này ?
Ngày ông phán Trinh qua đời, đã nhắn gửi người vợ trẻ một điều quan trọng: Ông muốn các con được học hành tử tế ở trường Đạo, ông không muốn chúng phải lam lũ nghề mắm cá ở quê nhà. Với lòng yêu thương vô hạn và niềm tin vào sự hiểu biết sâu rộng của chồng, bà nghe lời ông, chuẩn bị tinh thần chọn Quy Nhơn làm miền đất hứa.
Khi làm việc ở Quy Nhơn, mấy đứa bé con người Pháp quyền quý, dễ thương lượn lờ ở Morin hay ra vào ở tòa Sứ làm xao xuyến tâm tư ông phán. Hình ảnh này làm ông nghĩ ngợi nhiều về mấy đứa con gái ở quê nhà. Ông quyết tâm chuẩn bị vốn liếng để cho các con ăn học nên người giỏi giang.
Mua được một ít đất ở đường Nguyễn Du, cách tòa Sứ không xa, ông cất nhà cho công chức Pháp thuê. Sau này, đây là nguồn thu nhập căn bản để bà phán góa bụa bảo bọc đàn con thơ.
Hằng ngày có ông biện trông coi nhà thờ Nhọn đi lễ qua lại ngang nhà. Bà phán để ý và thiết tha nhờ ông biện tìm giúp trường học cho các con. Bởi nếu các con không sớm được đi học thì nhiệm vụ bà chưa thành, nỗi ray rứt này sẽ không nguôi trong lòng bà.
Phải mấy năm sau khi các bà soeur người Pháp dòng Thánh Phao-lồ có mặt tại Quy Nhơn thì lớp nữ học sinh đầu tiên của trường Đạo mới hình thành, và các con gái bà phán là lứa học sinh tới học sớm nhất tại đây. Chương trình học tập bấy giờ không ngoài mấy môn tiếng Pháp, văn hóa Pháp, giáo lý Công giáo, Thánh ca, nữ công gia chánh…
Những năm tháng học tập ở đây đã căn bản thanh tẩy nếp sống và tâm tưởng của các cô. Lòng tôn kính Chúa và hướng về phục vụ xã hội dần rõ nét đã trở thành cứu cánh để các cô có ý nguyện dâng mình cho Đấng Cứu thế.
Rồi tháng 8-1938, năm cô con gái làm Lễ rửa tội tại nhà thờ Chánh Tòa, để trở thành con chiên của Chúa. Hai tháng sau, họ được làm Bí tích Thêm sức như là một thể hiện lòng thành kính trọn đời với Đạo. Tên thánh của cô Thái Nhĩ là: Maria Louis Nguyễn Thị Thái Nhĩ
Trong tâm cảnh giây phút lâm chung, ông phán xác tín một điều, nền học vấn Pháp là văn minh, tốt đẹp. Trường Đạo là nơi duy nhất có thể giáo dục các con gái ông thành người có học thức, sang trọng. Ông không hề nghĩ rằng nơi đó còn là môi trường để thể hiện lòng bác ái, vị tha trước Chúa. Cũng vậy, bà phán không hề biết có sự giao hòa giữa việc học trường Đạo với theo Đạo. Ngay cả khi năm cô con gái gắn bó với các soeur người Pháp hơn ở nhà, bà cũng ngỡ rằng các con đang chăm lo học hành thôi.
Các con bà không làm gì sai quấy, chỉ có điều các cô đã làm khác đi mong mỏi của mẹ là học tập để mưu sinh, và hơn nữa tâm hồn các cô lại hướng về một nơi không giống như mọi người trong họ hàng!
Việc các con đồng lòng theo Đạo như dao cắt tâm cang bà phán. Bà thảng thốt la lên: “Trời đất ơi! Tụi nó bị Công giáo bỏ bùa mê rồi !”. Tính cách bà mạnh mẽ, dứt khoát. Bà xé Thánh Kinh, bứt đứt chuỗi hạt. Ầm ỉ, quát mắng các cô một thời gian dài. Con bà hồi âm bằng sự im lặng kính trọng và âm thầm làm theo ý mình. Họ đã có lòng tin về Chúa, mà “Lòng tin chở được núi !”.
Mọi việc an bài. Bà phán đành nén lòng nhìn theo bước các con đi !
Để rồi gần 30 năm sau nữa, khi nỗi buồn bã, cô đơn đeo đẵng, bà thấy Đạo cũng tốt đẹp, các con gái bà theo Đạo cũng nên người, có đứa còn được học hành danh vọng. Nỗi giận hờn với Đạo dần nhạt phai, thì tự bà tìm đến ngã rẽ khi xưa các con bà đã chọn. Như bà từng nói; bà đã được Ơn Trên mời gọi.
Và cùng với cô con gái thứ, hai mẹ con làm lễ rửa tội ở nhà thờ Lớn Phan Thiết, năm ấy bà 60 tuổi.
Tôi không có khả năng giải thích vì sao Đạo lại có sức thu hút mạnh mẽ đến như vậy. Nhưng quả Đạo đã chinh phục các cô con gái bà phán từ khi các cô còn rất trẻ, tâm hồn như trang giấy mới. Và các cô đến với Đạo không chỉ là hào quang của Phúc Âm và Thánh Ca, mà còn là nền văn minh phương Tây rực rỡ mà Đạo đã tựa trên đó. Còn bà phán đến với đạo khởi từ sự trống vắng, chông chênh. Mong bù đắp. Và Đạo trở thành cứu cánh cho phần còn lại của cuộc đời bà.
Sau này khi không ở được với mấy cô con gái có chồng, bà phán quay ra Quy Nhơn ở hẳn với cô Thái Nhĩ. Là người con hiếu thảo hiếm có, cô đã sưởi ấm quảng đời sau này của mẹ.
Tháng 8-1984, bà phán qua đời trong vòng tay yêu thương của cô, hưởng thọ 94 tuổi.
Đạo và đời
Năm 1947, Việt Minh phát động tiêu thổ kháng chiến chống Pháp. Cơ sở các soeur dòng Thánh Phao-lồ ở Quy Nhơn cũng bị san bằng theo lệnh kháng chiến. Lợi tức từ việc cho người Pháp thuê nhà không còn. Gia đình bà phán rơi vào chỗ túng quẫn, khó khăn và không yên ổn. Các cô con gái đang độ tuổi xuân. Phải chịu sự thôi thúc của của đời sống thường ngày, của tình yêu đôi lứa. Họ lần lượt có chồng, theo chồng đi làm ăn xa. Người thì vào Sài Gòn, Bình Tuy, người thì ngược ra xứ Quảng hay học tập ở nước ngoài. Theo dòng người tản cư, bà phán cũng chạy ngược xuôi đây đó, khi thì lên tận Gò Bồi, lúc vô Cỏ Ngựa-Quy Hòa. Cuối cùng bà trôi giạt tận Bình Tuy ở với cô con gái thứ, theo cha mẹ nuôi từ Đề Gi vô đây sinh sống.
Cô Thái Nhĩ ở lại Quy Nhơn cùng với các dì phước dòng Mến Thánh Giá. Những năm tháng loạn lạc ấy, các dì tản cư về các vùng họ đạo ở miền quê Tuy Phước (Nhà thờ Gò Thị, Tiểu Chủng viện Làng Sông), An Nhơn (Nhà thờ Kim Châu)…để sinh sống và tu trì.
Khi học tập ở trường Đạo dòng Thánh Phao-lồ, cô Thái Nhĩ có được một số kiến thức văn hóa và kỹ năng hoạt động xã hội. Những tri thức này giúp cô phục vụ tốt cho cộng đồng; dạy học, dạy nữ công cho đồng bào họ đạo, dạy tiếng Pháp cho các dì phước. Thăm viếng, chăm sóc các bệnh nhân cô nhi trong làng hay giúp đỡ các cháu ở bệnh viện.
Năm 1950, cô Thái Nhĩ được Mẹ bề trên phái ra Quảng Ngãi dạy chữ và dạy tiếng Pháp cho các dì dòng Mến Thánh Giá tại Cù Và, Quảng Ngãi. Tại đây cô đi tới một quyết định quan trọng, trở thành dì phước Dòng Mến Thánh Giá, nguyện suốt đời phục vụ Chúa Cứu Thế và hiến mình giúp đỡ người nghèo khó.
Nhưng số phận không cho phép dì Thái Nhĩ thực hiện điều mình mong ước. Những năm tu tập tại đây, điều kiện ăn uống thiếu thốn, công việc phục vụ xã hội quá vất vả làm bệnh hen từ thuở nhỏ tái phát. Khi thời tiết thay đổi bất chợt hay một ngày làm việc căng thẳng là cơn hen bột phát, có lúc trở thành cấp tính nguy hiểm. Sức khỏe, trí lực của dì ngày một hao mòn. Lòng tự trọng không cho phép dì trở thành gánh nặng với mọi người. Tâm niệm rằng Chúa nhân từ có mặt ở mọi nơi, nếu không được Ơn Thiên triệu thì trở lại đời thường của một con chiên ngoan đạo phục vụ cho cộng đồng cũng tốt.
Tháng 7-1954, Hiệp định Đình chiến bắt đầu hiệu lực, Quy Nhơn hồi sinh. Người Quy Nhơn tản cư xa, lần lượt kéo về làm lại cuộc sống. Nền Đệ nhất Cộng Hòa của chính phủ Ngô Đình Diệm tích cực hỗ trợ các tổ chức tôn giáo, đặc biệt là các tổ chức giáo dục, y tế và từ thiện có liên quan tới Công giáo. Tại Quy Nhơn, các trường đạo như Trung học & Tiểu học La San (1957, dòng Sư huynh La Salle), Trung học tư thục Trinh Vương (1959, gốc Dòng Mến Thánh Giá - trên nền cũ của nhà hàng Morin thời Pháp) được thành lập. Tòa Giám Mục, Tiểu Chủng Viện, Cơ sở dòng Thánh Phao-lồ được sửa sang, xây dựng lại…Bệnh viện Thánh Gia cũng được xây dựng trong giai đoạn này.
Năm 1955, nhờ người em kế Nguyễn Thị Ký Mỹ bảo trợ, cô Thái Nhĩ vào Sài Gòn dưỡng bệnh và tu nghiệp thêm Nữ công – Gia chánh. Coi như một nghề để mưu sinh khi trở về đời sống thế tục.
Là người tích cực hoạt động xã hội. Cô Thái Nhĩ tham gia dạy nữ công gia chánh ban đêm cho Trung tâm dạy nghề thuộc Ty Lao Động Bình Định. Nhận một chân điều dưỡng để giúp đỡ các cô nhi quả phụ và người già đơn chiếc ốm đau ở bệnh viện Thánh Gia. Tại đây cô đảm trách một nhiệm vụ đặc biệt, bế những linh hồn bé bỏng vừa qua đời ở Bệnh viện Thánh Gia, đến nhà xác để làm thủ tục chôn cất. Công việc này làm cô thấy cuộc đời riêng của mình sao nhỏ bé, vô nghĩa ! Cô nguyện hiến dâng trọn vẹn tâm hồn và thân xác mình để vơi đi bao nỗi đau của người khác !
Thầy giáo
Năm 1956, cô Thái Nhĩ vào dạy môn Nữ công trường Trung học Cường Để với ngạch trật Giáo sư dạy giờ 2, địa điểm hiện nay của TH.CĐ là trường Lê Hồng Phong - Tp.Quy Nhơn. Lúc ấy Cường Để có cả nam sinh và nữ sinh học tập. Sau khi nền Đệ nhất Cộng hòa Ngô Đình Diệm sụp đổ thì trường Trung học tư thục Tân Bình (thành lập 1962, có cổng trường hướng về phía Nhà thờ Nhọn) do gia đình Ngô Đình Nhu đỡ đầu phải giải thể, trường Tân Bình đổi tên thành trường Nữ Trung học Quy Nhơn, là trường nữ công lập đầu tiên thành lập tại Quy Nhơn (1964, Hiệu trưởng đầu tiên là cô Trần Thị Gia - người Huế, đã qua đời) và cổng trường đổi hướng về phía đường Nguyễn Huệ. Những năm đầu do tách học sinh từ Cường Để qua, trường Nữ Trung học có cả nam, nữ học sinh. Một số thầy cô cũng được điều chuyển qua Nữ Trung học Quy Nhơn như cô Thái Nhĩ, cô Kiều Nhi…Thời gian này cô Thái Nhĩ cũng dạy nữ công ở trường Trung học Công lập An Nhơn, thị trấn Bình Định.
Cô Thái Nhĩ là thầy giáo của nhiều thế hệ học trò trải dài 40 năm tại nhiều đơn vị và trường học. Nhưng 20 năm dạy Nữ công ở Cường Để và Nữ trung học Quy Nhơn là thời gian đẹp đẽ nhất trong quãng đời dạy học của cô.
Trước năm 1975, con gái thi đậu vào lớp đệ thất trường công lập là niềm vui lớn của cha mẹ. Khi vô đây họ còn có thêm niềm vui khác: được học môn Nữ công mà các trường phổ thông khác không hề dạy.
Học bạ Trường Nữ có ghi môn Nữ công-Gia chánh. Nhưng thời ấy toàn miền Trung chỉ có Nữ Trung học Đồng Khánh, Huế mới dạy Nữ công và Gia chánh, các trường phổ thông còn lại chỉ dạy Nữ công thôi. Mỗi tuần học 1 giờ, từ lớp đệ thất (lớp 6) tới lớp đệ nhị (lớp 11) là hết. Chương trình kéo dài 6 năm (x 9 tháng x 4 tuần x 1 giờ = 216 giờ trên lớp và chừng gấp 4 lần thời gian đó là thực hành, làm thêm ở nhà. Vị chi: 864 giờ). Như vậy lượng thời gian kể ra không thua gì các môn học khác.
Nữ công là môn phụ (như học sinh thường gọi), dù không có mặt trong các kỳ thi quốc gia, góp hương hoa cho đời thôi. Nhưng ngày trước, vai trò Công - Dung - Ngôn - Hạnh của người phụ nữ trong mỗi gia đình được xã hội đề cao và hưởng ứng, nên các bạn gái quan tâm rèn luyện, như là của để dành sau này dùng tới 3. Có lẽ vậy mà các bạn nữ học môn Nữ công thấy thoải mái, không bị áp lực như các môn học khác. Thường làm cái gì không gò bó thì kết quả sẽ tự nhiên tốt thôi.
Môn Nữ công của cô Thái Nhĩ lý thuyết chẳng nhiều, hướng chủ yếu là thực hành nên các bạn gái học tập vui vẻ lắm. Khác với các lớp dạy chữ thuần túy, lớp cô dạy giống như các lớp học ở Âu-Mỹ hiện nay: học sinh là trung tâm của hoạt động dạy-học, thầy giáo chỉ là người đề ra ý tưởng thôi. Các bạn nữ được làm việc theo nhóm. Đi lên, chạy xuống hỏi cô giáo cái này, nhờ cô chỉ chỗ kia trông rôm rã. Một mô hình học tập mà tới thế kỉ này ở ta chỉ mới lác đác dạy ở mấy trường quốc tế mở ở trong nước.
May vá, thêu thùa, đan móc, làm hoa giấy là công việc thường xuyên của quý nữ sinh. Đến giờ, cô giao đề bài cho từng tổ làm việc tại lớp. Nếu chưa xong thì về nhà làm tiếp. Vẫn chưa xong, tuần sau làm tiếp nữa…, không hối thúc. Các bạn học nữ công không chỉ để lấy điểm. Học cho mình nên chí thú lắm. Không nhờ cậy ai làm giúp, hay ra phố mua sản phẩm làm sẵn đem nộp lấy điểm như các cháu học nghề phổ thông hiện nay. Cứ thủng thẳng mà thực hành thêu, đan, móc trong 6 năm ở trung học. Bấy nhiêu ấy đủ để các cô gái có kỹ năng cơ bản (kỹ thuật gầy mũi đan len, cách cắt quần Tây nữ trên giấy…) làm nền để nâng cao tay nghề sau này.
Có lần tâm sự với mấy cô bạn cựu Nữ trung học về phương pháp sư phạm, về quan hệ cô - trò ngày xưa, các bạn ấy đều có nhận xét. Cô Thái Nhĩ kỹ lưỡng lắm. Vì đây là công việc đòi hỏi sự tinh tế mới có sản phẩm đẹp nến cô ân cần từng đường kim mũi chỉ cho mấy cô học trò nhỏ.
Nhận ra vai trò nội tướng sau này của các bạn gái trong gia đình nên cô chú ý cả lời ăn tiếng nói của quý nữ sinh. Bản thân cô là một kiểu mẫu cho việc học ăn, học nói, học gói, học mở. Cô mặc giản dị với chiếc áo dài trắng hay màu xám của nữ tu. Mùa đông cô khoát thêm chiếc áo len đan tay. Cô hiền, từ tốn nhưng nghiêm khắc. Vậy nên cô hay “chỉnh sửa” mấy cô nàng ngổ ngáo, nói năng linh tinh, vô ý, vô tứ…
Hàng năm, vào các dịp lễ, Trường Nữ đều có tổ chức Hội chợ hay cắm trại. Đây là dịp các cô học trò trỗ tài Nữ công. Hội chợ thì trưng bày, bán các sản phẩm nữ công học sinh tự làm để góp vào quỹ từ thiện. Cắm trại thì thi nấu nướng, thêu thùa, cắm hoa… làm cho hội trại thêm không khí ganh đua và màu sắc.
Qua bao biến cố loạn ly, nhiều bạn nữ sinh, đã là bà của đàn cháu, vẫn còn giữ các mẫu thêu khăn tay, khăn bàn, bộ đồ sơ sinh em bé: mũ tất, vớ áo. Và cả mấy tờ giấy xi-măng còn nguyên vết chì màu kẻ lên đó cô đã bày vẽ cắt may.
Nay cô Nguyễn Thị Thái Nhĩ đã về với chốn vĩnh hằng nhưng những gì cô trao gửi qua mấy kỷ vật nữ công xinh xắn, sẽ mãi tái hồi ơn phúc trong tâm tưởng các học trò của cô.
Tình yêu và con cái !
Một chuyện rất đỗi bình thường nhưng học sinh và đồng nghiệp ngày ấy không mấy ai để ý tới cuộc sống riêng của cô Thái Nhĩ. Gia đình cô thế nào? Cô có chồng con không?
Cô Thái Nhĩ theo Đạo ai cũng biết, số ít nghĩ cô là soeur. Mà soeur thì không có chồng, thế thôi !
Cô đến với Đạo bằng lòng nhiệt thành của tuổi mới lớn. Rồi nhiệm vụ xã hội phải đảm trách, làm cô thân thiết, yêu thương bao cô đơn, đau nhức của tuổi già và bao nỗi bất hạnh của những hình hài chưa kịp cất tiếng khóc chào đời. Bể khổ cuộc đời đã dậy lên trong cô hướng về một tình yêu cao cả. Cô nguyện hiến dâng tâm hồn, thể xác mình cho sự cứu rỗi để không bao giờ bận tâm tới tình yêu lứa đôi.
Cô không là người yêu, không làm vợ từ một hẹn ước nào nhưng bản năng sinh tồn đã hối thúc cô phải làm mẹ. Dù Chúa nhân từ có muốn níu giữ cô bao lâu đi chăng nữa thì mẹ của Tự Nhiên vẫn luôn réo gọi cô lời dặn dò, đừng ngăn trở cuộc tái sinh. Nội tâm giằng xé cô trong nhiều năm trời. Mãi cho tới năm 1962…
Năm 1962, bé gái Nguyễn Thị Hiền vừa mở mắt chào đời tại Bệnh viện Thánh gia thì người mẹ bị sản hậu mất. Cha của bé, ông giáo Dần ở Tuy Phước, không đủ tiền trả viện phí cho vợ và con gái, đành hẹn,  về quê bán đất đem tiền xuống trả để nhận lại con. Bệnh viện Thánh Gia chờ hoài không thấy ông quay lại…mà họ thì không thể chăm giữ cô nhi lâu được. Và cô Thái Nhĩ xin nhận Hiền về nuôi.
Năm sau ông giáo tới tìm con thì được trả lời, đại thể: Lâu quá không thấy ông, đứa bé đã có người nhận nuôi rồi !
Chiến tranh tao loạn. Con người nhỏ nhoi!  Bóng chim tăm cá, biết con ở nơi nào!
Khi Hiền lên 6, trong một dịp dẫn đoàn học sinh trung học sư phạm về Tuy Phước thực tập, cô Thái Nhĩ đã tới Phước Nghĩa tìm tung tích ông giáo Dần và người vợ quá cố. Người dân ngụ ở đây chỉ nhớ loáng thoáng, không chắc chắn ông ở đâu.
Thấm thoát mà hai cha con đã lạc mất nhau 50 năm rồi !
Từ đây, bài viết này cũng xin nhắn gửi tới cộng đồng mạng, ai biết được nơi chốn của ông giáo Dần xin chỉ giúp cho con gái ông, Nguyễn Thị Hiền. Cô Hiền vô cùng biết ơn !
Hiền chịu ơn mẹ Thái Nhĩ đã nuôi dưỡng, dạy bảo cô nên người. Ơn ấy là vô biên.
Hiền không từ nan mọi điều gì để được đền đáp công ơn dưỡng dục của mẹ. Mấy lần lần chuyện vãn, Hiền thường nói, không có mẹ Thái Nhĩ cô sẽ không còn ở trên đời này.
Khi đến tuổi cần được biết tới gốc gác của mình, mẹ Thái Nhĩ đã cho Hiền biết cha mẹ ruột của bé là ai. Nhiều lúc tủi thân với bạn bè cùng trang lứa nhưng Hiền vẫn thấy mình vô cùng may mắn được ở trong nhà mẹ, được làm con của mẹ. Là con nuôi, nhưng Hiền không muốn ai nghĩ cô là con nuôi của mẹ Thái Nhĩ. Cô muốn che đậy thực tế này bởi cô sợ mẹ buồn, mẹ sẽ lo một ngày nào đó cô sẽ bỏ mẹ để đi tìm máu mũ của mình.
Tới tuổi mộng mơ, trong tâm khảm Hiền chỉ có hai đấng thiêng liêng cô hằng yêu quý đó là Đức Mẹ Maria và mẹ Thái Nhĩ. Cô tin tình yêu đó là vĩnh cửu. Mọi tình yêu khác dù có nồng nàn vẫn là tạm bợ, sẽ gieo nhiều khổ đau cho cô. Mẹ Thái Nhĩ nhiều lần cũng gần xa với cô như vậy và cô cũng cho là mẹ không sai.
Mặt khác Hiền cũng là hạnh phúc nơi trần thế mà mẹ Thái Nhĩ phải chịu ơn. Mẹ có Chúa Ki-tô động viên khích lệ mẹ những lúc khó khăn nhưng Chúa không hữu hình trong mắt mẹ. Mẹ thấy bóng hình Chúa nhưng mẹ không sở hữu được Người. Người là mật ngọt, là sự cứu rỗi, bình an…nhưng làm sao mẹ nhận biết hết chừng ấy nếu không được chạm nỗi đớn đau của cuộc đời này.
Chỉ có Hiền, con gái bằng xương bằng thịt mẹ ấm lạnh trên tay. Chỉ có Hiền, khi ốm đau, mẹ phải đêm khuya thao thức dỗ dành con. Và chỉ có Hiền mới đỡ đần cho mẹ sớm hôm khi tối lửa tắt đèn.
Khi Hiền đẹp lên cùng năm tháng thì lo lắng phải rời xa cô càng đong đầy trong lòng mẹ Thái Nhĩ. Trong một đêm mưa gió lạnh lẽo, mẹ dè dặt tâm tình cùng con gái: “Mẹ chỉ biết mỗi việc Đạo, việc đời  mẹ không rành  rẽ. Việc Đạo, mẹ có thể giúp con chu đáo để con hạnh phúc bình an trong tay Chúa. Việc đời thì mẹ chịu, không bảo đảm một chút gì cho con. Đời bất trắc, rủi ro cho con lắm !”. Tuổi thơ ngây, Hiền chỉ biết nghe lời với thấm nhuần rằng Đạo và đời khác xa nhau quá. Đạo tốt đẹp hơn đời, thế thôi !.
Rồi lâu sau, mẹ Thái Nhĩ lại nhắn nhũ câu được câu mất: “Nhà mình hồi giờ không có đàn ông. Đàn ông không thể ở trong nhà mình. Con biết đó, mẹ con mình thì sạch sẽ … Mẹ bị hen, mẹ không chịu mùi thuốc lá được…”
Mỗi lúc một ít dạy bảo; mỗi khi một chút dặn dò nhưng tựu trung, xoay quanh một việc mà Hiền hiểu rằng mẹ Thái Nhĩ đang dần xây bức tường phân cách cô với trần thế với lứa đôi ! Cô rất hiểu. Không vui mà cũng chẳng buồn. Cô rõ rằng mẹ đang tâm sự với cô nhưng tưởng như mẹ nói với ai chứ không phải cho mình. Bởi vì tâm hồn cô đang chơi vơi đâu đó giữa đạo và đời.
Dần dà mẹ Thái Nhĩ lấy lại niềm vui vì luôn có con gái nuôi đỡ đần bên cạnh. Mẹ được đền đáp. Nỗi cô đơn của mẹ được bù đắp bởi sự ân cần chăm nom của Hiền. Cho tới đầu năm 2002, mẹ Thái Nhĩ trở đau nhức khắp người, đau nhiều ở cổ và vai. Bác sĩ cho hay mẹ bị ung thư hạch đã di căn...
Thân xác mõi mòn nhưng tâm hồn mẹ thanh thản. Mẹ đã hoàn tất mọi công việc của Đạo và đời mà Chúa đã giao phó cho mẹ. Và rồi tháng 8 năm đó, mẹ đã ra đi an lành trong vòng tay và nước mắt ràn rụa của Hiền.
40 năm Hiền đã ở trong căn nhà này với sự đùm bọc của mẹ Thái Nhĩ. Nhiều khi cô thấy trống vắng nhưng rồi cũng không trống vắng lắm vì đã có Đạo và mẹ chở che.
Mười năm tiếp theo, kể từ ngày mẹ Thái Nhĩ ra đi, Hiền mới thấy nỗi cô đơn đó thật khủng khiếp. Cô không được tập dượt, đã không còn kịp nữa và không biết phải làm gì để đối phó với nỗi cô đơn tới đày đọa cô từng tháng ngày. Đạo thì xa xôi bất lực. Đã rõ, đạo không là cứu cánh cho cuộc đời cô.
Ngày hai bữa, cô lặng lẽ đón xe bus ra tận ngoại ô thành phố làm việc. Lặng lẽ đi lễ. Lặng lẽ về nhà. Một mình cơm nước, giặt giũ...mỗi ngày.
Cô không có duyên với đạo, không nợ với đời. Vòng tay cô không còn mẹ để ôm ốp nữa, trống không. Cô phó mặc hết thảy đời mình cho thời gian. Cuộc đời cô giờ đây đều đặn như tiếng tích-tắc của cái đồng hồ.
Tuổi 50 ! Mười năm nữa…tiếp mười năm nữa, có ai để cô tựa vào vai như mẹ ngày xưa không?
Đã muộn rồi đấy thôi !!!
 
1 Nguyễn Thị Hoài Nam (1920, Sài Gòn), Nguyễn Thị Vu Ninh (1922, Phan Thiết), Nguyễn Thị Thái Nhĩ (1924, Quy Nhơn), Nguyễn Thị Ký Mỹ (1926, Houston), Nguyễn Thị Như Kiêm (1928-Quảng Ngãi), Nguyễn Thị Hoài Ân (1930, Cali). Tất cả đã qua đời, hiện nay chỉ còn hai bà Hoài Ân và Ký Mỹ.
2 Ngày trước các giáo sư có bằng cấp (Cử nhân chẳng hạn) nhưng không đào tạo từ ngành sư phạm (Đại học / Cao Đẳng Sư phạm) khi đi dạy sẽ gọi là Giáo sư dạy giờ. (Không phải trả lương theo giờ dạy)
3 Chiếc áo màu xanh - Kim Tiến
 
Maria-Louis Nguyễn Thị Thái Nhĩ
Nghề nghiệp: Dạy học
Cô Nguyễn Thị Thái Nhĩ
Sinh ngày 09-02-1924, quê quán Cát Khánh, Phù Cát, Bình Định
Mất ngày 02-09-2002 tại Quy Nhơn


Cô Thái Nhĩ (1924-2002)  

Con của bạn không là của bạn. Họ là con của giấc mơ Đời.

The Prophet - Kahlil Gibran 

Kỷ niệm riêng 
Theo thứ bậc trong họ thì cô Thái Nhĩ là bà tôi nhưng ở đây tôi xin gọi bà là cô giống như các cô học sinh ở các trường Nữ Trung Học Quy Nhơn, Trường Trung học Công lập An Nhơn, Lớp dạy nghề ban đêm ở Ty Lao Động Bình Định, Trường Trung Học Sư Phạm Nghĩa Bình… là nơi mà cô Thái Nhĩ đã từng dạy môn học Nữ công-Gia chánh và Thủ công ngày trước.
  
Với học sinh, tôi biết dù các cô học trò chưa kịp nói lời tri ân tới cô nhưng hình bóng cô không hề phai nhạt trong tâm tưởng họ. Và tận đáy lòng mỗi người đều dành cho cô một tình cảm tốt đẹp đầy biết ơn về sự ân cần và lòng tận tụy dạy học của cô. 
 
Với gia đình tôi, thì vào những năm 50, 60 thế kỷ trước, như ba tôi thường nhắc, cô Thái Nhĩ là người chịu ảnh hưởng sâu nặng cách sống của các soeur người Pháp làm việc tại Quy Nhơn: khiêm cung, nguyên tắc và nhân ái. 

Xem tiếp...

Happy VALENTINE's Day !

All Kinds of Everything (1970)
Ca sĩ: Dana
Nhạc: Derry Lindsay & Jackie Smith
 

Xem tiếp...

Đăng Nhập / Đăng Xuất